Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Tịnh Độ Vấn Đáp

1. Sách Phật Học Vấn Đáp
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Nhóm Hoa Tạng Giảng Ký cung kính ghi chép
Download .doc: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.doc
Download .pdf: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.pdf

2. Học Phật Vấn Đáp 2004
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: Hiệp Hội Phật Đà Giáo Dục Hồng Kông
Thời gian: 30-7-2004

Chương 9: Câu hỏi 41 đến câu hỏi 45

TỊNH ĐỘ VẤN ĐÁP CỦA HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
Câu hỏi 41 đến câu hỏi 45
Câu Hỏi 41: Bạch Hòa thượng! Người tạo các nghiệp ác bị đọa vào địa ngục A-tỳ, vĩnh viễn không thể ra khỏi. Như vậy chúng sinh ở trên thế giới ngày càng ít đi sao? Kính xin Hòa thượng giải thích cho chúng con rõ vấn đề này!
Đáp: Chúng sinh hiện sống trong thế giới này đều do cộng nghiệp chiêu cảm đến ở thế giới này. Nếu chúng ta không bị cộng nghiệp thì tuyệt đối chúng ta không sinh đến thế gian này và gặp nhau. Như vậy mọi người từ đâu đến đây? Chúng ta là những di dân ở cõi khác đến đây. Chúng ta niệm Phật cầu vãng sinh về Tịnh độ chẳng phải là từ cõi Ta bà của đức Phật Thích Ca Mâu Ni di dân về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà sao? Phạm vi xoay chuyển trong luân hồi Lục đạo rất lớn, Lục đạo mà nhà Phật nói đến là tam thiên đại thiên thế giới. Tam thiên đại thiên thế giới có vô số các hành tinh, con người thường qua lại và sinh sống trong khoảng không gian rộng lớn vô biên này, không thể tính hết được. Đọa vào địa ngục không phải vĩnh viễn không ra được, mà phải chịu đọa trong khoảng thời gian rất dài. Thường trong kinh nói: Phải trải qua đến trăm ngàn kiếp, khi tội báo hết mới được ra khỏi.
Câu Hỏi 42: Kính thưa Hòa thượng! Nghiệp nhân phải chăng có thể chuyển hóa được? Xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Nghiệp nhân có thể chuyển hóa được. Trong tam pháp ấn của Phật giáo có câu: "Chư hạnh vô thường, chư pháp vô ngã". Tức là tất cả hành vi và nghiệp lực của chúng sinh cho đến vạn vật trong vũ trụ luôn chuyển biến không ngừng. Do đó, trong vũ trụ này không có thực thể nào tồn tại bất biến. Cho nên, gọi đó là không tánh. Có một bài kệ rất hay:
"Tội tánh bổn không do tâm tạo
Tâm được tịnh rồi, tội liền tiêu
Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không
Đó mới thật là chơn sám hối.

Vì vậy, có thể biết nghiệp nhân cũng là một thứ không tánh.  Vì là không tánh nên mới có vô thường biến hóa. Vô thường biến hóa là một cách giải thích cho "tánh không". Đã là chư pháp đều là duyên khởi tánh không - thì đương nhiên nhân duyên quả báo cũng bị chi phối bởi quy luật duyên khởi và vô thường. Quá trình từ nhân đến quả cũng là quá trình duyên khởi của vô thường biến hóa. Giả như nhân quả báo ứng chẳng phải duyên khởi tánh không thì không bị chi phối đối với luật vô thường biến hóa. Nếu không bị chi phối bởi luật vô thường biến hóa thì tất cả nghiệp lực hành vi của chúng sinh không thể tạo thành quả báo. Do đó, từ nhân đến quả phải trải qua quá trình biến hóa.  Nhân quá khứ đương thể là tánh không. Cho nên, sau này gặp duyên tốt có thể chuyển thành thiện quả. Ví dụ như có người trong đời quá khứ tạo tác nghiệp nhân địa ngục cực trọng,  nhưng khi gặp Phật pháp hoặc nghe lời khuyên của ai đó giúp họ thức tỉnh, thiết tha chí thành ăn năn sám hối, nhất tâm niệm Phật cầu nguyện vãng sinh. Việc vãng sinh được thành tựu là do sức mạnh của chánh nhân hiện tại, còn nghiệp nhân địa ngục trong quá khứ đã yếu dần đi. Bởi vì nghiệp nhân xấu ác kia đã được tịnh hóa, chuyển thành cái nhân niệm Phật ở trong tâm mạnh hơn. Vì vậy sau này họ chẳng bị thọ lãnh tội báo ở địa ngục, mà lại được vãng sinh về Cực Lạc Thế Giới, chứng được quả vị giải thoát giác ngộ.
Câu Hỏi 43: Kính bạch Hòa thượng! Sau khi mẹ con vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc, con đã đem hết số kinh sách của mẹ ra đốt và nghĩ rằng mẹ sẽ mang theo. Nhưng bây giờ con mới biết đốt kinh sách mang tội rất nặng. Vậy thưa Hòa thượng: Bây giờ còn phải làm sao sửa hết tội lỗi của mình? Mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Phật tử không biết đem kinh sách Phật ra đốt là có lỗi, chứ không có tội. Việc làm vô tình này thuộc về lỗi. Chúng ta phải phân biệt rõ ràng giữa tội và lỗi. Cái gì thuộc về tội thì rất nặng, còn thuộc về lỗi thì nhẹ hơn. Nếu như Phật tử đã biết mà vẫn cố ý đem ra đốt thuộc về tội. Trong đạo Phật, nếu vô ý phá hoại các hình tượng, vật dụng của Tam Bảo thì thuộc về lỗi, còn cố ý phá hoại hình tượng, chùa chiền... với tâm sân giận thì thuộc về tội. Tội làm thân Phật chảy máu là tội nghiệp nặng nhất, phải đọa vào địa ngục A-tỳ muôn kiếp. Còn Phật tử hãy cố gắng phát tâm sám hối để tiêu trừ lỗi lầm của mình.
Câu Hỏi 44: Bạch Hòa thượng! Có một vị cư sĩ trước đây làm nghề bán thịt, bây giờ muốn đổi nghề nhưng lại không đủ tiền để sinh sống, còn nếu không đổi thì sợ tạo nghiệp. Vậy kính hỏi Hòa thượng có cách nào giải thích cho anh ta hiểu? Xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Anh ta đã từng buôn bán thịt heo, chắc chắn rơi vào nghiệp sát sinh, tội này rất nặng. Nay giác ngộ được là điều rất tốt, rất ít người được như vậy. Nghề nghiệp sinh sống tốt nhất là không nên làm những nghề sát sinh hại mạng. Bây giờ có rất nhiều người mở quán kinh doanh buôn bán cá thịt, nhậu nhẹt, giết hại rất nhiều các loại động vật, tạo sát nghiệp rất nặng. Nếu Phật tử để tâm quan sát thì sẽ thấy: người làm nghề đó, bản thân họ và gia đình phải chịu nhận quả báo không được tốt đẹp cho lắm. Vừa qua ở Hồng Kông có vài quán kinh doanh như thế này bị quả báo vô cùng thảm khốc. Các việc bắt giết các loại động vật làm mất cân bằng môi trường sinh thái mà các báo chí truyền hình thường đưa tin và không cho phép mọi người làm như vậy. Những việc xảy ra ở Hồng Kông đã làm một số người tỉnh tâm hồi đầu, chuyển đổi nghề nghiệp kinh doanh buôn bán của mình. Nếu như trước đây họ buôn bán các món ăn mặn, phải giết hại các loại động vật thì nay họ đổi thành những món ăn rau quả, điều này rất tốt. Phật tử hãy khuyên bạn mình nên suy nghĩ lại và làm như thế thì rất tốt.
Câu Hỏi 45: Kính bạch Hòa thượng! Phải chăng các trường hợp bị thương do tai nạn đều do nghiệp nhân đời trước chiêu cảm quả báo? Mỗi lần công phu niệm Phật, con thấy có ma chướng rất nhiều. Các bạn cùng tu với con nói rằng: "Siêng làm việc công đức, rồi đem hồi hướng hết cho họ thì họ sẽ không còn quấy phá nữa". Nên con sợ mình rằng nếu làm như thế thì con không còn gì hết. Sau đó, phiền não lại càng nhiều. Vậy xin hỏi Hòa thượng nên làm thế nào? Mong Hòa thượng chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Không phải tất cả trường hợp bị tai nạn đều do nghiệp nhân đời trước chiêu cảm, có khi các tai nạn xảy ra do sự bất cẩn của chính mình. Thí dụ như chúng ta đi vào những vùng hoang vắng để vui chơi thì gặp rắn rít cắn hoặc bị cây ngã... đưa đến bị thương. Đây là do nhân đi đường không cẩn thận, chứ không phải do bị nhân quả chiêu cảm quả báo. Ở Trung Quốc ngày xưa có nói với hiếu đạo: Trong sinh hoạt hằng ngày, khi làm việc gì chúng ta cũng phải cẩn thận, không nên để thân thể bị tổn thương, làm cha mẹ phải khổ nhọc lo lắng. Đây là lời khuyên rất đúng và rất thực tế.
Còn về nghiệp chướng thì ai cũng có những oan thân trái chủ nhiều đời nhiều kiếp dù ít hoặc nhiều. Chúng ta không chỉ gieo thù, kết oán trong một đời này mà còn gieo trong nhiều đời nhiều kiếp trước. Chúng ta gây thù thì quên nhưng người oán thù thì họ không quên, cho nên những nghiệp chướng ấy không bao giờ mất. Vì thế, khi làm việc gì chúng ta hay gặp những chướng ngại và phiền não. Đức Phật dạy chúng ta phương pháp tu hành để hóa giải các chướng ngại đó rất hay. Đó là chúng ta không tu vì mình, vì mình là tự tư tự lợi, các oan thân trái chủ nhân cơ hội này sẽ đến tìm chúng ta mà gây các phiền não. Chúng ta tu hành phải vì tất cả chúng sinh, trong đó có cả oan thân trái chủ thì các oan nghiệp lập tức được hóa giải, con đường tu tập mới được hanh thông. Tất cả những hành vi sinh hoạt của chúng ta đều hướng đến việc cứu độ chúng sinh, dứt trừ tất cả các việc ác, làm tất cả điều thiện cũng không phải vì bản thân mình, phá mê khai ngộ cũng không phải cho bản thân mình, thành Phật cũng không phải vì mình. Miếng cơm, chén nước là nhu cầu để nuôi dưỡng thân thể. Mục đích tu tập là phục vụ cho tất cả chúng sinh. Nếu mọi việc làm của chúng ta đều thành tâm hồi hướng đến hết thảy chúng sinh thì kết quả vô cùng tốt đẹp. Còn nếu như Phật tử nói một đường mà làm một nẻo, chỉ lo tự tư tự lợi thì sẽ không có kết quả. Nói tóm lại, chúng ta phải vì hết thảy chúng sinh, không chỉ vì mình. Đó chính là đem tâm thành hồi hướng, sẽ giải trừ những oán kết nhiều đời. Đây mới đúng thật ý nghĩa hồi hướng.
Vì vậy chúng ta muốn khai mở tấm lòng rộng lượng, giống như tâm Phật và Bồ Tát "Tâm rộng như thái hư, trùm khắp các cõi". Tâm rộng lớn thì phước lớn, tâm nhỏ hẹp thì phước mỏng. Phật tử cần phải hiểu rõ đạo lý này.
/15
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây