Việc Quan Trọng Nhất Trên Đời Này Đó Là Cầu Nguyện Được Vãng Sinh Sang Thế Giới Tây Phương Cực Lạc

Thứ sáu - 06/11/2015 18:53 - Đã xem: 5554

Việc Quan Trọng Nhất Trên Đời Này Đó Là Cầu Nguyện Được Vãng Sinh Sang Thế Giới Tây Phương Cực Lạc

Chữ Phật có nghĩa là giác ngộ. Học Phật có nghĩa là học làm người giác ngộ, tức là “phá mê khai ngộ”. Tâm giác ngộ là tâm Bồ Tát, ngược lại, cái tâm mê hoặc điên đảo là cái tâm sinh tử luân hồi. Dùng cái tâm sinh tử luân hồi mà tu tất cả các pháp thiện thì cũng vô ích, cũng không thể thoát khỏi luân hồi. Tuy nhiên vẫn có được phước báo. Phước báo đó, theo như trong kinh nói, sẽ được sinh vào một trong sáu nẻo luân hồi nằm trong ba cõi, mà phước báo cao nhất là được sinh vào cõi Đại phạm thiên. Vua của cõi trời Đại phạm thiên vẫn là phàm phu, cũng không có cách gì để có thể thoát khỏi sự trôi lăn trong sáu nẻo. Hưởng hết phước báo rồi lại bị đọa lạc, luân hồi. Cho nên, làm Thượng đế cũng không phải là cứu cánh.

   Học Phật cần phải có một cái tâm giác ngộ. Tâm giác là tâm thanh tịnh. Cho nên, người học Phật phải luôn luôn giữ cho cái tâm của mình được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh chính là tâm giác ngộ, trong tâm không có nghi hoặc, không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, luôn luôn sống với cái tâm thanh tịnh, bình đẳng. Trong cuộc sống hằng ngày, bất kể chúng ta làm việc gì, ở đâu, tiếp xúc với ai, đều phải giữ cái tâm không nghi hoặc, không vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, sống với cái tâm thanh tịnh. Giữ được cái tâm thanh tịnh như thế thì đó chính là “lục độ vạn hạnh” của Bồ Tát tu tập. Điều đó cho thấy Bồ Tát tu tập không tách rời cuộc sống, từ trong cuộc sống này mà tu tập thành tựu hạnh nguyện Bồ Tát một cách viên mãn. Không cần phải thay đổi cách sống và môi trường làm việc, đó mới là tinh thần của Phật giáo Đại thừa.

Trong kinh luận Đại thừa thường nói “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, chúng ta phải lãnh hội cho được ý nghĩa của câu kinh này. Hoàn cảnh xã hội, môi trường làm việc, tính chất công việc, phương pháp làm việc của mỗi người có thể khác nhau, nhưng tất cả đều có thể thực hành tu tập hạnh nguyện của Bồ Tát và thành tựu đạo hạnh như các bậc Bồ Tát. Thực hành được như vậy chính là thể hiện tinh thần “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”.

   Tâm của Bồ Tát là chân thành, thanh tịnh, từ bi; hạnh của Bồ Tát là lìa tất cả các tướng, tu tất cả các điều thiện. Tu tập được như vậy thì có được an lạc, hạnh phúc mỹ mãn ngay trong hiện tại. Chỗ khác biệt giữa phàm phu với Bồ Tát là: phàm phu thì chỉ biết lo cho bản thân mình, còn Bồ Tát thì trong mỗi ý niệm đều nghĩ đến cứu độ chúng sanh, vì tất cả chúng sanh mà phục vụ. Dù làm tất cả những việc ấy, trong tâm của Bồ Tát vẫn không phân biệt, chấp trước, cho nên “làm mà coi như không làm, không làm mà làm tất cả”. Điều đó có nghĩa là tuy làm mọi công việc, nhưng trong tâm thì coi như không làm việc gì hết. Vì vậy mà tâm của các ngài luôn luôn thanh tịnh, trong sáng. Đó là chỗ khác biệt giữa phàm phu và Bồ Tát.

Kẻ phàm phu thì làm việc gì cũng đắn đo, phân biệt, chấp trước, có tu có được. Trong tâm chỉ có một ý niệm mê mờ, luyến ái, chấp thủ. Vì không thể nào thoát khỏi ý niệm vô minh, luyến ái, chấp thủ cho nên mãi mãi bị trôi lăn trong sinh tử luân hồi, không bao giờ thoát khỏi tam giới, không bao giờ tu hành được chứng quả. Đừng nói đến là quả vị của Bồ Tát Đại thừa, mà ngay cả quả vị đầu tiên (sơ quả) của Tiểu thừa cũng không đạt được, niệm Phật cũng không thể vãng sinh. Điều kiện cần và đủ để người niệm Phật có thể vãng sinh là thân tâm phải thanh tịnh. Trong tâm nếu còn một chút tham đắm, luyến ái đối với hoàn cảnh thế giới, với tất cả mọi việc trong sáu nẻo không thể nào buông bỏ được thì không bao giờ được vãng sinh. Điều này những người mong muốn cầu vãng sinh không thể không biết. Cho đến những vấn đề như cuộc sống trong tam giới, trong lục đạo so với cuộc sống siêu thoát ngoài tam giới, ngoài lục đạo khác nhau như thế nào, chúng ta đều phải biết một cách thấu đáo, rồi sau mới làm phát khởi cái tâm từ bỏ luân hồi, cầu thành Phật đạo.

   Con người nếu không thoát khỏi được tam giới thì phạm vi cuộc sống của họ chỉ luẩn quẩn trong sáu nẻo luân hồi, không gian cuộc sống rất nhỏ bé, và đương nhiên cuộc sống cũng rất khổ đau. Thí dụ, cuộc sống của trời Phạm Thiên vương, mặc dù phạm vi sinh hoạt của ông ta là bao quát cả lục đạo, nhưng nói cho cùng thì cũng chỉ trong ba cõi mà thôi, không thoát ra ngoài sáu nẻo luân hồi được. Ngày nay chúng ta được làm thân người, sống trong lục đạo cũng rất đáng thương! Phạm vi cuộc sống của chúng ta không ra khỏi quả địa cầu này. Nếu như sinh vào đường súc sinh, thí dụ làm một con chó người ta nuôi trong nhà chẳng hạn, thì phạm vi sinh hoạt của nó không ra khỏi ngôi nhà của chủ. Chúng ta phải hiểu điều này, trong lục đạo, địa vị và phạm vi sinh hoạt của chúng ta rất nhỏ bé, rất đáng thương! Đó là nguyên do vì sao đức Phật dạy chúng ta phải cố gắng tu tập thành Phật, thành Bồ Tát. Mục đích là muốn chúng ta có một không gian cuộc sống bao la không giới hạn.

   Trong đời này, chúng ta chỉ có một điều duy nhất để nắm giữ, một việc lớn nhất để làm, đó là cầu nguyện được vãng sinh sang thế giới Tây phương cực lạc. Sau khi sinh sang thế giới Tây phương cực lạc, phạm vi không gian cuộc sống của chúng ta, giống như trong kinh “Vô lượng thọ” đã nói, là tận cùng hư không, biến khắp pháp giới, giống như thế giới của các chư Phật. Trong mười phương quốc độ của chư Phật, nghĩ đi liền đi, nghĩ về liền về, rất tự do tự tại! Còn trong sáu đường luân hồi thì rốt cuộc không thể thoát khỏi quả báo sinh tử ‘xả thân thọ thân’, nghĩ đến thật nói không hết khổ!

   Được sinh sang thế giới Tây phương cực lạc thì tuổi thọ vô lượng vô biên, mãi mãi không bị sinh tử luân hồi. Tướng mạo thân thể thì tùy theo ý niệm của tất cả chúng sanh mà biến hóa ra, giống như trong kinh Phổ môn đã nói: “Chúng sinh muốn được độ bằng hình thức thân thể như thế nào, liền hiện ra thân như thế ấy để độ”. Tôn Ngộ Không có 72 phép biến hóa, người đời ai nấy đều ngưỡng mộ, trong khi đó thần thông biến hóa của chư Phật, Bồ Tát thì vô lượng vô biên, không giới hạn, không phải tư duy, tưởng tượng của con người có thể hiểu hết được, lại còn có quả báo rất thù thắng và cuộc sống hạnh phúc rất mỹ mãn, tại sao chúng ta lại không muốn? Nếu như thật sự muốn vãng sinh sang thế giới ấy thì nhất định phải đem cái tâm niệm tham luyến thế giới này buông bỏ hết, lấy cái tâm thanh tịnh chân thành niệm Phật. Trong một đời này nhất định thành tựu, tuyệt đối không quá.

Tác giả bài viết: sưu tầm

Nguồn tin: www.tinhtonghochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây