Đại lão Hoà thượng Thích Trí Tịnh sinh năm 1917, được suy cử Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN từ năm 1984 đến nay, là một bậc Tòng Lâm thạch trụ, đã phiên dịch nhiều bộ kinh lớn, khiến cho giáo nghĩa Đại thừa được lưu thông, Phật pháp được lưu truyền trong tứ chúng. Hoà thượng tinh thông cả thiền giáo, là tấm gương sáng, bậc chân tu sáng ngời đạo hạnh trong lòng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, là bậc thầy mẫu mực của Tịnh tông để các liên hữu cùng noi bước.
Các bậc tổ sư thường dạy đồ chúng cách tâm niệm để làm phương châm hành trì. Xin Sư ông cho chúng con một lời khuyên dưới hình thức một lời tâm niệm?
Người xưa thường nói: “Sanh tử sự đại” nhưng mình đã quen sống trong sanh tử, ai cũng vậy hết, nên không thấy quan trọng. Kỳ thật, lấy mắt đạo mà nhìn vào thì đó là việc lớn của mọi người, của chúng sanh. Đã lăn lóc mãi trong nhiều đời, hiện tại nếu không cố gắng thì những đời sau cũng vẫn lẩn quẩn trong vũng lầy sanh tử mà thôi.
Gặp được Phật pháp rất khó! Trên đời này không có pháp nào thoát ly sinh tử, chỉ có giáo pháp của Phật mới ra khỏi sanh tử luân hồi. Vì thế, gặp được rồi thì mình phải cố gắng để vững bền trong chánh pháp. Cho nên, Phật dạy tất cả đều phải tinh tấn, nhất tâm. Nhưng chúng ta lại có cái lỗi là luôn phóng dật, giãi đãi. Trong Luật, những khi có việc gì thì các vị Trưởng lão, các vị Đại đức đều khuyên nhắc: “Phải tinh tấn, chớ phóng dật”. Chỉ có hai điều đó thôi! Phóng dật ở thân khẩu thì dễ biết, còn ở tâm ý thì rất khó biết. Hễ duyên theo lục trần đều là phóng dật. Phóng dật thì trôi theo sanh tử. Tinh tấn thì đạt Niết-bàn. Người tu hành phải tinh tấn thì mọi khó khăn đều sẽ vượt qua, mọi công đức sẽ đạt được.
Trong một số bài giảng, Sư ông thỉnh thoảng sử dụng từ “tu mót” để khích lệ tứ chúng tinh tấn tu tập. Xin Sư ông giải thích thêm ý nghĩa của tu mót là gì?
Các bậc tổ đức ngày xưa khi vào trong đạo liền tìm cách để được định và tuệ. Chúng ta trong thời mạt pháp, lăn lóc trong ồn náo, nhiều chuyện, nhiều việc, nhiều người nên tôi thường nhắc nhở sự tu hành của mình giống như là “tu mót”. Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua. Gặp việc thì làm việc. Rảnh việc thì nhiếp tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Được một phút thì tốt một phút. Được một giờ thì tốt một giờ. Thế nên đừng bỏ qua việc tu mót.
Ví như những người ở quê ngày xưa đi mót lúa, tuy chỉ mót lúa nhưng vẫn đủ lúa gạo để ăn, vẫn nuôi thân, nuôi gia đình được. Mình đây cũng vậy, nếu cố gắng mót thì cũng được đầy đủ đạo pháp, nuôi lớn pháp thân, huệ mạng của chính mình. Nếu huynh đệ thực hành một thời gian rồi nghiệm lại sẽ thấy “tu mót” lại nhiều hơn thời khoá tu hành chính. Vì thế nếu bỏ qua tu mót thì bỏ phí rất nhiều thời gian.
Ai cũng có công việc hết, nhưng rồi cũng có xen kẽ, lúc tâm trí mình được rảnh rang thì gắng giữ ba điều: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Được vậy, phóng dật bớt dần lại, tương ưng với phần tinh tấn. Nếu trọn đời mình sống trong chánh pháp của đức Phật thì đường đạo mỗi ngày sẽ mỗi tăng tiến.
Sư ông vừa dạy niệm Tam bảo. Vậy trọng tâm của pháp niệm này là gì?
Ai nấy cần phải nhất tâm và chánh niệm. Chánh niệm đứng đầu là ba niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Đừng để nó rời. Niệm Phật thì niệm hồng danh, niệm tướng hảo, niệm công đức. Niệm Pháp thì phải thuộc kinh, vì nhớ đến kinh pháp tức là niệm Pháp. Niệm Tăng thì ở nơi đức Quán Thế Âm Bồ-tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát hay Phổ Hiền Bồ-tát, cho đến Di Lặc Bồ-tát, Địa Tạng Bồ-tát đều là Bồ-tát Tăng đáng để cho chúng ta nghĩ đến các ngài và công hạnh của các ngài. Nếu tâm mình thường nghĩ tưởng như vậy thì bớt phóng dật, tất được tinh tấn. Tinh tấn dần từ một ngày, hai ngày, ba ngày, cho đến nhiều tháng nhiều năm thì lần lần cội bồ-đề mà mình vun trồng sẽ càng thêm to lớn, vững mạnh.
Làm thế nào để vượt qua các vọng niệm?
Vọng tâm, vọng niệm dễ sanh. Những phiền não, nghiệp chướng cũng dễ phát khởi. Do vì cảnh duyên bên ngoài trợ giúp mấy thứ đó phát triển, tăng trưởng. Mình ở trong thời mạt pháp, lấy sức người để tu hành cũng giống như ở nơi giữa dòng sông, chẳng những là nước mà lại có sóng lớn nữa, luôn luôn lúc nào cũng có sóng hết. Trong đó phải bơi lội thì việc đó cần cố gắng lắm mới được. Có cố gắng mới thành công.
Do đó, cần lập nguyện. Chí nguyện lớn sẽ giúp mình thêm cố gắng và vững chãi hơn ở đường đạo. Chí nguyện phải thật vững để giúp cho nghị lực, vì có chí nguyện ắt có nghị lực. Như thế mới vững vàng được ở nơi những luồng sóng dập dồn, nếu sơ suất liền bị chìm. Nói tiếng chìm, huynh đệ cần phải suy nghĩ cho kỹ.
Ở cõi ngũ trược này, phát chí nguyện phải dũng mãnh, nghị lực phải dũng mãnh. Ở trong cái khó mà tu tập thì hạnh đức cao vời. Khó thì dễ hư nhưng thành tựu được thì công cao. Do đó, trong kinh Duy Ma Cật nói: “Bồ-tát ở nơi cõi đời này, có những công đức mà nơi cõi khác không có được” chính là ý này vậy.
Huynh đệ biết khó thì phải cố gắng. Lập chí lập nguyện cố gắng vượt lên. Luôn luôn kiểm soát tâm ý của mình lẫn cả về hành động và lời nói. Kiểm soát nếu thấy không đúng thì sửa lại cho đúng. Ai cũng đều có lỗi, nhưng có lỗi mà biết sửa đổi thì thành tốt. Mong rằng chư huynh đệ đều nhất tâm, tinh tấn tu hành!
Khi tu sĩ chúng con làm Phật sự thì phải tiếp duyên. Vậy, tiếp duyên thế nào để Phật sự thành công mà không bị vướng dính duyên trần?
Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả, rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn chịu để vượt qua. Không phải hàng xuất gia không bị dính mắc vào quyền lợi. Huống nữa, chính quyền lợi đó sẽ đem đến những tai hoạ cho thân mình. Mấy huynh đệ tuổi còn trẻ, đường còn dài, phải lưu ý lắm mới được.
Tôi luôn làm theo khẩu hiệu ngầm của riêng mình. Những việc đúng pháp, về mặt tinh thần hoặc vật chất thì “không cầu cũng không từ”. Nghĩa là không tìm cầu cũng không từ chối. Đây là khẩu hiệu để tôi lập thân. Chẳng hạn, nếu có duyên cất chùa, mà cái duyên đó nó tự đến, nhận thấy đáng thì không từ chối. Cho đến tứ sự cúng dường cũng vậy, những vật gì không dùng nhưng cũng không từ chối. Mình không sử dụng thì chuyển đến người khác, cho đại chúng dùng.
Nếu làm việc gì, dù có cái lợi lớn trước mắt nhưng khi làm có cái hại xen vô trong hiện tại hoặc tương lai thì quyết không làm, không tham dự. Ví dụ như danh vị, tiền bạc, lời khen tặng … Nếu được lợi thì phải xem có cái hại hay không. Nếu có thì phải tránh xa. Thấy hại mà vẫn chạy vô thì bị nghiệp dẫn.
Tôi thấy việc tu hành đã trải qua mấy mươi năm, nhờ ứng dụng những điều trên mà không bị tổn thất, chịu cái hại lớn, mà lại thấy việc nhẹ nhàng, thảnh thơi. Tôi đã nói tận đáy lòng. Mấy huynh đệ thấy đúng lý thì nên bắt chước làm theo, để sự tu hành không bị vướng kẹt, thiện căn công đức luôn được tăng trưởng. Đó là điều tôi muốn ở tất cả mấy huynh đệ.
Xin Sư ông cho chúng con một lời khuyên để chúng con áp dụng tu hành!
Ngày tháng trôi qua mau lắm, một năm không mấy chốc mà đã hết rồi. Già, bệnh, chết mãi đeo theo người, không chừa ai hết. Mong các huynh đệ ai nấy đối với pháp của Phật, không biết nhiều thì cũng biết ít, noi theo chỗ hiểu biết của mình mà tinh tấn tu hành, luôn luôn nghĩ đến vô thường, sanh tử. Thân này tuy không bền lâu, mình phải cố gắng nương theo thân người này để tu hành, vượt qua biển sanh tử, lên đến bờ giải thoát. Nếu chưa được vậy thì cũng làm nhân duyên thù thắng cho những đời sau, đạo tâm kiên cố, căn lành tăng trưởng.
Thời gian qua thật mau, đừng để luống uổng, phải thường nghĩ vô thường. Nhớ lại thuở trước, chỗ mình đang ngồi, đang quỳ ở đây là nơi mấy em cháu (bây giờ cũng sáu, bảy mươi tuổi rồi) đứng hái trái sim, thì mấy huynh đệ biết nó thuộc rừng rú. Rồi mình khai hoang, cất chùa. Thấm thoát cây gỗ của chùa cũng mục. Từ đó, biết rằng thời gian trôi mau lắm, năm sáu chục năm thoáng chốc đã qua. Vì vậy, nên nhớ lời Phật dạy, phải luôn nghĩ đến vô thường. Thân này còn đây, ngày mai không bảo đảm.
Pháp của Phật rõ ràng, chỉ ở nơi mình có chịu làm hay không chịu làm đó thôi. Nên gắng tinh tấn giữ đạo tu hành. Cầu mong mấy huynh đệ căn lành mỗi ngày thêm lớn, công đức mỗi ngày tăng trưởng.
Chúng con thành kính tri ân Sư ông đã khai tâm mở trí chúng con.
Chúng con xin y giáo phụng hành.
Nguồn tin: tinhtonghochoi.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn