Đọc sách ngàn lần - Tập 10

Thứ ba - 06/11/2018 00:11 - Đã xem: 2635

KHỔ TÂM CỦA NGƯỜI XƯA

Giáo viên: Xin chào thầy!

Thầy Trần: Xin chào mọi người!

Giáo viên: Thưa thầy, hiện tại chúng ta đã làm đến tập thứ 10 rồi, nghĩa là công việc lau chùi cái gương soi này của thầy cũng không dưới 10 lần rồi. Con cứ cảm thấy có phải là đã bị lặp đi lặp lại hay không? Có phải là đã nói hơi nhiều hay không? Nhưng con đột nhiên phát hiện ra, trong tập 9, khi thầy làm cái động tác đó, trong khoảng khắc đó, cái động tác này dường như mấy lần trước con đã sơ ý để cho qua, khi thầy làm lần này thì con mới đột nhiên nhập tâm, liền đi vào trong tâm, con liền hiểu ra vì sao thầy phải nói đi rồi nói lại. Thầy không biết khi thầy nói thì chúng có đang nghe hay không? Chúng con có nghe hiểu hay không. Khi thầy nói nhiều lần như vậy thì thầy không biết lần nào nói sẽ khiến chúng con hiểu, và chúng con sẽ được cứu, sẽ được lợi ích.

Đọc sách ngàn lần - Tập 10
Đọc sách ngàn lần - Tập 10

 

Thầy Trần: Cho nên cái gương này vẫn cứ phải lau, dùng lời của sư phụ là “nhất môn thâm nhập”, chính là minh minh đức, lau chùi cái tâm tánh, lau chùi tấm gương này. Bạn không thể nói lau vài lần. Tuy rằng là “nhất môn thâm nhập”, mục tiêu là một, chính là lau chùi cái tâm tánh, làm sáng minh đức, nhưng thời gian không đủ dài thì không được, “trường kỳ huân tu”, vẫn cứ phải lau. Nhìn thấy rõ được chưa? Chưa rõ thì tiếp tục lau. Làm thầy cô điều khó khăn là ở chỗ này, tận tình khuyên bảo. Sư phụ ngài giảng kinh đã 56 năm rồi, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh 49 năm, vì sao vậy? Chính là vì sự việc này, nhưng vì “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà không thể chứng đắc”, vĩnh viễn ở đó nói đi nói lại với bạn cũng chỉ là sự việc này, để xem đến khi nào thì có thể nói cho bạn hiểu. Bạn hiểu được rồi nhưng anh ấy chưa hiểu, anh ấy hiểu rồi nhưng còn người kia vẫn chưa hiểu. Cho nên nói sư phụ ngài đã giảng kinh thuyết pháp cho mọi người trên toàn thế giới, một sự việc này thôi mà nói hết năm này qua tháng nọ. Vì sao vậy? Không “trường kỳ huân tu”, chưa đạt đến trình độ nhất định, con người thật không dễ gì hiểu rõ được, không thể phá mê khai ngộ. Con nghe đến lần thứ 9, nhìn thấy động tác lau tấm gương thì có chút cảm ngộ phải không?

Giáo viên: Đúng ạ, đối với việc lau tấm gương thì phát hiện thì ra việc sửa đổi tập khí chính là đang lau chùi tâm tánh mình, đã có được chút cảm ngộ rồi.

Thầy Trần: Đúng vậy, cho nên bạn biết chúng ta phải học Phật Bồ Tát, đại từ đại bi, vô điều kiện, cứ ở nơi đó đặc biệt nói cho mọi người nghe một cách nhẫn nại, hễ nói thì nói cả một đời. Bạn nói xem, bạn có thể không cảm ân sao? Bạn có thể không cảm động hay sao? Trên thế gian có người như vậy sao? Rất ít. Các cô đã gặp được rồi, cho nên các cô làm Giáo viên chủ nhiệm nhất định phải biết không sợ phiền phức, gọi là học không biết chán, dạy không biết mệt. Đây là tinh thần của Khổng Lão Phu Tử. Cái phong thái tinh thần này, các thầy cô hiện nay nên học, các phụ huynh phải nên học, nếu không thì con cái của bạn sẽ dạy không thành được. Người làm mẹ tâm phải an định, “đọc sách ngàn lần” quá dài rồi, bạn xem, chính bạn đã không còn nhẫn nại, có phải không? Tại vì sao đọc sách phải ngàn lần? Chính là “trường kỳ huân tu”, vẫn là việc phải lau chùi cái gương. Ba - năm ngày thì không được, 1.000 lần không được thì 2.000, 2.000 lần không được thì 3.000, 4.000 lần, rất quan trọng. Đây chính gọi là giáo dục, chúng mới có thể có được thành tựu.

Học sinh: Xin báo cáo với thầy, con thông qua việc đọc kinh đã phát hiện việc đọc kinh có thể trưởng dưỡng được chánh khí của mình. Trước đây con rất sợ bóng tối,

Thầy Trần: Sợ tối, nghĩa là sợ đêm tối?

Học sinh: Dạ vâng, chỉ cần cầu thang bộ hơi tối một chút thì con đã không dám đi. Trước đây, có lần thầy bảo con đi lấy tài liệu, lúc đó ở trên lầu không có ai, con liền mở hết tất cả đèn ở trên lầu lên thì mới dám đi lên. Sau này thông qua việc đọc kinh điển, con đã gan dạ hơn so với trước rồi. Khi con sợ tối thì con liền nghĩ đến, trên “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” nói “bất khi ám thất” (chẳng có hành vi lừa dối khi ở trong buồng tối), con liền nghĩ bản thân mình không có làm những việc…

Thầy Trần: Việc hổ thẹn với lòng.

Học sinh: Dạ đúng. Việc không nhìn thấy ai thì tại sao phải sợ, như trên “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” nói “sở vị thiện nhân, nhân giai kính chi, thiên đạo hộ chi, phúc lộc tùy chi, chúng tà viễn chi” (mọi người đều kính trọng, trời ban phước cho, phước lộc theo đến, các tà lánh xa, thần linh bảo vệ cho người thiện), chư thiên quỷ thần sẽ bảo hộ cho bạn, vậy bạn sao phải sợ? Khi con đã nhớ đến đây, con hít thở một hơi và cứ đi thẳng lên. Nếu như là trước đây thì khẳng định là không thể nào.

Thầy Trần: Vậy thì con đã biết chính khí của con người là từ đâu mà đến, đó là từ việc hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Chúng ta làm một ví dụ, có một bà cụ đã hỏi tôi: “Cậu nói việc niệm Phật là rất tốt, nhưng mà tôi thì vẫn cứ rất sợ chết, sợ chết lắm”. Tôi nói: “Bà có biết vì sao mà sợ chết không?”. Chết rồi thì giống như một căn nhà tối đen, chúng ta không biết ở trong đó là cái gì? Có ai biết sau khi chết rồi thì nó ra làm sao hay không? Mọi người bởi vì không biết nên đã sinh ra sự sợ hãi, không có một ai lại nói ban ngày mà đi lên lầu cảm thấy sợ cả, bởi vì bạn nhìn thấy mọi thứ mà, phải không? Vậy chúng ta sợ hãi đối với cái chết là vì không hiểu được chân tướng vũ trụ nhân sanh, tình trạng sau khi chết thế nào đều không biết. Khi học Phật nghe sư phụ giảng kinh thì liền hiểu rõ, thì ra sau khi chết sự việc nó là như vậy, họ liền vững tâm rất nhiều. Bao gồm việc bạn có cách đi như thế nào, đi theo hướng nào, bạn có thể được cái gì, bạn có thể né tránh được cái gì? Tịnh Tông đã nói với bạn quá rõ ràng, sư phụ giảng “Tịnh Độ Đại Kinh Giải” cũng đã nói việc này, những việc liên quan đến đại sự sinh tử. Ngay cả việc trẻ nhỏ nên đọc sách như thế nào mà sư phụ còn dạy cho chúng ta. Việc là không kể to nhỏ, không có cái gì là không hiểu rõ, gọi là “an nhi hậu năng lự” (tâm an rồi thì mới có thể tư duy hiểu rõ), chân thật là có thể nhìn ra được. Ngài có thể làm cho thiên hạ an định, đó là nhờ vào gì vậy? Nhờ vào trí huệ cứu cánh viên mãn của ngài. Bạn thông qua ngài mà an định thiên hạ, thì bạn có thể thể hội được ngài có trí tuệ vô lượng vô biên. Đây chính là ý nghĩa của “an nhi hậu năng lự” (tâm an rồi thì mới có thể tư duy hiểu rõ), cứu cánh viên mãn.

Cho nên con người phải rõ lý. Lý ở đâu vậy? Đều nằm ở trong kinh điển của Thánh Hiền. Chúng đã phát hiện rồi, phát hiện ra quy luật, chân lý, chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Lúc nãy con đã nói ra những lời đó là con khẳng định đã tin tưởng, nếu con không tin thì con vẫn không dám đi. Khi con đã tin tưởng thì con cũng biết, dù cho mở hết đèn lên thì người đã làm những việc xấu ác vẫn sẽ run sợ, tay lạnh chân run, vẫn là không dám đi lên. Bạn mở đèn mà một cái sáng còn cái kia thì không sáng, thì bạn có dám đi lên hay không? Dám đi, vì sao vậy? Vì bạn đã biết được chân tướng của vũ trụ nhân sanh rồi. Cứ cho là ở đó có yêu ma ác quỷ thì chúng cũng không dám hại bạn, vì sao vậy? Bạn là chính nhân quân tử, bạn là người tốt. Bạn đã làm được Hiếu - Đễ - Trung - Tín - Lễ - Nghĩa - Liêm – Sỉ, nhân ái hòa bình, hơn nữa bạn còn phát đại nguyện tương lai hoằng pháp lợi sanh, vậy thì ai dám làm gì bạn? Vì bạn có thần hộ pháp, bạn cứ lần mò trong tối mà đi cũng không sao cả. Vì sao lại không sao? Tâm đã an định rồi. Cho nên, “tri chỉ” chính là biết đó là ác liền không làm, thiện thì làm nhiều, đây chính là giới luật, tâm của chúng tự nhiên sẽ an định. Vì sao vậy? Tự tánh vốn định, không có cái gì là không an định. Biểu hiện của không an định chính là lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn, đây đều là biểu hiện của sự không an định. Ở trong tự tánh không có những thứ này. Con người chỉ cần trở về với tự tánh.

Dựa vào đâu để trở về với tự tánh? Nhờ vào Kinh điển: “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Đệ Tử Quy”. Mở kinh ra, kinh và tự tánh tương thông nhau. Nói cách khác, tâm của bạn hiện tại đã bị ô nhiễm, cứ đang dao động, còn những kinh sách này thông với tự tánh, là định, cho nên bạn xem kinh sách thì bạn cũng định. Đây chính là tác dụng của kinh điển. Ngày trước rất là nhát gan, sợ cái này, sợ cái kia, hiện tại thì cái gì cũng không sợ, vì sao vậy? Khôi phục tự tánh vốn định, không còn sợ hãi nữa, không có điên đảo khủng bố. Đây là trong “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” nói. Vì sao vậy? Ở trong tự tánh của chúng ta không có, mà bạn đã khôi phục tự tánh rồi, sáng rõ cái minh đức rồi. Việc này dễ hiểu. Cho nên nói, tà không thể thắng chánh. Ý nghĩa chính là nói, tà vốn dĩ không có, chánh thì vốn dĩ là có, cái không có thì làm sao có thể thắng cái có được, không thể nói thông được. Bạn trừ khử đi cái không có thì nó tự nhiên sẽ chánh. Tà không thể thắng chánh là có ý nghĩa như vậy. Cho nên con nói cái chánh khí đã đủ đó, nếu như chủ tịch nước mà xem thấy những tiết mục này thì sẽ rất hoan hỷ, chủ tịch nước kêu gọi khôi phục năng lượng chánh khí.

Chánh khí là từ đâu tới? Là từ bản thân thế hệ trẻ, từ vạn dân thiên hạ người người nhà nhà. Bằng cách nào? Giáo dục. Dùng cái gì để giáo dục? “Đệ Tử Quy”, “Cảm Ứng Thiên” “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, người người đều học. Sư phụ nói, toàn dân học “Đệ Tử Quy”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, “Thập Thiện Nghiệp Đạo” “Sa Di Luật nghi”, đều là năng lượng chánh, đây đều là chánh, [học rồi] bạn không chánh thì bạn cũng chánh, bởi vì bạn vốn dĩ là chánh mà, do đó đất nước sẽ là đất nước quân tử. Làm gì nói trong đất nước quân tử mà lại không có năng lượng chánh, không có chánh khí chứ? Không thể nào. Mạnh Tử nói: “Ta khéo nuôi tính tình cương trực của ta”. Tính tình cương trực là từ đâu mà có vậy? Chính là bạn mở to hai mắt, đi từ dưới lên trên lầu tối. Vậy tinh thần hạo nhiên cương trực (cao thượng cương trực) đó từ đâu ra? “Đọc sách ngàn lần”. Có phải là do sách đã cho bạn hay không? Không phải, là bạn vốn dĩ đã có, bạn vốn dĩ là không sợ, vốn dĩ là hạo nhiên chánh khí, nhưng không biết. Sau khi nhận được giáo dục, bạn tự nhiên hồi phục lại.

Giáo viên: Xin hỏi thầy, vừa nãy thầy đã nói đến, chánh khí là đến từ việc hiểu rõ được chân tướng vũ trụ nhân sanh. Ví dụ như chúng con đọc kinh 8 giờ một ngày, có những em còn rất nhỏ khoảng 3 tuổi, 4 tuổi, 6 tuổi, chúng không hiểu ý nghĩa, nghĩa lý trong kinh văn, do đó, trước khi đọc kinh thì phụ huynh hoặc là thầy cô có cần phải đem đại khái ý nghĩa của kinh nói qua với các em hay không ạ?

Thầy Trần: Sự việc này chúng ta nói, khi “đọc sách ngàn lần” thì kinh văn cho chúng đọc tốt nhất là tương ưng với chúng. Nếu như quá cao thâm thì khi chúng đọc sẽ dễ sinh ra sự nghi vấn. Nếu như ý nghĩa bên trong chúng đều hiểu rõ thì dễ rồi. Thế nhưng nói đi thì nói lại, bạn sẽ hỏi có phải bởi vì chúng đã hiểu đạo lý bên trong nên chúng mới như vậy không? Không phải. Vậy chúng làm sao có thể làm được như vậy? Hiểu rõ đạo lý chỉ là nhập một một cách cạn cợt, chân thật là cái gì vậy? Nhất định phải ghi nhớ, là chúng “tự tánh vốn giác”. Lục tổ Huệ Năng Đại sư không biết chữ, ngài đọc sách như thế nào vậy? Ngài khôi phục tự tánh thì ngài đều hiểu rõ được hết, ngài đều an định. Đạo lý này mọi người nhất định phải hiểu, không phải nói là học đến đại học thì biết được bao nhiêu chữ thì tôi mới có thể hiểu được. Điều này là không đúng. Tự tánh vốn dĩ cái gì cũng đều biết. Bạn xem, đạo lý này mọi người phải biết, phải tiếp nhận. Hay nói cách khác, bạn chỉ cần khiến cho bọn trẻ được an định, thì dần dần,  tự nhiên trí huệ của chúng liền hiển hiện ra. Đây là thật. Đương nhiên Lục Tổ Huệ Năng Đại sư không phải là tu chỉ một đời này, ngài là tu đến đời này thì nó liền hiển hộ ra, không phải là người người đều có thể đạt được đến trình độ đó. Nhưng chúng ta phải hiểu rõ nguyên lý. Nguyên lý là gì? Không yêu cầu tri thức, không nên đi tìm nghĩa chữ ở trong kinh giáo. Cho chúng hiểu được nền tảng này, cái đó chỉ là phương tiện, tiếp dẫn chúng bước vào. Sau khi tiếp dẫn vào trong rồi thì chúng tự tu. Tuy rằng đạo lý ko dễ hiểu, nhưng mọi người nhất định phải hiểu tự tánh vốn giác, không nên hướng cầu bên ngoài.

Giáo viên: Thưa thầy, nhưng thô thiển một chút thì có phải là vẫn phải nên hiểu một chút.

Thầy Trần: Đúng vậy.

Giáo viên: Chúng ngay cả ý nghĩa của kinh văn cũng không biết thì căn bản là chúng không có cách nào để thực hiện. Như lúc nãy thầy nói là “bất khi ám thất” (chẳng có hành vi lừa dối khi ở trong buồng tối), chúng ngay cả câu nói này cũng không biết thì chúng không thể kết hợp vận dụng vào trong cuộc sống. Cho nên kinh điển đọc nhất định phải tương ưng với chúng. Việc này trong tiết mục trước chúng ta đã nói qua rồi. Con còn cảm nhận gì không? Con năm nay mười mấy tuổi rồi?

Học sinh: Dạ con 16 tuổi. Thưa thầy, thông qua việc đọc kinh con còn thể hội được đầu óc con so với hồi trước đã tốt hơn rất nhiều.

Thầy Trần: Trí óc tốt hơn.

Học sinh: Giống như hồi trước thầy giao việc cho con, chỉ một chút là quên mất, nghĩ mấy ngày cũng nhớ không ra. Nhưng thông qua việc đọc kinh, thì những việc mà thầy cô giao phó đều có thể nhớ được rõ ràng, dù là quên thì cũng có thể nhớ ra rất nhanh. Ngày trước thì đều không được.

Thầy Trần: 16 tuổi mà giống như 60 tuổi, mấy ngày cũng nhớ không ra. Nguyên nhân là gì vậy? Trước khi đến đây con có đi học không?

Học sinh: Dạ có đi học.

Thầy Trần: Con học đến lớp mấy rồi?

Học sinh: Dạ lớp 6.

Thầy Trần: 6 năm bị ô nhiễm mà trở thành người như 60 tuổi. Việc này không phải là trò đùa. Bạn chỉ cần cho con trẻ hiện tại làm việc chính đáng, thì đầu óc chúng không thể để tâm được. Bạn xem các thanh niên làm thiện nguyện này, làm đổ chén bể ly chỉ là việc nhỏ, nếu không phải là đổ cái này thì cũng ngã cái kia, nếu không thì quên cái này thì lộn cái kia, không nhớ được. Vì sao mà con người lại trở nên hồ đồ như vậy? Chúng lơ mơ, Thánh Hiền nói với chúng ta, đó là ngu si, là si của tham sân si mạn. Chúng vẫn rất lơ mơ hồ đồ. Si vẫn là ở phía sau, nhân của nó là gì? Nó là quả thì nhân là gì? Nhân là tham, càng tham càng hồ đồ. Ngày nay có đứa trẻ nào mà không tham? Mọi người hãy quan sát tỉ mỉ xem, đều tham cả. Cô học trò này tham ở trường 6 năm rồi, ở nhà tham đã bao nhiêu năm. Từ nhỏ tâm tham đã nuôi lớn, đầu óc không linh hoạt. “Đọc sách ngàn lần” là giới tham, muốn tham cũng tham không được, 8 tiếng đồng hồ là ở đó để lau chùi chiếc gương này, đem cái bụi dơ là tham đó lau chùi đi, vậy thì đầu óc liền nhạy bén trở lại, hồi phục lại cái trạng thái bình thường của nó, từ 60 tuổi trở về lại 16 tuổi. Mọi người nghe rồi vẫn cảm thấy e sợ, hiện tại lớp trẻ trong xã hội nếu không được khôi phục lại thì bạn phải làm sao? Chúng đều là có cái đầu óc của người 60, đều được người lớn hầu hạ.

Học sinh: Thưa thầy, khi con mới bắt đầu học, cũng có một cái nghi hoặc, chính là một ngày đọc 8 giờ đồng hồ, hơn nữa chỉ đọc một quyển kinh mà thôi thì có bị chán hay không? Sau đó, thông qua mấy ngày đọc kinh thì phát hiện ra ngược lại là càng đọc càng hoan hỷ, trong tâm càng thoải mái, càng an ổn, càng vững vàng.

Thầy Trần: Đọc được bao nhiêu ngày thì có được sự cảm nhận này?

Học sinh: Con đọc đến ngày thứ 10 thì có cảm nhận như vậy, thì phát hiện ra tâm mình càng ngày càng thấy rất hoan hỷ, hơn nữa rất an ổn, rất vững vàng.

Thầy Trần: Đúng vậy, ưa thích việc đọc. Nếu như nói với người ta đọc 8 giờ đồng hồ, họ chưa đọc thì đã chau mày bỏ chạy rồi. Chúng là càng đọc càng hoan hỷ, tâm hoan hỷ liền xuất hiện. Còn gì nữa không ?

Học sinh: Thưa thầy, con đọc sách còn có một thể hội, đó là khi đọc sách mà khởi tạp niệm nghĩ tưởng lung tung, thì con liền cảm thấy trong lòng rất khó chịu, cảm thấy thật không thoải mái, hơn nữa đầu cũng thấy chóng mặt. Sau đó con chuyển đổi ý niệm không suy nghĩ gì nữa, đem hết tinh thần đặt vào trong kinh văn, từ từ chỉ vào từng con chữ để đọc, thì phát hiện trong tâm thấy rất an ổn, rất thoải mái.

Thầy Trần: Không còn chóng mặt nữa.

Học sinh: Dạ đúng, chỉ một chút là hết.

Thầy Trần: Cô học trò nói những lời này thì mọi người phải suy nghĩ, chúng ta hiện tại là như thế nào? Nghe những lời chính đáng thì đau đầu chóng mặt: “Sao anh nói những lời này, nghe thật nhức đầu, tôi phải đi đây”. Con người hiện tại nghiệp chướng đến cùng cực, tà ác đến cực điểm. Các bạn xem cô bé này, “đọc sách ngàn lần” đến một lúc nào đó thì cô bé này như thế nào? Con đọc bao nhiêu ngày thì như vậy?

Học sinh: Dạ hơn 10 ngày.

Thầy Trần: Hơn 10 ngày mà cô bé bày đã có kết quả. Tình trạng gì vậy? Vừa có vọng niệm, vừa nghĩ tưởng lung tung thì chóng mặt, điều tà lệch đến thì cô học trò chịu không được, chứng tỏ thiện căn rất sâu, cô bé đích thực rất chánh. Có một số người chưa đạt được tình trạng này, nguyên nhân là gì? Chưa đủ chánh, chưa chánh bằng cô học trò này. Người càng chánh, người càng thuần, người có tâm cung kính càng mạnh thì vọng niệm khởi họ sẽ chịu không nổi, họ không thể tiếp nhận đối với những thứ này. Thiện căn phước đức sâu dày thì họ sẽ có sự biểu hiện này. Cho nên chúng tôi hy vọng các cư sĩ học Phật nên xem tiết mục này, đối với việc niệm Phật và tu hành rất có lợi ích. Nho - Thích - Đạo là tương thông nhau.

Giáo viên: Có phải là mọi người vẫn chưa có được sự cảm nhận của cô học trò này? Nghĩa là thầy thường hay nói là tấm gương vẫn chưa được lau chùi sạch sẽ, vẫn là cần phải lau chùi thêm nữa.

Thầy Trần: Chúng ta nhất định phải nên biết, người thuần tịnh thuần thiện, thiện căn sâu dày thì sẽ bài xích đối với cái tà rất mãnh liệt, một chút cũng chịu không nổi. Đó thật sự là khó được, đó thật là khó. Chúng ta phải biết học trò thì có cao thấp. Trước khi đầu thai đến, trước khi họ đến nhân gian này, thì thiện căn nhân duyên họ đều không như nhau, phước đức của họ không như nhau. Cho nên các thầy cô phải biết nhìn. Đây xem như căn tánh tốt. Con còn có cảm nhận gì nữa không?

Học sinh: Thưa thầy, con trong cuộc sống thường ngày cũng phát hiện, vọng niệm của mình và tạp niệm đã ít đi rất nhiều, hơn nữa tâm thanh tịnh cũng mạnh hơn lúc trước rất nhiều.

Thầy Trần: Đúng vậy, việc này chúng ta đều đã nói rồi, “đọc sách ngàn lần” cùng với cuộc sống là một sự việc, nó có ảnh hưởng cực lớn đối với cuộc sống.

Học sinh: Thưa thầy, con còn có một chút cảm nhận, chính là con dựa theo phương pháp mà thầy cô chủ nhiệm đã dạy cho con đó là chỉ tay đọc từng chữ từng chữ một, chữ chữ nhập tâm, không cần suy nghĩ điều gì nữa. Sau đó con cũng phát hiện cái hiệu quả này rất tốt, con đã thử đọc như vậy, cứ đọc mãi như vậy thì đột nhiên phát hiện là con có thể thể hội được Thái Thượng lão quân đối với hậu nhân chúng ta đã dụng tâm suy nghĩ rất nhiều. Vào buổi chiều hôm đó con đang đọc đột nhiên cảm thấy Thái Thượng lão quân ngài rất từ bi, đã đem thiện ác xấu đẹp nói rất rõ ràng cho chúng ta biết. Những việc ác bên trong đó, bất luận là nội tâm hay ngôn ngữ, hành vi hay những việc ác khi chung sống với người khác đều liệt kê ra cho chúng ta rất nhiều việc, nói rất rõ ràng minh bạch, đối với việc thiện lành thì nói rất đơn giản. Con cảm thấy chính là như thầy nói chúng ta cần có lòng yêu thương, bạn phải yêu thương người khác, tâm bạn phải có người khác, thường thường bố thí, thường thường cứu tế những người nghèo khổ. Nói rất đơn giản, khiến người nghe cảm thấy dù sao thì cũng có được lòng tin, cảm giác cảm thấy không khó, rất đơn giản.

Thầy Trần: Hay nói cách khác, thiện thì cái gì con cũng đều biết làm, không cần nói quá phức tạp với con. Những thứ ác, bởi vì sự ô nhiễm ở xung quanh quá nhiều, cho nên việc này phải cẩn thận, việc kia phải cẩn thận, cũng giống như người mẹ đang dặn dò con. Có phải là cái cảm nhận này hay không?

Học sinh: Dạ phải. Hơn nữa nghe được, xem thấy những việc ác đó thì liền sinh khởi tâm lo sợ. Đoạn phía sau của “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” có nói đến rất nhiều nhân quả, nghĩa là nói với chúng ta làm việc ác thì sẽ có quả báo, còn chúng ta làm việc thiện thì không những có thiện báo mà còn có rất nhiều chư thiên quỷ thần bảo vệ cho chúng ta. Sau cùng thì có một câu là “hồ bất miễn nhi hành chi” (sao không gắng sức mà làm?). Con nghe đến đây thì lại thấy càng cảm động hơn, Thái Thượng lão quân đã lao tâm khổ trí khuyên chúng ta, nói với chúng ta nếu làm việc ác thì sẽ có ác báo, nếu làm việc thiện thì sẽ có thiện báo, chúng ta vì sao mà không hành thiện mà ngược lại còn làm ác? Con đọc đến chỗ này thì con liền hiểu ra, chân thật là có thể thể hội được, Thái Thượng lão quân rất là từ bi.

Thầy Trần: Các bạn xem cô học trò nói ra những lời này, chúng tôi rất cảm động. Vì sao vậy? Cái tâm của cô học trò này có cảm giác rồi! Con người chúng ta hiện tại thì bị tê dại mất cảm giác rồi. Muốn tốt cho họ, nói lời dễ nghe với họ, họ nghe không hiểu. Bạn đem những lời hay ý đẹp này cho họ đọc, giảng giải cho họ nghe, họ thật sự là mặt ngơ không biểu cảm.  Chúng ta nói xong rồi, họ nghe rồi nhưng họ vẫn sẽ nói tôi đang rất bận, tôi đi trước đây. Bạn xem, khi họ ra cửa, bị gọi là thần kinh, có thể so sánh với em học trò này không? Gọi là không biết phân biệt tốt xấu. Chẳng lẽ cả thế giới đều là người như vậy hết hay sao? Bạn hiện tại đi trên đường đi, bạn dám cúi đầu chào người hay không? Ai dám làm chứ? Người học văn hóa truyền thống ai cũng biết cúi đầu chào, nhưng ai dám chào? Vì sao lại không dám? Vì giống bệnh thần kinh, cảnh sát sẽ đến bắt. Bạn làm những gì bạn muốn, cử chỉ lạ thường, [cử chỉ này của bạn] có ý nghĩa gì chứ? Hôm nay bạn đi đến đâu, bạn biếu tặng người ta một bộ đĩa đến đó, thì người ta chỉ vào bạn mà nói: “Đừng có làm như vậy với tôi, anh muốn gì chứ?”. Tôi nói đây là cho tặng, để dạy con cái cho tốt, rất nhiều người xem qua thì không ly hôn nữa. Họ chỉ vào tôi mà nói: “Anh là người lớn như vậy rồi làm một chút việc gì đó chính đáng đi có được không?”. Họ cho tôi là Pháp Luân Công, cho tôi là kẻ gạt tiền, họ không tin trên đời này vẫn còn người tốt nữa.

Cô học trò này thì tin. Tuy rằng cô bé chưa nhìn thấy qua Lão Tử, Thái Thượng lão quân nhưng đọc được những lời nói và văn chương lưu truyền lại liền cảm động. Hôm nay bạn là một người thánh sống ngồi ngay trước mặt họ thì họ cũng không tin, họ không thể cảm động, họ vẫn hoài nghi, tôi phải giữ chặt túi tiền của mình lại, anh đang có toan tính gì vậy chứ? Cho nên chúng ta sống ở trong thời đại này, làm sao để Hoằng Pháp lợi sanh, làm sao để giúp đỡ mọi người? Quá khó rồi, vì sao vậy? Vì cái tâm đó đã hồ đồ quá rồi, cái minh đức đã bị hồ đồ mất rồi, bên trên nó có lẽ là 18 tầng rác rồi. Bạn nghe thấy đều là mùi vị của rác, mùi vị của lương tâm thì không có. Bạn xem cô học trò này, cô đã có câu kinh văn này làm chỗ y cứ  thì  tương lai có lẽ nào không biết tốt xấu hay sao?

Hay nói cách khác, ngày nay mọi người đều không biết tốt xấu, thế nên con người lạnh nhạt với con người. “Anh giúp nó để làm cái gì?”, người hiện tại đều nói những lời này. “Anh giúp nó để làm cái gì? rõ ràng không phải là do anh làm”, những người đó đều gạt bạn. Bạn xem, tiết mục buổi liên hoan cuối năm gọi là “nâng đỡ hay không nâng đỡ”. Đây đã trở thành vấn đề mà đất nước phải thảo luận, đã đến mức độ như vậy rồi. Mọi người thảo luận về việc người già bị té ngã, người ta bị té ngã, chúng ta có nên đỡ dậy hay không? Việc này chứng tỏ điều gì? Chứng tỏ không biết là có nên đỡ hay không? Việc này mà cũng còn không biết sao? Thật sự là họ không biết. Bạn nói xem, nhân tâm đã loạn đến mức nào rồi? Không phải là không biết tốt xấu, mà là không còn giống con người nữa rồi. Trên đường bạn đi gặp một con chó hoang bị thương thì bạn cũng sẽ đưa nó về, rửa vết thương cho nó, bôi thuốc cho nó, băng bó vết thương, còn cho nó ăn nữa. Con chó đó sẽ nhìn bạn mà chảy nước mắt, quấn quýt theo bạn. Có một bộ sách là “Loài Vật Còn Như Vậy”. Nếu có thời gian mọi người hãy xem thử. Động vật, súc sanh mà còn biết cảm ân, còn biết tốt xấu.

Một đứa trẻ như vậy, bạn nói đứa trẻ như vầy thì ít thấy. Thật ra không hiếm đâu. Kỳ thực người người đều biết, chẳng qua là vì không có ai dạy. Trong lòng cô bé vì sao mà có thể tương thông được với Thái Thượng Lão Quân, với Lão Tử vậy? Cái tâm vốn có. Tâm cảm ân của cô học trò này người người đều có. Cô học trò này hiểu rõ, chỉ vì không có ai giúp lau chùi cái gương đó. “Đọc sách ngàn lần” vẫn là ở việc lau chùi, biết được tốt xấu rồi. Cho nên ngày nay chúng ta nhìn thấy ở trên mạng, trên báo, có rất nhiều người nói đối diện với văn hóa truyền thống, họ không cần ai cứu cả. Đây là họ đã nói: “Tôi không cần ai cứu gì cả, tôi rất ổn”. Được, tôi cảm thấy họ nói như vậy là cũng đã khách khí rồi, họ đích thực là không cần ai cứu gì cả. Vì sao vậy? Bạn xem có một quyển sách có tên gọi là “Cha Mẹ Là Họa Hại”, không phải là cứu hay không cứu, mà ngay cả cha mẹ mà chúng còn không cần nữa, thì bạn còn nói gì đến việc cứu giúp. Chúng sống rất tốt, nuôi nấng chúng lớn đến như vậy mà cha mẹ lại biến thành họa hại, nên chết sớm hết đi, nên biến mất sớm một chút. Con người hiện tại không phải là không biết tốt xấu, mà là đã ác đến cùng cực rồi, đã đi ngược lại với tự tánh đến mức mà trong lịch sử chưa hề nghe qua, đã mê đến cùng cực rồi. Bạn nói xem, bạn nên giúp như thế nào đây? Bạn giúp họ, họ sẽ mắng bạn, tạo khẩu nghiệp, hủy báng Thánh Hiền. Chúng ta biết, người học Phật cũng đều biết, việc đó tương lai thọ tội rất nặng, không phải là chuyện đùa đâu. A Tỳ Địa Ngục là có thật, chẳng qua là bạn chưa nhìn thấy mà thôi.

Trong “Hiếu Kinh” nói: “Phi thánh nhân giả vô pháp”. Giáo dục của Thánh Hiền bày ngay trước mắt họ, họ hủy báng, phê bình. Pháp là cái gì? Là quy củ, quy luật, là thứ tự của thiên hạ. Họ đang phá hoại. “Phi hiếu giả vô thân”. Người ta là hiếu tử hiền tôn, hiếu thuận, họ lại cười nhạo, châm chọc khiêu khích. Nên nhớ, những người đó không có người thân, họ cũng không biết yêu thương người, nên tránh họ xa một chút. Đây là “Hiếu kinh” đã dạy chúng ta, đó không phải là người, họ đã đi ngược lại với nhân tính rồi. “Thử đại loạn chi đạo dã”, thiên hạ vì sao lại loạn, hủy báng, không biết tốt xấu, sỉ nhục, từ bỏ, phê phán? Là từ đây mà ra.

Cho nên sư phụ ngài thường hay nói, lão tiên sinh Arnold Joseph Toynbee (Thang Ân Tỉ) là nhà đại lịch sử học của nước Anh, vào những năm 70, ông nói “muốn cứu nhân loại trong thế kỷ 21 thì chỉ có một phương pháp đó là học thuyết Khổng Mạnh và Phật giáo Đại thừa”, ngoài cái này ra thì không có cái gì để cứu được nữa cả. Phật pháp đại thừa, học thuyết Khổng Mạnh bày ra trước mắt, họ vẫn không tin, vậy làm sao bây giờ? Cần thiết phải có những thầy cô chủ nhiệm và các em học sinh như ở đây để làm ra cho mọi người xem. Mọi người ở đây chỉ là phao chuyên dẫn ngọc (thả con tép mà bắt con tôm). Chúng tôi hy vọng người trong thiên hạ đều làm cái thực nghiệm này, trường học “đọc sách ngàn lần”.

Lúc nãy tôi vừa mới hỏi một nghĩa công là sinh viên đã tốt nghiệp đại học là các em đã học chưa? Em trả lời trả lời là chưa học qua, xưa nay chưa hề nghe qua, căn bản là không có ai dạy, những điều được dạy thì đều là tương phản, là ô nhiễm tự tánh. Tôi nói đúng, sinh viên ấy nói nếu đại học mà dạy cái này thì quá tốt rồi. Tôi nói là phải nên bắt đầu dạy từ trường mẫu giáo, như vậy thì chúng ta có thể nhìn thấy được hy vọng của nhân loại, người người đều biết tốt xấu, đều biết cảm ơn. Đây không phải là niềm hy vọng của nhân loại hay sao? Ngược lại thì đó là điềm báo của sự diệt vong.

Tiết mục tiếp theo trong kỳ sau vẫn còn có các bạn học khác nữa, chúng tôi hoan nghênh mọi người ra sức lưu thông, hoằng dương, tự mình thực hiện. Xin cảm ơn!

--- hết---

Tác giả bài viết: Thầy Trần Đại Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây