Chùa Khai Nguyên - Đạo Tràng Tịnh Tông Học Hội Việt NamChùa Khai Nguyên, Đạo Tràng Tịnh Tông Học Hội Việt Nam, Chùa Khai Nguyên, ChuaKhaiNguyen.Com, địa chỉ xã Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nội I Địa chỉ 2; Chùa Tản Viên, chùa tản viên, tản viên sơn quốc tự, tan vien pagoda, pháp âm, chùa tản viên, tản viên sơn
CHÙA KHAI NGUYÊN
Xã Sơn Đông - TX. Sơn Tây - TP. Hà Nội
PHƯƠNG PHÁP TỌA THIỀN TĨNH TÂM
Thứ năm - 17/04/2014 06:47 - Đã xem: 9709
Mục đích tối hậu, cao quý nhất của con người là trở thành Phật. Nhưng không phải ai “kiến tánh” và toạ thiền cũng đều thành Phật cả. Song, toạ thiền của nhà Phật là con đường duy nhất để có thánh trí và có lòng từ bi. Đó là con đường của chư Phật.
Giáo dục là giúp con người, dù khoa học kỹ thuật hay đạo đức, học tập và lý luận để phát triển trí thông minh, có kiến thức, có nhân cách, tự lập và phục vụ xã hội.
Giáo dục là nắm giữ, tích trữ, Thiền là buông bỏ, xả ly. Phương pháp tuy có khác nhau, nhưng cùng chung một hướng là: tiến tới chân, thiện, mỹ. Nhưng cái đích của giáo dục là giúp con người trở nên có trí thức cao, có nhân cách; còn Thiền của nhà Phật lại dắt dẫn con người đến được trí tuệ tối hậu, từ bi, thành Chánh Đẳng Giác.
Còn toạ thiền ứng dụng trong đời thường nhằm hình thành một thói quen tâm linh trở thành tính cách vô ý thức đã giúp hành giả có một thân xác linh hoạt, một thức điền được chuẩn bị tốt nhất để sẵn sàng lãnh nhận những thiện căn chủng tử phát triển tốt đẹp.
Đối với những người Phật tử thuần thành, với các thiền sư thường xuyên quán Tứ niệm xứ, quán đến độ trở thành hiệp nhất, thì giả dụ như: “Tiếng tăm và dục tình...” chỉ còn là danh từ khái niệm, là trạng thái của một thân xác hèn kém xấu xa, một tâm thức còn nhiều mê chấp, và thật là vô nghĩa, chẳng có chi đáng đắm luyến. Như vậy, thiền vô cầu là có thể hiểu được.
Nói như thế không có nghĩa là trong đời thường không thể toạ thiền. Bởi vì, đức Phật dạy: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Ngoài thế gian ra không có Phật, Phật ở ngay tại thế gian, Phật ở ngay trong ta. Ngoài ta không có giác ngộ, Thiền ở ngay trong đời thường như mặc áo, ăn cơm, cuốc vườn, trồng rau, đi, đứng, nằm, ngồi đều là Thiền cả. Buông bỏ nghĩa là hành đạo ngay trong đời thường mà vẫn xả ly, không chấp trước trên tinh thần vô ngã vị tha, xả ly tâm sai biệt, diệt trừ ác tập nhị nguyên... Như thế, thiền mới trở thành siêu việt. Đành rằng, toạ thiền là một việc khó nhưng nếu không thực hành toạ thiền thì không có kinh nghiệm trở thành tính cách vô ý thức, không những chỉ lấy đó mà thực hành mà còn cho ý chí tự thân đó là nghiệp rồi.
Cho nên trong sự nghiệp giáo dục, nếu đem ứng dụng thuyết nghiệp của nhà Phật thông qua việc thực hành toạ thiền, thì sự tu dưỡng tự lực, có nghĩa là phấn đấu nỗ lực tự tâm nhằm hình thành những thiện nghiệp chủng tử như: chủ động tự nguyện, chân thật hồn nhiên, kiên trì tập trung, có phương pháp... còn có một ý nghĩa cực kỳ to lớn. Có lẽ, đó cũng là mục đích có ý nghĩa chiến lược của giáo dục.
Việc toạ thiền đều đặn, đúng phương pháp, không gián đoạn, không bỏ dở và bí quyết thành công, dù chỉ 20 phút mỗi ngày cho cả cuộc đời; thì đối với học sinh, sinhviên và những người làm công việc khoa học kỹ thuật là đủ và có giá trị đích thực để chuyển hoá thân tâm. Thân xác trở nên bén nhạy, tâm thức với một thức điền đồng đẳng, trực giác, minh mẫn, thông sáng.
Nắm được ý nghĩa to lớn của thuyết nghiệp trong đạo Phật và thực hành thiền quán tự nội, toạ thiền thường nhật, nếu được đem ứng dụng cho những người làm lao động trí óc là một sự nghiệp vô cùng to lớn, nhất là đối với học sinh, sinh viên và các nhà làm công việc khoa học và nghệ thuật. Nó thực sự trở thành sự nghiệp của cả một dân tộc.
Toạ thiền đúng cách, vừa sức, đều đặn, không gián đoạn, không bỏ dỡ, lâu dài, nhiều tháng năm...là một hành động tốt nhất để hình thành một “định hình hoạt động tâm linh”, hướng thiện và hướng thượng; và trong phạm vi thế tục, sáng tạo và thiên tài. Như thế chưa đủ để nói lên hiệu quả vĩ đại của thiền trong giáo dục hay sao?
PHƯƠNG PHÁP TỌA THIỀN TĨNH TÂM
Chuẩn bị trước khi ngồi:
-Chọn nơi thoáng mát.
-Thân tâm thành kính, y phục trang nghiêm.
-Tư thế ngồi Kiết già hoặc Bán Già ( Có thể ngồi trên ghế )
Khi ngồi vững rồi thì động thân nhè nhẹ qua lại khoảng 3 đến 5 lần. Sau đó tới vai, rồi tới cánh tay, tới cổ, tới hai bàn tay xoay tròn qua lại 5 lần, đưa ra phía trước 3 lần rồi xoa cho hai bàn tay nóng lên áp vào mí mắt vuốt ra 3 lần. Lại xoa nóng bàn tay áp vào mí mắt vuốt xuống 3 lần, Ba lần vuốt ra, 3 lần vuốt xuống, xong lại xoa nóng để chà 2 bên Thái Dương 8 lần, 2 bên tai 18 lần rồi đặt tay phải xuống đầu gối, tay trái xoa đỉnh đầu theo chiều kim đồng hồ 10 lần. Cuối cùng từ từ buông tay xuống, hai tay đặt trên hai bàn chân. Xong kiểm tra lại một lần cuối bằng cách khẽ động thân xem tư thế ngồi đã vững chưa…
-Khi thấy thân vững rồi thì đọc bài kệ:
1.Nếu ngồi Bán già thì đọc bài kệ:
“ Bán già phu tọa, ( Chính thân đoan tọa )
Đương nguyện chúng sinh,
Thiện căn kiên cố,
Đắc bất động địa “.
-Án phạ tất ra a ni bác ra ni ấp đà da sa ha. ( 3 lần ).
2.Nếu ngồi Kiết già thì đọc bài kệ:
“ Kiết già phu tọa,
Đương nguyện chúng sinh,
Tọa Bồ đề tòa,
Tâm vô sở trước ”.
-Án phạ tất ra a ni bác ra ni ấp đà da sa ha ( 3 lần ).
3.Nếu ngồi ghế thì phải chú ý, phải để thân ngay thẳng, không được dựa thân vào ghế.
-Đọc xong câu chú để trạng thái thân tâm thư giãn, thoái mái, đặt đầu lưỡi lên chân hàng răng trên rồi hít vào sâu bằng mũi, thở ra từ từ bằng miệng qua 2 kẽ chân răng. Lần đầu quán tưởng hít vào quán tất cả những khí lành ở bên ngoài đều theo hơi thở đi vào qua hai lỗ mũi, tới Đan Điền; thở ra quán tất cả những trược khí trong cơ thể đều theo hơi thở và khắp các lỗ chân lông trên tấm thân tứ đại hư huyễn này mà ra sạch…
-Hơi thứ hai hít vào sâu, quán tưởng các công đức thù thắng ( Bạch Nghiệp) điều theo hai lỗ mũi mà vào, trụ ở Đan Điền rồi từ từ thở ra, tưởng tất cả các phiền não nhiễm ô ( Hắc Nghiệp ) đều theo hơi thở và khắp các lỗ chân lông trên toàn châu thân đều theo đó mà ra, không chút ngăn ngại….
-Hơi thứ ba hít sâu, trụ nơi Đan Điền và quán tưởng từ nơi sinh thân này mà sinh ra được vô lượng công đức, tưởng hơi thở ra khắp thân mình có một vòng ánh sáng ( Hào Quang) bao bọc xung quanh, do công đức trì giới ( Niệm Giới ) mà sinh ra …
-Hơi thứ tư hít sâu, trụ nơi Đan Điền và quán tưởng từ nơi sinh thân này mà sinh ra được vô lượng công đức, tưởng hơi thở ra khắp thân mình lại có một vòng ánh sáng ( Hào Quang ) bao bọc xung quanh, do công đức tu tập Thiền Định và Niệm Phật mà thành ( Niệm Định )…
-Hơi thứ năm hít sâu, trụ nơi Đan Điền và quán tưởng từ nơi sinh thân này mà sinh ra được vô lượng công đức, tưởng hơi thở ra khắp thân mình lại có thêm một vòng ánh sáng ( Hào quang) bao bọc xung quanh, do công đức tu tập trí tuệ mà sinh ra ( Niệm Tuệ )…
Bấy giờ nên thở nhè nhẹ, hơi thở bình thường không khoan ( chậm ) không gấp ( nhanh ) biết hơi thở ra vào qua hai lỗ mũi, thấu suốt tới Đan Điền, thấy biết phồng- xẹp. Cứ lần lượt như vậy, hít vào thở ra đếm một, hít vào thở ra đếm hai… tuần tự đếm tới mười và lặp lại ( nếu trong khi đếm mà lãng quên không nhớ thì bỏ đi đếm lại từ một). Nếu người tâm tán loạn nhiều thì hít vào đếm một, thở ra đếm hai tuần tự cho tới mười rồi lại quay lại một… Hoặc muốn niệm Phật thì hít vào thở ra niệm Nam, hít vào thở ra niệm Mô, tuần tự cho tới A, Mi, Đà, Phật…
Trong khi ngồi luôn luôn phải tỉnh thức, giữ cho tư thế ngay thẳng không cúi quá, không ngửa quá, không để thân nghiêng bên phải, vẹo bên trái, hoặc đầu cúi xuống. Nói tóm lại thân trụ ngay thẳng như tường vách, thế tọa vững chắc như Đại Hồng Chung ( Chuông ) đặt ngồi vậy.
Khi ngồi nếu các chướng khởi lên như đau tức lồng ngực, mỏi hai bên sườn, thần kinh căng thẳng…bấy giờ nên kiểm tra lại xem thân có siêu vẹo không? Lưng có bị khom không? Có bị ngửa quá không? Đầu có cúi xuống không? Dụng tâm có gấp không…? Nếu thấy lỗi ở chỗ nào thì phải từ từ điều chỉnh lại. Thân sai thì điều thân, tâm gấp thì buông thư thân tâm xuống để thân tâm trong trạng thái tự nhiên thì bệnh sẽ khỏi. Còn như thấy ma cảnh hoặc thân mình bị châm chích đau đớn…thì phải nhất tâm niệm Phật hoặc trì chú, quán về không, vô tướng, vô tác tam muội…ma cảnh sẽ tiêu.
Khi muốn xuất thiền, trước tiên phải chuyển tâm dần dần từ trạng thái Tế sang trạng thái Thô bằng cách niệm thần chú Vãng Sinh để hồi hướng cho Tam đồ Lục đạo. Niệm xong thì đọc bài kệ xuất Thiền:
“Xả già phu tọa
Đương nguyện chúng sinh
Quán chư hạnh Pháp
Tất quy tán diệt”
Sau đó khe khẽ cử động thân, vai, cổ, đầu. Cử động thân, vai, cổ, đầu, mạnh hơn 1 lần nữa rồi tới hai bàn tay và xuất thiền. Khi xuất thiền không được đứng dậy đi ngay, mắt cũng không được mở ngay, phải từ từ đưa chân xuống, cử động thân, vai, cánh tay, cổ, bàn tay mạnh hơn một lần nữa rồi mới xoa hai bàn tay cho ấm, lấy ức hai bàn tay áp vào mí mắt rồi vuốt ra 3 lần. Lại xoa nóng hai bàn tay, áp vào mí mắt vuốt xuống 3 lần. 3 lần vuốt ra, 3 lần vuốt xuống, xong lại xoa nóng để chà hai bên thái dương 8 lần, hai tay xoa hai tai 18 lần ( khi này mắt mới từ từ hé mở ) rồi đặt tay phải xuống đầu gối, tay trái xoa đỉnh đầu theo chiều kim đồng hồ 10 lần rồi vuốt xuống sau gáy. Sau đó đưa hai tay xoa cho cơ thể ấm lên. Bắt đầu từ hai cánh tay, vai, lưng, đùi, chân, lấy hai bàn chân chà sát vào nhau làm cho ấm lên… Sau đó mới từ từ đứng dậy. Nếu có thời gian thì đi kinh hành, niệm Phật khoảng 15 phút trở lên là tốt nhất.
Nói tóm lại khi thể nhập Thiền định phải từ Thô vào Tế, khi xuất thiền phải từ Tế ra Thô. Chẳng thể khinh xuất, nếu khinh xuất thì sẽ mang họa lớn. Từ chỗ phát tâm chí thành cầu đạo, giải thoát mà ngược lại, lại bị trói buộc bởi những sự sai lầm không đáng có thì thật là đáng tiếc. Người học Phật chúng ta chẳng đáng quan tâm ư? Người tu tập Thiền định, có thể chia ra nhiều tầng lớp khác nhau:
* Người tu tập Thiền định để cầu giải thoát, lấy kinh nghiệm thực tế để phổ cập, tận độ chúng sinh trên mọi căn cơ…
* Người tu tập Thiền định là để cầu cho mình có một sức khỏe dẻo dai, đầu óc minh mẫn, trí tuệ sáng suốt…
* Người tu tập Thiền định là để cầu chữa một chứng bệnh nan y nào đó mà các loại thuốc thang, kể cả nền y học hiện đại hiện nay cũng không chữa được. Nếu chúng ta lập ra một thời khóa công phu nhất định và nỗ lực tu tập Thiền định đến một mức độ nào đó thì bệnh sẽ dần khỏi.
* Người tu Thiền định là để mong cầu bản thân thành một ý nguyện chân chính nào đó…
Ngoài ra chúng ta phải khéo dùng trí tuệ để quán sát, pháp nào nên thử, pháp nào nên xả, để đúng với nhân duyên – thời tiết thực tế… Phải lánh xa sự vọng cầu…được như vậy Phật Giáo mới gọi là “ Thiền Định Chân Chính”.