Khó thay được làm người

Thứ hai - 23/12/2013 06:31 - Đã xem: 3526

Khó thay được làm người

Hình ảnh con rùa mù sống trong biển lớn, một trăm năm mới ngoi lên một lần mà đầu lọt qua lỗ hổng của khúc cây lênh đênh trên biển, cho thấy điều đó thật vô cùng khó khăn, hy hữu ở đời. Nhưng Thế Tôn đã khẳng định, việc ấy còn dễ hơn một người khi đã bị vô minh che lấp khiến rơi vào đọa xứ.
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Trùng Các giảng đường, dạy các Tỷ-kheo:

1-Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quăng một khúc gỗ có một lỗ hổng vào biển lớn. Tại đấy có con rùa mù, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần.

Các ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có một lỗ hổng hay không?

Năm khi mười họa may ra có thể được, bạch Thế Tôn, sau một thời gian dài.
Ta tuyên bố rằng còn mau hơn, này các Tỷ-kheo, là con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có một lỗ hổng ấy; còn hơn kẻ ngu, khi một lần đã rơi vào đọa xứ để được làm người trở lại. Vì sao?

Vì rằng ở đấy không có pháp hành, chánh hành, thiện nghiệp, phước nghiệp. Ở đấy, này các Tỷ-kheo, chỉ có ăn thịt lẫn nhau, và chỉ có người yếu bị ăn thịt. Vì sao?

Vì không thấy được bốn Thánh đế. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ... Thánh đế về Con đường đưa đến Khổ diệt.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt".
2-Ví như, này các Tỷ-kheo, quả đất lớn này chỉ toàn một bãi nước và một người đến ném xuống đấy một khúc cây có một lỗ hổng. Rồi gió phương Ðông thổi nó trôi về phương Tây; gió phương Tây thổi nó trôi về phương Ðông; gió phương Bắc thổi nó trôi về phương Nam; gió phương Nam thổi nó trôi về phương Bắc. Tại đấy, một con rùa mù cứ mỗi trăm năm nổi lên một lần.

Các ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào trong khúc cây có một lỗ hổng không?

Thật khó được vậy, bạch Thế Tôn, con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào trong khúc cây có một lỗ hổng ấy!

Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo, là được làm người! Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo, là Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo, là Pháp và Luật này do Như Lai thuyết giảng chiếu sáng trên đời.
Nhưng nay, này các Tỷ-kheo, các ông đã được làm người, và Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác. Và Pháp và Luật được Như Lai thuyết giảng chói sáng ở đời.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt".
(Kinh Tương Ưng Bộ V, chương 12, phẩm Vực thẳm)

SUY NGHIỆM:

Hình ảnh con rùa mù sống trong biển lớn, một trăm năm mới ngoi lên một lần mà đầu lọt qua lỗ hổng của khúc cây lênh đênh trên biển, cho thấy điều đó thật vô cùng khó khăn, hy hữu ở đời. Nhưng Thế Tôn đã khẳng định, việc ấy còn dễ hơn một người khi đã bị vô minh che lấp khiến rơi vào đọa xứ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) được sanh trở lại làm người. Cho nên, được sinh làm người là điều rất khó.
Tuy được phước làm người nhưng cũng có năm bảy hạng người. Có người vô phước, có người thiếu phước, có người đủ phước, có người phước đức tràn trề. Nhưng phước đức nhất là người sanh ra đời được gặp Phật và tu học theo Chánh pháp. Đây quả là điều khó trong khó mà người có phước đức nhân duyên lớn mới được gặp trong cuộc đời.

Người học Phật chúng ta hiện nay, được phước làm người nhưng thiếu phước gặp Phật, vì Phật đã nhập Niết bàn lâu xa. Tuy vậy, Tam bảo vẫn thường trụ ở thế gian, hình ảnh và dấu tích của Thế Tôn vẫn còn cho chúng ta chiêm ngưỡng, bái vọng. Quan trọng hơn, hóa thân của Ngài là giáo pháp thì hiện vẫn lưu truyền. Được làm người, được tu học theo Chánh pháp là một đại nhân duyên phước báo mà ta vẫn đang có trong tầm tay.

Mỗi người con Phật chúng ta hiểu biết và thực hành theo Chánh pháp chính là người có phước đức lớn. Vì thế, phải nỗ lực học tập giáo pháp hơn nữa để thấu triệt lời Phật dạy. Khi chúng ta đã có “Con đường diệt khổ” rồi, chỉ cần tinh tấn hành trì, siêng năng không mệt mỏi thì thành quả “Khổ diệt” cũng không phải ở đâu xa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây