Người Thầy tôn Kính của chúng tôi

Thứ ba - 01/10/2013 12:05 - Đã xem: 15475
Có nhiều người hỏi tôi: “Tại sao nhà ở Trung tâm Thủ đô mà phải đi xa gần 50 km để tu?”. Có nhiều yếu tố, nhưng quan trọng là nhân duyên đã dẫn dắt tôi đến tu học nơi có người Thầy rất đáng tôn kính.
Người Thầy tôn Kính của chúng tôi
NGƯỜI THẦY TÔN KÍNH CỦA CHÚNG TÔI

            Có nhiều người hỏi tôi: “Tại sao nhà ở Trung tâm Thủ đô mà phải đi xa gần 50 km để tu?”. Có nhiều yếu tố, nhưng quan trọng là nhân duyên đã dẫn dắt tôi đến tu học nơi có người Thầy rất đáng tôn kính.

            Sau nhiều thăng trầm của cuộc đời, tôi an phận về nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước. Cuối năm 2012 tôi theo một số bạn đến tu trong đạo tràng của một ngôi chùa gần nhà giữa Trung tâm Thủ đô Hà Nôi. Tại đây, tôi cũng bước đầu học hỏi được một số vấn đề cần thiết cho một người Phật tử tu tại gia. Tuy nhiên, còn rất nhiều bỡ ngỡ vì quá thiếu kiến thức Phật Pháp.
 
            Thật may mắn với tôi, vào dịp Tết Nguyên Đán Quý Tỵ (2013) vừa qua, tôi được một số bạn (quen nhau trong dịp làm từ thiện tại một trung tâm nhân đạo) rủ đi lễ ở Chùa Tản Viên.
              Tại đây, chúng tôi được Lễ Phật và thăm quan toàn bộ công trình đồ sộ với tổng diện tích quy hoạch trên 20.000m2. Qua sơ đồ giới thiệu và trực tiếp chiêm bái tại các khu tôn tượng, Tôi được biết, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sư Ông – Đại Đức Thích Đạo Thịnh (trụ trì Chùa Tản Viên và Khai Nguyên), chỉ trong 5 năm công trình mang tầm cỡ Quốc gia, Quốc tế này đang từng bước được hoàn thành.
              Trong đó phải kể đến khu chính điện Thích Ca, được an trí ba tôn tượng: Tôn tượng Đức Phật Thích Ca bằng gỗ mít cao 7,78m là tôn tượng bằng gỗ mít lớn nhất Việt Nam hiện nay. 
 
CanhChuaTanVien DSC08743 1600x1200
    
 
 
              Hai bên tả hữu là hai tôn tượng Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền cao 3,5m.
              Khu nội viện là tôn tượng đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai đầu tiên và lớn nhất thế giới với chiều cao 35m. Chính điện được an trí tôn tượng Phật mẫu Chuẩn Đề nghìn tay nghìn mắt cao 12m, là tôn tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn bằng gỗ mít cao - lớn nhất thế giới. 
             Tôi vô cùng xúc động khi được nghe các Phật tử của Chùa Tản Viên và Chùa Khai Nguyên cùng đi trong đoàn kể lại những chứng kiến của họ về quá trình xây dựng và những câu chuyện vô cùng cảm động về người Thầy của họ.
              Những câu chuyện thực sự gây sự chú ý lắng nghe của tôi trong suốt chặng đường dài trên ô tô và khoảng thời gian leo núi.
            Tôi đã xúc động đến trào nước mắt khi được các Phật tử dẫn đến tận nơi cái lán tre đơn xơ ở dưới hàng cây rừng mà Sư Ông đã sống và làm việc ở đó trong những năm xây dựng Chùa.
 

 
               Tôi hình dung khối lượng công việc quá lớn thật chẳng dễ dàng để biến một khu rừng núi cheo leo nơi đây thành một ngôi chùa có hạng như thế này.
 
                Hơn thế nữa, Sư Ông  không có chuyên môn xây dựng, lại không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mà phải trực tiếp chỉ đạo toàn bộ công trình trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Tuy nhiên, trong suốt 5 năm Sư Ông đã không quản khó khăn gian khổ “đội nắng dầm mưa”, chịu đựng bao mùa gió lạnh của những đêm đông giá buốt giữa núi rừng. Do công việc quá nặng nhọc, điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt, lại bị muỗi, vắt ăn cắn gây mẩn ngứa, Sư Ông đã mấy lần bệnh nặng, có lần phải chống trọi với căn bệnh thương hàn  tưởng chừng không qua khỏi.

               Song với sự gia hộ của Đức Phật, sự phát tâm cúng dường của Phật tử, thiện hữu nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt là nghị lực phi thường của một vị Tăng chân chính, Sư Ông đã vượt qua tất cả khó khăn thách thức, để hôm nay có được hai ngôi Chùa lớn cho tín đồ thập phương đến chiêm bái và cùng nhau tu tập.
               Hiện nay cả hai Chùa, nhất là Chùa Khai Nguyên còn bộn bề  công việc tiếp tục phải hoàn thiện một số hạng mục công trình.
               Chúng tôi đều biết, sức khỏe của Sư Ông rất hạn chế, nhưng không một ngày ngơi nghỉ, Sư Ông không những chăm lo hoằng pháp cho Phật tử của Chùa, mà còn luôn trăn trở quan tâm, tìm nhiều biện pháp nhằm cứu độ chúng sinh ở khắp nơi. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, Sư Ông đã tổ chức được hàng chục  Lễ Hội Trung phong ba thời hệ niệm tại Chùa và nhiều tỉnh huyện trên địa bàn phía Bắc, nhằm cầu nguyện Quốc thái dân an, cầu siêu cho chân linh các liệt sĩ, cửu huyền thất tổ của Phật tử cũng như các vong linh đang khổ đau trong oan nghiệp. Liên tục 2 năm (2012 - 2013) Sư Ông đã tổ chức Lễ Trung phong ba thời hệ niệm tại Nghĩa Trang Đồi Độc Lập ở Điện Biên Phủ và tỉnh Hà Giang để cầu siêu cho các liệt sĩ nơi đây. Nghị lực và lòng nhân từ của Sư Ông đã tạo nên sự nhiệm màu xuất hiện 7 sắc cầu vồng và nhiều hiện tượng huyền bí linh ứng của các vong linh đã  đem đến niềm hoan hỉ và sự an lạc cho đoàn Phật tử từ nhiều địa phương đến tham dự và nhân dân sở tại.
               Cùng với các công việc lớn liên tục diễn ra như vậy, Sư ông còn tâm huyết chăm lo cho thế hệ trẻ. Thời gian vừa qua, Sư Ông đã tổ chức nhiều hình thức thu hút sinh viên, thanh thiếu niên tham gia nhiều hoạt động bổ ích, góp phần không nhỏ làm lành mạnh hóa xã hội. Chỉ riêng năm 2013, Sư Ông đã chỉ đạo thành lập Câu lạc bộ Thanh thiếu niên có tên gọi “Hương từ bi” với gần 500 thành viên từ các trường đại học, phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội; Đăng cai tổ chức Hội Trại “Thắp sáng niềm tin” cho các Câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử trong địa bàn thành phố Hà Nội; tiếp đó Sư Ông lại mở Khóa học hè cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, đem lại hiệu quả đáng khích lệ, đem đến cho nhiều gia đình và xã hội sự an vui hạnh phúc. Một ấn tượng với Phật tử chúng tôi tại một số buổi học hè của các cháu thiếu nhi. Có nhiều cháu bé sau khi được nghe Sư Ông dạy học đã tự thốt lên những câu sám hối rất tự nhiên: “mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ! con có lỗi với mẹ! từ nay con hứa sẽ nghe lời mẹ!”, “Con rất yêu mẹ! con đã có lỗi không nghe lời mẹ, từ nay con không làm thế nữa”…
              Không chỉ có sức thuyết phục trong vị trí Chủ Lễ trong các lễ hội và đại lễ, nhất là các Đại lễ Trung phong ba thời hệ niệm và trong các buổi thuyết pháp giảng Kinh, mà Sư Ông con thể hiện là một nhà tổ chức đầy uy lực. Các lễ hội tại đây luôn có tới 3,4,5 nghìn người, trong đó có nhiều Phật tử tín đồ ở nhiều nơi trong cả nước đến ăn, ở nhiều ngày tại Chùa, nhưng tất cả mọi người đều hài lòng và an lạc với sự đón tiếp, phục vụ của Ban Tổ chức Chùa, đặc biệt là sự uy nghi, trang nghiêm và kết quả viên mãn của các lễ hội.
              Uy đức trang nghiêm trong các nghi lễ và trên giảng đường là vậy, nhưng cuộc sống đời thường của Sư Ông lại rất bình dị, khiêm nhường và trong sáng. Không ít lần tôi được nghe các đệ tử và Phật tử thường xuyên có mặt ở Chùa cho biết: các bữa chay thường nhật của Sư Ông rất thanh khiết, món ăn Sư Ông ưa thích luôn là bát canh xuông và quả cà, thanh đạm; Chẳng có gì ở cả hai Chùa này đối với Sư Ông là riêng tư, kể tất cả các loại tiền cúng tiến của Phật tử và thiện hữu thập phương Sư Ông đều chuyển hết cho các ban chuyên trách của Chùa để phục vụ cho việc xây dựng, tôn tạo phát triển Chùa.  
              Mặc dù hiện nay kinh phí của Nhà Chùa còn rất hạn hẹp, lại đang tiếp tục phải hoàn thiện một số hạng mục công trình lớn, nhưng Sư Ông luôn quan tâm đến nhân dân nghèo và những số phận thiệt thòi sống quanh vùng. Phật tử Đinh Lệ Tâm, sinh sống ở gần Chùa cho tôi biết: Từ khi Sư Ông trụ trì hai Chùa ở đây, hầu như các ngày lễ lớn và Tết năm nào Sư Ông cũng tặng quà cho người nghèo, người tàn tật; giúp một số địa phương vùng sâu vùng xa xây cầu, làm đường. Riêng ngày Rằm Trung thu gần đây, Ban Từ thiện của hai Chùa đã tặng hơn 400 suất quà cho các cụ già và trẻ em tàn tật ở hai Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật và Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An, huyện Ba Vì. Mới đây Hội Từ thiện của hai Chùa đã trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình bà Nguyễn Thị Thu, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội với trị giá 90 triệu đồng. Đầu năm 2013 nhà chùa đã hỗ trợ cho các cháu học sinh nghèo vượt khó trường THCS Xã Sơn Đông 30 chiếc xe đạp để các làm phương tiện đến trường. Ngoài ra ban từ thiện nhà Chùa còn đi thăm hỏi và phát quà cho một số hộ gia đình nghèo đặc biệt gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thị xã Sơn Tây và Huyện Ba Vì, trại phong huyện Quốc Oai…
             Không những chăm lo cho Phật tử, người nghèo, người bất hạnh trên cõi ta ba này, mà Sư Ông còn luôn tìm cách cứu vớt cả những linh hồn thai nhi bị ruồng bỏ  vạ vật trong các bệnh viện phụ sản, trên những bãi rác dơ bẩn. Trong nhiều bài thuyết giảng gần đây, qua thực thế xã hội và những câu chuyện trên báo chí, Sư Ông luôn trăn trở nhắc đến nỗi oan nghiệt này của hàng nghìn số phận thai nhi. Phật tử chúng tôi thấu hiểu nỗi niềm xót xa đầy thương cảm ấy đã khiến Sư Ông trăn trở trong cả giấc mơ của mình, rồi Sư Ông đã biến niềm thương xót ấy thành bài hát “mẹ ơi đừng giết con” gây xúc động đến tột cùng trong mỗi Phật tử chúng tôi. Chúng tôi không ai bảo ai, nhưng đều có chung một niềm xúc động lòng từ bi sâu rộng của Sư Ông. Chúng tôi hiểu rõ chính từ sự trăn trở ấy của Sư Ông mà tháng 5/ 2013 vừa qua tại Chùa Khai Nguyên đã diễn ra Pháp Hội Trung phong ba thời hệ niệm, cầu siêu cho các sinh linh của thai nhi có được kết quả viên mãn. Tất cả những ai đã dự lễ hội này đều thấy rõ sự màu nhiệm được thể hiện sống động trong 3 ngày diễn ra lễ hội. Hàng nghìn Phật tử chúng tôi được nhìn thấy hào quang Phật trong các thời lễ và những sinh linh nhiều vô kể trong lễ cúng chúng sinh khi màn đêm buông xuống…
 
             Thời gian chưa nhiều, nhưng những gì mắt thấy tai nghe trên đây đã gây cho tôi những ấn sâu sắc về đức độ, nghị lực và trí tuệ của một vị Tăng đáng kính nơi đây. Cũng chính vì vậy mà tôi không đắn đo, quyết tâm khắc phục khó khăn vượt đường xa trở thành Phật tử của Đạo tràng Tịnh tông học hội Việt nam đầu tiên do Sư Ông trực tiếp phụ trách tại hai Chùa Tản Viên và Chùa Khai Nguyên./. (còn nữa…)
 
                                                                           
  

Tác giả bài viết: Phật tử: Diệu Âm Tịnh Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây