Hoa Vô Ưu - Hoa Sala

Thứ năm - 20/06/2013 10:21 - Đã xem: 8381

Hoa Vô Ưu - Hoa Sala

Hình tượng này làm ta liên hệ đến con rắn hổ mang chín đầu bảo vệ Đức Phật trong lúc ngài ngồi nhập định 49 ngày dưới cội cây bồ đề.


Hoa Sala hay Tha la, còn gọi là hoa đầu lân mang ý nghĩa thiêng liêng đối với Phật Giáo Nguyên Thủy và Nam Tông, gắn bó với những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca.

Như cây Bồ Đề trong Phật Giáo Đại Thừa, Sala thường trồng trong các sân chùa Nam Tông ở Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào và một số chùa Khmer Nam Bộ. Tín đồ Hindu Giáo Ấn Độ cũng xem cây sala thiêng liêng và thường trồng nơi đền thờ thần Shiva.
Do kết cấu cả chùm hoa trông giống rắn thần (naga), mỗi bông là đầu và miệng phùng mang che phần nhụy trung tâm có hình một lingam của thần Shiva và nhiều shivalingam nhỏ bao quanh, nên được gọi là Nagalingam hay “hoa Shivalingam”.



Hoa sala có mùi rất thơm, hương tỏa xa thanh thoát, được xem là loài hoa vô ưu hay ưu đàm. Sala nở rộ tượng trưng cho Phật Pháp (Dharma), và Đức Phật cuối cùng đã chọn giữa bóng hai cây này (song thọ) để nằm nghỉ và đi vào Niết Bàn


Trong phù điêu nghệ thuật Phật Giáo thường mô tả thân mẫu Đức Phật là Hoàng Hậu Maya sinh nở trong vườn Lumbini, khi bà đưa cánh tay phải lên vịn cành hái một đóa hoa sala và đã hạ sinh Thái Tử Siddhartha. Hoa sala mọc từng chùm trực tiếp từ thân cây chứ không mọc từ cành hay ngọn như những loài hoa khác, khiến ta có thể lý giải về biểu tượng Đức Phật được sinh ra từ cạnh sườn của Hoàng Hậu Maya.
Hình tượng nữ Yashi (Dạ xoa) thân thể với vẻ đẹp lý tưởng đầy gợi cảm, nàng đang đứng dưới bóng cây sala với bàn tay phải với lấy cành cây, thường thấy mô tả trong nghệ thuật điêu khắc cổ.

Thuật ngữ salabhanjika nguyên thủy gắn bó với lễ hội phồn thực “hái hoa sala”, điêu khắc thể hiện những hình tượng đồng nhất người nữ với cây, nhất là cây hoa sala. Ở Ấn Độ, ngày nay cây sala vẫn được thờ cúng, đặc biệt với những cặp hiếm muộn.

Sala có thể mọc cao lên đến 15m, tên khoa học là Couropita Guianensis, thuộc họ dầu (Dipterocarpaceae) . Hoa chỉ mọc từ thân chính, có màu cam lẫn đỏ thắm và hồng, và mọc thành chùm trên cọng dài có khi tới 3m.


Quả to tròn màu xám (hình thù như trái đạn thần công nên tên tiếng Anh còn gọi là Canon-ball tree) có mùi hắc khó ngửi, muốn trồng thành cây phải đợi hạt bên trong thối đi mới nảy mầm, rồi bổ quả thối ra để lấy hạt trồng. Quá trình này diễn ra đúng theo quan niệm phồn thực về sinh, diệt và tái tạo trong Ấn Giáo.

Trong văn chương, bài thơ Đây Tha La Xóm Đạo của Vũ Anh Khanh, mô tả một xóm đạo thuộc vùng nổi tiếng về “cây ngọt trái lành” ở Tây Ninh, cho thấy có sự giao thoa giữa các đạo Hindu, Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo ở một vùng đất vốn thuộc văn hóa Khmer.

Thuật ngữ “sala song thụ” trong tiếng Phạn nghĩa là sự kiên cố. Khi Phật nhập diệt, hai cây “sala song thụ” cũng như người, chúng đau buồn và lá đều biến thành màu trắng như một rừng chim hạc.


Kinh Đại Bát Niết Bàn kể rằng trên đoạn đường cuối cùng trong chuyến vân du về Câu Thi Na (Kushinagara) cùng với A Nan Đa, vị thị giả của mình, Đức Phật bảo: “Này A Nan Đa, ta cảm thấy mệt mỏi quá và muốn nằm nghĩ, hãy trải tấm tọa cụ ra giữa hai cây sala, đầu hướng về phương Bắc”.

Và khi Ngài nằm xuống thì hai cây sala bỗng nở hoa mặc dù lúc đó không phải là mùa ra hoa. Rồi những đóa hoa tươi thắm làm thành một cơn mưa hoa ngọt ngào, dịu mát như để tiễn đưa đấng Đạo Sư về với cảnh giới chân như muôn thuở.



Vô Ưu!
Loài hoa che chở nhân tâm
Đón chào Đức Phật Mẹ cầm nhánh hoa
Oai nghiêm voi trắng sáu ngà
Giấc mơ tạ thế trãi hoa sen vàng


 
Vô thường bước xuống nhân gian
Ưu đàm hoa trổ hiện thân ái tình
Sứ điệp của vạn niềm tin
Tôn vinh nhan sắc huyền linh nữ thần

 


Đóa Vô Ưu trổ nhọc nhằn
Chờ tay thiếu nữ họa hoằng khai hoa
Cảm linh thanh khiết an hòa
Thiện nhân dưới cội  Sala ... nguyện cầu!

 
(Cầu nguyện cho những Người ... tôi quen biết hay tình cờ đâu đó ... lướt qua nhau
Dù cho tâm hồn có trãi qua ... những gì ...
Cũng cầu mong sớm được thanh thoát ... Vô Ưu)
Klanvy - Kính nguyện
(Mùa Vu Lan 2009)

 

 
Cây Sala thường được dịch là cây Vô Ưu

Sala có nhiều tên gọi: Sala, Sal, Shorea Robusta

Là một lòai cây có  nguồn gốc từ Ấn Độ, miền Nam dãy núi Hymalay. Sau này được trồng nhiều nơi ở Nam Á và  Đông Nam Á, cây cung cấp gỗ cứng.
 
 


Cội Vô Ưu

 


Trong kinh điển Phật Giáo: Đức Phật đản sinh ở gốc cây Sala, trong vườn Lumbini (Lâm Tì Ni) và nhập diệt giữa hai cây Sala tại Kusinara (Câu Thi Na).
Vì thế ngày nay, ngoài cây bồ đề (Bodhi tree, Bo tree, Ficua Religiosa).

Cây Sala đuợc chọn trồng ở các khuôn viên Chùa. Trong giới chơi cây cảnh Việt Nam cây này còn có tên gọi là cây Ngọc Kỳ Lân, Đầu Lân hay Hàm Rồng.
 
 


 
Thân Vô Ưu

A.  Từ nguyên:  
Hoa Ashoka (Vô Ưu) là một trong những cây linh thiêng tại Ấn độ. Ashoka, theo Phạn ngữ, có nghĩa là không gây ra ưu phiền.
 


Đóa Vô Ưu

 B.  Truyền thuyết:
Sách thần thoại Ấn giáo Ramayana ghi lại: 'trong thời gian bị lưu đày tại Lanka, Seeta đã bị Ravana lưu giữ tại AsokaVana, môt vườn cây Asoka. Vẻ đẹp của cây thường được liên kết với những phụ nữ trẻ, xinh đẹp và người Ấn tin rằng, cây sẽ trổ hoa khi được phụ nữ chạm đến. Trong ngày Lễ hội Dohada, các phụ nữ trang điểm rực rỡ được mời đến đá nhẹ hay chạm vào cây bằng chân trái để giúp cây mau trổ hoa. Hội Xuân Asoka-pushpa Prachaayika là dịp các thiếu nữ hái hoa Asoka để cài trên mái tóc.

 
Nhánh Vô Ưu

 C. Tư tưởng:
Tín đồ Ấn Độ giáo rất quý trọng cây Vô Ưu, họ tin rằng cây là biểu tượng cho Tình Yêu, và là cây dâng tặng riêng cho Nữ Thần Tình Ái Kama Deva: Trong ngày Lễ hội Ashok Shasthi, phụ nữ Bengali thường ăn nụ hoa, và phụ nữ Hindi uống nước có ngâm hoa Vô Ưu với niềm tin rằng nhờ nước này họ sẽ bảo vệ được con cái. Người Ấn Độ còn gọi cây là Anganapriya, có nghĩa là, 'thân thiết với phụ nữ', cây hoa được xem là nhạy cảm với sắc đẹp. Hoa sẽ mau nở khi được phụ nữ đụng đến?


Cành Vô Ưu

 D. Ý nghĩa lịch sử!
Hoa Vô Ưu cũng giữ một vai trò khá quan trọng trong truyền thuyết về ngày sinh của Đức Phật: 'Theo tục truyền, Hoàng hậu Mahamaya, khi đang mang thai, năm 563 trước Tây Lịch, đã rời Kapilavatthu để về quê sinh nở. Trong lúc ghé vườn Lubini (Lâm Tỳ Ni), bà đã hạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa, tay vịn vào một cành Vô Ưu'. Ngày Phật Đảng thường được tín đồ Phật giáo diễn trình bằng hình ảnh: Đức Phật từ cung trời Đâu Suất cưỡi con voi trắng sáu ngà hiện xuống, phù hợp với giấc mộng của Hoàng Hậu Mada, sau đó Đức Phật vào đời nhân lúc thân mẫu giơ tay vịn cành Vô Ưu trong vườn Lâm Tỳ Ni. Ngài liền cất bẩy bước đi, bay trên bẩy đóa sen.
Một số nhà Phật học đã cho rằng Vô Ưu và Ưu Đàm, nếu xét về biểu tượng và ẩn dụ, chỉ là 2 tên gọi của một cây, nhưng thật ra về mặt thực vật thì đây là hai cây khác nhau. Kinh Vô Lượng Thọ, tập Thượng, cũng không phân biệt giữa Vô Ưu và Ưu Đàm khi ghi : ' Hoa Vô Ưu; 'Vô lượng ức kiếp khó gặp, khó thấy, giống như hoa linh thoại, đúng thời mới xuất hiện'.

E. Tên khoa học và các tên khác:
-  Saraca asoca (hay Jonesia Ashok) thuộc họ thực vật asalpinioidae
-  Tên Anh-Mỹ: Ashoka tree (Sorrowless tree), Sita-Ashok
-  Tên Ấn Độ: Asok, Asoka, Vanjulam.
                                  
F.  Đặc tính thực vật:
Giống Saraca, nổi tiếng do cho những chùm hoa rực rỡ gồm 11 loài cây thuộc vùng Đông-Nam Á. Cây có lẽ có nguồn gốc tại Ấn Độ, Miến Điện và Mã Lai. Nhóm Saraca được trồng để làm cây cảnh và để lấy hoa trưng bầy nơi các bàn thờ thần linh tại Á Châu. Tại Ấn Độ, cây mọc tự nhiên ở vùng Trung và Đông Himalaya, nơi cao độ lên đến 750m; tại các thung lũng Khasi, Garo va Lushai.

Tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn có các mẫu cây Saraca indica, gọi là Vàng Anh lá nhỏ và Saraca chinensis = S. dives, gọi là Vàng Anh lá lớn.

Cây Vô Ưu thuộc loại tiểu mộc mọc tương đối chậm, cao 5-20 m, Thân không gai và nhẵn, màu nâu - xám. Cành phân nhánh nhiều tạo thành tán, gần như tròn. Lá kép hình lông chim chẵn, với 4-6 cặp lá chét. Lá có dạng gần như ngọn giáo thuôn, tù hay nhọn ở đầu, tròn ở gốc, dài 15-20 cm, rộng 5-7 cm, màu lục xậm, mặt trên bóng, mặt dưới nhạt hơn. Lá non màu hơi tím, xếp lại và buông thõng xuống. Hoa màu đỏ cam, vàng-cam, sau đó chuyển thành đỏ đậm, mọc thành ngù đặc ở nách lá. Quả thuộc loại quả đậu, màu đen, dài 9-25 cm, rộng chừng 4cm, trong chứa 4 đến 8 hạt, hình cầu, chừng 35 mm.

Cây trổ hoa quanh năm, nhưng trong các tháng 2 đến 5, hoa có màu sắc rực rỡ nhất. Hoa có mùi thơm dịu, mùi thơm rất mạnh vào buổi chiều tối.

G. Thành phần hóa học:
- Vỏ thân chứa: Tannin (6%), Catechol, Tinh dầu, Heamatoxylin, Ketosterol, Các hợp chất loại glycoside, saponin, hợp chất phức tạp chứa Calcium (C6 H10O5Ca), chứa sắt. Các glycosides loại lignan : Lyoniside, Nudiposide, 5-methoxy-9- beta-xylopyranos yl (-)isolariciresinol , Icariside E3, Schizandriside. Các flavonoids có hoạt tính chống oxy-hóa như (-)epicatechin, epiafzelechin-> (4beta->8)-epicatechin, procyanidin B2 (Journal of Natural Medicine Số 61-2007)

- Hạt chứa: Lectin Saracin

H. Các nghiên cứu khoa học về Vô Ưu:
Dịch chiết bằng nước từ vỏ thân được ghi nhận là có chứa 2 hoạt chất: một có hoạt tính kích thích và một có hoạt tính làm thư giãn bắp thịt nơi ruột non của chuột-bọ thử nghiệm. Hoạt chất cho thấy có thể kích thích bắp thịt tử cung, gây sự co thắt nhiều lần hơn và cơn co thắt kéo dài hơn.

Hoạt chất loại glycoside, tinh khiết hóa, kết tinh cũng gây co bóp tử cung, có thể dùng trong các trường hợp xuất huyết tử cung (khi cần đến các alkaloid của nấm ergot). Ngoài ra hoạt chất này cũng hữu dụng trong các trường hợp xuất huyết nội mạc buồng trứng, rong kinh khi bị u tử cung, trĩ và kiết lỵ.

Trong vỏ cây, còn có một hợp chất phức tạp, gọi là Phenolic glyco side P2 có hoạt tính rất mạnh trên bắp thịt tử cung.

Dịch chiết bằng alcohol từ vỏ có hoạt tính kháng sinh trên nhiều vi khuẩn. Nước trích từ hoa tuy cũng có tác dụng kháng khuẩn nhưng yếu hơn và giới hạn hơn (Canadian Journal of Microbiology Số 53-2007)

Nước chiết từ vỏ cũng giúp gia tăng thời gian sinh tồn cho chuột bị gây carcinoma loại Ehrlich, và làm giảm khối lượng của bướu ung thư loại Sarcoma tumour line S-180.(Indian Journal of Pharmaceutical Sciences Số 54-1992)

Lectin: Saracin ly trích từ hạt quả Vô Ưu có hoạt tính kết dình chuyên biệt với N-acetyl-neuraminyl -N-acetyllactosa mine. Saracin có hoạt tính tạo sự phân cắt nhân tế bào lympho nơi người. Saracin kích khởi sự bài tiết IL-2 của tế bào máu đơn nhân (người). Saracin có ái lực với các tế bào T loại CD8(+) hơn là với CD4 (+) và được cho là có những hoạt tính điều hòa hoạt động của hệ Miễn Nhiễm
(Archives of Biochemistry and Biophysics Số 371-1999)

J. Vô Ưu trong Y-Dược Ayurvedic:
Trong Y-Dược Ayurvedic (Ấn Độ-Pakistan), Vô Ưu được xem là một vị thuốc của phụ nữ, vị thuốc giúp phụ nữ giữ được ' nữ tính'. Cây Asoka được cho là cây bảo vệ sự trong sạch cho phụ nữ.

Cây được dùng rất phổ biến tại Ấn Độ để trị các bệnh phụ khoa, đặc biệt là về tử cung. Cây được xem là có chứa các phytoestrogens, giúp cải thiện việc cơ thể phụ nữ sử dụng các kích thích tố:

-  Để trị đau bụng, khó chịu : Đun vỏ cây Vô Ưu với sữa bò, thêm một chút đường, lọc qua vải thưa. Uống mỗi ngày với mật ong trong 21 ngày.

- Trị vết thương, đứt tay chân : Nghiền vỏ Asoca thành bột, trộn thành khối nhão. Hơ nóng khối nhão rồi đắp vào vết thương trong 2 ngày.

- Trị rối loạn kinh nguyệt, rong kinh : Nghiền chung vỏ Asoca, tiêu đen, trộn với nước vo gạo, uống với mật ong khi bụng đói, chỉ uống khi bắt đầu có kinh.

Tài liệu sử dụng:
Từ Điển Cây Thuốc Việt Nam (Võ văn Chi)
The A-Z of Garden Plants (Bay Books)
Medicinal Plants of India (S.K Jain & Rob. DeFilipps)
Scientific Basis for Ayurvedic Therapies (Lakshmi Mishra)
(Theo:Tài liệu nghiên cứu của Dược Sĩ Trần Việt Hưng)

 
Hoa Vô Ưu (Sala)
Loại thứ nhất

 


Hoa Vô Ưu (Sorrowless Flower)
Loại thứ hai  

 Hoa Vô Ưu: tên gọi Ưu đàm Bạt La Hoa

(Gọi tắt là : Hoa Ưu Đàm )

Phạn tự : UDUMBARA

- Tên Khoa Học : Ficus Glomerata


 - Môi truờng sống :  dưới chân núi Hymalaya..., va cao nguyên Decan, và đảo Srilanca.

-   Thân cao 3 mét: Lá có 2 lọai :

- Có hoa đực, hoa cái khác nhau

- Lọai có đài hoa lớn thì như nắm tay?


- Lọai nhỏ bằng ngón tay cái, kết thành chùm hơn 10 hoa

- Mọc trên thân cây. Hoa ăn được nhưng vị không ngon


Trong văn hóa Ấn Độ thường cho rằng cây vô ưu là điềm lành.Theo truyền thuyết Thái Tử Tất Đạt Ta sanh ra dưới cây Adu-ca trong vườn Lâm Tì Ni. Vì mẹ con được an ổn nên cây này được gọi là cây Vô Ưu.

Kinh Vô Lượng Thọ, thượng (Đại 12, 266 hạ) ghi : "Vô lượng ức kiếp khó gặp, khó thấy, giống như hoa linh thọai, đúng thời mới xuất hiện.

Lọai Hoa này do điềm lành linh dị chiêu cảm là lọai thiên hoa, thế gian không có. Nếu nhu Nhu Lai hạ sanh thì nhờ năng lực đại phước đức của Ngài mà chiêu cảm lọai hoa này xuất hiện.

Vì lọai hoa này ít có, khó gặp nên trong Kinh Phật Giáo có rất nhiều chổ dùng hoa này ví dụ việc khó gặp Phật ra đời.

(Theo Joinesia Asoka Roxk)
 
 


CHÙM HOA VÔ ƯU

 
Em không phải là Phật tử, nhưng em cùng bạn bè vừa trở về từ chuyến "du lịch Thiền" tổ chức trong bốn ngày tại Thiền viện Bát Nhã ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) nhân dịp lễ Phật Đản LHQ.
Ở đó, người ta hướng dẫn về Phật pháp, và những tu tập khác nhằm giúp em thích ứng với đời sống hiện đại, nuôi dưỡng thân tâm, giúp em hóa giải cơn giận, sự buồn đau, sự cô đơn và trống trải, kết nối lại những sợi dây tình thân trong gia đình và với bạn bè.... Khi về lại Sài Gòn, em thấy lòng thật vui vẻ và thanh bình
Tôi biết điều đó khi nhìn gương mặt em. Rạng rỡ như một chùm hoa vô ưu vậy.
Tôi thích cái tên ấy. Hoa Vô Ưu.
Có người vẫn tin rằng hoa vô ưu chỉ là một loài hoa trong tâm tưởng và không có thật. Cũng như sự "vô ưu" (không buồn phiền) tuyệt đối là không thể có. Còn em, em có tin rằng trên thế gian này có một loài hoa tên là "vô ưu" không?
 
Thái tử Tất Đạt Đa được sinh ra dưới vòm cây Vô ưu đang trổ hoa chính là Đức Phật sau này. Vì thế mà loài hoa này gắn với ngày Phật Đản. Tên tiếng Phạn của nó là Asoca, tiếng Hán dịch ra là Vô Ưu Thọ (cây vô ưu), lá xanh ngắt, hoa nở từng chùm, màu cam đỏ rực rỡ, tỏa hương thơm ngát.
Thái tử Tất Đạt Đa, ngay sau khi chào đời, đã vùng đứng dậy và bước đi bảy bước, mỗi bước của cậu bé lại có một bông sen nở ra đỡ lấy bàn chân. Đứng trên toà sen thứ bảy, thái tử chỉ một tay lên trời, một tay xuống đất ý nói "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn"
(Trên trời và dưới trời thì ta là cao quý nhất).
 
Câu nói ấy đã khiến nhiều người băn khoăn. Phải chăng đó là sự kiêu căng, chấp ngã ?
Nhưng không, em ạ. Cũng như loài hoa kia, đừng chỉ vì cái tên mà tin rằng nó không có thật. Bởi hoa là do chính con người đặt tên. Đừng vì cái nghĩa đã biết của chữ "ngã" mà hiểu rằng "TA là trên hết". Vì nghĩa của chữ cũng do con người đặt ra.
 
Trong những buổi tịnh tâm ngắn ngủi ở thiền viện, em chỉ làm một điều duy nhất, đó là nhìn thật sâu vào tâm hồn mình, tìm đến cái nguyên sơ của tính thiện, của sự vô ưu, của tình yêu thương thuần khiết. Và rồi cũng với đôi mắt đó, em nhìn bạn bè, người thân, em nhìn thế giới xung quanh. "Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương".
 
Có một câu thiền rất quen này: "Khi tôi chưa học đạo, tôi thấy núi là núi, sông là sông. Khi tôi học đạo, tôi thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Sau khi học đạo xong, tôi lại thấy núi là núi, sông là sông."
Ta có thể đi khắp nhân gian, nghe muôn tiếng, thấy muôn điều. Nhưng ta chỉ có thể thấu hiểu khi nhìn và nghe với trái tim khiêm nhường và trong sáng, không hề mang theo bất cứ thành kiến hay sự cố chấp nào. Khi ta nhìn những người xung quanh dưới cái nhìn thuần khiết nhất, ta mới có thể nhận ra họ như chính bản thân họ, không phân biệt bởi giàu nghèo, đẹp xấu, giỏi dở, sang hèn, không phân biệt màu da, tôn giáo, giai cấp, chính kiến... Khi đó, ta mới có thể "lại thấy núi là núi, sông là sông".
Tôi tin rằng chữ ngã trong câu "duy ngã độc tôn" của Thái Tử Tất Đạt Đa là nói về cái vốn dĩ đã ở trong mỗi con người từ khi mới sinh ra. Cái gọi là "nhân chi sơ, tánh bổn thiện". Cái hồn nhiên, vô ưu, lương thiện, nhân ái, yêu thương. Cái cao quý nhất, đáng nâng niu và gìn giữ nhất. Đó chính là cái "ngã" thật sự, chung nhất của loài người. Đó là Tâm Phật mà ai cũng có. Đó là xuất phát điểm của cõi nhân sinh. Đó chính là chùm hoa vô ưu kỳ diệu của tâm hồn con người.
Nhưng trong đời sống xô bồ này, có khi ta tự chôn vùi nó, có khi ta lãng quên. Và có khi giống như hoa vô ưu, người ta không nghĩ là nó còn tồn tại. Nhưng em đã biết rằng, nếu ta chịu lắng nghe, chịu nhìn lại, chịu tìm kiếm, chắn chắn là ta sẽ tìm thấy nó, phải không em?
Chắc chắn ta sẽ tìm thấy một chùm hoa vô ưu trong tâm hồn mỗi người ta quen biết. Và trong chính bản thân ta

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây