22:59 01/04/2014
MƯỜI HẠNH NGUYỆN CỦA BỒ TÁT PHỔ HIỀN (Trích từ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, Phẩm Tỳ Lô Giá Na thứ sáu) (Phần 2) Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không. Giảng tại: Hiệp hội giáo dục Phật Đà Hồng Kông Thời gian: Tháng 12 năm 2002 Chào các vị đồng tu! Chúng ta còn phải tiếp tục cùng nhau học tập. Ý nghĩa của Thỉnh Chuyển Pháp Luân hiểu được rồi, đặc biệt là thời buổi hiện đại khoa học kỹ thuật đang không ngừng tiến bộ, mạng Internet cũng không ngừng cải tiến, chúng ta tin tưởng khoảng 2-3 năm sau rất có thể nó sẽ thay thế truyền hình, mức độ tiện lợi, máy tính cỡ nhỏ, lớn bằng bàn tay như vầy có thể mang theo bên mình bất cứ lúc nào, có thể truy cập lên mạng trên toàn thế giới, chúng ta cần biết những công cụ tiên tiến này. Hôm qua, có một bạn đồng tu tặng tôi bản mục lục ở trên mạng Internet, tôi đã xem, vô cùng phong phú, rất nhiều tư liệu giảng kinh của pháp sư đều có trong đó, bạn thấy điều này tiện lợi biết bao, các bạn ở trong nhà, muốn học với pháp sư nào, bạn đều có thể học được cả. Có cần phải gần gũi vị pháp sư này không vậy? Không cần thiết, không cần thiết phải gần gũi vị pháp sư này, ta gặp ở trên mạng là rất tốt rồi. Sau này có duyên gặp mặt hay không, điều này không quan trọng. Quan trọng là ta thật sự đã học được điều gì ở nơi họ. Đích thực bớt phiền não, trí tuệ được tăng trưởng, bớt oán giận, có thể chung sống hòa mục với tất cả chúng sanh, có thể biết dùng Tứ Nhiếp Pháp để xử lý tốt tất cả các mối quan hệ với nhau, thích giúp đỡ người khác, đương nhiên cũng biết tiếp nhận sự giúp đỡ của người khác, đây đích thực là sống trong thế giới chân thiện mỹ tuệ. Cho nên ở trong gia đình có những thiết bị đơn giản này là đủ rồi, Phật pháp đã đến với gia đình bạn rồi, giáo dục thánh hiền học không khó.
22:44 01/04/2014
MƯỜI HẠNH NGUYỆN CỦA BỒ TÁT PHỔ HIỀN
(Trích từ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, Phẩm Tỳ Lô Giá Na thứ sáu)
(Phần 1)
Người giảng: Pháp sư Tịnh Không
Giảng tại: Hiệp hội Giáo dục Phật đà Hồng Kông
Thời gian: Tháng 12 năm 2002
Chào các vị đồng tu!
Hạnh nguyện Phổ Hiền, tổng cộng có mười hạnh nguyện. Phần trước đã giảng cho quí vị bốn hạnh nguyện rồi. Mỗi một hạnh nguyện, chúng ta đều thường niệm. Ở trong nhà Phật, các tổ sư đại đức đem mười cương mục này sắp xếp vào thời khóa tụng sáng tối, cho nên mọi người đều niệm rất thuộc: Nhất giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai, v.v… đều rất thuộc. Nhưng [nếu] không thực hiện, chỉ có niệm như vậy thì không có ý nghĩa gì cả, chỉ gieo trồng được thiện căn trong A Lại Da Thức. Cái thiện căn này trong đời này, kiếp này không khởi tác dụng. Cho nên chúng ta nhất định phải có duyên thù thắng, có thể hiểu được trọn vẹn mười cương mục này, biết áp dụng nó vào trong đời sống thường ngày thì có lợi ích công đức rất lớn, tự nhiên chúng ta sẽ thích làm, biến nó thành cương lĩnh quan trọng chỉ đạo trong đời sống chúng ta, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều tương ưng với mười hạnh nguyện, được như vậy thì tốt.