Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Tịnh Độ Vấn Đáp

1. Sách Phật Học Vấn Đáp
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Nhóm Hoa Tạng Giảng Ký cung kính ghi chép
Download .doc: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.doc
Download .pdf: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.pdf

2. Học Phật Vấn Đáp 2004
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: Hiệp Hội Phật Đà Giáo Dục Hồng Kông
Thời gian: 30-7-2004

Chương 5: Câu hỏi 21 đến câu hỏi 25

TỊNH ĐỘ VẤN ĐÁP CỦA HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
Câu hỏi 21 đến câu hỏi 25
Câu Hỏi 21: Kính bạch Hòa thượng! Trước đây con có tình nguyện dâng hiến một bộ phận trong cơ thể của con cho người bệnh. Vậy con kính hỏi Hòa Thượng: Trước khi lâm chung, con muốn hiến dâng hết cả bộ phận còn lại, không biết làm như vậy có ảnh hưởng gì đến việc vãng sinh của con không? Xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Nếu như trước khi lâm chung, Phật tử muốn dâng hết những bộ phận trong cơ thể của mình cho việc từ thiện cứu người, điều quan trọng lúc đó Phật tử không một chút tâm sân giận, đau đớn thì Phật tử có thể làm được. Nếu như đến lúc đó, Phật tử thấy đau đớn khổ sở, sinh lòng hối hận thì nhất định Phật tử không đến được thế giới Tây Phương mà còn bị đọa lạc ngay tức khắc. Do đó, muốn làm được việc này đòi phải có chánh niệm, nếu không có sức tu và chánh niệm thì rất nguy hiểm. Phật tử hy sinh một bộ phân trong cơ thể của mình để hiến cho người bệnh, đó là việc rất tốt. Nhưng việc đó chỉ cứu một người và duy trì mạng sống của họ trong khoảng thời gian nào đó. Nhưng nếu Phật tử hết lòng tu hành, sau khi mình thành Phật sẽ cứu độ vô số chúng sinh khắp tận cõi hư không trong toàn pháp giới. Điều này Phật tử nên cần suy nghĩ lại cho chín chắn.
Câu Hỏi 22: Bạch Hòa thượng! Con chuyên tu pháp môn niệm Phật, quyết trong một đời vãng sinh về cõi Phật A Di Đà. Nhưng trong gia đình con có thờ cúng tiên cô. Đây là truyền thống từ lâu của gia đình, con cảm thấy đây là sự chướng ngại cho việc tu hành của con. Vậy kính xin hỏi Hòa thượng làm sao tránh được việc này, để đến lúc lâm chung việc vãng sinh không có gì trở ngại? Kính xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Trường hợp của Phật tử giống một Phật tử mà tôi gặp bên Hồng Kông. Vị Phật tử này có lòng mộ đạo vô cùng nhưng trong gia đình của anh ta cũng thờ cúng tiên cô. Khi trước anh chưa biết Phật, bản thân anh ta cũng rất tin vào việc này. Nhưng sau khi gặp được Phật pháp, anh lại bỏ hết. Còn riêng Phật tử đây hỏi có nên thờ cúng tiên cô hay không? Về mặt tình lý thì có thể được. Mỗi ngày Phật tử cố gắng tụng kinh niệm Phật cho tiên cô nghe, khuyến hóa tiên cô đồng niệm Phật với mình để cầu sinh về Tịnh độ. Đây là việc làm vô cùng tốt vì chính Phật tử đã hóa độ cho họ. Tiên cô còn gọi là tiên nhân, họ vẫn còn bị chi phối trong vòng sinh tử luân hồi, xuống lên ba cõi sáu đường; khi phước báu của họ hết, lúc lâm chung còn bị đọa lạc, chưa thoát khỏi sự sinh tử luân hồi. Chúng ta thờ cúng tiên nhân, quỷ thần, thỉnh họ làm những vị thần hộ trì Phật pháp, đặt bàn thờ của họ ở hai bên bàn thờ Phật, mỗi ngày theo thời khóa tu tập sáng tối thỉnh họ cùng chúng ta tu tập, không nên thỉnh họ đi chỗ khác. Phật tử theo thời khóa tu tập như vậy, nhất định họ sẽ giác ngộ. Còn nếu mình làm không khéo thì họ sân giận, không tha cho chúng ta. Do đó, khi làm việc thì phải tự lợi, lợi tha và hai bên đều có lợi.
Tôi thấy nhiều Phật tử, trong gia đình có hai bàn thờ, một bàn có bài vị thờ cúng ông bà tổ tiên và một bàn thờ Phật. Đây làm một điều rất đáng ca ngợi, tán thán. Bàn thờ tổ tiên ông bà đặt hai bên bàn thờ Phật, khi chúng ta lễ Phật là chúng ta lễ luôn cả ông bà Tổ tiên; kính Phật tức là kính ông bà Tổ tiên. Kính Phật là Tôn sư, kính ông bà Tổ tiên là hiếu đạo, việc làm này rất đúng pháp, rất đáng được ca ngợi và đề xướng. Ở Singapore, chúng tôi có xây dựng một điện đường, hai bên xây hai bàn thờ lớn và có bài vị: một bàn chúng tôi thờ tất cả dòng họ tổ tiên của dân tộc Trung hoa và một thờ tổ tiên đất nước dân tộc Singapore. Phật dạy chúng ta phải hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng.
Chúng ta phải hằng ghi nhớ câu này. Đây chính là vâng theo lời của Phật dạy.

Câu Hỏi 23: Thưa Hòa thượng! Kinh Kim Cang nói: "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm". "Sinh tâm" là chỉ tâm chẳng dính mắc vào sáu trần bên ngoài mà sinh tâm phân biệt. Còn chúng ta là những người niệm Phật, lấy phương pháp niệm Phật để an tâm, chẳng trụ vào sáu trần mà sinh tâm phân biệt. Vậy những người học Thiền tông thì tâm an ở chỗ nào? Xin Hòa thượng giải bày cho đệ tử hiểu!
Đáp: Ôi chao! Lo những chuyện này để làm gì! Họ có chỗ an tâm của họ, cần gì Phật tử phải lo cho họ. Ta có chỗ an tâm của ta thì được rồi. Ta an được tâm ta chưa, mà đi lo cho kẻ khác? Như thế thì tâm của Phật tử làm sao an nổi? Phật tử lo nhiều quá đi thôi! Người hành giả niệm Phật, chúng ta phải đem tâm an tại Tây Phương Cực Lạc Thế giới, an trụ với câu Thánh hiệu A Di Đà. Trong tâm mình chẳng có cái gì khác ngoài một câu A Di Đà Phật. Chúng ta phải đem tâm an tại chỗ này. Mỗi pháp môn tu tập đều có chỗ an tâm, lập mạng của pháp môn đó. Chúng ta không học pháp môn đó, nếu đi lo nhiều như thế thì tự mình làm chướng ngại cho mình. Trừ khi mình là người giảng kinh thuyết pháp, lợi sinh thì Phật tử cần nên biết nhiều để giúp chúng sinh, đó là điều cần thiết. Còn mình là người hành giả chuyên tu pháp môn niệm Phật thì phải quyết tâm tinh tấn hành trì, đến lúc công phu tu tập thuần thục, đó là điều rất quan trọng với mình. Nếu như trong khi tu tập vẫn còn hỏi đến các pháp môn khác, nhất định làm trở ngại tâm thanh tịnh của mình và công phu tu tập. Đạo lý này cần phải biết.
Câu Hỏi 24: Kính bạch Hòa thượng! Tại sao gọi là "thọ sinh trả nợ"? Có một Sư cô dựa vào việc này để cung kính và nói rằng: "Muốn ít trả nợ thì nên tụng Kinh Kin Cang để có thể chuyển được định nghiệp". Con đã nhiều lần khuyên vị Sư cô này không nên làm những chuyện như thế, nhưng Sư cô không nghe. Con cũng chẳng biết có cách gì để khuyên cho cô giác ngộ? Kính xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Con người sinh ra lớn lên ai cũng mắc nợ, có người còn mặc nợ của ma quỷ. nợ chúng sinh... nợ đời quá khứ và nợ đời này. Do đời trước thiếu nên đời này phải trả. Trả nợ là một việc tốt vì chúng ta thiếu nợ là chúng ta phải trả, điều này không thể tránh được. Quý Phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ đạo lý này.
Phật tử chúng ta có duyên lành gặp được Phật pháp, nếu ngay trong đời này, có thiếu nợ chúng sinh, thì mình vẫn vui vẻ trả, chẳng buồn phiền gì cả. Trong nhiều đời, nhiều kiếp chúng ta thiếu duyên lành nên không gặp được Phật pháp, nên không tránh khỏi những việc gây tạo tội nghiệp, gieo ân kết oán với vô số chúng sinh từ vô lượng kiếp đến nay. Vay trả - trả vay cứ xoay vần không thể kể cho hết được. Do vậy mà con đường đi đến giải thoát giác ngộ luôn bị chướng ngại. Nguyên nhân là ở chỗ này, hoàn toàn do chính mình gây tạo quá nhiều nghiệp bất thiện trong đời quá khứ.
Phật dạy chúng ta phải cố gắng tự mình nỗ lực tinh tấn tu hành, tụng kinh, lễ Phật sám hối, làm các việc thiện rồi hồi hướng công đức đó đến cho họ. Đó chính là chúng ta trả nợ. Muốn việc hồi hướng được viên mãn tốt đẹp thì phải bằng tâm chân thành của mình, bằng sự thiết tha phát  lồ sám hối. Nếu chúng ta chỉ dùng lời nói, mà việc làm không tương ưng với tâm, chỉ niệm suông thì đâu có tác dụng gì. Chúng ta ngày nay hiểu được Phật pháp rồi thì mọi cử chỉ hành vi cũng đều lợi ích cho tất cả chúng sinh, lợi ích cho Phật pháp, không làm những việc sai lầm. Được như vậy thì công đức hôm nay tạo ra mới đúng thật là ý nghĩa của việc hồi hướng: "Trên báo bốn ân lớn, dưới cứu ba đường khổ". Từ vô lượng kiếp chúng ta đã chịu ân vô số chúng sinh và cả oan thân trái chủ. Có ân thì chúng ta hồi hướng cho họ để báo đáp ân đó, có oán chúng ta cũng hồi hướng cho họ để giải trừ oán kết. Làm việc gì cũng phải xuất phát từ nơi nội tâm của mình. Đó là: "Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi". Như thế mới đúng nghĩa là hồi hướng cho họ.
Đã là định nghiệp thì chúng ta không thể chuyển được. Trong kinh nói rằng: "Ngay như đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng không thể chuyển định nghiệp được". Chúng ta tôn trọng mọi người, khuyên bảo họ bằng tấm lòng nhưng họ không nghe thì bổn phận của chúng ta hết rồi, nghe hay không là việc của họ. Giống như ta khuyên người thân trong gia đình và cả bạn bè: Khuyên lần thứ nhất, lần thứ hai không chịu nghe thì chúng ta đừng nói nữa; không khéo lòng nhiệt thành của mình trở thành oán thù đối với họ. Nếu như vậy thì chúng ta làm cách nào? Tự mình nỗ lực công phu tu tập nhiều hơn, làm sao để họ nhận được sự thanh thoát nơi chính mình. Sau này, gặp lại chúng ta, họ cảm nhận được đạo vị giải thoát thì ngay đó mình đã chuyển hóa họ rồi.
Hồi tôi còn ở bên Trung Quốc, có rất nhiều bạn bè học cùng lớp không tin Phật pháp, lại còn phản đối việc học Phật của tôi. Họ nói với tôi rằng; "Tại sao bạn lại mê tín thế?". Sau này tôi qua Đài Loan, xa cách nhau đến 10 năm, bây giờ gặp lại tôi, họ nói rằng: "Bạn chọn đúng đường rồi". Tôi đưa tặng các kinh sách cho họ, họ rất vui mừng và đọc hết tất cả. Như vậy, chúng ta chỉ cần im lặng mà sống để họ thấy được sự thanh thoát của mình họ tự giác ngộ.
Cảm hóa được người thân quyến thuộc không phải một lúc là chúng ta làm được liền. Hiện tại nói họ không nghe, đến vài năm sau chúng ta khuyên họ mới chịu thức tỉnh hồi đầu. Khi tuổi càng lớn, họ càng cảm nhận sâu sắc những cảnh trái ngang của cuộc đời, những sự mất còn khốn khổ thì lúc đó họ dễ dàng thức tỉnh hơn. Tuổi còn trẻ nhiệt khí mạnh mẽ, tự tin vào sức mạnh của mình, không dễ dàng khuyên bảo họ được, chúng ta cần phải có tâm nhẫn nại, kiên trì mới có kết quả được.

Câu Hỏi 25: Thưa Hòa thượng! Hòa thượng thường nói: "Đoàn trừ phiền não". Nhưng trong kinh nói: "Phiền não chẳng thể đoạn". Vậy xin hỏi Hòa thượng: Rốt cuộc thì phiền não đoạn được hay không? Đoạn bằng cách nào? Hai câu này có mâu thuẫn không? Xin Hòa thượng giải bày cho đệ tử hiểu! 
Đáp: Bạn hỏi câu này không sai! Trong kinh Đại thừa, Phật dạy chúng ta: "Phiền não tức Bồ đề". Nếu phiền não đoạn rồi thì ngay đó là Bồ đề hay sao? Phiền não có cần phải đoạn không? Phải đoạn. Nếu như không đoạn phiền não thì bạn không có cách gì rời khỏi thế gian này, không có cách gì thoát ly ra khỏi Lục đạo luân hồi được. Cần phải khẳng định điều này như vậy. Nhưng trên thực tế, phiền não chẳng cần phải đoạn, mà chỉ chuyển hóa thôi. Đem nó chuyển hóa thành Bồ đề, tức là "Phiền não đã biến thành Bồ đề rồi!". Cho nên gọi: "Phiền não đoạn rồi, Bồ đề sinh rồi" là ý này. Ví dụ, lúc trước chúng ta cúng dường một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng vàng, bây giờ chúng ta muốn cúng dường tượng Phật A Di Đà mới đem pho tượng vàng đó nấu chảy ra, đúc tạo một pho tượng Phật A Di Đà khác. Lúc này, thì Thích Ca Mâu Ni đoạn rồi và A Di Đà Phật sinh rồi. Quý vị thử nghĩ đoạn cách nào? Sinh cách nào? Vẫn là một khối vàng đúc tạo lại một pho tượng Phật A Di Đà. Cho nên, bạn phải biết dụng ý của chữ "đoạn", không phải là đoạn diệt. "Đoạn" ở đây có ý nghĩa là chuyển hóa. Bạn liễu giải được rồi thì sẽ hiểu phiền não có đoạn hay không? Và đoạn bằng cách nào? Bạn sẽ nhận biết ngay.
/15
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây