I – Trực chỉ thiền chỉ lợi cho bực thượng thượng căn, còn bực trung và hạ khó đại triệt đại ngộ được. Không bằng pháp môn niệm Phật phổ lợi ba căn: bực thượng căn chứng lý nhất tâm cao siêu thượng phẩm, bực tối hạ căn chuyên niệm cũng được đới nghiệp vãng sanh. Đã được vãng sanh liền dự Thánh chúng, liền thấy Di Đà, liền gần Bồ Tát, lo gì không đại ngộ đại triệt. Vì sự lợi ích hẹp (thiền) và rộng (tịnh) như thế, nên các ngài mới cực lực dạy người khuyên người đồng tu Tịnh độ, để ai ai cũng đều được lợi ích một cách chắc chắn.
II – Minh tâm kiến tánh phải là bực thượng căn đại trí. Dầu đã được ngộ triệt, nhưng vô minh phiền não cùng nghiệp tập từ vô lượng kiếp đến nay, không phải nhất đán mà sạch được. Nếu hoặc nghiệp còn chừng mải tơ, vẫn y nhiên ở vòng sanh tử, một mai cách ấm (bỏ thân này thọ thân khác) khó bảo đảm không mê. Nếu được ngộ triệt mà được vãng sanh thời thẳng đường thành Phật. Vì muốn bảo đảm cho sự giác ngộ, nên các ngài đã ngộ thiền bèn gồm tu tịnh, cầu sanh Cực Lạc.
Không phải riêng gì các vị Thiền Sư trên đây, còn nhiều vị Thiền Sư khác, và nhiều Tổ Sư trong các Tông khác: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Thức v.v… đồng hồi hướng Tịnh độ, đồng dẫn người về Tịnh Độ.
Ôi! Cực Lạc Tịnh Độ khác nào biển cả: nghìn sông muôn lạch đều chảy dồn về, thượng Thánh hạ Phàm một lòng xu hướng.
Chúng ta, những người lập chí, “thượng cầu hạ hóa” những người có nguyện “độ mình độ người” phải nên sớm dùng “tín sâu”, “nguyện thiết”, “chuyên trì Phật hiệu” để được vãng sanh, để dự Thánh chúng, để trụ bất thối, để thành Bồ Đề, để độ chúng sanh, đồng thành Phật đạo.
Trích: Đường Về Cực Lạc
Soạn thuật: Hòa thượng Thượng Trí Hạ Tịnh
Ý kiến bạn đọc