NÊN DÙNG ÂN ĐỨC HÓA GIẢI THÙ HẬN

Thứ ba - 01/04/2014 22:40 - Đã xem: 4025
NÊN DÙNG ÂN ĐỨC HÓA GIẢI THÙ HẬN Đây là buổi tọa đàm tại HongKong vào ngày 15 tháng 11 2001 sau sự kiện ngày 11 tháng 09 tại New York, Mỹ. Tham gia buổi tọa đàm gồm có: - Lão Hòa thượng Tịnh Không (“HT”) - Đạo trưởng Chu Tước Đình (“Đạo trưởng”) - Biên tập viên Tín Báo HongKong: ông Văn Chước Phi, ông Hà Phú Di (“Biên Tập Viên”)
Sau đây là nội dung buổi tọa đàm:

Đạo trưởng: Hôm nay ông Văn Chước Phi, ông Hà Phú Di của Tín Báo đến bái kiến, phỏng vấn Tịnh không Pháp sư và lắng nghe Pháp sư giáo huấn.

HT: Anh vừa từ nước Mỹ trở về à?

Biên Tập Viên: Năm trước, tôi đến Trường đại học Tư Đản Phước tu nghiệp thêm một năm, cũng rất may là khỏang cuối tháng sáu thì tôi rời khỏi nước Mỹ, cũng là rời khỏi New York. Khi tôi ở New York thì ở ngay bên cạnh Trung tâm Mậu dịch Thế giới. Cho nên tôi rất là may mắn. Tôi cùng một người bạn, anh ấy tên Brian, đã ở đó mấy ngày. Tôi phải từ New York bay đến Châu Âu, cho nên nhất định phải chuyển máy bay ở New York, do đó tôi phải ở đó mấy ngày, cho nên Trung tâm Mậu dịch Thế giới tôi đều đi qua mỗi ngày. tôi đều đi tàu điện ngầm đến ngân hàng Hối Phong rút tiền. Nhưng rất may, tôi không có lên trên Trung tâm Mậu dịch Thế giới, bởi vì trước khi tôi rời khỏi nơi đó, bảo an ở đó kỳ thực rất nghiêm mật, nếu như bạn là du khách muốn đi lên đó mà nói, bạn phải trải qua kiểm tra rất nghiêm mật, phải xếp hàng. Tôi thấy người xếp hàng quá dài mà tôi thì không có thời gian, nên tôi liền nghĩ sau này có cơ hội tôi sẽ trở lại. Không ngờ là vừa rời khỏi ba tháng thì không còn có cơ hội đó nữa, tôi cảm thấy vẫn là dường như có chút duyên phận với nơi đó, đi qua cửa mà không có vào, cũng không đi lên. Thế nhưng cũng cảm thấy được mình rất may mắn, nếu như thêm vài tháng nữa đi qua, có thể là không như vậy rồi, hơn nữa may mắn chính ngay ở chỗ, năm trước khi tôi đến Mỹ, trạm đầu tiên cũng là New York, cũng là trước sau ngày 11- 09. Lúc đó Chủ tịch Giang vừa đến thăm viếng Liên Hiệp Quốc, tôi liền từ Trường đại học Tư Đản Phước đến New York để lấy tin, sau đó bay đến miền tây, cho nên có thể nói tôi đến và rời khỏi đều đi qua New York. Do đó, tôi cảm thấy rất là đáng tiếc khi nhìn thấy New York nhận chịu hành động có tính phá hoại lớn đến như vậy.

Người bạn Brian của tôi đến bây giờ vẫn chưa được đi vào đó, vì toàn bộ khu vực đều phong tỏa. Anh ấy cũng rất là may mắn vì đã tránh qua được cái tai nạn này. Nơi anh làm việc chính ngay đối diện với Trung tâm Mậu dịch Thế giới, vì vậy anh chính mắt nhìn thấy tai nạn này. Cho nên tôi cảm thấy đối với tôi mà nói là rất thiết thực, đã có bạn bè ở nơi đó, chính mình cũng đã từng ở qua nơi đó, cho nên khi sự việc này xảy ra, tôi tự hỏi vì sao mà thù hận có thể đạt đến mức độ này? Ngay sinh mạng của chính mình cũng không cần, phải làm như vậy để tàn hại thị dân khác. Tôi không nghĩ ra được cái vấn đề này, vì vậy muốn lắng nghe cách nhìn của Pháp sư ngài.

HT: Nho, Thích, Đạo đều nói đến nhân quả. Con người ở thế gian không nên kết oán thù đối với tất cả chúng sanh, do oán thù báo thù, oan oan tương báo, vĩnh viễn không có ngày dứt, đây là việc rất đau khổ đáng sợ. Bạn xem, ở Trung Quốc chúng ta những sự việc này, những việc báo ứng này quá nhiều. Đầu nhà Minh, Phương Hiếu Nho chính là một thí dụ rất rõ ràng, việc này trong lịch sử có ghi chép. Khi tằng tổ của Phương Hiếu Nho chết, tổ phụ của ông chôn phụ thân của ông ấy, mấy ngày trước khi chôn ông thấy một giấc mộng, mộng thấy một cụ già mặc áo đỏ, cầu xin với ông. Cụ già nói: dưới cái huyệt mộ kia, gia tộc của cụ ấy đều ở dưới đó, cả nhà của ông có hơn 900 người, hy vọng ông có thể chậm thời gian an táng lại vài ngày để họ dọn nhà đi. Hình như đã mộng thấy hai ba lần, nhưng tằng tổ phụ của ông không hề để tâm, không hề cho đó là một chuyện cần lưu ý. Thế là khi đào cái huyệt này, dưới huyệt đều là rắn, quả thực là có hơn ngàn con rắn nhỏ, thế là những con rắn này bị họ đào lên, bị phá họai, số chết rất nhiều. Cho nên về sau, những con rắn đó đầu thai vào trong nhà của ông, làm con cháu của ông, chính là Phương Hiếu Nho. Chẳng phải Phương Hiếu Nho đắc tội với Minh Thành Tổ sao? Vì đắc tội với Minh Thành Tổ nên Minh Thành Tổ nói sẽ tru di chín tộc của ông, ông nói, tru di chín tộc cũng không hề gì, mười tộc cũng chẳng có sao. Sau cùng ngay đến thầy giáo của ông cũng bị giết chết, oan oan tương báo, vì sao ông phải có cách làm như vậy chứ? Làm cho cả gia tộc đều bị tiêu diệt, chỉ vì một việc nhỏ xíu như vậy thôi. Thực tế mà nói, thật không đáng phải làm như vậy. Nhưng vì sao họ phải làm vậy, là vì đến để báo thù. Những việc như vầy, xưa nay trong và ngoài nước đều có rất nhiều.

Hiện tại mọi người nói tin tưởng khoa học, mê tín khoa học, còn đối với những việc quỷ thần này thì luôn cho nó là mê tín. Hy vọng khoa học phát triển hơn nữa, một ngày nào đó đem cái mê tín này khai mở ra, mọi người mới biết được căn gốc là do đâu. Tại vì sao những người này bằng lòng hy sinh chính sinh mạng mình? Bạn thấy Phương Hiếu Nho, thậm chí ngay đến sinh mạng của cả nhà cũng không màng đến, vì do ông đến để báo oán. Quang Minh giảng đường ở Lam Đường Đạo của lão hòa thượng Thọ Dã, đó là một đạo tràng nhỏ, ngày trước tôi ở nơi đó giảng kinh hết hai tháng. Trên điện đường đó có một câu đối, câu đối này rất có ý nghiã, trên câu đối đó viết là: “vợ chồng là duyên, có thiện duyên, có ác duyên, tương báo lẫn nhau”; câu đối kia là: “con cái là nợ, có đòi nợ, có trả nợ, không nợ không đến”. Cho nên Đại sư Ấn Quang, xuất hiện vào đầu dân quốc cuối nhà Thanh, đặc biệt đề xướng giáo dục nhân quả. Lúc đó tôi cũng không hiểu, còn cảm thấy rất là kỳ lạ, ông là một đại đức trong nhà Phật, nhất đại tổ sư của Tịnh Độ Tông, vì sao lại không cực lực đề xướng Phật pháp, mà đi đề xướng nhân quả. Về sau dần dần tôi mới giác ngộ ra, đối với thế giới ngày nay muốn cứu vãn lòng người, Phật pháp tuy là tốt, Nho tốt, Đạo tốt, nhưng không đến kịp, không còn cứu kịp. Cho nên đại sư ở ngay trong một đời đặc biệt cực lực đề xướng Liễu Phàm Tứ Huấn, Thái Thượng Cảm ứng Thiên (Thái Thượng Cảm ứng Thiên là của Đạo gia), An Sĩ Tòan Thư. Cả đời ngài cực lực đề xướng ba thứ này. Ba thứ này là giống nhau, là đều nói về nhân qủa báo ứng.

Liễu Phàm Tứ Huấn dạy cho bạn chân thật thể hội được đạo lý của nhân quả, đó là chân tướng sự thật của nhân quả. Cảm ứng Thiên giúp cho bạn đoạn ác tu thiện, quay đầu là bờ. An Sĩ Tòan Thư là đặc biệt khuyên người phải giữ giới sát, phải giữ giới dâm, vì dâm và sát là đầu mối của vạn ác. Kết cái oán thù đó là đời đời kiếp kiếp cũng không thể hóa giải được. Thiên sau cùng là khuyên người niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ. Cho nên cách làm này của Đại sư Ấn Quang càng nghĩ càng thấy có đạo lý, nhất là ở trong xã hội hiện tại này, lọai giáo dục này cần phải mở rộng ra toàn thế giới. Con người nhất định phải hiểu. Hiện tại mọi người đều thường hay nói, khoa học phát triển, giao thông thuận tiện, thế giới đã biến thành cái thôn địa cầu. Thôn địa cầu thì quan hệ đời sống của chúng ta sẽ rất là mật thiết, cho nên suy nghĩ vấn đề, khởi tâm động niệm, phải nên lấy lợi ích của tòan nhân loại trên thế giới làm tiêu chuẩn, như vậy vấn đề mới có thể được hóa giải. Nếu như nói là bất cứ một vấn đề nào, khởi tâm động niệm chỉ nghĩ đến lợi ích của ta, chỉ nghĩ đến có lợi ích đối với quốc gia của ta hay không? Quốc gia của ta có lợi ích thì quốc gia khác không có lợi ích, việc này ngay trong đó không thể không phát sanh xung đột, nhất là một số quan niệm của phương tây. Quan niệm của Phương Tây thât sự không giống với phương đông, người phương tây mỗi câu mỗi lời đều nói đến cạnh tranh. Việc cạnh tranh này thật đáng sợ, cạnh tranh nâng lên một cấp thì đấu tranh, đấu tranh nâng lên một cấp nữa thì là chiến tranh, chiến tranh lại nâng thêm một cấp nữa thì đó chính là ngày tàn thế giới mà trong các tôn giáo nước ngoài đã nói. Cho nên đây là con đường chết, đây không phải là con đường sống.

Người Trung Quốc gọi là Ngũ Luân, Bát Đức. Ngũ Luân, Bát Đức là thiên đạo, là đạo của tự nhiên. Cái gì gọi là đạo vậy? Đạo chính là một loại trật tự của tự nhiên, phép tắc của tự nhiên, con người chúng ta có thể tùy thuận tự nhiên thì khỏe mạnh thôi. Cho nên bạn xem việc ăn uống, việc này người Trung Quốc hiểu được, mùa đông thì ăn mát (tùy thuận tự nhiên mà), mùa đông thì lạnh là mát mà, cải trắng, củ cải đều có tính mát; mùa hạ thì ăn thứ có tính nhiệt. Tùy thuận tự nhiên thì thân thể của bạn liền khỏe mạnh, nếu như bạn trái ngược nó, bạn mùa đông thì ăn nóng, mùa hạ thì ăn lạnh, thì bạn làm sao mà không bị bệnh chứ. Bệnh của họ từ đâu mà ra họ không hề biết, họ không tìm ra được nguyên nhân. Ở nông thôn Trung Quốc bạn nói họ bần cùng nghèo khổ, bất cứ dinh dưỡng gì họ cũng đều không hiểu, nhưng họ sống đến 80 - 90 tuổi, người khỏe mạnh rất nhiều. Đây là do nguyên nhân gì vậy? Bạn nói nước ngoài là quốc gia đã phát triển, rất là giàu có, nhưng 50 – 60 tuổi thì họ đã rất già nua, thể lực đã không còn khỏe nữa, họ không biết được nguyên nhân là do đâu, họ không hiểu được tùy thuận tự nhiên. Cho nên người Trung Quốc giảng luân thường, luân thường chính là pháp tắc tự nhiên, qui luật của tự nhiên, trật tự của tự nhiên. “ Phu phụ, phụ tử, huynh đệ, quân thân, bạn bè”, đó là trật tự của tự nhiên, không phải do một người nào phát minh ra. Nếu cho rằng đây là những điều của Khổng tử đặt ra là sai lầm. Cả đời Khổng lão phu tử chính mình nói được rất hay: “thuật nhi bất tác”, ông không hề sáng tạo, ông đều là nói ra thứ mà đại đức xưa nói, chính mình không hề sáng tạo.

Tùy thuận tự nhiên là có đắc ở tâm, đắc chính là được, tùy thuận tự nhiên chính là hành đạo, hành đạo có đắc ở tâm thì khai trí tuệ. Bạn đối với đạo lý của vũ trụ nhân sinh thông suốt tường tận, đó là có đắc ở tâm. Có đắc ở thân thì thân khỏe mạnh. Cho nên mục đích chân thật của y học Trung Quốc là nói đến sống lâu, không phải trị bệnh mà chú trọng sống lâu, thứ hai là nói đến ngăn ngừa bệnh tật, việc thứ ba mới là trị bệnh. Họ nói bạn có bệnh rồi thì làm thế nào mà trị cho bạn. Cho nên mục đích chân thật chính là sống lâu không bệnh. Việc này người ngoại quốc làm gì hiểu được. Đó chính là tùy thuận tự nhiên, tùy thuận đại đạo, có đắc ở thân, thân tâm đều có đắc, cho nên thế giới là một nhà, nhà Phật giảng hư không pháp giới, việc này người thông thường rất khó tưởng tượng ra được. Hiện tại nhà Phật gọi là mười pháp giới, còn khoa học gia gọi là không gian, xác thực là do rất nhiều duy thứ khác nhau tạo thành, trên lý luận mà nói, là vô hạn độ. Chúng ta gọi là ba độ không gian, bốn độ không gian, năm độ không gian, nhưng trên lý luận gọi là vô hạn độ, còn trên thực tế hiện tại nhà khoa học đã chứng minh. Lúc trước lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói với tôi, đích thực chứng minh được có 11 độ không gian khác nhau đang tồn tại, thế nhưng hiện tại không biết làm thế nào đột phá. Nếu như đột phá được, thì giới hạn của tầm mắt chúng ta được mở ra. Thí dụ bạn nói, thiên địa quỷ thần, báo ứng lẫn nhau, vậy thì liền biến thành hiện tiền rồi, chướng ngại đó sẽ không còn nữa, đột phá được thời gian, qúa khứ, hiện tại, vị lai, thì vấn đề này giải quyết rồi, bạn có thể quay về qúa khứ, bạn có thể xem thấy vị lai. Đột phá không gian, thì thiên đạo, quỷ đạo, địa ngục đạo bạn đều có thể xem thấy, đều có thể tiếp xúc được, tầm nhìn đó liền được mở rộng ra. Phật pháp gọi đây là mười pháp giới.

Bên ngoài mười pháp giới còn có pháp giới nhất chân. Phật nói được rất tường tận, Phật biết được những không gian duy thứ không giống nhau này từ nguyên nhân nào. Đây là từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà biến hiện ra. Khoa học gia tuy là phát hiện ra các tầng không gian này xác thực đang tồn tại, nhưng không biết được do đâu mà ra. Cho nên nhà Phật dùng phương pháp gì để đột phá vậy? Dùng thiền định. Thiền định chính là đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước buông bỏ. Công phu thiền định của bạn sâu thì mặt đột phá của bạn rộng, thứ bạn nhìn thấy sẽ nhiều. Công phu thiền định có cạn sâu không đồng. Phát hiện sự thật về sáu cõi này là Ấn Độ giáo, vào thời bấy giờ gọi là Bà La Môn giáo. Bà La Môn giáo hiện tại trên thế giới chúng ta công khai thừa nhận họ có 8500 năm lịch sử, chính họ nói có hơn mười ngàn năm lịch sử, nhưng phần đông chúng ta thừa nhận họ có 8500 năm lịch sử. Phật giáo mới có 3000 năm, người ngoại quốc thừa nhận Phật giáo có hơn 2500 năm, ghi chép của người Trung Quốc chúng ta là ba ngàn không trăm hai mươi mấy năm. Cho nên ở trong các tôn giáo trên tòan thế giới thì tôn giáo cổ xưa nhất hiện tại chúng ta gọi là Ấn Độ giáo, thời trước thì gọi là Bà La Môn giáo. Bà La Môn giáo nói đến sáu cõi luân hồi trước tiên, họ tu thiền định, chúng ta tin tưởng họ có công phu thiền định tương đối nên họ nhìn thấy sáu cõi này, các tầng thứ này chúng ta gọi là không gian duy thứ không đồng nhau, họ đã đột phá được, họ đã thấy được. Tuy là thấy được nhưng họ không thể giải quyết, họ không biết phải làm sao để hình thành, cũng không biết làm thế nào để giải quyết.

Khi Thích Ca Mâu Ni Phật xuất thế, đem quá trình hình thành của việc này nói với mọi người, cách giải quyết như thế nào cũng nói với mọi người. Cho nên Phật dạy học trò phải mở rộng tâm lượng, không nên vì chính mình mà nghĩ, khởi tâm động niệm đều phải nghĩ đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh, mọi người đều có thể mở rộng tâm lượng của mình, không nên vì lợi ích cá nhân của chính ta, cũng không nên vì lợi ích một cái quốc gia này của ta, khi ta vừa nghĩ là nghĩ ngay đến lợi ích của mọi người tòan thế giới, vậy thì thế giới này liền hòa bình thôi, cái oan kết này không thể hóa giải hay sao? Còn cái gì để mà tranh luận nữa? Cho nên người giàu có là do họ đời trước tu phước báo lớn, có phước thì phải nên nhường để cho tất cả chúng sanh cùng hưởng, thì phước báo đó là thật. Vậy thì sẽ tự tại an vui, nếu chân thật là một người nhân từ thì không thể nhẫn tâm thấy người khác trải qua đời sống bần cùng, đời sống đáng thương. Nếu như nước Mỹ có thể hiểu được những văn hóa tinh túy này của Trung Quốc, tâm lượng của họ mở rộng, họ có thể cứu giúp tòan thế giới, họ sẽ là ân nhân của tòan thế giới. Phước báo này sẽ rất lớn. Nếu như nói là mọi sự việc gì cũng đều phải phù hợp với lợi ích của bản thân nước Mỹ, không màng đến lợi ích của nhân dân quốc gia khác, thì cái oán hận đối địch này sẽ không thể nào hóa giải.

Ngạn ngữ Trung Quốc chúng ta thường nói: “một nhà no ấm ngàn nhà oán”. Đây là sự thật từ xưa đến nay. Chúng ta cùng ở khu vực này, nhà của bạn đặc biệt có tiền, trải qua ngày tháng giàu có, người khác đều nghèo khó thì người nào cũng hận bạn, mỗi người nhìn thấy bạn cũng không ưa. Đây nhất định là đạo lý. Nếu như bạn là người giàu có, thường hay bố thí cho mọi người, thường hay lo lắng cho mọi người, thì mọi người sẽ tôn kính đối với bạn. Vì sao vậy? Vì bạn giàu có chúng tôi được hưởng nhờ, chúng tôi hy vọng bạn càng giàu có hơn, chúng tôi được nhờ thêm chút nữa. Lúc trước thầy giáo chúng ta dạy chúng ta là dùng việc này để làm thí dụ, người đó giàu có mà không có lòng nhân, những người bên cạnh trong thôn của ông thấy nhà của ông bị hỏa họan, họ đều đứng đó vỗ tay, cháy rất tốt, cháy rất tốt vì giàu mà bất nhân, không phải vậy sao? Nếu như tài sản bạn bị những cường đạo hoặc trộm lấy đi, họ sẽ đứng đó nói việc này rất hay, tuyệt đối không giúp đỡ bạn. Nếu như bạn thường hay giúp đỡ mọi người, thường hay cứu giúp mọi người, thì trong nhà bạn có bất cứ tai nạn gì họ đều đến giúp đỡ bạn. Đạo lý là như vậy mà. Từ một gia đình chúng ta có thể nghĩ đến một quốc gia. Cho nên nước Mỹ đối với việc này phải chính mình bình lặng phản tỉnh, vì sao phần tử khủng bố đối với ta mà không đối với người khác? nguyên nhân rốt cuộc do đâu? oán hận này do đâu mà kết thành? Phải trừ bỏ đi nguyên nhân này mới là biện pháp thiết thực giải quyết phần tử khủng bố, không nên dùng báo thù, bạn báo thù qua họ cũng sẽ báo thù lại, vĩnh viễn không có biện pháp giải quyết. Hay nói cách khác, các bạn mãi mãi sẽ không thể trải qua được đời sống an định.

Bạn thử nghĩ xem, nước Mỹ phát triển vũ khí hạt nhân, khoa học kỹ thuật cao này là đệ nhất ở thế giới, nhưng cái thứ này có thể duy trì bá quyền thế giới của nước Mỹ hay sao? Tôi xem thấy một tin tức nhỏ trên báo chí khi tôi ở Anh, người ta chỉ cần dùng tem bưu điện mấy xu thì liền có thể làm cho cả nước gần như kinh hòang bất an. Vậy là bạn đã bị đánh bại rồi, bạn có nhiều Cảng Hàng không, hạm phi đạn để đi đánh người ta, nhưng không thể đánh bại được người ta, người ta chỉ cần tốn vài xu mua tem gởi vài bức thư thì có thể đánh bại bạn rồi. Cho nên chiến tranh hiện tại không phải như trước đây mà đã đổi sang một hình thức khác, kẻ địch ở đâu? không biết được, tìm không ra, đây mới thật là khủng bố. Cho nên chúng ta nhất định phải biết nguyên nhân ở chỗ nào. Quốc gia nghèo thiếu, quốc gia khổ nạn thì chúng ta phải giúp đỡ họ. Trong việc giúp đỡ thì quan trọng nhất là giáo dục, họ không có ăn, bạn giúp cho họ một chút cái ăn, không có quần áo mặc, bạn tặng cho họ một ít quần áo mặc, chỉ là cứu cấp nhất thời, không phải là kế sách lâu dài. Kế sách lâu dài là phải dạy họ, dạy họ khai trí tuệ, dạy họ có năng lực tồn tại, dạy họ kỹ thuật. Trung Quốc từ xưa đến nay có một câu danh ngôn là “dân lý ăn làm chủ”, nhân dân chỉ cần có thể ăn được no, mặc được ấm, thì ai mà tạo phản chứ? Là chuyện không thể vì nhân dân đều bằng lòng trải qua ngày tháng an ổn. Thực tế là họ ăn không no, mặc không ấm, bức quá không còn cách nào đành tạo phản. Thế nên chúng ta không những phải chăm sóc đời sống của họ, mà then chốt nhất là chăm sóc giáo dục cho họ.

Cho nên tôi thường hay nói, một quốc gia xã hội thì vấn đề căn bản nhất chính là ở giáo dục. Chúng ta xem thấy từ xưa đến nay, từ trong nước đến nước ngoài, mỗi một quốc gia dân tộc, đại thánh đại hiền của họ, người nhất đẳng thông minh của họ làm cái gì? Đều là làm giáo dục, không phải họ đi làm quốc vương, không đi làm quan lớn, không phải đi làm đại điền chủ, làm kinh doanh lớn, họ không làm những thứ này, các Ngài đều đi làm giáo dục. Tất cả tôn giáo đều là giáo dục, bạn tỉ mỉ mà xem, tôn giáo trên toàn thế giới đều là giáo dục, hơn nữa còn là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa theo cách gọi hiện tại của chúng ta. Đối tượng mà họ giáo học không phân biệt quốc tịch, cho dù bạn là người ở một quốc gia nào đến học thì tôi đều dạy bạn, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tôn giáo, đây chính là ngày nay chúng ta gọi là “giáo dục đa nguyên văn hóa”.  Khổng Lão Phu Tử là làm việc này, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng là làm việc này. Cho nên khi có rất nhiều người hỏi tôi Phật giáo rốt cuộc là gì? Tôi đều trả lời Phật giáo là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Thích Ca Mâu Ni Phật là người thế nào? Là người làm nghĩa vụ giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Cả đời Ngài làm việc nghĩa, rất phấn chấn mà dạy học, dạy hết 49 năm, không hề nghỉ hè, không hề nghỉ ngơi, một ngày lên lớp 8 giờ đồng hồ (giảng kinh nói pháp chính là lên lớp). Đó là kính nghiệp, là làm ra tấm gương cho chúng ta. Bạn từ nơi một nghề nghiệp nào, chọn công việc gì thì bạn phải kính nghiệp, bạn phải làm công việc này cho được tận thiện tận mỹ, bạn phải tận tâm tận lực mà làm.

Nội dung của Thích Ca Mâu Ni Phật dạy là gì vậy? Tổng kết lại mà nói, là dạy chúng ta ba việc:

-          Thứ nhất là dạy chúng ta quan hệ giữa người và người;

-          Thứ hai là dạy chúng ta quan hệ con người với hoàn cảnh tự nhiên, giữa người và người đã xử tốt rồi, đấu tranh chiến tranh không còn, nhân họa không còn, người với hoàn cảnh tự nhiên xử tốt luôn, thì thiên tai không có, thiên tai nhân họa là do con người làm;

-          Thứ ba  là quan hệ con người với thiên địa quỷ thần, nếu dùng lời hiện tại mà nói, quan hệ con người với sinh vật ở không gian duy thứ khác nhau.

Chỉ cần làm cho tốt ba mối quan hệ này thì thiên hạ thái bình, xã hội an định, nhân dân hạnh phúc. Thực tiễn phải nên làm thế nào vậy? Phải thực hiện bốn loại giáo dục. Trung Quốc thời xưa xem trọng 04 loại giáo dục:

-          Thứ nhất là giáo dục gia đình, cha mẹ phải làm gương tốt cho con cái. Nhà Nho Trung Quốc nói rất hay, lúc nào thì dạy trẻ nhỏ vậy? Khi mang thai, là thai giáo, bạn không nên xem thường việc làm này, khi mẫu thân mang thai, khởi tâm động niệm sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, ảnh hưởng đến đứa bé đó. Cho nên đang lúc mang thai, tâm niệm của mẫu thân nên nghĩ thiện không nên nghĩ ác, nói thiện không nói ác, làm thiện không làm ác, thì đứa bé đó mới chân thật trồng được thiện căn. Điều này rất có đạo lý, không phải là mê tín, không phải không phù hợp với khoa học. Đứa nhỏ vừa ra đời, mắt của nó vừa mở ra, cha mẹ chính là mô phạm cho chúng. Cho nên phàm hễ những việc bất thiện, tuyệt đối không để trẻ nhỏ xem thấy, để trẻ nhỏ xem thấy thì bạn phải biểu diễn cái thiện, phải rất chăm chỉ nỗ lực mà làm, làm cho đứa bé xem, đó chính là giáo dục nó, để nó hiểu được luân lý, biết được yêu người. Người trong nhà yêu nó, nó cũng yêu người, tương lai khi phát triển ra, nó liền có thể yêu tất cả chúng sanh, yêu tất cả nhân dân. Cho nên giáo dục của thánh hiền, tôi quy kết thành một chữ, chính là giáo dục “Ái”.

Tôi vào nguyên đán đầu năm nay đã tặng một chữ Ái cho toàn thế giới. Chúng tôi đã in khoảng mấy vạn tấm, cũng đã tặng cho tổng thống Bush nước Mỹ một tấm. Cho nên ngày nay chúng ta phải đề xướng, toàn thế giới phải tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, tin tưởng lẫn nhau, họp tác lẫn nhau, như vậy mới có thể giải quyết vấn đề, mới có thể đem tai nạn của thế kỷ 21 hóa giải được.

-          Thứ hai là giáo dục học đường;

-          Thứ ba là giáo dục xã hội;

-          Thứ tư là giáo dục tôn giáo.

Làm tốt được bốn loại giáo dục này thì thiên hạ thái bình. Thuở trước Hoàng đế nói “ Thùy cũng nhi trị”. Bạn xem trong lễ ký, học ký, giáo dục triết học của Trung Quốc chúng ta có một câu rất quan trọng là “kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”. Bạn xây dựng một quốc gia, xây dựng một chính quyền, bạn lãnh đạo lão bá tánh cả nước, thì cái gì là quan trọng? Chính là giáo dục, không phải vũ lực, không phải cảnh sát, không phải pháp luật, giáo dục là quan trọng nhất. Giáo dục điều gì vậy? là Giáo huấn của bậc thánh hiền. Như tôi vừa rồi đã nói, giáo huấn của các Ngài không phải là học thuyết của chính các Ngài đưa ra, mà là các Ngài thuận với thiên đạo, thuận với tự nhiên. Thuận với tự nhiên thì rất khỏe mạnh, trái với tự nhiên nhất định phải chịu tai nạn. Cho nên đạo của thánh hiền không phải là cá nhân họ tự đặt ra.

Chúng ta học với Khổng Tử, nhưng có rất nhiều người nói, anh đã bị Khổng lão xỏ mũi kéo đi rồi. Quan điểm này là sai lầm. Khổng Tử chính mình nói rất rõ ràng, cả đời ngài không sáng tạo, không phát minh, ngài là “thuật nhi bất tác”, những điều Ngài nói đều là của cổ thánh tiên hiền  truyền lại. Thích Ca Mâu Ni Phật cả đời tuy là giảng kinh hơn ba trăm hội, nói pháp 49 năm, nhưng Ngài nói Ngài chưa từng nói câu nào, chưa từng nói một chữ, nếu ai nói ngài nói pháp là phỉ báng ngài. Chúng ta ở trong chú giải đề kinh của Kinh Hoa Nghiêm, xem được chú giải của Đại Sư Thanh Lương, Ngài Thanh Lương vì chúng ta nói ra vì sao Thích Ca Mâu Ni Phật nói Ngài không có nói một câu nào? Vì những gì Ngài nói là cổ Phật đã nói, cũng là giống như Khổng Lão phu tử thuật mà không tác, Thích Ca Mâu Ni Phật không có sáng tạo, đều là người xưa truyền lại, đời đời truyền lại. Người hiện tại ngay trong quan niệm là nhất định phải chính mình phát minh, chính mình sáng tạo mới đáng kiêu ngạo. Cái kiêu ngạo này chính là phiền não. Phật dạy chúng ta về Tham, Sân, Si, Mạn. Mạn chính là ngạo mạn, đó là phiền não cần phải đọan dứt. Hiện tại khi vừa mở miệng, việc nhỏ xíu cũng đáng để kiêu ngạo, kiêu mạn liền khởi lên thì làm sao được chứ?

Cho nên thánh nhân dạy chúng ta là Liêm, Hư, Cung, Kính. Mọi nơi mọi lúc đều phải nhẫn nhịn. Đây là tùy thuận Thiên đạo, tùy thuận tự nhiên, quyết định không có tranh trước lo sau, nơi nơi đều nhường nhịn. Ngày nay trên thế giới này, mọi người đều là cạnh tranh rất là dữ dội. Mỗi một người nhường một bước thì chẳng phải thiên hạ này thái bình rồi sao? Mỗi một người đều muốn tiến một bước, vậy thì phải máu đổ đầu rơi. Chân thật là lọan thế cùng thạnh thế ở khỏang một niệm. Thế giới biến thành như thế này, chúng ta xem thấy rất khó chịu, rất đau lòng. Nguyên nhân chính là do đâu vậy? Là do chúng ta đã quên mất đi giáo dục, chúng ta đã bỏ mất đi giáo huấn của tổ tông, đặc biệt là người Trung Quốc. Giáo hóa của tổ tông Trung Quốc có thể kéo dài đến 5000 năm sau, thì kinh nghiệm họ tích lũy được là kho báu của nhân lọai, đó không chỉ là kho báu của riêng đất nước chúng ta mà là của cả nhân loại. Họ thật là thông minh, họ phát minh ra chữ viết, thể ngôn văn. Thể ngôn văn là gì vậy, là công cụ trí tuệ truyền trao kinh nghiệm. Người xưa biết ngôn ngữ sẽ thay đổi, tùy theo thời đại mà thay đổi. Người phương tây, ngôn ngữ và văn tự của họ thống nhất, cho nên thư tịch cổ của phương tây ngày nay không có người hiểu. Ngôn ngữ đã thay đổi rồi, xem không hiểu nổi. Các nhà khảo cổ cũng chẳng có cách gì hiểu hết được. Tổ tông người Trung Quốc xưa thông minh thật, thật biết quan tâm đến thế hệ sau, họ đã phân ngôn ngữ và chữ viết thành hai phần, cho dù bạn thay đổi ngôn ngữ thế nào nhưng chữ viết không thay đổi, chữ viết vĩnh viễn không đổi.

Cho nên ngày nay bạn có thể đọc văn ngôn văn, Khổng Lão Phu Tử người của 2000 năm trước, bạn thấy những văn tự này của ngài truyền lại đến ngày nay vẫn giống như thông tin mặt đối mặt với nhau vậy, không bị hiểu sai ý nghĩa. Điều này thật quá tuyệt. Đây là trí tuệ thông minh tuyệt đỉnh mà cả thế giới không thể tìm có được. Văn ngôn văn là công cụ. Bạn nắm được công cụ này  thì kinh nghiệm, trí tuệ của con người mấy nghìn năm, bạn đều hấp thu được cả. Nếu bạn học thêm cái hiện đại nữa, thì thật là như Phật nói là ngang tận 10 phương, suốt cùng ba cõi, bạn thành tựu được học vấn viên mãn. Cho nên khi chúng ta nói đến giáo dục, không thể không nói đến giáo dục của người xưa, nếu như bỏ đi con đường đó để mở ra con đường mới là rất khó. Thí dụ nói, chúng ta từ HongKong đến Quảng Châu, hiện tại đã mở ra một con đường cao tốc, bạn đi con đường này thì chỉ ba giờ là đến, tôi không đi con đường này, tôi muốn mở riêng một con đường mới thì chí ít cũng phải tốn thời gian ba năm, có đúng không? Bạn đi con đường của người xưa chẳng phải thuận tiện lắm sao? Bạn không đi con đường của người xưa, bạn đi mở một con đường mới, con đường mới của bạn chưa chắc tốt hơn con đường này. Bạn chỉ cần thông hiểu, chỉ cần vâng giữ những đạo lý của các Ngài thì nhất định thế giới hòa bình, thế giới đại đồng, nhất định xã hội sẽ an định, nhân dân hạnh phúc. Bởi vì khởi tâm động niệm của họ không vì một người một nhà mà lo nghĩ, mà họ đều vì thiên hạ quốc gia mà lo nghĩ (thời xưa Trung Quốc gọi là thiên hạ, ngày nay gọi là thế giới), họ không vì hiện tại mà lo nghĩ mà họ vì thế hệ sau mà lo nghĩ, họ nghĩ rất xa. Đây chính là nói, người có cái nhìn xa.

Trung Quốc không phải không có khoa học kỹ thuật. Chúng ta xem trong lịch sử thấy thời đại Vương Mãng, người Trung Quốc đã học phi hành, dù lượn. Gia Cát Lượng phát minh ra Trâu cây ngựa gỗ, cơ khí hóa vận chuyển. Vì sao sau khi họ chết đi thì những kỹ thuật này cũng mất, không phát triển nữa? Vì họ biết được, nếu như phát triển ra lọai kỹ thuật này rơi vào tay người có dã tâm, không có đức hạnh thì có thể dẫn đến tai nạn cho thế giới. Nếu những nhà khoa học gia của phương tây có học qua giáo dục của Trung Quốc thì họ cũng sẽ không đem những thứ này ra. Ai Nhân Tư Đản biết được nguyên lý của đạn nguyên tử, nhưng ông nhất định không nói ra, ông bảo mật nó, ông cũng không  tiết lộ thiên cơ. Đây chính là điểm khác nhau trên tư tưởng của người đông phương với người tây phương. Giáo dục của người đông phương và người tây phương cũng khác nhau. Người Trung Quốc có trách nhiệm đối với lịch sử, gánh vác trách nhiệm đối với tất cả chúng sanh; người phương tây thì hoàn tòan công lợi, họ chỉ cần chính họ, không cần nghĩ đến cho nhiều như vậy. Không phải người Trung Quốc không thông minh.

Thông minh tài trí của người Trung Quốc, hiện tại người ngoại quốc bội phục. Năm 1983 tôi đến New York, khi ở New York giảng kinh, cư sĩ Thẩm Gia Trinh mời tôi dùng cơm. Khi một nhóm cùng ngồi dùng cơm, có mấy người bạn Mỹ nói với tôi, họ nói hiện tại cách nhìn của người Âu Mỹ đối với người Trung Quốc không giống như trước đây, toàn thế giới nếu như từng người từng người mà so sánh thì họ thừa nhận người Trung Quốc thứ nhất, thông minh trí tuệ tài năng của người Trung Quốc họ đều rất bội phục, là thứ nhất; còn nếu hai người so với hai người thì người Do Thái thứ nhất; ba người so với ba người thì người Nhật Bản thứ nhất. Sau cùng họ rất vui đùa mà nói, người Trung Quốc của các vị tại sao không đòan kết vậy? Ngay lúc đó tôi cười trả lời họ một câu, tôi nói, Thượng Đế an bài. Họ đều ngẩn người ra, không hiểu vì sao mà Thượng Đế an bài, bởi vì họ đều là tín đồ Cơ Đốc giáo. Tôi nói, nếu như người Trung Quốc đòan kết lại thì các người còn có cơm ăn sao? Mọi người đều cười rộ lên. Đúng vậy!

Người Trung Quốc thông minh, họ đã biết được, đã phát hiện ra, nhưng họ xem thường người , cho là người Trung Quốc không đòan kết. Đây tuy là lời nói cười đùa nhưng cũng có sự nhắc nhở đối với chúng ta, người Trung Quốc phải đòan kết lại, sẽ không hại người ngoại quốc mà chỉ có thể cứu thế giới, không phải hại thế giới.. Trên thực tế Trung Quốc giàu mạnh mới chân thật bảo đảm hòa bình an ninh của toàn thế giới. Bạn xem trong lịch sử có ghi chép rất rõ ràng, những quốc gia lân cận Trung Quốc ngày xưa đều triều cống cho Trung Quốc  (triều cống thời đó chính là hiện tại trên mặt ngọai giao tặng lễ, lễ vật), nhưng hồi báo của Trung Quốc vượt hơn của họ rất nhiều. Người Trung Quốc tuyệt đối không chiếm tiện nghi của người khác, đó là gì? Là lễ giáo, lễ phép qua lại. người ta tặng lễ cho ta, thì ta nhất định phải tặng nhiều hơn một chút cho họ, đây là hậu đạo, Không được tặng lại ít hơn họ, ít hơn họ là có lỗi với họ. Đây đều là giáo dục của thánh hiền, từ nhỏ đã dạy thành rồi. Thực tế ra mà nói, Trung Quốc đã có văn hóa dân tộc, có truyền thống dân tộc. Người Phương Tây thật không hiểu rõ, khi chân thật hiểu rõ rồi họ sẽ an tâm. Người Trung Quốc trên thế giới thực tế ra mà nói, là quốc dân tốt nhất, an phận giữ mình.

Cho nên ngày nay chúng ta gặp phải cái nạn này là vì gần một trăm năm nay đã bỏ mất đi giáo huấn của tổ tông, mù quáng học theo người nước ngoài, chịu thiệt rất lớn. Giáo dục cố hữu của Trung Quốc là:

-          Thứ nhất là đức hạnh, giáo dục đạo đức, ngôn ngữ cũng bao gồm ở trong đức hạnh.

-          Kế đến mới là giáo dục kỹ năng, ngày nay chúng ta gọi là khoa học kỹ thuật, dạy khả năng để mưu sinh. Bạn ở trong xã hội có một nghề được khá, tương lai bạn có thể kiếm sống được.

-          Sau cùng mới là văn học, mới là thưởng thức nghệ thuật, đó là nâng cao tinh thần của chính bạn, gọi là văn minh tinh thần.

Trước tiên yêu cầu đời sống an định, sau đó mới nâng cao văn minh tinh thần, Thế nhưng căn bản là đạo đức, không có đạo đức, xã hội này không thể an định. Cho nên ngày nay chủ tịch Giang Trạch Dân của Trung Quốc đề xướng lấy đức trị quốc, tôi tin tưởng không những được nhân dân Trung Quốc hoan nghênh, mà người trên tòan thế giới đều hoan nghênh, không những được người hoan nghênh, mà tổ tiên nhiều đời của mỗi một chủng tộc Trung Quốc đều tán thán ông. Việc này nói rõ là qủy thần đều sẽ ủng hộ họ. Phương hướng này là chính xác, nhất định không có sai lầm, thế nên chúng ta phải tận tâm tận lực phối hợp với họ. Hy vọng thực tiễn lý luận quan niệm dùng đức trị quốc này, xem trọng giáo dục đạo đức này sẽ khiến cho thế giới có hòa bình, thế giới mới có an định. Cho nên ngày nay không nên phân chia nước này với nước kia, giữa nước này với nước kia vẽ ra một ranh giới, đó không phải là tự nhiên mà do con người làm. Việc này trái với tự nhiên, vì sao vậy? Bao gồm tất cả chúng sanh, chỉ cần sống trên cái địa cầu này, cái khỏang đất này chính là mọi người cùng có, bạn có thể ở nơi đây thì tôi cũng có thể ở nơi đây, đó là tự nhiên. Con người có thể ở thì chim thú cũng có thể ở, cây cối hoa cỏ cũng có thể ở, đó là tự nhiên nhưng người Trung Quốc gọi đây là đạo hạnh. Tuy là có giới hạn nhưng không có chấp trước. Giới hạn này là vườn nhà của tôi, bạn đến nhà của tôi thì tôi rất hoan nghênh bạn; bạn không thể nói, anh đến nhà tôi thì tôi sẽ bài trừ anh, không phải vậy. Bất cứ người nào đến chỗ của tôi, tôi đều hoan nghênh, khi tôi đến chỗ của anh, anh cũng hoan nghênh. Tuy có giới hạn nhưng chỉ cần không có chấp trước, thì họ vẫn là tùy thuận tự nhiên. Giới hạn giữa nước này với nước khác, nếu như nói không có chấp trước thì đến một đất nước nào đó, còn phải xin thị thực gì đó chăng? Còn phải phiền não này, còn phải thông qua ải quan không? Bạn nói xem thế giới đó đẹp biết bao, đều là một quan niệm đạo đức, chân thật hiểu rõ chân tướng sự thật.

Chúng ta cùng sống với nhau trên địa cầu này, nhất định là phải tôn trọng lẫn nhau. Cho nên người Trung Quốc nói, đó là hòa bình. Hai chữ hòa bình này rất có đạo lý. Hòa là hòa thuận cùng ở với nhau, chỉ cần sống ở trên cái địa cầu này, cho dù bạn là người da trắng, người da vàng, người da đen, không chỉ là người mà ngay đến những loài cầm thú, chúng ta đều là hòa thuận cùng ở với nhau. Ngay đến cỏ cây hoa lá cũng phải hòa thuận cùng ở với nó. Hòa là hòa thuận, đó là mục tiêu, vậy nhân tố phương cách là gì? Là Bình đẳng. Nếu như bạn không có tâm bình đẳng thì không thể nói đến bình đẳng, thì làm gì có thể hòa chứ? Nếu chúng ta muốn hòa với tòan thế giới, trước tiên chính mình phải có tâm bình đẳng, thì đối với tất cả chúng sanh trên toàn thế giới, tự nhiên liền có thể hòa. Không bình đẳng thì không thể nói đến hòa. Cho nên trong hai từ này của người Trung Quốc đã có nhân đã có quả, hòa là quả báo, bình là nhân, chánh nhân. Trên thế giới kêu gọi hòa bình, đã kêu gọi mấy ngàn năm rồi nhưng hòa bình vẫn không thể thực hiện là do nguyên nhân gì vậy? Là do không biết dùng tâm bình đẳng đối với người thì làm gì có được hòa bình chứ? Cái đạo lý này, chúng ta phải nghĩ nhiều một chút.

Ba năm gần đây nhất tôi ở Singapore, Singapore có bốn chủng tộc lớn khác nhau, có chín tôn giáo khác nhau, tôi đến nơi đó đã làm cho mọi người đòan kết lại, cùng rất hòa thuận với nhau, biến thành như người một nhà. Tôi dùng phương pháp gì vậy? Bình đẳng đối đãi. Khi tôi đến giáo đường của Đạo Tin Lành, Đạo Tin Lành không có thần tượng, họ cúng dường kinh điển, ở ngay giữa đại điện cúng dường Kinh Điển, họ lễ bái Kinh Điển. Trong Phật pháp chúng ta lễ lạy Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng; họ thì lạy Pháp. Khi tôi vào tôi cũng lạy, vì sao vậy? Bạn bè lân cận, tôi đến nhà của họ thì phải tôn kính tổ tông của họ, phải kính người nhà của họ, tôi không tôn kính họ thì làm sao họ tôn kính tôi. Cho nên có một số người cảm thấy rất kỳ lạ, họ nói, Pháp sư à! Vì sao Ngài có thể lạy thần của họ vậy? Tôi nói, có rất nhiều tôn giáo đều nói chánh thần chỉ có một. Tôi thừa nhận chánh thần chỉ có một, vị chánh thần đó có trí tuệ, có đại thần thông, có đại năng lực, có thể phân thân. Tất cả các tôn giáo đều chỉ có chung một thần, ở trong Phật giáo gọi là Phật Đà, ở trong Hồi giáo thì gọi là A La, ở trong Thiên Chúa giáo Thượng Đế, chỉ là một người. Vậy thì làm gì có chuyện cãi nhau phải không? Chẳng phải là bình lặng hay sao? Cho nên tôi xem thấy A la, tôi cũng sẽ quỳ xuống lạy. Vì sao vậy? Trong Phật kinh giảng nói rất hay: “đáng dùng thân gì để độ thì liền hiện ra thân đó, đáng dùng thân Phật để độ thì liền hiện thân Phật để độ, đáng dùng thân đồng nam đồng nữ để độ thì liền hiện thân đồng nam đồng nữ để độ”. Bạn mở rộng ra đi, đáng dùng thân A La để độ, thì không thể hiện thân A La để độ hay sao? Đáng dùng thân Cơ Đốc để độ, thì các Ngài không hiện thân Cơ Đốc hay sao? Cho nên trong mắt của tôi, Ki Tô, Giêsu, A La đều là Phật Bồ Tát hóa thân. Tôi nhìn thấy thì cung kính lễ lạy, hoàn tòan bình đẳng. Họ cùng ở với tôi rất tốt, nhất là tín đồ hồi giáo, tín đồ Thiên Chúa giáo đối với tôi rất là tốt.

Kinh Điển bình đẳng, Phật kinh chúng ta là đệ nhất, kinh Coran của bạn cũng là đệ nhất, Cựu Ước của Cơ Đốc giáo cũng là đệ nhất, không có đệ nhị. Không thể nói, ta thì đệ nhất còn các người đó đều không bằng như ta, vậy thì sai rồi. Vì sao vậy? Thế giới vốn dĩ chính là đa nguyên, việc này bạn phải khẳng định, không phải là đơn nguyên mà là đa nguyên. Bắt đầu xem từ đâu? Từ thân thể, thân thể đa nguyên. Thí dụ như nói, Phật giáo của ta là con mắt, mắt của ta là đệ nhất, Ki Tô giáo là lỗ tai, Hồi giáo là lỗ mũi, lỗ tai và lỗ mũi là đệ nhị thì không ổn, thì con người của bạn sẽ không bị bệnh hay sao? Có phải không? Ta chỉ có mắt, còn các cơ quan khác đều bị hư hết, thì bạn đi đến con đường chết. Khi người khác hỏi bạn, bạn nói con mắt của tôi đệ nhất, lỗ tai cũng đệ nhất, lỗ mũi cũng đệ nhất, mỗi thứ đều đệ nhất thì khỏe mạnh. Cái đạo lý này phải hiểu. Cách nói này của tôi, họ cũng có thể nghe hiểu được vì có đạo lý. Cho nên, tôi có thể hòa thuận cùng ở chung với họ, thật giống như anh em chị em trong nhà vậy, thật không có phân biệt. Thời gian tôi ở đó không lâu, dân tộc Mã Lai ở đó, mãi đến hôm nay vẫn đánh một dấu hỏi đối với người Hoa, họ không tin tưởng, không tín nhiệm. Tôi đi đến nơi đó, thời gian ngắn như vậy, nhưng khi người Mã Lai nhắc đến họ liền nói, Pháp sư Tịnh Không là người tốt. Ngày lễ ngày tết đều tặng quà đến cho tôi tuy đều là người không quen.

Cho nên nói, chúng ta dùng tâm chân thành đối với người, dùng tâm bình đẳng đối với người, dùng tâm thanh tịnh đối với người, thì hồi báo của người là rất tốt. Tín đồ Hồi Giáo rất là đáng yêu, chúng ta đối tốt với họ một phần, thì họ sẽ hồi báo lại hai, ba phần. Không nên kết oán thù với người khác, nếu như có hiểu lầm thì chúng ta phải tìm hiểu. Khổng lão phu tử đã nói “phản cầu chư kỷ”, hiểu lầm do đâu mà ra, rốt cuộc do nguyên nhân gì? Ta trừ bỏ đi nguyên nhân thì hiểu lầm sẽ được hóa giải, đó mới là cách giải quyết vấn đề. Không nên nói là, tất cả đều là do người khác không tốt, ta thì tốt. Vậy thì không được rồi. Phàm hễ khi gặp phải vấn đề, chúng ta nhất định phải nghĩ lại xem lỗi lầm là do đâu, vấn đề này do đâu mà phát sanh, chính mình phải phản tỉnh nhiều, việc này là quan trọng. Cho nên giáo huấn của thánh hiền không nên xem thường. Cách nhìn của tôi đối với tất cả các tôn giáo là đều là một nhà, là một thần. Quan niệm lý luận này của tôi, họ có thể tiếp nhận, bởi vì vào thời xưa, xã hội bị đóng cửa, giao thông không thuận tiện, rất nhiều người đến già chết mà không hề qua lại, vậy thần muốn giáo hóa chúng sanh ở vào thời gian đó, ở một nơi nào đó thì các Ngài cần phải hiện ra một thân phận nào đó. Không như hiện tại, hiện tại hiện ra thân như vầy thì được, nhưng ở vào lúc đó hiện ra cái thân này thì không cách gì giáo hóa tất cả chúng sanh. Cho nên ở trong một quần tộc nào đó, thì họ nhất định hiện ra thân đó. Đây là nói lý. Khi mọi người ngồi lại nói chuyện với nhau thì họ nói lý mà, khi vừa nói ra thì họ liền hiểu rõ: “Cách nghĩ này nghĩ ra thật có đạo lý”.

Cho nên chúng ta đều là người một nhà, nơi nào có khó khăn, chúng ta lập tức tiếp ứng trợ giúp họ. Rất nhiều tôn giáo đều làm những việc từ thiện xã hội, đều làm được rất tốt, làm cô nhi viện, viện dưỡng lão, bệnh viện, xây trường học, chúng ta đều đến quyên góp. Có người mắng tôi: tiền mà tín đồ cúng cho ông, ông lại mang đem đi cho ngoại đạo. Tôi liền nói với họ là, tôi nói, đó là Thích Ca Mâu Ni Phật dạy cho tôi. Thích Ca Mâu Ni Phật dạy tôi thế nào? Thích Ca Mâu Ni Phật dạy tứ nhiếp pháp. Tứ nhiếp pháp là gì vậy? Tứ nhiếp pháp chính là pháp giao tế quan hệ giữa con người và con người, hiện tại gọi là pháp giao tế, đó là Thích Ca Mâu Ni Phật dạy cho chúng ta. làm thế nào để giao tế.

Giao tế có bốn phương pháp gồm:

-          Thứ nhất chính là Bố Thí. Bố thí đó, nếu dùng lời hiện tại mà nói là “mời khách tặng quà”, cho nên bố thí này cùng với bố thí trong Lục độ là cách nói không giống nhau, bạn qua lại với người, việc đầu tiên bạn phải xây dựng cảm tình, là tặng quà bố thí.

-          Thứ hai là ái ngữ. Ái ngữ là bạn chân thật quan tâm đến họ, chân thật có tâm yêu thương mà chăm sóc họ.

-          Thứ ba là đồng sự. Hiện tại họ làm là những việc phúc lợi có lợi ích cho xã hội, chúng ta tùy hỉ, chúng ta tham dự, cùng làm với họ. Họ làm một cô nhi viện, chúng ta cũng phải làm, họ đã làm xong rồi, vậy chúng ta đến giúp họ. Cũng giống như nói, hiện tại làm kinh tế, ta gia nhập cổ đông, như Thiên Chúa giáo đến Châu Phi để giúp đỡ những người bệnh khổ, họ có một đòan trị liệu đi đến nơi đó, tôi nghe nói, tôi tặng năm vạn đồng cho phí thuốc men. Sau đó vị nữ tu nói với tôi, cô nói phương tiện đi lại ở nơi đó rất khó khăn, cô nói, Pháp sư! Ngài có thể tặng một xe cứu thương hay không? Tôi nói được, liền tặng cho họ một chiếc xe cứu thương. Chúng ta không cách gì đến được Phi Châu để làm những việc tốt này, họ đi làm ta tham dự cổ đông, vậy thì có gì không tốt đâu? Nói ra cũng có lý đó mà. Cho nên có một số người tâm lượng nhỏ hẹp phân biệt chấp trước, đó là tự tạo phiền não, không phải giải quyết vấn đề. Tôi không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tôn giáo, một mực bình đẳng. Hy vọng mỗi một nhà tôn giáo, mỗi một truyền giáo sư đều có thể mở rộng tâm lượng cùng đồng hợp tác để mong cầu thế giới hòa bình, làm cho xã hội an định thế giới hòa bình.

Chúng ta phải biến điều này thành hiện thực. Cho nên sự kiện ngày 11 tháng 9 ở nước Mỹ là do xử lý không thỏa đáng. Sự việc xảy ra cũng sắp gần một tháng rồi, phải xử sự như thế nào? Nếu như việc này làm không được tốt sẽ dẫn đến oán thù của các quốc gia hồi giáo đối với Anh Mỹ. Đây là vấn đề to lớn. Đại chiến thế giới lần thứ ba sẽ rất có thể từ do đây mà phát khởi. Cho nên từ sự kiện này, người Mỹ phải nên cố gắng suy xét lại, tốn nhiều tiền như vậy để phát triển vũ khí cũng không ít gì, không bằng đem số tiền đó mang cứu giúp những nhân dân khổ nạn trên toàn thế giới. Nước Mỹ là người lãnh đạo thế giới, cho nên bao nhiêu năm nay tôi thường hay nói, hy vọng nước Mỹ không nên có cảnh sát, mà nên làm chúc thọ cho người già, ai mà không thích chúc thọ người già có phải không? Bạn làm cảnh sát, trẻ nhỏ thấy cảnh sát thì đều chạy mất, đều trốn đi, có phải không? Lúc trước, giảng kinh cũng thường hay nhắc đến, tôi rất cảm khái mà nói, tôi nói cuộc chiến của nước Mỹ ở Hàn Quốc tốn hết tám ức, tám ức đó nếu như là đem tặng cho Nam Bắc Hàn thì Nam Bắc Hàn đương nhiên nghe lời. Bạn đem nhiều quà tặng cho họ như vậy, bạn đối với họ tốt như vậy, thì mọi người làm sao không tôn kính bạn? Nhưng khi bạn đánh họ như vậy, tốn nhiều tiền đến như vậy, chỉ kết thêm óan thù, đến đời nào thì bạn mới có thể hóa giải hết?

Cuộc chiến tại Việt Nam hơn 20 năm, tốn hết hơn 80 ức, nếu như dùng 80 ức này cứu trợ cho Nam Bắc Việt, cứu trợ Campuchia thì người ở khu vực này sẽ biết ơn bạn. Bạn đối với người nên có ân huệ, không nên có oán cừu, cừu hận thì không thể nào kết thúc, nên bố thí ân huệ cho người khác thì mới giải quyết được vấn đề. Các vị từ nơi công việc truyền bá văn hóa, đó là từ nơi giáo dục xã hội. Hiện tại giáo dục xã hội, thành thật mà nói, bạn xem thử truyền hình, báo chí, tạp chí, internet đều là hủy hoại thế giới. Hôm qua tôi giảng kinh cũng có nói đến, người nào có thể cứu vãn được thế giới này? Có hai hạng người, một là người lãnh đạo quốc gia, một người nữa chính là người môi giới truyền hình, phát thanh viên. Hai hạng người này có thể hủy diệt thế giới này, cũng có thể cứu vãn thế giới này.

Biên tập viên: Vì mỗi ngày phát thanh viên tiếp xúc với dân chúng?

HT: Đúng.

Biên tập viên: Không có ngày nào là không ảnh hưởng.

HT: Không sai.

Biên tập viên: Đây là sự ảnh hưởng thầm lặng?

HT: Không sai! Ảnh hưởng quá to quá lớn

Biên tập viên: Chúng tôi là ký giả tin tức, đều cảm thấy trách nhiệm rất nặng. Một đọan văn chương nếu có sự sai lệch thì ảnh hưởng của nó sẽ không thể lường được. Cho nên tôi cảm thấy những người phát thanh viên vì thị trường, vì thăng tiến mà không từ một thủ đọan nào là tạo nghiệp rất nặng. Quan niệm này của họ thật sự là sai lầm. Nếu bạn đi con đường chánh đáng, thì đừng sợ không có thị trường, không chừng thị trường còn nhiều hơn, lớn hơn, họ không hề nghĩ đến vấn đề này. Tôi có cảm thọ này, vì tôi đã ở nước Mỹ một năm. Nước Mỹ rất lý thú, họ một mặt thì rất đề xướng các dân tộc cùng tồn tại, ngài xem qua chính sách di dân, họ thu hút được những người tốt nhất qua đó nên ở New York đều có người ở trên toàn thế giới, người tài hoa nhất đều có; Thế nhưng một mặt khác thì cũng có một số người luôn luôn không khuất phục. Giống như mấy phần tử khủng bố, họ sống ở nước Mỹ rất nhiều năm rồi, họ vẫn không thể hòa nhập được với xã hội đó, lòng oán hận đó vẫn luôn luôn duy trì, mất rất nhiều năm để lên kế họach làm thế nào để làm nổ hai tòa cao ốc đó. Cho nên tôi không hiểu tại vì sao nước Mỹ một mặt thì họ có loại chánh sách có thể dung nạp các dân tộc khác, thế nhưng mặt khác thì lại không thể tiêu trừ. Có một số người, trong lòng họ có oán hận nên cuối cùng tạo thành tai nạn này. Tôi cứ nghĩ mãi mà không nghĩ ra vấn đề này.

HT: Vấn đề này chính là khi vừa mở đầu đã nói, đó là vấn đề nhân quả. Sau đại thế chiến thứ hai, nước Mỹ với người trên toàn thế giới kết oán thù quá sâu. Họ phát động những chiến tranh này. Chiến tranh thì người vô cớ tử vong quá nhiều, những người tử vong này có thể đầu thai đến nước Mỹ. Họ đến nước Mỹ để làm gì? Báo thù, họ đến để báo oán. Bạn thử nghĩ xem, cho dù chính mình mạnh như thế nào chăng nữa, nhưng kẻ địch vào trong nhà của bạn, làm con cái của bạn, làm cháu chắt của bạn, thì bạn làm thế nào? Việc này người Trung Quốc chúng ta hiểu, nhưng người ngoại quốc không hiểu. Họ đầu thai vào trong nhà của bạn thì bạn phải làm sao? Cho nên triều nhà Thanh, có một câu chuyện ở trào nhà Thanh về họ Diệp Xích Na La. Nhà Thanh khi mới dựng nước, thế lực mạnh mẽ, đã đem tiêu diệt hết tộc Diệp Xích Na La, tù trưởng của họ phát ra một lời đại nguyện: “dân tộc này của ta chỉ cần còn sót lại một người nữ, cũng phải báo thù”. Người nữ đó chính là Từ Hy Thái hậu. Cho nên Từ Hy Thái Hậu diệt trào Mãn Thanh này là để báo thù. Vận khí của nhà Thanh rất thạnh nên có thể có được hơn 200 năm. Khi vận khí của bạn thạnh thì họ không dám động đến bạn, đợi khi vận khí của bạn suy rồi thì họ đến, họ có thể đợi sau 200 năm mới đến để báo thù bạn. Lòng oán hận này thật rất dễ sợ. Người ngoại quốc họ không hiểu được đạo lý này. Hôm nay những phần tử khủng bố này của bạn là ai vậy? Đều là oan gia trái chủ của bạn, nhà Phật chúng ta gọi là oan gia trái chủ. Những phần tử khủng bố này vì sao họ không đến một quốc gia khác khu vực khác để khủng bố, vì sao họ đến chỗ của bạn? vì là oan gia trái chủ của bạn, vì họ không có oan gia trái chủ với người khác.

Người dịch:    Cư sĩ Vọng Tây

Biên tập:         Cư sĩ Diệu Hiền

Tác giả bài viết: Người dịch: Cư sĩ Vọng Tây

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây