Đọc sách ngàn lần - Tập 9

Thứ hai - 05/11/2018 23:04 - Đã xem: 2652

ĐỌC SÁCH ĐỂ TÂM THANH TỊNH, TIẾT CHẾ DỤC VỌNG (THANH TÂM QUẢ DỤC)

Giáo viên, học sinh: Kính chào thầy ạ.

Thầy Trần: Chào mọi người.

Giáo viên: Thưa thầy, tiết mục của chúng ta hiện nay đã sang tập thứ 9 rồi. Mọi người sau khi xem tiết mục này của chúng ta thì rất muốn làm theo, họ đã nghĩ đến việc “Đọc sách ngàn lần” rồi, điều này có phải là hết thảy mọi người đều có thể áp dụng phương pháp này đúng không ạ?

Đọc sách ngàn lần - Tập 9

 

Thầy Trần: Câu hỏi này chúng ta đã trả lời rồi, phải cần có phước báo nữa. Nói một cách khác, phải có duyên. Phước báo là một loại duyên phận. Có thiện căn thì người này mới có thể tiếp nhận, phụ huynh mới chịu tiếp nhận, thầy cô giáo chịu tiếp nhận, học sinh chịu tiếp thu. Phải có thiện căn. Thứ hai là phước đức, họ phải có cái phước báo này. Thứ ba là nhân duyên, phải có điều kiện, hoàn cảnh và nhân duyên. Phước đức đứng ở vị trí thứ hai, khá là quan trọng. Các bạn thấy có người thật sự nghiệp chướng nặng nề, đọc sách chưa được nửa tiếng thì đã nhức đầu, đứng cũng không nổi, lao chao té ngã. Những học trò như vậy là có bệnh, đều xuất hiện những tình huống này, là nghiệp chướng hiện tiền. Nên làm sao đây? Trước hết phải tu phước, trước tiên phải tu phước báo. Cho nên các cô thấy có vị nghĩa công nói rằng: “Phải chi hồi tôi 6-7 tuổi, hay là 3-5 tuổi được tiếp nhận sự giáo dục tốt đẹp như thế này thì hay biết mấy, nhưng tôi làm gì được tốt số như vậy”. Câu nói này nghĩa là sao? Là họ không có phước báo.

Chúng ta nhờ khóa học này mà hiểu rằng phước báo rất quan trọng, vì thế mà Đức Phật dạy chúng ta phải phước - huệ song tu, chỉ có trí huệ mà không có phước báo thì không được; chỉ có phước báo mà không có trí huệ thì gọi là “si phước”, có phước nhưng ngốc, không có trí tuệ, ngu si nhưng lại có phước, như thế cũng chẳng ích gì, vì thế phước - huệ phải song tu. Nhất định là khi con cái còn nhỏ, chúng ta phải vì chúng mà bồi phước. Các bạn thấy các bậc cha mẹ khi nuôi con thì sát sinh vô số kể để con ăn cho có dinh dưỡng. Họ nghe lời các chuyên gia. Kỳ thực, như vậy là tổn giảm phước và thọ của đứa trẻ, nhưng họ không biết. Con nít ăn chay thì rất khỏe mạnh, chúng tôi đã thấy nhiều rồi, chúng khỏe mạnh hoạt bát, rất rắn rỏi. Bạn thấy họ tu phước cho con nên thân thể mới khỏe như vậy. Việc quan trọng nhất của việc tu phước là để con trẻ tận hiếu, cho con cơ hội yêu thương người khác. Cho nên tôi thường nói với các bạn là có thể học tập văn hóa truyền thống, có thể tìm được vị thầy tốt, có thể học tập theo sư phụ ngài là có đại phước báo.

Hoàn cảnh có sức ảnh hưởng vô cùng lớn đối với con người. Trong tiết mục ngày hôm nay của chúng ta, có những em học sinh lớn, thầy đều biết hoàn cảnh trước đây của các em. Ở trong trường học các em đã bị ô nhiễm, đúng không? Lúc các em vừa mới đến trường văn hóa truyền thống, ở trong lớp còn lén hút thuốc nữa. Các bạn thấy những em học sinh này trong trường học còn ẩu đả đánh nhau, không học tốt. Các em đã học được vài năm ở trường của các cô rồi, đối với khóa học “Đọc sách ngàn lần”, con có cảm nhận gì?

Học sinh: Thưa thầy, trong khóa học “Đọc sách ngàn lần” này, cảm nhận đầu tiên của con là, bởi vì con là đứa có tập khí rất nặng, cho nên lúc mới bắt đầu con không tin rằng bản thân có thể tiếp tục kiên trì nổi, còn sợ rằng giữa đường có thể mình sẽ bỏ cuộc, hoặc là nửa chừng sẽ rút lui. Vì thế lúc mới bắt đầu thực hiện việc “Đọc sách ngàn lần”, con đã nói với bản thân rằng nhất định phải tin tưởng, nhất định phải tin rằng chính mình có thể làm được, như vậy mới có thể khiến cho tâm của con an định mà đọc sách.

Thầy Trần: Việc này rất quan trọng, nói một cách khác, con thấy những yêu cầu trong 3 tập đầu của tiết mục “Đọc sách ngàn lần” rất nghiêm khắc, kỳ thực đó đều là thứ mà tự tánh của con vốn sẵn có. Con người trước tiên phải tin tưởng bản thân, tin tưởng điều gì ở chính mình? Con phải tin rằng con là Phật, con phải tin con vốn là thánh nhân, cứu cánh viên mãn, cho nên “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Cái bản tánh đó thiện đến mức nào vậy? Cực điểm, không có lời nào diễn đạt được. Nhưng con người không tự biết mình, không hiểu rõ bản thân, không biết chính mình vốn là như vậy, không biết mình còn có “tự tánh”, còn có “minh đức”, vì thế mà tín tâm của họ không thể phát khởi, họ không biết rằng bản thân họ vốn tốt đẹp như vậy. Con thấy dường như là yêu cầu rất cao, phải nhiếp trọn sáu căn, trước giờ con chưa từng cảm nhận qua điều này, kỳ thực thì tự tánh của con có thể làm được một cách viên mãn. Những điều này lúc mới bắt đầu nên nói cho các em học sinh biết, nói cho các thầy cô giáo biết rằng mọi người đều có thể làm được, đây không phải là thứ học được từ bên ngoài. Vì thế lúc bắt đầu con nói với chính mình như vậy là tự tin. Việc tin tưởng bản thân là điều rất quan trọng, như vậy mới có thể tiếp tục kiên trì được. Con người nên thường xuyên có cách nghĩ như thế nào? Tự tánh của tôi là viên mãn, tôi chính là Phật, vì sao hiện nay tôi trở thành bộ dạng như thế này, ngay cả ngồi 3 phút đồng hồ cũng ngồi không yên? Đây là tâm hổ thẹn, đây là tâm “tri sỉ cận hồ dũng” (biết hổ thẹn là gần với dũng vậy). Ngoài ra còn gì nữa? Phải có lòng tự tin, theo dõi, giám sát bản thân thì mới không bị thối chuyển. Nhất định phải biết làm sao để tiếp tục kiên trì. Trước tiên phải có tín tâm. Tín tâm sinh ra từ việc nhận thức và thừa nhận tự tánh, minh đức và chân tâm của chính mình, con vốn là như vậy.

Học sinh: Đúng như vậy, thưa thầy. Điều thứ hai, con còn bảo với chính mình nhất định phải tin tưởng các thầy cô giáo, tin tưởng rằng thầy cô của mình nhất định có thể giúp mình được lợi ích, thầy cô nhất định muốn tốt cho mình. Cho nên, khi con có được hai niềm tin này, trong quá trình đọc sách, đôi khi nghiệp chướng hiện tiền, vọng tưởng của bản thân rất nhiều, nhưng bản thân con vẫn có thể kiên trì, chính con cảm nhận rằng mình có thể kiên trì được.

Thầy Trần: Kiên trì trong 20 ngày, có trường thì thực hiện trong nửa năm, có nơi thì thực hiện cả một năm. Dựa vào đâu để tiếp tục kiên trì? Nhất định nhớ rằng phải có tín tâm. Về tín tâm, đối với những em lớn tuổi thì chúng hiểu được, còn những em nhỏ tuổi thì sao? Các em rất khó mà hiểu rõ những đạo lý sâu sắc này, những thứ như “tự tánh”, “minh đức” các em không hiểu thì làm thế nào? Phải nghe lời. Thế nên, việc nghe lời này ở nhà phải được dạy, các em ở nhà không nghe lời cha mẹ thì lúc đến trường có thể nghe lời các cô được không? Không thể nào. Các cô thấy đứa trẻ 2 tuổi rưỡi này nằm ăn vạ dưới đất, thế nên nhất định phải biết rằng nếu nuông chiều con từ nhỏ thì sau này dù điều tốt đẹp đến đâu chúng sẽ không thèm nghe. Vì sao vậy? Chúng muốn làm theo ý chúng. Chúng chỉ muốn làm theo ý chúng thì giáo dục của Thánh Hiền, hay là giáo dục gì đi nữa, Phật Bồ-tát có đến thì chúng cũng không nghe lời. Vì sao vậy? Buông thả đã lâu rồi, tùy tiện quen rồi.

Học sinh: Thưa thầy, điều thứ hai mà con cảm nhận là bản thân con rất ngạo mạn, luôn luôn không chấp nhận người khác nói đến khuyết điểm của mình, nói tật xấu của mình, đồng thời đối với tất cả mọi người con đều không phục, con còn xem thường người khác nữa. Tuy nhiên, sau khi tham gia khóa học “đọc sách ngàn lần” xong, con cũng không biết vì sao, đột nhiên phát hiện rằng tập khí ngạo mạn của mình đã giảm đi, không còn kiêu ngạo như trước đây nữa. Ví dụ như đọc xong cuốn sách này, nếu có bạn học đến đề cập về lỗi lầm của con, con sẽ lập tức quán sát nội tâm của chính mình. Nhưng nếu là trước đây thì chắc chắn sẽ có xung đột, chắc chắn là con sẽ không chấp nhận, nhưng mà bây giờ thật sự con đã phát khởi được tâm cảm ân từ trong ra ngoài. Sau đó có lúc con còn thường suy nghĩ, nếu như mọi người đều thường xuyên nhắc nhở con, như vậy là có lợi cho việc sửa đổi lỗi lầm của con. Những suy nghĩ thế này trước khi học khóa “Đọc sách ngàn lần” thì con chưa từng nghĩ đến.

Thầy Trần: Trong Đệ Tử Quy có câu “nghe khen sợ”, chính là khi người ta khen mà mình cảm thấy sợ; “nghe lỗi vui”, còn người ta phê bình thì mình hoan hỷ. Ai có thể làm được? Trong thế gian ngày nay thì người nào làm được? Con thử hỏi những người lớn tuổi hơn, xem ai có thể làm được điều này? Sắc mặt ngay lập tức sẽ khó coi liền. Người thời xưa từ nhỏ đã làm được, người thông thường là quân tử, cao hơn một chút là hiền nhân, còn thánh nhân thì không cần phải nói, quân tử là có thể làm được. Ngày nay đi đâu để tìm quân tử đây? Tìm không ra.

Vừa rồi chúng ta đã giới thiệu về tình hình của em học sinh này, em không phải là người tốt, sửa đổi bản thân là việc không dễ làm, nhưng sau khi ở trường của các cô học hành được vài năm, hôm nay em phát biểu những lời này là em đã có thể hội gì? Hình như em đã có một chút khí khái của quân tử. Ai đã dạy cho em vậy? Không có ai dạy cả. Vì em vốn dĩ là quân tử, có phải không? Nói một cách khác, cho dù trước đây em hút thuốc ở trong trường, ẩu đả đánh nhau, em trước đây không phải là người tốt, là do nguyên nhân gì? “Cẩu bất giáo, tánh nãi thiên” (nếu không dạy dỗ thì tánh ấy sẽ thay đổi), tự tánh vốn rất tốt đã bị biến đổi, thay đổi trở thành người xấu. Trường học và gia đình không biết dạy đã dạy sai em mất rồi. Cũng may là em còn trẻ, lúc mới đến trường của các cô, em được mười mấy tuổi, cũng còn may. Học ở đây được mấy năm đã đoạn dứt được những duyên xấu ác, nói một cách khác, em đã không còn trở thành kẻ xấu nữa, không còn trở nên xấu ác, sau đó đã biết quay đầu, trở về con đường thiện. Lần này cố gắng hơn. Vì thế mà thầy thường nói rằng, sư phụ ngài đã cứu lấy các con. Câu nói “Đọc sách ngàn lần” này của sư phụ, tìm không ra người có thể làm được. Còn ở đây chúng ta đã “biết hổ thẹn là gần với dũng” (tri sỉ cận hồ dũng) rồi, chúng ta đã làm, học sinh đã được lợi ích, người nào làm người ấy được lợi ích, con thấy chỉ trong thời gian ngắn 20 ngày thôi đúng không?

Học sinh: Dạ

Thầy Trần: Đọc sách trong 20 ngày thì đã phát khởi được cảm xúc của bậc quân tử, ít nhất cũng là gần giống. Sáu chữ trong Đệ Tử Quy “nghe khen sợ, nghe lỗi vui” em ấy đã làm được. Sau này có làm được hay không thì không biết, nhưng lần này là đã làm được rồi, trước đây em ấy đâu có làm được.

Giáo viên: Trước đây em ấy phải bị cách ly, tức là cách ly em ấy với những bạn học khác ra, bởi vì tật xấu và tập khí của em thật sự quá nhiều, em sẽ làm ô nhiễm những bạn học xung quanh. Ngoài ra em còn không thể chan hòa với mọi người, chỉ cần em có chút gì đó giỏi hơn người khác thì sẽ kiêu ngạo, chứ không giống như bây giờ, vì thế mới không cho em tiếp xúc với mọi người.

Thầy Trần: Đây chính là biểu hiện của phước báo mỏng. Nếu như phước báo sâu dày thì cho dù mình có tài giỏi đến đâu cũng tỏ ra khiêm tốn, đó chính là đức độ sâu dày. Còn nếu như chỉ có chút tài giỏi mà đã tỏ vẻ thì thứ nhất là không nên trọng dụng người này, không thể để họ làm việc lớn, họ không có tiền đồ để bồi dưỡng. Thứ hai là họ không có phước báo. Vì thế mà khi nãy chúng ta nói đến 6 chữ “nghe khen sợ, nghe lỗi vui”, đây chính là sự bồi dưỡng đức độ lớn, bồi dưỡng ra người tốt có phước đức lớn, không phải là bậc anh tài thông thường. Đây là tiêu chuẩn. Các cô thấy hiện nay em ấy đã bắt đầu có được chút diện mạo rồi, mỗi bước đi đều có chuẩn mực. Tập khí kiêu ngạo của em cho dù các cô có đánh em cỡ nào cũng không tác dụng, mà em ấy phải dùng phương pháp “trì giới được định” mới được. 20 ngày này chính là trì giới, 8 giờ đồng hồ phải ngồi ở đây, đó gọi là trì giới. Khi ra khỏi lớp học không đọc sách nữa, nhưng trong sinh hoạt em vẫn còn có thể tự giác, còn có thể áp dụng, nói một cách khác là không phá giới,tự nhiên em ấy sẽ được định. Tự tánh vốn không có sự kiêu mạn, vốn là không có. Sư phụ ngài thường nói nhất định phải tiêu trừ [tập khí kiêu mạn].

Thế nên giáo dục tư thục rất quan trọng, các em không có lên lớp và tan lớp. Nếu như ở nhà sau khi đọc sách 8 giờ đồng hồ, thầy giáo hoặc cha mẹ sẽ không quản các em nữa, cho các em tự do.

Tôi xin nói với các cô rằng, trong 8 giờ đồng hồ này họ cũng không quản đâu, họ muốn quản nhưng không biết cách quản giáo, thế nên mới nói giáo dục của Thánh Hiền quan trọng, không phải cứ giáo dục tư thục là tốt, đó là hình thức, nhất định phải có minh sư. Minh sư chính là kinh điển. Chúng ta gặp được sư phụ ngài, chúng ta có thể không khấu đầu, có thể không cảm ân ngài được sao? Một em học sinh như thế này, em đã nói ra những lời này, con còn có cảm nhận gì nữa?

Học sinh: Con xin báo cáo với thầy, điều thứ ba mà con cảm nhận được chính là đối với mục tiêu và phương hướng của cuộc đời mình con đã có được một nhận thức rất là rõ ràng. Trước đây con luôn cảm thấy đầu óc mình bị mù mờ, không biết mỗi ngày bản thân mình đang làm việc gì. Mỗi ngày con cũng cùng với mọi người thức dậy, súc miệng, nhưng con chưa hề nghĩ đến tương lai bản thân mình cần phải làm gì.

Thầy Trần: Thế bây giờ con hiểu ra điều gì?

Học sinh: Sau khi con trải qua việc đọc kinh sách, mỗi ngày con đều nói với chính mình rằng mình phải được định, mình phải khai trí tuệ, sau đó đem những cảm ngộ và tâm đắc của mình, đem những điều mình thật sự đã làm được báo cáo với mọi người, để mọi người nhận được lợi ích. Con nhờ học qua khóa học “Đọc Sách Ngàn Lần” mà dần dần con đã có được nhận thức tương đối rõ ràng đối với việc tương lai sau này con cần phải làm gì.

Thầy Trần: Đã biết rõ rồi đúng không?

Học sinh: Dạ

Thầy Trần: Vậy thầy hỏi con, vì sao con muốn đem những điều con đã thể hội, việc “đọc sách ngàn lần” và giáo dục của Thánh Hiền báo cáo với nhiều người?

Học sinh: Thưa thầy, bởi vì con đã nhận được lợi ích, bởi vì thông qua cách học này bản thân con đã có được lợi ích, con mong muốn mọi người đều có thể được lợi ích như vậy.

Thầy Trần: Cái tâm này trong sách Mạnh Tử của bộ Tứ Thư nói rất rõ ràng, đó là lòng trắc ẩn, theo cách nói của nhà Phật thì gọi là tâm từ bi. Nói một cách khác, lòng trắc ẩn, tâm từ bi ai ai cũng có. Mình đã nhận được lợi ích rồi, còn người khác thì chưa được, như thế không được, mình nhất định phải cho họ, mình nhất định phải dạy họ, tìm đủ mọi cách, đây chính là tâm từ bi, đây chính là “tâm yêu thương” mà chúng ta thường nhắc đến. Đệ Tử Quy có nói: “Phàm là người, đều yêu thương”, “mình có tài, chớ dùng riêng”. Điều này các bạn nhìn cách em ấy nói chuyện thì có thể nhìn thấy được, cái tâm này của em được phát ra từ nội tâm của chính mình. Mọi người hãy nhớ cho, cái tâm này vốn là sẵn có. “Lòng trắc ẩn thì ai ai cũng có”, mình và người đều có. Vậy tại sao con người hiện nay đều không từ bi vậy? Bởi vì tự tánh và minh đức đã bị che lấp rồi. Tâm từ bi một khi phát khởi thì con người sẽ không còn tự tư ích kỷ nữa.

Con người hiện nay tự tư là do đâu? Đều nghĩ cho chính mình, chứ không nghĩ cho người khác. Thanh niên ngày nay có mấy người có được phương hướng trong cuộc đời? Mà phương hướng cuộc đời đó của họ là làm sao ở nhà cho thiệt to, đi xe thiệt đẹp, bản thân được hưởng thụ, đều là vì chính mình, không nghĩ đến cha mẹ. Bạn hãy nghe lời họ nói thì biết. Vì thế, chúng ta nhất định phải biết thế nào là nhân sinh quan đúng đắn. Em ấy có rồi, không phải do người khác dạy em, có ai dạy em điều này đâu? Có dạy em ấy cũng không để vào tai, cũng nghe chẳng hiểu. Hiện nay là tự mình dạy chính mình. Một đời này của tôi phải hoằng dương giáo dục tốt đẹp của Thánh Hiền, “kẻ sĩ không thể không có cái chí rộng lớn và phẩm chất kiên nghị”, sao lại không hoằng pháp lợi sinh cơ chứ? Cho nên việc này “không thể không làm” là có ý gì? Phải làm, nhất định phải làm. Điều gì đã thúc giục họ có suy nghĩ này? Chính là sức mạnh của tự tánh. Tự tánh có sức mạnh như thế. Nhất định phải nhớ rằng mục tiêu của giáo dục là khởi phát tự tánh của con người, chứ không phải là áp đặt người khác, bắt họ phải từ bi, phải yêu thương người. Bắt họ như thế là sai rồi. Bạn áp đặt lên họ những thứ đó thì họ sẽ lấy những thứ mà bạn áp đặt lên họ xuống hết. Đó không phải là cái vốn có. Cái vốn có thì không thể gỡ đi được. Cho nên phải biết rằng “phàm là người đều yêu thương”.

Đệ Tử Quy ai mà không biết ngâm, ai mà không biết đọc, nguyên nhân không làm được là do chưa khai mở được tự tánh, vẫn chưa có minh minh đức. Giá trị quan chính xác của con người trong tự tánh vốn đã sẵn có. Giá trị quan chính xác là gì? Yêu thương người khác, có tâm hổ thẹn, có tâm cung kính, hiểu rõ thiện - ác, đúng - sai, tốt - xấu, vốn đều biết rõ. Nói một cách khác, sự giáo dục từ bên ngoài về giá trị quan đúng đắn là nhằm để khơi gợi, khởi phát giá trị quan đúng đắn bên trong tâm của họ, không hẹn mà gặp, ăn khớp với nhau. Các bạn thấy em ấy nói ra điều này thì chúng ta liền biết điều này chính là đại từ đại bi, là đại thiện nhân, đây là tâm của của một bậc thiện nhân. Em ấy giống như vậy. Các cô nhìn thấy em ấy trước đây. Con hãy kể cho mọi người nghe về lý tưởng trước đây của con, lúc còn đi học ở trường, khi chưa học văn hóa truyền thống.

Học sinh: Khi ở trường học, lúc con chưa học văn hóa truyền thống, con đã muốn làm đại ca xã hội đen.

Thầy Trần: Đây là thứ con đã học được trong trường học xã hội à? Vì sao vậy?

 

Học sinh: Bởi vì quan niệm của con lúc đó cảm thấy rằng bộ dạng như vậy thì rất là oai phong, có thể đạt được cái gọi là danh văn lợi dưỡng, có thể đạt được cái gọi là ăn chơi hưởng lạc. Con đã đem những thứ này xác định làm mục tiêu cuối cùng của cuộc đời mình.

Thầy Trần: Những thứ này con học được từ đâu vậy?

Học sinh: Dạ từ truyền hình, từ phim ảnh.

Thầy Trần: Những bạn học xung quanh con cũng nghĩ như vậy sao?

Học sinh: Rất nhiều người đều nghĩ như vậy.

Thầy Trần: Các bạn thấy đấy, mạng internet, truyền thông đã tạo ra sự ảnh hưởng bất thiện lên những em học sinh này. Em muốn làm trùm xã hội đen. Nếu như em này không học văn hóa truyền thống thì trong xã hội sẽ có thêm một kẻ đại ác. Chẳng phải vậy sao? Sau khi học văn hóa truyền thống rồi, em đã có được diện mạo của một vị quân tử. Đây là một bức ảnh thu nhỏ. Xã hội của chúng ta, gia đình của chúng ta sẽ trôi dạt về đâu, đã dạy cho thế hệ sau cái gì vậy? Điều này vẫn còn phải hỏi hay sao? Những gì được dạy đã bày ra trước mắt rồi đó.

Giáo viên: Thưa thầy, chúng con thấy trong xã hội hiện nay, vấn đề khiến cho hết thảy phụ huynh và thầy cô giáo đau đầu nhất là con cái không thích đọc sách. Nguyên nhân của việc này chúng con xin thỉnh giáo thầy, có phải là vì các em đã không lập chí, không có chí hướng, cho nên các em mới không thích đọc sách không?

Thầy Trần: Theo cảm nhận của tôi thì không hẳn là vậy. Vì sao các em không thích đọc sách? Bởi vì có những thứ thú vị hơn, vui vẻ hơn, hấp dẫn hơn việc đọc sách ở ngay bên cạnh chúng. Lên mạng vui hơn, ngồi đó chơi điện tử bắn pằng pằng pằng vui hơn, cha mẹ cho tiền mà, đi chơi thôi. Cô có biết là học sinh tiểu học còn có cả người yêu không. Hôm trước chúng tôi có nghe rằng học sinh tiểu học có người yêu, việc này còn thú vị hơn [đọc sách]. Không có người quản chúng. Có ai biết điều này là hại người, là sai lầm đâu? Cho nên bạn muốn chúng để tâm nơi việc học thì có mà nằm mơ. Những thứ ô nhiễm và dụ hoặc con người trong xã hội hiện nay, sư phụ ngài nói rằng gấp ngàn vạn lần so với thời xưa. Các cô thấy trẻ em đọc mấy thứ sách đó, tôi chưa từng thấy qua. Tôi bước vào cửa hàng, tôi hỏi những thứ này là để cho con nít dùng sao? Phải. Những thứ hoa hòe hoa sói đó, tôi nói chắc rằng chúng học không tốt, vì sao vậy? Mỗi ngày chúng đọc mấy thứ sách này thì tâm của chúng làm sao định cho được. Trong sách của chúng ta thì là 4 chữ “Điền Tự Cách Bổn”, chỉ có những câu như “Hoành Cách Bổn”, lật sang trang kế tiếp cũng là sách kẻ ô, thì chúng có gì đâu mà suy nghĩ, có gì đẹp đâu mà suy nghĩ? Cho nên tâm liền định. Vì thế người thời xưa không có ngốc, xã hội thời xưa không cho phép phát triển theo cái kiểu lung tung, quái đản như thế, tuyệt đối không cho phép, bị cấm chỉ. Vì sao vậy? Vì sẽ dạy sai nhân tâm. Nói một cách khác, người thời xưa hiểu rõ tự tánh.

Các vị thấy cuốn “Đại Học”, câu mở đầu nói rằng: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức”. Từ vua cho đến gia trưởng và dân thường đều là như vậy. Khi tự tánh được khôi phục, được hiển lộ thì nó là thuần tịnh thuần thiện, không có xấu ác, bạn liền trở thành một người thiện. Điều thứ hai là gì? Tam Cương. Tiếp theo là gì? “Tại thân dân”. Thế nào là “Tại thân dân”? Là thương yêu người khác. Không chỉ là “phụ tử hữu thân”, mà còn thương yêu nhân dân, vạn vật, trong nhà Phật thì gọi là hết thảy chúng sinh chúng ta đều phải yêu thương họ. Yêu thương họ, yêu thương tốt nhất là giáo dục, để họ khôi phục tự tánh. Vào thời Tống, hai ông Trình Hạo và Trình Di không nói là “tại thân dân” mà nói là “tại tân dân”, nghĩa là khiến cho người dân thay đổi diện mạo mới, khiến dân chúng đổi mới. Dùng phương pháp gì vậy? Dùng giáo dục, khôi phục tự tánh, chẳng phải là khiến dân chúng đổi mới hay sao? Cho nên nói là “tại tân dân”.

Vì vậy, câu “Đại học chi đạo” chính là gì vậy? Chính là làm thế nào yêu thương người khác, yêu thương chính mình. Trước tiên, yêu thương chính mình là “minh minh đức”, tiếp theo yêu thương người khác là “tại thân dân”, các bạn nhìn xem chẳng phải là đã dạy về điều này sao? Hiện nay nhìn thì có vẻ như thương người, nhìn thì có vẻ là phát đạt, bạn hãy nhìn trên đường xem, nhìn xã hội này đi, truyền hình, mạng internet nhìn có vẻ phồn vinh đấy, đặc biệt là giá trị quan của phương Tây đã du nhập vào, chúng ta cũng đã học theo mười mấy năm rồi, hoàn toàn đã loạn mất rồi. Cho nên các bạn nhìn thấy đứa trẻ mười mấy tuổi này, lúc đó con học lớp mấy?

Học sinh: Dạ lớp 6 tiểu học.

Thầy Trần: Là lớp 6 tiểu học, tôi tin là lúc đó em cũng được 10 tuổi rồi, em muốn làm đại ca xã hội đen, em cũng không cho việc này là xấu hổ, vì sao vậy? Các bạn thử xem các bộ phim hành động bây giờ, có bộ phim nào mà những đại ca xã hội đen không được mọi người vỗ tay tung hô đâu? Quả thật có khí phách mà, rất là ngầu, cho nên em ấy tự nhiên sẽ học theo cái thứ này. Bộ phim thế này chẳng phải là họ cho chiếu đấy sao? Có bộ nào mà không được chiếu trong nước đâu? Bạn xem toàn thế giới đều đem cái gọi là tự do, nhân quyền, bình đẳng, thoải mái cho là tốt đẹp. Cho nên các bạn thấy đó, đã loạn hết rồi. Người hiện nay đều như thế cả. Bạn hãy vào nhà giam mà điều tra thử, thanh thiếu niên phạm pháp, người trưởng thành phạm pháp, vì sao họ lại như vậy? Còn chúng ta thì quay về với việc “đọc sách ngàn lần”, đây là có phước báo. Con còn có cảm nhận gì nữa?

Học sinh: Thưa thầy, con muốn sám hối. Con trước đây muốn làm đại ca xã hội đen là do ở trường con đã đọc bộ tiểu thuyết tên là “Làm Thế Nào Đào Tạo Ra Một Tên Khốn”, chính là vì bộ tiểu thuyết này đã khiến con bị ảnh hưởng như thế ạ.

Thầy Trần: Hiện giờ là tự do ngôn luận, tự do xuất bản, những thứ này là học từ phương Tây, là nhân quyền. “Làm Thế Nào Đào Tạo Ra Một Tên Khốn”, cuốn sách này mà có thể viết ra cho người ta đọc sao? Theo tôi thì bạn viết ra cuốn sách này cũng được, bạn hãy ở nhà mà viết, bạn đừng đi ra khỏi cửa. Bạn đầu độc con của mình thì được, nhưng để sách lọt ra ngoài thì không được, quốc gia phải kiểm duyệt chứ. Hiện nay tự do quan niệm, bạn xem những người viết sách đã đầu độc tất cả những đứa trẻ trong thiên hạ. Ngược lại, văn hóa truyền thống thì dạy những gì? Sách “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, bạn đọc xong thì sẽ biết làm thế nào để đào tạo ra quân tử, hiền nhân, thánh nhân. Công cụ dạy học khác nhau thì sẽ đào tạo ra những người không như nhau, có thể không thận trọng được sao? Cho nên, phải có sự kiểm duyệt mạng internet, truyền thông, tạp chí, báo chí và sách vở. Có câu “không sách thánh, bỏ không xem”, nhà nước phải có nghĩa vụ này, có trách nhiệm này, chẳng những là có quyền lực, mà còn có trách nhiệm bảo vệ cho tốt người dân trong thiên hạ. Cho nên trong sách Thượng Thư, từ “bảo dân” có nghĩa là việc bảo vệ tự tánh cho người dân là quan trọng hơn bất cứ điều gì, nhất định phải để họ đọc những cuốn sách tốt, có được ảnh hưởng tốt, tương ưng với tự tánh. Còn sách xấu, những thứ xấu ác thì trái ngược với tự tánh, che lấp tự tánh, ngăn lấp tự tánh, nên con người sẽ trở thành người xấu. Từng câu từng chữ trong bộ “Đọc sách ngàn lần” đều là thiện, cho nên họ không thể trở thành người tốt được sao?

Học sinh: Thưa thầy, lần “đọc sách ngàn lần” này, con còn có một cảm nhận đó là trước đây khi con làm việc, con rất hay nóng nảy bộp chộp. Mỗi lần làm việc là vội vội vàng vàng, cũng không biết là mình đang bận cái gì, làm việc rất không có quy luật, không có trật tự. Tâm của con cũng rất tán loạn, lúc nào cũng nghĩ đến việc khác, khởi vọng tưởng, nghĩ đến nhiều thứ chẳng có ích gì cả. Miệng còn nói những chuyện không đâu, nói những chuyện chẳng có ích lợi gì cả, cả người đều không tập trung. Tuy nhiên, sau khi trải qua khóa học “Đọc sách ngàn lần”, con đã phát hiện ra rằng sau giờ học “đọc sách ngàn lần”, con vẫn có công việc phải làm, nhưng lần này khi con làm việc thì không còn giống như trước đây nữa, không còn muốn nói những lời vô ích với mọi người nữa, đầu óc của con cũng cảm thấy rõ ràng hơn nhiều, rất sáng suốt, còn biết rất rõ ràng là bản thân nên làm việc gì, nên làm như thế nào, bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu, cần khoảng bao nhiêu thời gian, đối với những việc này con biết rất rõ, hiệu suất làm việc cũng nâng cao. Đồng thời có thể duy trì được tâm an định của chính mình. Kỳ thực, có những lúc gặp phải sự việc rắc rối, trong tâm cảm thấy bực bội, con đã đứng yên trong an định một lúc, tâm lập tức trở nên bình tĩnh.

Thầy Trần: Những lời em ấy vừa nói đã khiến mọi người chúng ta nhận được sự giáo dục gì? Nhất định phải biết rằng khóa học “đọc sách ngàn lần” có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống. Trong cuộc sống, chúng ta phải làm việc, phải đối nhân xử thế, ăn uống sinh hoạt thường ngày. Thậm chí không chỉ là học sinh, mà người thông thường phải ra ngoài làm ăn kiếm sống nuôi gia đình, phàm những ai tham gia khóa học này thì toàn bộ cuộc sống của họ sẽ thay đổi Các bạn sẽ hỏi vì sao lại có thể ảnh hưởng đến cuộc sống? Bởi vì con người của bạn đã thay đổi. Nói một cách khác, khóa học “đọc sách ngàn lần” đã thay đổi tâm con người, tâm của họ thay đổi thì người sẽ thay đổi, người đã thay đổi rồi thì đi đến đâu hành vi việc làm của họ thảy đều thay đổi, thế nên mới gọi là nắm vững phần căn bản. Chúng ta ngày nay nhìn thấy cuộc sống hỗn loạn, gia đình hỗn loạn, có làm thế nào cũng không thể tốt được. Bạn thấy vợ chồng mỗi ngày đánh nhau, dùng phương pháp nào cũng không được. Nhất định phải ghi nhớ là phải thay đổi tâm. Chỉ thay đổi giá trị quan không thôi vẫn không ổn, vì tập khí nặng mà. Sau khi thay đổi quan niệm rồi thì sẽ làm gì? Phải tu, phải học, phải có khóa học này. Học khóa học này rồi thì tập khí mới dần dần thay đổi. Mặt gương bằng kính đã được lau sáng rồi thì tự nhiên có thể soi được người thôi, đã khôi phục được công năng vốn có rồi. Nói một cách khác là khi con làm việc, đầu óc của con vốn là thanh tịnh, vốn là an định, không nói những lời vô ích, đây là cuộc sống đã khôi phục trở lại bình thường. Vì thế, không nên xem thường 8 giờ đồng hồ này, nó có liên quan đến cuộc sống của con đấy.

Giáo viên: Thưa thầy, nói đến chuyện làm việc, chúng con trong lúc dạy học, khi các em học sinh lao động là lúc chúng con khó xử nhất. Bởi vì khi các em làm việc nhiều, thời gian làm việc lâu, thì tâm lập tức trở nên tán loạn. Có thể là trước đó các em có thể học thuộc sách một cách rất an tĩnh, nhưng chỉ cần làm việc một ngày rồi quay trở về học thuộc sách thì rất khó an định.

Thầy Trần: Không phải trước đây là như vậy sao?

Giáo viên: Tâm tán loạn, rất mất tập trung, đồng thời còn lười nhác. Chúng con mỗi lần vào lúc này đều phải rất tốn sức nói chuyện, giảng đạo lý cho các em để các em có thể an định tâm lại. Nhưng mà sau khóa học “đọc sách ngàn lần” này rõ ràng đã có sự khác biệt.

Thầy Trần: Nhất định phải biết nguyên nhân của sự khác biệt. Chúng ta thông thường hay dụng công trên sự tướng: “Sao em không chịu làm việc hả?”. Nếu lo làm việc thì chúng sẽ không chịu đọc sách: “Sao em lại không chịu đọc sách vậy?”. Đều là đuổi theo những tập khí này, như thế là sai rồi. Nhất định phải nắm lấy con người, nắm lấy phần quan trọng của người đó là tâm của họ. Tự tánh của tâm vốn là định. Nhất định phải ghi nhớ tâm của họ vốn là an định. Làm thế nào đạt được như vậy? Nhất định phải nhớ câu “trường thời huân tu”. “Đọc sách ngàn lần” không phải là một ngày, mà phải 20 ngày liên tục thì mới có kết quả được. Vì sao vậy? Phải lau chùi lâu ngày thì tấm gương mới sáng được, lau chùi một chốc thôi thì không được, mà phải thường xuyên lau chùi. Lau 3 năm 5 năm, có câu là “5 năm học giới” thì mới định, dù có ô nhiễm gì họ đều không bị sao cả. Thế thì mọi người sẽ hỏi đây là đạo lý gì vậy? Vì sao phải cắm chắc cái gốc? Sư phụ ngài nói ngài đã cắm chắc 4 cái gốc, 5 năm học giới, vì sao sau đó cuộc đời của ngài được an định vậy. Bao gồm cả trẻ nhỏ, sư phụ ngài nói “nhìn 3 tuổi thấy 80”. Trước 3 tuổi, chúng ta chỉ dạy cho trẻ những điều thiện thì cuộc đời của đứa trẻ này không xảy ra vấn đề. Qua đây chúng ta mới thấy những câu ngạn ngữ, châm ngôn trong dân gian này thật là hay!

Trước ba tuổi như thế nào thì đến 80 tuổi vẫn như thế ấy, vì sao vậy? Chúng ta phải biết rằng trẻ em tuổi càng nhỏ thì chúng như một trang giấy trắng, ví dụ như ở trên trang giấy đó ta đã vẽ một đường màu xanh rồi muốn xóa nó đi thì rất là khó, vẽ ra cái gì thì thành cái đó. Khi chúng lớn lên rồi thì không được nữa, mặt mũi đã mơ hồ rồi, lúc đó còn dạy gì nữa, bạn vẽ một đường màu xanh cũng nhìn không ra nổi màu xanh, muốn xóa đi cũng rất khó. Nhất định phải nhớ rằng, sự giáo dục lúc ban đầu quan trọng hơn hết thảy. Quy luật tự nhiên chính là như vậy. Càng được dạy dỗ sớm, thâm nhập càng sâu thì hiệu quả càng tốt, đây là quy luật tự nhiên. Cầm tờ giấy lên vẽ một cái đã là như thế, huống gì là một con người! Cho nên chúng ta nhất định phải ghi nhớ việc “trường thời huân tu”, phải giúp chúng gìn giữ được. Nếu như không trường thời huân tu điều thiện thì điều ác sẽ đến. Đạo lý là như vậy. Nhất định phải đem tờ giấy này vẽ đầy lên những điều thiện. Mọi người có hiểu ý của tôi không vậy? Tờ giấy trắng này chính là đứa trẻ, hãy vẽ đầy những điều thiện mà thôi. Làm thế nào ăn cơm, cử chỉ hành động như thế nào, đối nhân xử thế như thế nào, làm thế nào đối đãi với cha mẹ, hiếu đễ trung tín lễ nghĩa liêm sỉ, nhân ái hòa bình, hãy vẽ đầy hết tờ giấy, thì cái ác sẽ không xâm nhập vào được. Cho nên nếu bạn muốn vẽ đầy đủ những điều này cho chúng nhưng lại không có thời gian nhất định thì không được, phải trường thời huân tu. Đạo lý của việc năm năm học giới là ở chỗ này. Nói một các khác, hết thảy quan niệm của chúng đã được định hình ở mỗi lúc mỗi nơi thì bất cứ điều tà vạy, sai lệch nào ở bên ngoài cũng không xâm nhập vô được. Ở chỗ này vốn đã có đồ vật rồi thì gió thổi không động, nước tạt không vào, không hề bị lỗ mọt lớn nào cả. Vì thế, nhất định phải ghi nhớ rằng trước tiên phải mau vẽ đầy những điều thiện lên tờ giấy trắng này. Đạo lý là ở chỗ này.

Học sinh: Thưa thầy, thông qua khóa học “đọc sách ngàn lần”, con phát hiện dục vọng của bản thân đã giảm dần. Trước đây khi ăn cơm con đều ăn rất nhiều, sau đó còn kén chọn món này ngon, món kia dở. Còn cả việc đi ngủ nữa, mỗi sáng thức dậy con đều phải ráng hết sức, có khi dậy không nổi ạ.

Thầy Trần: Tham ăn tham ngủ đó mà.

Học sinh: Dạ phải, nhưng sau khi được học khóa “đọc sách ngàn lần” thì hiện nay lượng cơm của con ăn đã giảm đi rõ rệt, đồng thời ăn món gì con cũng cảm thấy ngon. Đối với việc sáng sớm thức dậy, hiện nay con không còn gắng sức bắt mình tỉnh dậy nữa, mà đến giờ là con tỉnh, rồi tự động ngồi dậy. Việc thức dậy đã không cần dùng sức nữa ạ.

Thầy Trần: Con đã ăn ít hơn, ngủ ít đi thì cơ thể cảm thấy rất tự tại phải không?

Học sinh: Dạ phải.

Thầy Trần: Tốt hơn so với lúc ăn nhiều ngủ nhiều đúng không?

Học sinh: Dạ phải, bởi vì lúc con ăn nhiều là do con luôn cảm thấy đói, hoặc là bụng của con thường xuyên đánh trống, rất là khó chịu ạ.

Thầy Trần: Bị hôn trầm đúng không?

Học sinh: Đúng ạ.

Thầy Trần: Đây là do nguyên nhân gì? Mọi người nhất định phải biết rằng dục vọng là thứ mà trong tự tánh vốn không hề có. Nói một cách khác, dục vọng càng cao, dục vọng càng lớn thì càng trái ngược với tự tánh, càng trái ngược lại với “minh đức” của chính mình. Đó chính là ác. Trải qua khóa học “đọc sách ngàn lần”, tất cả học sinh các con đều có cảm nhận như thế này đúng không, đều nói những lời này, cảm thấy dục vọng của bản thân đã ít đi, không còn tham ăn uống ở dùng nữa, cũng không còn tham ngủ nữa. Đây là gì vậy? Là do trì giới mà được. Trì giới thì được gì vậy? Được điều mà Đại Sư Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”, không hề có những thứ ô nhiễm hỗn tạp này. Tự tánh vốn là thanh tịnh nhưng bình thường chúng ta luôn bị những thứ ngũ dục lục trần, tham sân si mạn, tham ăn, tham ngủ, ham chơi, ham hưởng thụ làm ô nhiễm, phiền não và tổn hại, thế nên các con phải biết là do những nguyên nhân này. Đặc biệt là người học Phật cũng thể hội được vì sao điều này giống với cảm nhận khi đã học Phật? Đúng vậy, vì Nho-Thích-Đạo là tương thông, ba nhà là một, không khác biệt. Các vị cư sĩ cũng có cái cảm nhận này, khi học Phật trong thời gian dài, công phu được đắc lực thì lượng ăn sẽ giảm, ngủ cũng ít đi, nhưng mà thể lực và tinh thần đều rất tốt. Việc này sư phụ ngài thường nói đến. Các học sinh tham dự khóa “Đọc sách ngàn lần” cũng cảm nhận như vậy, đây là hiện tượng tốt.   

Học sinh: Thưa thầy, trong thời gian này con cũng đã phát khởi được tâm biết quan tâm đến những bạn học nhỏ tuổi. Trước đây con đối với các em nhỏ cảm thấy gai mắt. Khi nhìn thấy các em nhỏ phạm lỗi, phải đi quản giáo hoặc là giáo dục các em, con cảm thấy chỉ là trách nhiệm, hoặc là suy nghĩ rằng mình là anh nếu không quản lý các em thì không được. Thế nhưng hiện nay rõ ràng là con không còn nghĩ giống như trước đây nữa.

Thầy Trần: Là con tự nguyện làm đúng không?

Học sinh: Dạ đúng.

Thầy Trần: Từ trong lòng con đã phát khởi được tâm trắc ẩn, tâm yêu thương che chở.

Học sinh: Hiện nay khi con nhìn thấy các em phạm lỗi thì rất đau lòng, sau đó luôn muốn giúp đỡ các em, muốn nói với các em không nên làm như thế nữa, bảo các em không được làm như thế, làm như thế sẽ không tốt ra sao. Cái tâm này trước đây bản thân con không hề có.

Thầy Trần: Cái tâm này chính là cái tâm xem mọi người là một thể với mình. Cái tâm này từ từ rồi mới cảm nhận được, nó là cái tâm vốn sẵn có trong tự tánh.

Học sinh: Thưa thầy, cũng thông qua khóa học “Đọc sách ngàn lần” này, con cảm thấy bản thân đối với những lời dạy về chân thiện mỹ tuệ của cổ nhân đã sinh khởi tâm muốn học tập theo. Đó là lúc con đang hướng dẫn lớp học, vừa quay người thì nhìn thấy bốn chữ “chỉnh tề nghiêm túc” trên câu hoành phi trong phòng học, lúc đó con vô cùng cảm động, con nghĩ rằng việc “nghiêm túc chỉnh tề” tốt biết bao, có thể nói là con rất muốn làm được bốn chữ “chỉnh tề nghiêm túc” này, trở thành một người như thế. Ấy vậy mà trước đây con không hề có cái tâm này. Trước đây con nhìn bốn chữ “chỉnh tề nghiêm túc” chỉ xem đó là một loại quy củ, hoặc cảm nhận rằng đây là một yêu cầu quá nghiêm khắc.

Thầy Trần: Không thể khởi tâm làm theo, hâm mộ, cung kính, không có những tâm này.         

Học sinh: Dạ phải. Tuy nhiên sau khi học khóa “Đọc sách ngàn lần”, những loại tâm này đã dần dần phát khởi.

Thầy Trần: Đúng vậy. Những thứ mà con nói đây đều là vốn sẵn có trong tự tánh, con vốn là có chúng, con vốn là biết những điều này, nhưng vì con bị mê quá lâu rồi, con đã xem quá lâu cuốn sách “Làm Thế Nào Đạo Tạo Ra Một Tên Khốn” rồi, đã bị ô nhiễm quá lâu từ những thứ trên mạng internet, truyền hình và trong trường học, cho nên khi con nhìn thấy câu “chỉnh tề nghiêm túc” cảm thấy chướng mắt, chướng mắt khi người ta cúi đầu cung kính. Vì con cho rằng việc vỗ vai, gọi tên cha mẹ trực tiếp là bình thường, ăn uống chơi bời là bình thường, dạng cẳng xoạc chân là bình thường. Thật sự khi con người đã an định, đã khôi phục lại sự bình thường rồi thì khi nhìn thấy cảnh tượng nghiêm túc chỉnh tề trong lòng sẽ không ngăn được cái tâm mà vừa rồi con đã nói, đó là muốn học theo, ngưỡng mộ, cung kính, sao mà tốt đến như vậy! Con đã phát ra được cái tâm này rồi, nói một cách khác, cái tâm [phân biệt] tốt xấu, cái nào là tốt, cái nào là xấu, chính mình vốn sẵn có, người nào cũng có, ai cũng đều biết cái nào là tốt. Vì sao hiện nay lại không biết vậy? Là do đã bị ngăn lấp, bị hồ đồ mất rồi. Thế nên việc phá mê khai ngộ, việc giáo dục là quan trọng hơn tất cả.

Học sinh: Thưa Thầy, con còn có một cảm nhận sau cùng, đó là sau khi học khóa “đọc sách ngàn lần” xong, tự bản thân con nhận thấy năng lực quan sát những sự vật xung quanh được nâng cao. Ví như bình thường trước đây khi các bạn học phạm lỗi, hoặc là có tập khí gì con đều không nhìn thấy, cũng không cảm nhận được.

Thầy Trần: Nói một cách khác là con không có trí huệ và năng lực đó. Thầy giáo hỏi con xem ở đây có vấn đề gì thì con nhìn không ra được, không tài nào nhìn ra được, thế còn bây giờ thì sao?

Học sinh: Bây giờ thì khi con tiếp xúc với các bạn học, ví dụ như cùng học chung hay làm việc chung, các bạn học có những thứ mà nói chung là trước đây con cảm thấy việc này không thành vấn đề.

Thầy Trần: Là những lỗi rất vi tế phải không?

Học sinh: Dạ đúng, bây giờ con đã có thể phát hiện được, sau đó con muốn nhắc nhở bạn học đó đừng làm như vậy nữa. Những điều này trước đây con không nhìn thấy được.

Thầy Trần: Đây là một loại năng lực. Một khi đã khôi phục một phần năng lực này thì chúng ta biết được chính mình cũng có khả năng này. Vì thế, vô lượng tướng hảo, trí tuệ, đức hạnh và năng lực đều được khôi phục, hóa ra bản tánh vốn đã sẵn có. Lời của em này nói làm tôi cảm thấy đã cho các cô một bài học. Chúng ta thường nghe sư phụ ngài nói “tri thức không phải là trí tuệ”. Chúng ta thường nghe nhưng không hiểu, quả thật là nghe không hiểu. Tri thức khác trí huệ ở chỗ nào? Lời nói của em này đã cho các cô giáo chủ nhiệm một bài học, đó là phải nghe cho hiểu. Thế giới này từ gia đình cho đến xã hội, cho đến cả thiên hạ đều có rất nhiều vấn đề, các cô có nhìn thấy được hay không? Không nhìn thấy được vì không có trí tuệ, không có năng lực này. Em học sinh này nói là em đã nhìn thấy được rồi đấy, em đã có được trí tuệ, có được năng lực này, là từ đâu mà có vậy? Là trí huệ và năng lực vốn sẵn có trong tự tánh.

20 ngày đọc bộ kinh điển “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, đây không phải là giáo dục tri thức. Làm sao gọi là giáo dục tri thức được, trong trường học đâu có dạy cách này, nhiều nhất là dạy bạn một lần, chứ họ đâu có dạy theo cách thế này, vậy bạn đã có được tri thức gì vậy? Còn ở nơi đây thì mỗi ngày đều đọc sách như thế này, đây không phải là tri thức. Nói một cách khác, trong suốt 24 giờ không phải là đang giáo dục tri thức cho bạn, nhưng bạn lại có được trí tuệ. Trí tuệ của em này tự nhiên đã xuất hiện.

Trí tuệ là gì vậy? “An nhi hậu năng lự” (“An định rồi sẽ nghĩ thông”), trong sách Đại Học gọi là “lự”. “Lự” là gì vậy? “Lự” chính là không có vấn đề nào mà nghĩ không thông cả. Nghĩ không thông thì không cần nghĩ nữa, khi gặp vấn đề thì vừa nhìn là thấy được ngay, suy nghĩ rõ ngay. “An định rồi sẽ nghĩ thông, nghĩ thông rồi mới có thể đạt được” (“An nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc”). Hay nói cách khác, tri thức không phải là trí tuệ. Bạn hãy đi hỏi hiệu trưởng, giáo sư đại học, thậm chí là chuyên gia lâu năm, xem coi có vấn đề gì không? Họ nhìn không ra đâu, kiến thức họ rất nhiều, nhưng không có trí tuệ. Điều này mọi người hiểu rồi đấy, trí tuệ không phải có được từ tri thức, mà từ trong tự tánh lưu lộ ra, năng lực cũng như vậy. Điều mà em học sinh này đã thể hội chính là em đã có trí tuệ nên nhìn thấy được rõ ràng, em có năng lực nhìn ra được vấn đề. Hiện nay có bao nhiêu người lớn, người trưởng thành, bạn bảo họ đi nhìn cũng đều nhìn không ra; bạn nói với họ, họ nghe cũng không hiểu. Vì thế chúng ta biết rằng câu nói đầu tiên về “Đại học chi đạo” rất là quan trọng. Khi con người đã có thể nghĩ thông rồi, thì cái mà họ đạt được là từ đâu mà có? “Tri chỉ nhi hậu hữu định”, là từ chữ “chỉ” này mà có được, là từ quy củ mà bắt đầu. Khóa học “Đọc sách ngàn lần” là bắt đầu làm từ quy củ. Những điều mà em học sinh này chia sẻ đã khiến cho mọi người có được lòng tin lớn lao. Chúng ta đã có lòng tin đối với tự tánh của chúng ta, có lòng tin đối với lương tâm, lương tri, lương năng và minh đức của bản thân.

Giáo viên: Thưa thầy, thông qua sự chia sẻ của các em học sinh, bản thân con cũng có cảm nhận rằng, hình như việc học tập thông qua việc đọc sách này không phải là học được cái gì, mà hình như là buông xuống được nhiều thì tự nhiên sẽ sinh khởi được rất nhiều điều.

Thầy Trần: Đúng vậy, nhất định phải ghi nhớ rằng “phiền não tức bồ-đề”, những thứ này vừa chuyển đổi thì sẽ trở thành thứ tốt đẹp. Nói một cách khác, sau khi bạn đã loại bỏ những điều không tốt, thì có cần đi tìm thứ tốt đẹp hay không? Không cần. Bạn đã loại bỏ được những thứ không tốt rồi thì cái tốt đẹp sẽ tự nhiên hiện tiền, chứ không phải tìm kiếm bên ngoài mà có được. Em học sinh này đã nói, không phải là em ấy đi học đại học 20 ngày rồi đột nhiên trở thành có trí tuệ. Mọi người đã nhìn thấy rồi đó, em ấy đã ở chỗ của các cô đây, chỉ khi dùng đến phương pháp mà thánh hiền đã chỉ dạy, do sư phụ ngài dạy dỗ, thì trong thời gian ngắn đã khôi phục được rồi, ít nhất chúng ta cũng nhìn thấy được cái dáng vẻ đó rồi, có hy vọng rồi, hy vọng lớn. Tín tâm từ đây mà sinh ra.

Kỳ tiết mục này chúng tôi xin báo cáo đến đây, hẹn gặp các bạn vào kỳ tiết mục sau.

 

Tác giả bài viết: Thầy Trần Đại Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây