Trước tiên, chúng ta xem đề kinh: “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh”. Toàn bộ đề kinh có 8 chữ, có thể phân nó làm bốn đoạn để xem. Bát nhã là đoạn thứ nhất, Ba La Mật Đa là đoạn thứ hai, Tâm là đoạn thứ ba, Kinh là đoạn thứ tư. Bát Nhã là tiếng Phạn, cũng chính là ngôn ngữ của Ấn Độ xưa, dịch qua ý nghĩa của tiếng Trung Quốc là trí tuệ. Tại sao năm xưa chúng ta dịch kinh không dịch trực tiếp nó thành trí tuệ vậy? Đây là do trong thể lệ phiên dịch có cái gọi là năm điều không thể dịch. Năm điều không thể dịch này là:
- Điều thứ nhất là bí mật. Chúng ta thấy rất nhiều câu chú trong kinh Phật đều là dịch âm, không hề dịch ý nghĩa của nó ra, đây là loại thứ nhất.
- Điều thứ hai là chứa nhiều nghĩa, trong từ vựng Trung Quốc tìm không ra từ thích hợp, vậy là chúng ta bèn dùng âm dịch, sau đó dùng cách giải thích thêm. Như từ Bạc Già Phạn, cái ý ở trong danh từ này chứa đựng rất nhiều nghĩa.
- Điều thứ ba là từ Trung Quốc không có. Như trong kinh nói Diêm Phù Đề, Diêm Phù Đề là danh xưng của cây, là tên gọi của cây, loại cây này ở Trung Quốc không có, cho nên bèn dùng âm dịch này.
- Điều thứ tư là thuận theo xưa.
- Điều thứ năm là thuộc về tôn trọng. Bát nhã ba la mật là thuộc về tôn trọng nên không dịch. Ở trong giảng nghĩa này có một biểu giải, giải thích đơn giản hàm nghĩa danh tướng này của bát Nhã.
Thông thường mà nói Bát Nhã có ba ý nghĩa. Thứ nhất là thực tướng, tướng là tướng trạng, thực tướng chính là hình ảnh chân thực. Nghĩa thứ hai là quán chiếu Bát Nhã, cũng chính là chỗ dụng của thực tướng. Nghĩa thứ ba là văn tự Bát Nhã. Có thể nói toàn bộ văn tự trong kinh điển của kinh Phật đều thuộc vào loại văn tự Bát Nhã. Biệt danh của nó rất nhiều, như trong kinh nói chân tánh, thực tướng, tự tánh, thanh tịnh tâm, Như Lai Tàng, như như, thực tế, nhất thừa, pháp tánh, thủ Lăng Nghiêm, trung đạo, tất cánh không, v.v… Vì sao chỉ có một sự việc mà Phật phải nói ra rất nhiều danh tự như vậy? Đây là phương tiện thiện xảo của Phật thuyết pháp. Phật dạy chúng ta, điều quan trọng nhất là muốn chúng ta phải thông hiểu nghĩa thú mà Phật thuyết pháp, không nên chấp trước trên danh tướng. Danh tướng chỉ là công cụ, phương tiện mà thôi. Vì thế Phật nói ra rất nhiều danh từ, để chúng ta từ trong danh tướng đó thể hội được nghĩa lý chân thực. Trong Trí Độ Luận đã nói một bài kệ rất hay:
Bát nhã thị nhất pháp
Phật thuyết chủng chủng danh
Tùy chư chúng sanh loại
Vi chi lập danh tự.
Nghĩa là:
Bát nhã là một pháp
Phật nói nhiều danh từ
Tùy vào loài chúng sanh
Vì họ lập danh tự.
Bài kệ này vô cùng quan trọng, để cho chúng ta hiểu được nguyên do Phật nói kinh là vì tất cả chúng sanh mà dựng lập nên rất nhiều danh từ, thuật ngữ. Thông thường chúng ta dùng từ trí tuệ để dịch chữ Bát Nhã này. Trí có nghĩa là chiếu kiến, Tuệ có nghĩa là biện biệt. Cho nên trí có tính quyết đoán, trí có khả năng quyết đoán; Tuệ có khả năng hiểu, chiếu soi thấy tất cả pháp quả thực là không thể được, thông đạt tất cả pháp quả thực không hề chướng ngại. Đây là trí tuệ chân chánh. Bát Nhã Ba La Mật Đa, câu Ba La Mật Đa phía sau này cũng là âm dịch từ tiếng Phạn. Ba La dịch là bờ kia, Mật Đa dịch là đến, hợp chung lại là bờ kia đến. Đây là văn phạm nước ngoài, theo như văn phạm của Trung Quốc mà nói thì phải nói ngược lại tức là đến bờ kia, họ thì nói bờ kia đến. Ý nghĩa của câu này so với từ đáo gia mà trong thành ngữ Trung Quốc chúng ta thường nói, thì ý nghĩa này rất gần nhau. Người Trung Quốc phàm là một việc gì khi làm được rất thành thạo, vô cùng viên mãn đều gọi là đáo gia. Thí dụ vẽ tranh, công phu vẽ tranh thành thục rồi chúng ta gọi là họa gia, công phu của họ đáo gia rồi. Nấu nướng, chúng ta gọi là xào thức ăn, thức ăn họ xào cũng đáo gia rồi, công phu đáo gia rồi. Hay nói cách khác, ý nghĩa của Ba La Mật Đa này chính là cứu cánh viên mãn mà chúng ta thường nói. Bát Nhã Ba La Mật Đa hợp chung lại mà nói thì chính là trí tuệ cứu cánh viên mãn. Có thể thấy được điều này so với trí tuệ thông thường là có sai khác.
Theo tiếng Phạn, từ đến bờ kia này rốt cuộc nó bao hàm những ý nghĩa nào? Trong chú giải của cổ nhân có nói: “Đem sinh tử dụ cho bờ này, lấy Niết Bàn dụ cho bờ kia”. Hay nói cách khác, chúng ta dùng trí tuệ nhã bát cứu cánh viên mãn này mới có thể thoát khỏi sanh tử, chứng đắc bờ kia của đại niết bàn. Quá trình tu học Phật pháp, ở trong kinh luận Phật thường hay nói: “Phàm phu tu hành thành Phật phải trải qua ba đại A Tăng kỳ kiếp”. Con số này nếu dùng cách nói của người hiện nay mà nói thì là con số thiên văn. Thời gian không phải dùng ngày tháng năm để tính mà dùng kiếp để tính, phải ba đại A Tăng kỳ kiếp. Trong kinh Phật thường nói, mỗi một vị đồng tu chúng ta, từ vô lượng kiếp trong đời quá khứ đều đã từng nghe pháp tu hành, cho nên mới có thiện căn, phước đức, nhân duyên thù thắng như vậy, có thể nghe được đại pháp cứu cánh viên mãn mà đức Thế Tôn đã nói trong một đời. Thế thì chúng ta đã tu hành từ vô lượng kiếp trong đời quá khứ mà tại sao chúng ta vẫn chưa thành Phật vậy? Quí vị cần hiểu rõ một sự thật là ba đại A Tăng kỳ kiếp ở trong Phật pháp đã nói bắt đầu tính từ đâu? Theo như tiểu thừa mà nói là phải bắt đầu tính từ khi chứng đắc sơ quả Tu Đà Hoàn, hay nói cách khác, tuy có tu hành mà chưa chứng đắc sơ quả thì đều không tính đến. Như vậy chúng ta mới thật sự chợt hiểu ra, chúng ta từ vô lượng kiếp mãi cho đến hôm nay, tuy đã nhiều kiếp tu hành, nhưng xưa nay chưa từng một lần chứng được sơ quả. Tại sao lại như vậy? Nếu như chứng được sơ quả, thì bạn chắc chắn sẽ không thối chuyển. Sơ quả gọi là quả vị bất thối, cho nên bắt đầu tính từ đây, trải qua ba đại A Tăng kỳ kiếp mới thành tựu Phật đạo.
Ở trong biểu giải này cũng nói rất rõ ràng: “Tam hiền trải qua một A Tăng kỳ kiếp”. Tam hiền là nói thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng. Ba mươi quả vị này của Bồ Tát là đạo lực yếu, điều phục phiền não. Đạo lực yếu thì bị phiền não điều phục, đây gọi là viễn ba la mật, còn cách xa trí tuệ cứu cánh viên mãn. Tại sao vậy? Vì phiền não đã làm chướng ngại mất trí tuệ, trí tuệ tuy có đó, nhưng do có phiền não cho nên trí tuệ không thể hiện ra. A Tăng kỳ kiếp thứ hai là từ sơ địa đến thất địa. Lúc này đạo lực tăng trưởng, có năng lực điều phục phiền não rồi, cho nên gọi là cận ba la mật, đối với trí tuệ cứu cánh viên mãn ngày càng gần hơn. Và đến bát địa, cửu địa, thập địa, ba quả vị này cũng phải trải qua một A Tăng kỳ kiếp, sức thiền định và trí tuệ đều rất mạnh, cho nên có thể điều phục dứt phiền não, lúc này gọi là đại ba la mật. Trong biểu giải trên đã xếp ba đại A Tăng kỳ kiếp này, ở trong tứ giáo thì quả vị của Bồ Tát thuộc về biệt giáo.
Đề kinh thứ ba, đoạn thứ ba là tâm. Chữ này là chữ Trung Quốc, từ xưa đến nay giải thích ý nghĩa của chữ này rất nhiều, tức là tinh yếu của 300 quyển. Cách nói này tương đối viên mãn. Trong tất cả kinh điển mà đức Thế Tôn đã nói thì phân lượng của Kinh Đại Bát Nhã tương đối nhiều, dịch sang Trung văn tổng cộng có 300 quyển, trong tất cả kinh đã dịch sang trung văn thì phân lượng của nó lớn nhất. Bộ tâm kinh này chính là tinh yếu của 300 quyển, là cương lĩnh của 300 quyển, là tinh hoa của 300 quyển. Cho nên, đây là trung tâm của Kinh Đại Bát Nhã, cũng như tạng tâm của con người, tạng tâm trong toàn bộ cơ thể. Vị trí của nó vô cùng quan trọng. Nếu như tạng tâm ngừng hoạt động, thì con người này sẽ nói lời từ biệt. Chữ kinh sau cùng này là thông đề, bảy chữ phía trước là biệt đề. Tất cả kinh Phật nói đều gọi đó là kinh, tiếng Phạn gọi là Tu Đa La. Giải thích đơn giản dưới đây cũng chính là nghĩa mà các đại đức chú giải kinh, các đại đức giảng kinh từ xưa đến nay thường dùng nhất là: “Quán nhiếp thường pháp”. Quán là thấu suốt nghĩa lý đã nói, nhiếp là thu hút chúng sanh được giáo hóa.
Một chữ Quán này, văn tự hay ở trong thế gian có thể nói đều có thể làm được. Như người Trung Quốc chúng ta thường đọc cổ văn quán chỉ, đây là trước tác của cổ nhân, tinh tuyển 300 thiên, biên tập thành tập sách này. Văn chương được tinh tuyển trong đây, đối với chữ Quán này quả thật đều có thể làm được cả. Nhưng nhiếp thì tương đối khó hơn, ý của chữ Nhiếp này là khiến độc giả đọc trăm lần không chán, muốn thôi cũng không được, giống như nam châm hít sắt vậy. Nó có sức mạnh này. Bài văn hay của thế gian quả thật có sự tồn tại sức thu hút, nhưng rốt cuộc nó cũng có hạn. Có những trước tác văn học hay, chúng ta đã xem một lần còn muốn xem thêm lần nữa, xem lần thứ hai còn muốn xem tiếp, nhưng nếu như chúng ta sau khi tiếp tục đọc 10 lần, 20 lần, 30 lần thì không còn muốn xem nữa. Đây chính là nói sức thu hút của nó có hạn. Không giống như kinh điển của Phật, bất kỳ bộ kinh điển nào của Phật cũng đều có đầy đủ năng lực này, từ khi bạn mới phát tâm cho đến lúc thành Phật đọc đều không thấy chán. Về mặt này, phàm là đồng tu nào có thâm nhập kinh tạng tôi tin rằng đều có thể thể hội.
Thường là xưa nay không đổi, chúng ta gọi là chân lý thường tồn. Pháp là xa gần đều tuân theo. Xa tức là thời xưa, trước đây 3000 năm, thời đại của Phật Thích Ca Mâu Ni; Kim là hiện nay. Nói cách khác, sự tồn tại của nó quả thực là siêu việt không gian và thời gian, đây tức là chân lý mà người hiện nay thường nói, Phật pháp gọi nó là kinh. Những điều mà trong kinh này nói chính là trí tuệ cứu cánh viên mãn. Đề kinh chỉ giới thiệu đơn giản đến đây thôi.
Tiếp theo chúng ta xem qua người phiên dịch. Bản kinh là do đại sư Huyền Trang đời Đường phiên dịch. Đại sư Huyền Trang cũng được giới thiệu sơ qua và xếp ở phần ngoài này tương đối rõ ràng. Chúng tôi giới thiệu đơn giản phần biểu giải này một chút. Đại sư Huyền Trang họ Trần tên Húy, là người Yển Sư Hà Nam, địa phương này ở gần Lạc Dương, cũng có người nói Ngài là người Trần Lưu Hà Nam. Trần Lưu chính là Khai Phong hiện nay. Pháp sư sinh vào năm thứ hai Nhân Thọ thời Tùy Văn Đế, là năm 602 sau Công Nguyên. Còn có một cách nói khác, là Ngài sinh vào năm thứ 16 Khai Hoàng, tức là năm 596 sau Công Nguyên. Rốt cuộc cách nói nào là chích xác? Chúng ta có thể khảo chứng ở trong truyện ký. Vì đại sư Huyền Trang hưởng thọ 65 tuổi, Ngài viên tịch vào ngày mồng 5 tháng 2 năm Lân Đức triều Đường, tức là năm 664 sau Công Nguyên. Lời ghi chép này là vô cùng chính xác. Ngài 13 tuổi xuất gia, địa điểm xuất gia là tại chùa Tịnh Độ Lạc Dương. Từ đó cho thấy, không thể nói pháp sư không có duyên với Tịnh Độ, Ngài xuất gia tại chùa Tịnh Độ. Năm thứ ba Trinh Quan, đây là thời của Đường Thái Tông, Ngài đến Ấn Độ để cầu học, đi qua 128 nước. Vào thời đó Tây Vực chưa thống nhất với Ấn Độ, nên nơi đây đều là những bộ lạc nhỏ, quốc gia nhỏ, đại sư Huyền Trang đi qua nhiều nơi như vậy. Năm thứ ba Trinh Quán là năm 639 sau Công Nguyên, Ngài lưu học tại chùa Na Lan Đa thuộc nước Ma Kiệt Đà của trung Ấn Độ. Hiện nay có rất nhiều người đến Ấn Độ hành hương, thấy dấu tích xưa này vẫn còn tồn tại. Pháp sư năm đó cầu học tại chùa Na Lan Đa, học với luận sư Giới Hiền và cư sĩ Thắng Quân. Thầy của Ngài có hai vị, luận sư Giới Hiền là người xuất gia, cư sĩ Thắng Quân là người tại gia. Ở Ấn Độ thầy của Đại sư Huyền Trang là một người là tăng và một người là tục. Năm Trinh Quán thứ 19 thì Ngài về nước. Vậy là Ngài đi năm thứ ba Trinh Quán, năm thứ 19 trở về, vừa đi vừa về tổng cộng là 17 năm. Năm 645 sau Công Nguyên, Ngài trở về nước, phiên dịch kinh điển 19 năm, đây là sự cống hiến lớn nhất đối với Phật giáo Trung Quốc. Trong số những pháp sư dịch kinh nhiều đời, Ngài cũng là người được xếp tên hàng đầu, số lượng phiên dịch nhiều, chưa có người nào vượt qua Ngài. Tổng cộng Ngài dịch ra 73 bộ, 1330 quyển. Và bộ kinh này, bộ tâm kinh này, Ngài đã dịch vào ngày 24 tháng 5 năm thứ 22 Trinh Quán tại viện dịch kinh Cung Thúy Vi, núi Chung Nam. Điều này được ghi chép rất rõ ràng, những kinh luận mà đại sư đã dịch này gồm 1330 quyển này đều có trong đại tạng kinh.
Trước đây cư sĩ Dương Nhân Sơn, đã sáng lập ra nơi khắc Kinh Kim Lăng tại Nam Kinh, vô cùng ngưỡng mộ đối với sự nghiệp dịch kinh của đại sư Huyền Trang, vì thế bèn đem toàn bộ những kinh luận mà pháp sư Huyền Trang đã dịch in ấn lưu hành. Bản khắc Kinh Kim Lăng cũng đã tặng cho tôi một bộ, tôi lưu giữ nó tại lầu 501 hội Phật giáo Dalas, đây là bản khắc gỗ, quí vị đều có thể nhìn thấy. Pháp sư hưởng thọ 65 tuổi, viên tịch vào ngày mồng 5 tháng 2 năm Lân Đức, đây là lời giới thiệu sơ lược.
Dưới đây chúng ta hãy xem phần kinh văn. Kinh văn đoạn thứ nhất có một đại cương: “Thị là chỉ thị, Bồ Tát pháp không chấp nhân ngã”. Kinh văn: “Quán tự tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”. Đoạn này là tổng cương lĩnh của toàn bộ bài kinh.
Trước tiên nói Quán Tự Tại Bồ Tát. Quán tự tại là người nói kinh, cũng chính là Bồ Tát Quán Thế Âm mà chúng ta thường nói, đây là một người. Ở trong Trung văn , hai cách dịch này biểu thị hàm ý của nó không giống nhau. Dịch là tự tại, tức là đại biểu cho trí tuệ, Bồ Tát có trí tuệ cứu cánh viên mãn giống như Phật, tự tại trong mọi pháp. Phiên dịch thành Quán Thế Âm là biểu thị Bồ Tát đại từ đại bi tầm thinh cứu khổ. Từ đó cho thấy, hai danh từ này là đại biểu cho Bồ Tát tự độ độ tha, Bồ Tát tự mình tu hành là tự tại, Bồ Tát giáo hóa chúng sanh là từ bi. Cho nên Bồ Tát Quán Thế Âm là biểu thị cho Bồ Tát đại từ đại bi cứu độ tất cả chúng sanh, biểu thị cái ý này.
“Hành thâm bát nhã ba la mật đa thời”, dưới đây có một biểu giải: “Hành là tu hành, là trải qua luyện tâm trong môi trường vật chất, môi trường con người, trong cảnh thuận hay cảnh nghịch”. Luyện gì vậy? Bình thường tâm phàm phu là không thanh tịnh, là không bình đẳng. Phật Bồ Tát là người giác ngộ chân chánh, cho nên trong tất cả cảnh giới thuận hay nghịch là để tu tâm thanh tịnh, tu tâm bình đẳng, đây gọi là tu hành. Cho nên ý của câu này chính là Bồ Tát y theo trí tuệ cứu cánh viên mãn, hành thật sâu cảnh giới bát nhã ba la mật đa.
Về chữ “Thâm”, thâm là so với thiển, ở trong kinh giáo thì sao? Có hai loại thiển và thâm. Bát nhã thấy ngã không, đây là phá trừ chấp ngã, nhưng chỉ thấy được không mà không thấy không phải không. Cái này đồng tu tam thừa gọi là cộng bát nhã, cái này là thuộc về thiển. Tam thừa là chỉ cho A La Hán, Bích Chi Phật và quyền giáo Bồ Tát, cũng chính là đại thừa thỉ giáo mà Ngài Hiền Thủ đã nói. Loại thứ hai là thâm ba la mật. Bát Nhã thấy pháp không, không những thấy ta người đều không, mà pháp và ta cũng không. Tiến thêm một bước là phá được chấp pháp, không những thấy không mà còn thấy không phải không. Cái này không giống với chỗ thấy, chỗ ngộ của người tam thừa phía trước. Đây gọi là bất cộng bát nhã, cũng chính là chỗ chứng của Bồ Tát Sơ Trụ trở lên mà Viên Giáo đã nói, Giáo hạ gọi là Bồ Tát Thực Giáo, bao gồm Tông giáo, Đốn giáo và Viên giáo của đại thừa. Chỗ chứng của những Bồ Tát này có thể nói là thâm bát nhã ba la mật đa.
Chữ “chiếu kiến” này là công phu, đây là ứng dụng của trí tuệ, là mấu chốt của việc tu hành. Trong biểu giải nói là “vi tam trí dụng”. Tam trí này chính là như dưới đây đã nói: “Nhất thiết trí, đạo chủng trí, nhất thiết chủng trí”. Nhất thiết chủng trí là ứng dụng của trí tuệ, cũng chính là nói, chúng ta trong đời sống thường ngày sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, kiến giải của chúng ta, cách nhìn của chúng ta là thuộc về trí tuệ. Người quán không thật sâu có thể đoạn trừ kiến tư phiền não. Phần sau bản kinh có thuyết minh: “hiển nhất thiết trí thấy được chân đế”. Chân đế chính là bản thể mà trong triết học của chúng ta hiện nay đã nói, tức là thấy được thể tánh rồi. Loại thứ hai là “quán giả thật sâu thì có thể đoạn được trần sa hoặc, hiển đạo chủng trí thấy được tục đế”. Tục đế chính là hiện tượng, là đã hoàn toàn biết rõ, thông suốt về hiện tượng của pháp giới tự nhiên, loại trí tuệ này gọi là đạo chủng trí. Loại thứ ba là “quán trung đạo thật sâu có thể phá vô minh hiển nhất thiết chủng trí”. Nhất thiết là nhất thiết trí mà phía trước đã nói. Chủng trí cũng là đạo chủng trí mà phía trước đã nói. Nhất thiết trí và đạo chủng trí là một không phải hai. Từ đó cho thấy, hai loại quán chiếu phía trước đều thiên lệch về một bên, chưa đạt đến viên dung, viên mãn. Lúc này công phu quán chiếu sâu rồi, biết tất cả tánh tướng, lý sự là một chứ không phải hai, thế là chân tướng vũ trụ nhân sinh đã hoàn toàn hiểu rõ rồi, không còn mảy may nghi hoặc nữa, đây chính là trí tuệ cứu cánh viên mãn, vậy là nhìn thấy trung đế rồi.
Trung đế chính là chân tướng sự thật cứu cánh viên mãn. Nhìn thấy từ chỗ nào vậy? Là nhìn thấy từ ngũ uẩn. Ngũ uẩn chính là vạn hữu. Phật đem tất cả vũ trụ nhân sinh quy nạp thành năm loại lớn này, và gọi nó là ngũ uẩn. Ngũ uẩn lại có thể chia làm hai phần sắc và tâm. Sắc pháp chính là vật chất mà ngày nay chúng ta nói, như cơ thể của chúng ta là vật chất. Tất cả mọi vật chất đều dùng cái sắc này để đại biểu. Phàm những gì thuộc về phương diện tinh thần, tâm lý thì đều dùng tâm để làm đại biểu. Cho nên ở trong cái tâm này lại chia làm bốn loại là thọ, tưởng, hành, thức. Thọ là năm thức trước, Tưởng là ý thức, Hành là thức thứ bảy, Thức chính là thức thứ tám, tức là A Lại Da Thức. Điều này người nào hơi có chút nghiên cứu về duy thức thì rất dễ dàng hiểu được.
Trước tiên chúng ta hãy bàn về sắc pháp, về vật chất này. Vật chất sao nói nó là không vậy? Ngũ uẩn giai không. Vì sắc pháp là do nhiều nhân tố nhỏ tụ tập, cái tụ này cũng chính là pháp do nhân duyên sanh mà chúng ta đã nói. Duyên hội tụ thì nó liền hiện hành, liền hiện ra tướng trạng. Duyên tan thì cái tướng trạng này liền không còn nữa. Từ đó cho thấy, tướng không phải là thật. Cho nên trong Kinh Kim Cang nói rất hay, “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Lại nói: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”. Điều này đã thuyết minh chân tướng của ngũ uẩn, cũng là thuyết minh chân tướng của toàn bộ vũ trụ nhân sinh. Sắc pháp, trong nhà Phật thường nói: “Tứ đại giai không”, sắc là tứ đại. Tứ đại nói thế nào vậy? Trong Phật pháp nói nhiều nhân tố nhỏ, đây là tỉ dụ. Trong phần biểu giải dưới đây quí vị xem qua sẽ hiểu thôi. Phật thường dùng những tỉ dụ để chúng ta thể hội được vật chất cơ bản. Chúng ta hiện nay công cụ khoa học phát triển, có thể dùng kính hiển vi phóng to gấp nhiều lần, quan sát hiện tượng vật chất, điều này đã tiến bộ hơn rất nhiều so với trước đây. Hiện nay chúng ta có thể nhìn thấy được nguyên tử, điện tử, nhìn thấy được hạt cơ bản. Nhiều nhân tố nhỏ mà trong kinh Phật nói, chính là chỉ những thứ này. Cho nên trong Kinh Kim Cang nói, tất cả mọi vật chất đều là tướng nhất hợp. Nhất chính là cùng một vật chất cơ bản, hợp là tổ hợp, ý của chữ tụ ở đây là tổ hợp. Chúng ta hiểu được cách thức sắp xếp của những nguyên tử này khác nhau, thì biến thành phân tử. Có phân tử thì tổ hợp thành mọi vật chất, đây là chúng ta nhìn thấy được từ trong khoa học. Năm xưa Phật không có những công cụ khoa học này, nhưng sự quan sát của Ngài về những vật chất này, có thể nói còn chính xác và tinh vi hơn nhiều so với chúng ta hiện nay dùng công cụ quan sát. Điều này khiến chúng ta không thể không bái phục về ngũ nhãn viên minh của Phật.
Phật nói cho chúng ta biết, vật chất cơ bản này nó có bốn loại đặc tính, đây gọi là tứ đại. Tứ đại dùng đất, nước, lửa, và gió để biểu thị. Địa là đại biểu, nó là một vật thể, tuy nhiên vật thể này rất nhỏ, nhỏ đến mức mắt thường của chúng ta không thể nhìn thấy. Chúng ta phải dùng kính phóng đại, phóng lớn nó lên mấy ngàn lần, mấy vạn lần thì mới nhìn thấy. Cho nên qủa thực nó là một vật thể, nó tồn tại, chúng ta dùng địa để biểu thị. Ngoài ra, nó có hỏa đại. Hỏa là đại biểu cho sức nóng. Thủy là đại biểu cho độ ẩm. Hiện nay trong khoa học không nói như vậy. Trong khoa học nói nó có mang điện, mang điện dương, mang điện âm. Mang điện dương chính là hỏa đại, mang điện âm chính là thủy đại. Ngoài ra, nó còn có một đặc tính nữa là nó không ổn định, nó luôn động, cho nên dùng phong đại để đại biểu. Cho nên đất, nước, lửa, gió là đại biểu cho bốn loại đặc tính của vật chất cơ bản này, đây là tứ đại giai không mà ở trong nhà Phật chúng ta thường nói. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ, tứ đại mà Ngài đã nói rốt cuộc là gì? Thôi, hôm nay thời gian đã hết rồi, chúng ta chỉ nói đến đây. A Di Đà Phật!
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Viên Đạt cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu HiềnNguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc