Đáng Sợ Thay Quả Báo Sát Sanh !

Thứ sáu - 04/04/2014 22:20 - Đã xem: 10691
Dưới thời vua Lương Võ Đế, Phật Giáo tại Trung Hoa rất hưng thịnh; dân chúng khi có hôn lễ hay tang sự đều thỉnh các vị Sư đến tụng niệm. Ngày nay thời đại đổi khác, hiện tại chỉ có tang sự người ta mới thỉnh quý Thầy đến tụng kinh, còn khi có hỷ sự như cưới gả, sanh con thì chẳng có ai thỉnh quý Thầy đến tụng kinh nữa cả. Thật ra, điều nầy thật lầm lẫn đấy. Vô luận gặp chuyện bất hạnh hay dịp may mắn thì đều nên thỉnh các vị xuất gia đến tụng kinh để hồi hướng, trồng phước—một mặt có thể siêu độ vong linh, mặt khác có thể tăng thêm phước báo cho người còn sống.
Đáng Sợ Thay Quả Báo Sát Sanh !

Thời vua Lương Võ Đế có Hòa Thượng Chí Công, vốn là một vị cao tăng đã đắc Ngũ nhãn Lục thông, tiền nhân hậu quả nhất nhất đều biết rõ ràng. Lần nọ, có một gia đình hào phú tổ chức tiệc cưới cho con và thỉnh Hòa Thượng Chí Công đến tụng kinh. Bấy giờ, Hòa Thượng vừa đặt chân đến ngạch cửa đã than rằng:

“Lạ lạ thay! Quái quái kỳ!
Đứa cháu cưới bà nội,
Heo dê ngồi bàn tiệc,
Quyến thuộc nấu trong nồi.
Con gái ăn thịt mẹ,
Con trai đánh da cha.
Khách khứa đến chúc mừng,
Ta thấy thật là khổ!”

Như thế là ý nghĩa sao đây? “Đứa cháu cưới bà nội,” quý vị thấy có lạ đời không? Nguyên bà cụ này lúc lâm chung cầm tay đứa cháu nội mà trong lòng quyến luyến, không nỡ xa lìa, bà than: “Các con ta ai nấy đều thành gia lập nghiệp cả rồi, chỉ tội cho đứa cháu nội độc nhất của ta không người chăm sóc. Ôi! Biết làm sao đây?” Than xong thì bà tắt thở.

Khi hồn bà cụ đến địa phủ, Diêm Vương phán bảo: “Ngươi đã yêu thương đứa cháu nội như thế, thì hãy trở về làm vợ nó mà chăm sóc cho nó đi!” Thế là bà cụ đầu thai trở lại làm vợ đứa cháu nội. Cho nên, việc tiền nhân hậu quả trên thế gian có khi cũng thật đáng sợ lắm thay!

Rồi Hòa Thượng Chí Công lại ngó quanh và nói: “Heo dê ngồi bàn tiệc.”

Thấy nồi canh đang nấu, Ngài lại nói tiếp: “Quyến thuộc nấu trong nồi.” Nguyên là các con heo con dê bị người ta làm thịt trước kia nay đều đầu thai trở lại làm người, và ăn thịt những kẻ đã từng giết chúng để bồi thường túc báo. Những lục thân quyến thuộc xưa kia chuyên ăn thịt heo thịt dê, thì bây giờ trở ngược lại bị làm heo làm dê và bị người ta bằm chặt, đem nấu trong nồi để đền nợ.

“Con gái ăn thịt mẹ.” Bấy giờ ở ngoài sân có một bé gái đang gặm một cái giò heo rất ngon lành, mà không biết rằng con heo này kiếp trước vốn là mẹ của mình.

“Con trai đánh da cha.” Hòa Thượng Chí Công lại nhìn về phía ban nhạc hòa tấu, người đánh cồng khua chiêng, kẻ thổi kèn thổi sáo, rất tưng bừng náo nhiệt! Trong đó có một người đang hăng say đánh trống—cái trống này được bịt bằng da lừa, mà con lừa ấy kiếp trước chính là cha của anh chàng đánh trống!

Thế mà “khách khứa đến chúc mừng.” Mọi người đều hớn hở cho rằng đó là ngày vui, nhưng Hòa Thượng Chí Công chỉ than thở: “Ta thấy thật là khổ!” Kỳ thật, người đời thường lấy khổ làm vui! Nam Mô A Mi Đà Phật

Vào thời Vua Lương Võ Đế bên Trung Quốc, Thiền Sư Chí Công là bậc tu hành có đức hạnh, chẳng có ai biết cha mẹ của Ngài là ai. Một ngày nọ, có một phụ nữ nghe tiếng trẻ con khóc ở trên cây, bèn trèo lên cây thì thấy đứa bé nằm trong tổ chim ưng, bà ta bồng em bé về nhà nuôi dưỡng. Em bé nầy tướng mạo tựa như hình người, song tay chân tựa như móng chim ưng. Lớn lên rồi xuất gia tu đạo, khai ngộ đắc ngũ nhãn lục thông. Vì chẳng có ai biết cha mẹ Ngài là ai, lượm Ngài từ tổ chim ưng, cho nên một số người đều cho rằng Ngài từ trứng chim nở ra. 

------------------------------------------
(Trích trong cuốn Chú Đại bi Giảng Giải của Hoà Thượng Tuyên Hóa giảng ) 

Vào thời đó, Vua Lương Võ Đế rất tin tưởng Thiền Sư Chí Công, và một số người khác cũng rất tin Ngài, bất cứ trường hợp gì, nào sinh đẻ, bạn bè chết, đám cưới, tang lễ.v.v… họ đều thỉnh Thiền Sư Chí Công đi tụng Kinh. Một lần nọ, có một gia đình giàu có thỉnh Thiền Sư Chí Công đến tụng Kinh cho cuộc hôn nhân và thỉnh Ngài trong cuộc hôn lễ nói vài câu cát tường, khiến cho cuộc hôn nhân thuận lợi tốt đẹp. 

Thiền Sư Chí Công đến đó, vừa thấy chú rể và cô dâu bèn nói: “Cổ cổ quái, quái quái cổ, tôn tử thú tổ mẫu.” Nghĩa là sự việc này xưa nay chẳng có, đây là sự việc chẳng tầm thường, việc rất kỳ quái, ai đời cháu lại cưới bà ngoại. Trên thế giới này, mọi người làm vợ chồng với nhau, làm cha con với nhau, làm mẹ con với nhau. Nếu bạn chẳng biết nhân duyên trong đời quá khứ thì bạn chẳng hiểu rõ tại sao ông nội của bạn trong kiếp trước, đời nay đến kết hôn với bạn? Hoặc là bà ngoại của bạn lại đầu thai làm con của bạn? Đây hoàn toàn không nhất định. 

Sự việc “cháu cưới bà ngoại” này, là vì trước khi bà ngoại qua đời, bà ta nói với mọi người: “Cháu của ta chẳng còn cha mẹ của nó, tương lai ai sẽ săn sóc cho nó? Vợ tương lai của nó có tốt với nó chăng? Tôi thật rất lo cho nó lắm!.” 

Lúc đó bà ta nắm tay người cháu nói: “Cháu ơi! Bà không đành bỏ cháu ra đi, bà chết rồi, cũng không nhắm mắt”. Mắt không nhắm cũng vẫn chết, bà ta chết chẳng nhắm mắt. Đến trước mặt Vua Diêm Vương, còn muốn yêu cầu săn sóc cho cháu của bà ta, bà nói: “Cháu của tôi, tôi thấy chẳng có ai săn sóc cho nó, tôi thật lo cho nó!” Vua Diêm Vương nói: “Tốt lắm! vậy thì bà về săn sóc cho nó!” Do đó lập tức bà đi đầu thai; lớn lên rồi thì bà ta làm vợ người cháu. Do đó gọi là “cháu cưới bà ngoại”. Bà ngoại chẳng buông bỏ được người cháu, trở lại bèn làm vợ của người cháu, bạn thấy có phải là cổ cổ quái, quái quái cổ chăng? Hay là chẳng phải cổ cổ quái, quái quái cổ? 

Ngài Chí Công tại sao biết được? Vì Ngài Chí Công có ngũ nhãn lục thông, khi Ngài vừa gặp cô dâu chú rể thì cô dâu vốn là bà ngoại, vì bà ta một niệm buông xả chẳng đặng, cho nên phải trở lại làm vợ của người cháu. 

Thiền Sư Chí Công lại nhìn mọi người thì thấy có một cô gái cầm miếng thịt ăn, Ngài lại nói: “Con ăn thịt mẹ”. Miếng thịt mà cô con gái đang ăn, vốn là thịt của mẹ cô đầu thai làm dê, bây giớ con dê này bị giết, cô ta cầm thịt dê nầy lên ăn. 

Ngài liền nhìn người đánh trống bèn nói: “Con đánh trống cha”. Da trống nầy chính là cha của anh ta đầu thai làm lừa, con lừa nầy bị giết, lấy da bịt làm trống. 

Ngài lại nhìn vào các dãy bàn bèn nói: “Heo, dê ngồi vào bàn”. Những loài heo, dê này, kiếp trước bị họ ăn thịt, bây giờ đều tái sinh làm người, đều làm bà con, làm bạn bè với họ, cho nên đều đến nhà đó để dự hôn lễ. 

“Lục thân nấu trong nồi”, thân tộc bên cha, thân tộc bên mẹ, thân tộc bên anh bên em, tất cả bạn bè, thân hữu trước kia ăn thịt heo, thịt dê, bây giờ đều biến thành heo, dê, lại bị họ giết bỏ vào nồi nấu. 

“Mọi người đến chúc mừng”. Mọi người đến đó, thấy anh ta cưới cô dâu đều nói: “Chúc mừng anh!” Người này đến chúc mừng, người kia đến chúc mừng, cảnh trạng như thế, “tôi thấy đó là khổ”, tôi thấy cảnh trạng như thế, tức là tạo nghiệp; tạo nghiệp tức là khổ. 

Do Ngài Chí Công nhìn thấu nhân quả của gia đình đó. Gia đình đó thì như thế, còn những gia đình khác, làm sao mà biết chẳng phải như thế? Cho nên người tu đạo thì phải cẩn thận; lúc trồng nhân không cẩn thận thì kết quả phải gánh lấy. Vậy con người tại sao lại làm người? Chúng ta làm người là đến để trả nợ. Trả nợ gì? Trả nợ luân thường, trả nợ nhân quả thế gian. Bạn còn món nợ nầy thì phải trả món nợ này, bạn không trả thì không được, cũng như chúng ta mượn tiền của người thì phải trả tiền cho người; bạn không trả thì nợ không dứt được. Con người trên thế gian cũng như thế. 

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây