“Tu sĩ phải tự bảo vệ mình trên không gian mạng”

Thứ bảy - 28/04/2018 01:55 - Đã xem: 2804
Tham gia diễn đàn của báo Giác Ngộ, HT.Thích Thiện Bảo, Phó ban Hoằng pháp TƯGH, Trưởng ban TT-TT GHPGVN TP.HCM, người nhiều năm làm công tác báo chí Phật giáo nói vậy...

* Hòa thượng đồng ý là đang có hiện tượng lạm dụng mạng xã hội của Tăng Ni? Và Hòa thượng có phản ánh về hiện tượng đó với Giáo hội chưa, thưa Hòa thượng?

HT.Thích Thiện Bảo: Tôi cũng có nhiều lần đề cập đến việc này trên các phương tiện truyền thông và ngay trong chùa của chúng tôi cũng có suy nghĩ nhiều cách để ngăn chặn - làm sao cho chư Tăng trong chùa giảm bớt việc sử dụng mạng xã hội nhưng đây là một điều không thể thực hiện được trong bối cảnh xã hội phát triển hiện nay, như không internet thì 3G và sắp tới là 4G... Có thể gọi đó là một vấn nạn của Phật giáo như một số vị tôn túc Phật giáo đang lo lắng cho nội tình Phật giáo hiện nay, qua những cảnh báo mà báo Giác Ngộ đã dẫn lại vừa rồi. 

Tuy nhiên, theo tôi, cuộc sống cái gì cũng có hai mặt, dù chúng ta đang sống trong môi trường tu viện, thiền viện… cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của cuộc sống đương đại, nên thay vì sợ tác hại và cấm đoán, chúng ta nên có hướng sử dụng tích cực. Theo đó, cấm Tăng Ni trẻ không dùng hay hạn chế là điều khó thực hiện, mong rằng các vị lãnh đạo Giáo hội nói chung và các trường Phật học nói riêng phải có những chuyên đề nói về lĩnh vực mạng xã hội một cách thực tiễn hơn để Tăng Ni hiểu thế nào là lợi và hại khi tiếp xúc. Đó được xem như là một phương pháp ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm của một vị bác sĩ đưa ra giúp cho người bệnh tự mình điều chỉnh những tác hại trong thời gian trị bệnh.

Thực ra, nếu hiểu hết những tác hại khi tiếp xúc với công nghệ thì tu sĩ trẻ sẽ giảm bớt theo hướng tự mình điều chỉnh chính mình qua những phương cách đã được giáo dục trong lúc học cũng như nội quy tại môi trường tự viện, thiền viện… mình sống.

* Vậy, theo Hòa thượng, người tu, Phật tử nên ứng dụng công nghệ, mạng xã hội vào việc gì?

- Công nghệ phát triển hiện nay giúp cho chúng ta gần gũi nhau hơn: từ châu lục này với châu lục khác không còn có khoảng cách không gian và cũng giúp cho việc tìm hiểu, học, nghiên cứu Phật pháp một cách dễ dàng, thuận lợi hơn, ngay cả trong việc truyền bá Chánh pháp và chia sẻ thông tin với những trải nghiệm trong các pháp hành của tông môn hệ phái. Như chúng tôi đã nói ở trên, cái gì cũng có hai mặt, nếu chúng ta không biết gạn lọc với một sự chánh kiến, ngược lại chúng ta có thể rơi vào đường tà thông qua sử dụng nhưng thiếu tuệ tri.

* Là người có nghiên cứu cũng như đã từng hướng dẫn nhiều khóa tu về chánh niệm, Hòa thượng có thể chia sẻ làm sao để lên mạng có chánh niệm?

- Trong kinh Đức Phật đã dạy các vị Tỳ-kheo thực hành thiền như sau: “Này các Tỷ-kheo, các ông nên thực tập để luôn luôn sống trong chánh niệm và tỉnh giác. Bất cứ làm điều gì, các ông phải làm với chánh niệm”.

Như vậy, người xuất sĩ trẻ và Phật tử có chút ít kiến thức về công nghệ thì nên xem internet là cánh cửa để đến với Phật pháp. Hàng ngày lên mạng, vào các trang mạng xã hội... không nên tham gia bình luận (comment), chỉ xem, quan sát những câu chuyện, tâm tư, tình cảm của mọi người cũng như biết được những bế tắc, đau khổ hay niềm vui cùng hạnh phúc của mọi người, từ đó biết cảm thông cho họ và rút ra bài học cho bản thân mình.

Chánh niệm có thể giúp các các vị xuất sĩ trẻ làm được điều đó. Phải làm sao để mình được sống trong chánh niệm khi làm việc mà không đánh mất mình trong công việc qua tiếp cận với mạng xã hội.

* Trong ý thức mình là một tu sĩ, hình ảnh của mình khi đưa lên mạng, vào xa lộ thông tin có thể ảnh hưởng tới niềm tin của Phật tử... thì Tăng Ni cần quán triệt như thế nào khi dự phần vào “thế giới ảo”, thưa Hòa thượng?

- Ngày nay một số vị xuất sĩ trẻ sử dụng mạng xã hội làm phương tiện hoằng pháp  và tìm hiểu nghiên cứu Phật học nhưng cũng có không ít tu sĩ đăng hình ảnh cùng các thông tin cá nhân lên Facebook với mục đích giải trí hoặc không có ý thức rõ tác hại của hình ảnh đó. Thực sự, rất phản cảm nếu tu sĩ đăng hình mang tính chất cá nhân như ăn uống, đi chơi, đùa giỡn… không phù hợp oai nghi, tế hạnh, đạo hạnh của người tu… Đây là vấn đề khá tế nhị, do đó nếu đăng ảnh thì phải biết lựa chọn những bức ảnh có lợi lạc như hình ảnh tu học, từ thiện, thư pháp, tượng Phật, cảnh chùa…

Mạng xã hội có thể coi là một trong những phương tiện truyền bá Phật pháp khá hữu ích trong thời đại này bởi phần đông người có tín tâm và muốn tìm hiểu về đạo Phật vì bận rộn công việc gia đình, cơ quan, xã hội... nên không có thời gian đi chùa, tụng kinh, ngồi thiền, nghe pháp nhiều. Nhờ vào trang thông tin trên mạng xã hội họ sẽ được nghe và đọc thêm nhiều kinh điển, tiếp thu kiến thức Phật pháp trong thời gian nghỉ ngơi ở mọi lúc, mọi nơi. Khi đó, những bài thuyết giảng, bài viết súc tích của người xuất sĩ đăng lên mạng xã hội sẽ rất lợi lạc cho mọi người.

Riêng với giới trẻ ngoài xã hội, khi mà họ ý thức được quay về nương tựa Tam bảo, dù trong không gian “ảo” thì đó cũng là nơi họ cảm thấy bình an và giúp tìm lại được chính mình. Khi đó có thể coi mạng xã hội chứa đựng tin Phật giáo như ngôi chùa online - là phương tiện truyền bá Chánh pháp mà người tu sĩ nên suy nghĩ, thực hiện.

Thời gian qua, có nhiều tu sĩ đã lạm dụng mạng xã hội để đưa lên những hình ảnh nghịch ngợm, trêu chọc, đùa giỡn... nên đã xảy ra những điều đáng tiếc như các phương tiện truyền thông báo chí đã đăng tải.

Thực sự thì mạng xã hội cũng là biến thể của những cái xung quanh mình. Có một thiền sư nổi tiếng đã từng có lời khuyên rằng: “Internet là một khu vực khổng lồ, nơi đó có điểm sáng và điểm tối nên phải biết lựa chọn”.

Theo đó, điểm sáng là sự kết nối chia sẻ, còn điểm tối đôi khi đơn giản là sự thúc giục mình truy cập, biết vậy thì mình phải nên làm chủ đừng để mạng xã hội làm chủ. Tóm lại, bên cạnh dùng mạng xã hội để làm phương tiện hoằng pháp độ sinh thì người tu sĩ nên dùng mạng xã hội để quan sát thôi.

* Nói như vậy, Hòa thượng có tham gia mạng xã hội hay ứng dụng công nghệ vào việc hoằng pháp của mình? Xin thầy cho biết kinh nghiệm cá nhân trong việc sử dụng các phương tiện hiện đại vào việc hoằng pháp, truyền thông Phật giáo?

- Thật tình tôi cũng không có kinh nghiệm nhiều về dùng mạng xã hội nhưng những năm tháng còn trẻ, khi mà Facebook, Viber, Zalo… chưa xuất hiện, tôi đã cùng một số huynh đệ trẻ lập room Chuyển Pháp luân ở phần mềm Paltalk (là một loại voice chat) do tôi chủ room - mỗi đêm các vị giảng sư được thỉnh giảng sẽ online với một chủ đề hay bài kinh và sau buổi giảng có những cuộc pháp đàm chia sẻ rất hữu ích.

Ở đó cũng tạo cho người Phật tử khắp nơi trên thế giới không có điều kiện đến chùa “dưới đất” được đến chùa - chúng tôi thường gọi đùa với nhau đó là “chùa online” với môi trường Phật học sinh động qua giảng đường trực tuyến hàng đêm. Khi tổng kết hàng năm, huynh đệ nhận ra những thành tựu nhất định và có thể gặp nhau ở Mỹ, Pháp, Đức...; khi có duyên offline, quý Phật tử về Việt Nam hoặc quý vị giảng sư Việt Nam có dịp ra nước ngoài, tạo một tình cảm quý mến trong đời sống thực tế.

Ngày nay việc giảng dạy trên mạng phong phú và đa dạng hơn như livestream những buổi giảng ở bất cứ giảng đường nào, người Phật tử ở bất cứ đâu trên thế giới có thể theo dõi qua Facebook, hoặc sau buổi giảng hay buổi lễ… đưa lên Youtube mà bất cứ ai cũng có thể nghe hoặc xem lại.

Tuy nhiên, phương tiện đó cũng tạo ra một “vấn nạn nhức nhối về truyền thông” hiện nay - không phải cho từng cá nhân mà cho cả xã hội trong đó có Phật giáo, như sử dụng công cụ vào việc xấu, thiếu kiểm soát nội dung trước khi đưa lên gây phản cảm.

* Hòa thượng nghĩ, Giáo hội có cần ra một văn bản hướng dẫn cụ thể việc tham gia mạng xã hội, ứng dụng công nghệ để tránh lạm dụng phương tiện này?

- Như chúng tôi có nêu ở phần đầu, một trong những biện pháp để đối diện với “vấn nạn nhức nhối về truyền thông” là mọi tổ chức phải tự điều chỉnh chính tổ chức mình. Mạng xã hội hiện nay sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa vì thế kỷ hiện nay là thế kỷ của công nghệ, do vậy tôi nghĩ GHPGVN phải có những lớp học hay tập huấn về ứng dụng và những điều cần phải biết khi sử dụng công nghệ, ngay cả với việc sử dụng smartphone (điện thoại thông minh - PV). Từ đó người xuất sĩ trẻ có thể tránh những điều không đáng có mà báo chí truyền thông, mạng xã hội đã đăng tải trong thời gian qua.

* Kính cảm ơn Hòa thượng đã tham gia diễn đàn!

Lưu Đình Long thực hiện

1043px Internet Explorer 10+11 logo svg

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây