CHÙA LÀNG TÔI.

Thứ bảy - 27/01/2018 01:59 - Đã xem: 5309
Chùa làng tôi tôi chẳng biết đã có tự bao giờ, lớn lên tôi đã thấy có chùa ở đó, nhớ ngày nhỏ mẹ dắt tay tôi ra sân kho tập trung nhận lớp học vỡ lòng, ngày ấy thiếu phòng học nên chúng tôi những lớp nhỏ tuổi nhất xã phải học tạm dưới nhà kho, hay mái đình, xóm nào nào gần chùa thì học lớp ngay trước hiên nhà Tam Bảo, có đứa bạn nhà ngay cạnh sân kho cứ đến giờ ra chơi là chạy một mạch về nhà ăn mò cơm nguội ăn no rồi lại chạy ra lớp học, nhà chúng tôi ở xa lớp hơn thì rủ nhau ra con mương sau lớp xem nước chảy, nhìn qua bãi ruộng rộc thấy thấp thoáng mái nhà cổ kính rêu phong sau bóng cây muỗm cổ thụ nhìn rất thanh bình và có phần bí ẩn, có lần tôi hỏi mẹ mẹ bảo bên đó là chùa Cheo đấy, đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy mái chùa làng mình.
Lớn lên trong vòng tay gia đình và tình làng nghĩa xóm, chúng tôi được học chữ được vui chơi mỗi khi tết trung thu đến, nhưng chẳng ai trong làng dạy chúng tôi biết đến chùa triền, nên tôi tất mơ hồ về điều đó, chẳng biết đền thờ những gì và chùa thờ những gì, tôi cứ nghĩ rằng là chùa chỉ để dành cho các cụ cao niên ngày tuần, rằm, đến lễ bái, cầu an, cầu mát, trong ký ức tôi nhớ nhất là cứ mỗi lần tết đến được diện những bộ quần áo mới chạy tung tăng ra đường, thì thường hay bắt gặp các vãi bà mặc áo dài cổ đeo tràng hạt cuối dây tràng còn đeo một cái túi gì nho nhỏ mà tôi không biết tôi rất tò mò vì điều đó, các vãi đi theo từng đoàn tôi biết là các vãi đi chùa Treo hay Chùa Nghạch, chúng tôi thường chạy theo các vãi mà nói lớn A Di Đà Phật, ngay lập tức các vãi cũng đáp lại A Di Đà Phật và chúng tôi thích thú cười vang, sau này lớn lên mới biết câu niệm danh hiệu Phật đầu tiên trong đời tôi là như thế.
Trường làng tôi ngay gần một ngôi chùa, đường làng tôi cũng rất to và đẹp hai bên đường bóng tre, bóng ruối  lúc nào cũng tỏa mát cả ngày, nhưng bọn con trai chúng tôi thì không bao giờ đi theo lối đó, mà rủ nhau vượt qua cánh đồng Lỗ Muống rồi lên bãi chăn nuôi, có khi chúng tôi mạnh dạn rủ nhau tạt qua chùa mà  xem ông thiện, ông ác, và đây là lần đầu tiên trong đời tôi đặt chân đến chùa. 

IMG 20200607 082431

Nhớ những buổi trưa hè tháng 6 theo mẹ ra bờ kênh mò dong tảo về làm thức ăn cho lợn, trời nắng quá mẹ dắt tôi lên chùa Treo tránh nắng, tôi thấy chùa vắng vẻ quá tự nhiên tôi thấy hơi sợ, nhớ lại mới biết là hồi ấy chùa làng tôi vẫn chưa có các Thầy về trụ trì, quanh năm chỉ có các cụ thủ từ trông nom quét lá rụng mỗi sáng, vì không có các Thầy dẫn dắt giảng giải cho nên các vãi chưa biết nhiều về Phật Pháp và như thế mỗi lần khóa lễ ngày rằm hay mùng một tôi vẫn hay nghe các cụ phàn nàn về chuyện miếng oản to miếng oản nhỏ, và chuyện tranh nhau ngồi trước ngồi sau, có rất nhiều lần tôi đi bắt cua, mò ốc cùng bạn dầm mình hàng giờ đồng hồ dưới dòng kênh phía trước nhà chùa, và rồi tôi biết bơi cũng từ con kênh êm đềm chảy trước sân chùa đấy nhé, tắm xong nắng quá chúng tôi rủ nhau lên chùa ngồi đánh đáo, chán trò chúng tôi treo lên cây muỗm cổ thụ trẩy xuống mỗi người một vạt áo muỗm xanh, tôi nghĩ đến các em ở nhà không có cái ăn vặt vậy là tôi chạy một mạch về nhà, mang nguyên cả vạt áo muỗm về cho em, nào ngờ bị mẹ gặng hỏi tôi mới thú thật là muỗm trẩy trộm bên chùa, kết quả là tôi bị mẹ cho ăn đòn vì tội trẩy muỗm non, mà lại là trẩy trộm nhà chùa nữa chứ, đấy tôi nghịch ngợm và bị mẹ cho ăn đòn là như thế đấy.
Năm tháng trôi qua tôi cũng đã lớn, vì nhà đông em nên tôi phải bỏ học dở chừng theo anh chị đi làm thêm kiếm tiền nuôi thân và đỡ đần cha mẹ cho các em ăn học, tôi làm đủ thứ công việc, tôi cũng đã từng có nhà riêng dưới ngoại ô thành phố, cuộc sống thăng trầm và rồi tôi lại khăn gói về quê, lần này tôi về quê ở hẳn, năm mới đến tôi cũng theo anh theo em sang chùa đi lễ đầu năm, và rồi tôi được chứng kiến cảnh nhộn nhịp nơi thiền môn thì ra chùa làng tôi đã có Thầy về trông nom trụ trì đèn hương cúng Phật, đến ngày hội tôi còn được xem diễn chèo đoàn chèo do các Thầy thỉnh về biểu diễn phục vụ nhân dân, so với trước kia thì chùa làng tôi đã ấm lên rất nhiều sớm chiều nghe tiễng mõ, câu kinh, mỗi năm Thầy tổ chức một ngày hội vào dịp đầu xuân, người làng tôi kéo nhau xem đông lắm, các trò chơi có giải thưởng đàng hoàng, thanh niên, già, trẻ, đều vui, dần dần ngày hội của chùa thành ngày hội mà không thể nào thiếu được trong lòng người dân làng tôi, ai ai cũng háo hức mong chờ sau những ngày tết, và cứ thế người dân quê tôi biết đến chùa nhiều hơn thường lệ, có người còn biết lễ Phật rồi mới ra xem hội, tôi cũng thấy mình hiểu biết nhiều hơn về Phật, về Pháp, về Tăng,
Có Thầy về trụ trì chùa làng tôi xây dựng ngày một khang trang, rồi Thầy mở Pháp Hội cầu siêu, hàng ngàn Phật tử theo về tu học, tôi thấy làng mình được nhiều người biết đến, và tôi nhận thấy một tầm nhìn của Thầy dành cho quê hương chúng tôi, vào ngày Pháp hội người dân làng tôi tranh thủ làm thêm kiếm thu nhập, người chạy xe ôm, người bán mớ rau xanh, người thì đem củ, quả, đủ thứ nông sản toàn là nông sản sạch tự sản tự tiêu, tôi thấy vui vì người dân cũng có thêm phần thu nhập, nhưng cũng thấy buồn vì còn có những người tham quá mà mất khôn, tranh dành chỗ ngồi, có khi còn giăng bạt che kín cả cổng chùa, nói năng thì lỗ mãng, âu cũng là nhân sinh vô thường, biết đâu một ngày kia họ hiểu về Phật Pháp lại thay đổi có ngày, 
Còn tôi giờ phút này ngồi đây viết lên những dòng chữ này, trong lòng tôi cũng thấy yên bình và thanh thản, sau những thăng trầm của cuộc sống mưu sinh, với Phật Pháp tôi vẫn còn là một đứa trẻ lên ba, đôi khi còn lúng túng vụng về, nhưng tôi tin tôi sẽ tìm hiểu được, và tu học dần dần, chùa làng tôi sẽ ngày một khang trang sạch đẹp, ngày càng nhiều Phật tử được tu học theo Thầy, và rồi cứ như thế tiếng chuông chùa sẽ vang vang đều đặn mỗi chiều, bất chợt tôi nhìn ra phía gác chuông một đoàn hơn mười em học sinh trường làng theo nhau vào chùa vãn cảnh, tung tăng ríu rít như chim non, nhưng kìa trước Tam Bảo các em biết trang nghiêm đảnh lễ, vậy nghĩa là làng tôi đã có phước tự bao giờ.
 


 

Tác giả bài viết: Đáng Trần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây