Nếu thương Phật...

Thứ bảy - 20/04/2019 21:47 - Đã xem: 2642
 - Đối với Phật tử (những người con Phật, không phân biệt tại gia hay xuất gia), những sự kiện liên quan đến cuộc đời của Đức Phật đều có ý nghĩa thiêng liêng, vô giá.
Phật đản, dễ hiểu nhất chính là mừng ngày biểu hiện của Đức Phật dưới hình hài Thái tử Tất Đạt Đa nơi cõi Ta-bà này. Thế gian thường gọi sự kiện ai đó ra đời là ngày sinh nhật nhưng với sự kiện Phật ra đời, ta quen gọi là Phật đản. Nếu tính theo lịch thời gian, Ngài đã biểu hiện từ hơn 2.600 năm trong lòng Phật tử hoặc những ai có chí nguyện và thực hành con đường yêu thương, hiểu biết. 
 
neuthuongPhat

Theo truyền thuyết hoặc trong kinh ghi lại, sự kiện này đã làm chấn động chư thiên, hoa mạn-đà-la và thiên nhạc tấu khúc hoan ca, trầm hùng...

Sự biểu hiện của Thái tử Tất Đạt Đa cho đến Đức Cồ Đàm là cả quá trình tri kiến, ngộ nhập, đạt đạo và hành đạo.

Nhân ngày Khánh đản, trong tư thế phủ phục sát đất trước tôn tượng Đức Phật với lòng dạ chí thành và với tính thiện trong lòng, ta như nghe khúc:

“Phổ môn vọng tiếng triều dâng

 Bé thơ xuất hiện giữa lòng đóa sen

Cam lộ một giọt rưới lên

Xuân về trên khắp mọi miền núi sông”.

Ta được tiếp xúc với Ngài như dòng suối ngọt trong, tưới mát những vùng đất khô cằn, nóng bức, mang mùa xuân đến cho muôn loài, vạn vật. Mùa xuân này là mùa xuân của thương yêu, hiểu biết, của vỗ về, đỡ nâng.

Nhân ngày Khánh đản, ngoài việc “kết những tràng hoa vi diệu nhất, hương thơm, âm nhạc và tàng lọng, con đem chúng dường khắp hết các Như Lai”, ta hãy noi theo nếp sống từ bi, trí tuệ, hòa ái đối với tự thân và tha nhân.

Nhớ nghĩ điều lành, nói điều lành, làm điều lành là như có Phật bên mình, không xa cách.

Dù có miệt mài bôn ba nơi cõi Ta-bà qua tháng rộng năm dài, đừng đợi đến lúc chùn chân mỏi gối thì ta mới dừng nghỉ. Hãy biết trở về chính tự thân ta, chăm sóc cho ta và cho những người mà ta đã nguyện yêu thương. Khi biết trở về thì ta sẽ biết nhu yếu, những thao thức của mình. Trở về tự thân cũng chính là trở về nguồn xưa - âu đó cũng là lời tuyên bố đầu tiên mà hài nhi Tất Đạt Đa, chân bước trên hoa sen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, đã tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ - Duy ngã độc tôn” (trên trời dưới đất - chỉ có Ta là tôn quý). “Chỉ có Ta” ở đây là khả năng tự soi chiếu, khả năng thức tỉnh, tự trở về bản thân. Cái quý ở mỗi người tu Phật là biết nhìn lại chính mình.

Nếu thương Phật thì ta hãy sống tử tế với nhau, nhìn nhau bằng mắt thương, nói với nhau bằng ngôn từ hòa ái, có tính cách dựng xây và nâng đỡ.

Nếu thương Phật thì ta hãy tập sống sẻ chia. Sẻ chia những gì mình đang có với những người đang thực sự thiếu thốn.

Nếu thương Phật thì ta hãy làm sao để Phật đản sinh trong lòng mình mỗi ngày chứ không đợi đến ngày rằm tháng Tư mới thấy “Phật về”. Gặp nhau, ta nở được nụ cười thân thiện, thầm niệm câu “Sen búp xin tặng người - một vị Phật tương lai”.

Nhìn về thế giới ngày nay đang đối diện với nhiều vấn đề như: chiến tranh, nghèo đói, hoạn họa. Những vấn đề này luôn tồn tại qua các thời kỳ nhưng mỗi thời có những cấp độ khác nhau. Trước những cảnh khổ nếu là Phật tử thương Phật, ta nên có động thái góp năng lượng hòa bình, góp bàn tay nhân ái để xoa dịu. Trong khi phụng sự, đóng góp thì ta cũng nên biết cách trở về chăm sóc cho chính mình thật tốt, thật hòa ái. Chỉ có yêu thương mới có thể hàn gắn, xoa dịu.

Nếu thương Phật thì ta hãy sống cho có tình thương, thấu hiểu.

Nguồn tin: Giác Ngộ.:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây