Tám bài kệ chuyển hóa Tâm - Geshe Langri Thangpa - Thanh Thái dịch

Thứ tư - 29/05/2013 11:27 - Đã xem: 3249

Tám bài kệ chuyển hóa Tâm - Geshe Langri Thangpa - Thanh Thái dịch

Tôi theo chị bạn tới thăm một ngôi chùa Tây Tạng. Thấy người lạ tới thăm chùa, Thầy trụ trì nghiêm trang chắp tay đứng trước tôi đọc mấy câu kệ ngụ ý chúc lành cho tôi. Bạn tôi giới thiệu thêm với Thầy tôi cũng là một Phật tử nên khi chúng tôi chào Thầy ra về, Thầy trao cho tôi một bài kệ và bảo rằng “Bài kệ này có thể giúp ích đạo hữu trên đường tu học, xin tặng đạo hữu.”

 Eight Verses of Mind Training

Tác giả: Geshe Langri Thangpa

  (1054 – 1123 CE)

 

 Tôi theo chị bạn tới thăm một ngôi chùa Tây Tạng.  Thấy người lạ tới thăm chùa, Thầy trụ trì nghiêm trang chắp tay đứng trước tôi đọc mấy câu kệ ngụ ý chúc lành cho tôi.  Bạn tôi giới thiệu thêm với Thầy tôi cũng là một Phật tử nên khi chúng tôi chào Thầy ra về, Thầy trao cho tôi một bài kệ và bảo rằng “Bài kệ này có thể giúp ích đạo hữu trên đường tu học, xin tặng đạo hữu.”

 “Đó là bài kệ của Đạo Sư Geshe Langri Thangpa, một vị Đạo Sư Tây Tạng nổi tiếng về bài kệ Chuyển Hóa Tâm của Ngài từ thế kỷ thứ 12.  Thật ra Ngài viết bài này chỉ là để cho chính Ngài suy ngẫm, nhưng rồi sau này trở thành lời khuyên dạy vô giá cho các Phật Tử qua bao thế kỷ….”

 

(Trích lời Đức Dalai Lama thứ 14 giới thiệu cuốn “Now I know” của tác giả Sally Devorsine vì sách đó nói về những bài giảng dạy của Đạo Sư GesheLangri Thangpa)

 

Sau nhiều lần nghiền ngẫm bài kệ, tôi tự thấy tâm tôi còn nặng nề quá, tôi còn vướng mắc nhiều chấp trược quá, quả thật cái ngã của tôi còn lớn quá, vô minh còn bao phủ dày đặc quanh tôi, làm sao mà thân tâm an lạc được.  Và rồi càng đọc k cả tám bài kệ, tôi càng nhận ra rằng mỗi bài là một lời chỉ dẫn thiết thực làm sao cho chính tâm mình được nhẹ nhàng thanh thản, mà cũng là cho tất cả mọi người được yên vui.  Bài kệ được diễn đạt bằng Anh ngữ, tôi xin cố gắng phiên dịch qua tiếng Việt, và xin chia sẻ với chư pháp hữu bài kệ vô cùng ý nghĩa này.

 

Tám Bài Kệ Chuyển Hóa Tâm


Với nguyện ước mong đến bờ toàn giác,

Cùng vì lợi ích mọi chúng sinh,

Xin trân quý các bậc Mẹ hiền như bảo ngọc,

Suy tư này xin ghi mãi trong tâm.

 

Rồi mỗi khi gặp gỡ bạn thân sơ,

Nguyện khiêm nhường chẳng quản hơn thua,

Và với tất cả lòng thành kính,

Tôn kính người như những bậc ân sư.

 

Nguyện năng quán xét tư duy hành động,

Vô minh lóe đến còn đâu là an lạc,

Không chỉ một ai mà tất cả chúng sinh,

Phải kiên cường lập tức phá vô minh.

 

Khi giao dịch gặp người thâm hiểm,

Lòng dạ đầy sân hận hờn căm,

Mẹ bạn ấy con nguyền thương quý,

Như kho tàng vô giá mới tìm ra.

 

Còn những người ưa ghen tuông đố kỵ,

Hay nói lời phỉ báng chê bai,

Con xin gắng nhận phần thua kém,

Nhường phần toàn thắng cho đời yên vui.

 

Lại có người con hằng giúp đỡ,

Cùng mến thương tin tưởng hết lòng,

Bỗng trở mặt làm con tê tái,

Xin nhủ lòng coi họ như những bậc tối cao.

 

Dù xa gần con xin dâng hiến,

Niềm yên vui đến khắp bậc Mẹ hiền,

Phần riêng con xin âm thầm gánh chịu,

Mọi khổ đau ác nghiệp thế chúng sinh.

 

Bao cơn bão không làm con lay chuyển,

Trong tâm con vạn pháp chỉ là không,

Không chấp trước con nguyền tinh tấn,

Cứu độ người khỏi luân hồi trong biển khổ

vô minh.

 

Hồi Hướng

 

Pháp môn vô lượng con nguyện học,

Phật đạo vô thượng con nguyện thành,

Nguyện con có được khả năng,

Giúp người thoát khỏi khổ đau não phiền.

 

Nguyện cầu Bồ Đề Tâm cao quý,

Nở rộ khắp nơi nơi,

Nguyện cầu Bồ Đề Tâm kiên cố,

Bền vững với thời gian.

 

Nguyện cầu pháp Chân Không tối thượng,

Sẽ hiển hiện khắp cùng,

Nguyện cầu tri kiến ấy,

Sẽ mãi mãi thăng hoa.

 

            Trước đây 900 năm, từ thế kỷ thứ 12, Đạo Sư Geshe Langri Thangpa đã dạy cho những người con Phật đức tính từ bi bác ái, cùng tinh thần khiêm cung nhẫn nhịn phá chấp ngã, qua thái độ luôn luôn  trân quý các bậc Mẹ hiền, gặp bạn bè thì chẳng quản hơn thua, chấp nhận phần thua kém.  Ngài lại dạy coi bạn bè như những bậc ân sư, cùng lòng hy sinh, khoan dung thuận thảo bằng cách gánh chịu khổ đau thế chúng sinh, mong cứu độ người khỏi biển khổ trầm luân.

 

 

            Phật tử chúng ta ngày nay may mắn cũng đã thấm nhuần giáo lý của đạo Phật như tinh thần từ bi bác ái, luật nhân quả, lý vô thường, cùng đức tính khiêm cung, nhẫn nhịn, chúng ta cũng đã cảm nhận được niềm an lạc trong hiện tại.  Mong rằng những lời dạy khuôn mẫu sáng suốt trên sẽ giúp chúng ta tiến xa hơn nữa, cho đến ngày chúng ta sẽ “đáo bỉ ngạn,” sẽ vượt đến bờ toàn giác để an hưởng cảnh Niết Bàn an lạc nơi cõi Phật.                                                                 

 

 Mùa Phật Đản 2556-2012                   

 

 

Tác giả bài viết: Thanh Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây