Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Lễ kính chư phật tôn kính đối với chúng sanh không đồng không gian duy thứ

Lễ kính chư phật tôn kính đối với chúng sanh không đồng không gian duy thứ

Chương 10: [Tập 5]: Hóa Giải Sự Chướng Ngại Của Gia Quyến - Phần 2

 

Chúng ta vừa rồi cũng có nêu đến một người làm giáo chức, ông có thể thỉnh Phật A Di Đà, thỉnh Bồ Tát Quan Thế Âm đến để làm một vị đạo sư, do đó các ngành các nghề khác thì cũng có thể như vậy. Ví dụ như bạn làm người chủ quản, bạn rốt cuộc phải huấn luyện một lượng công nhân, cống hiến sức lực cho công việc, thì bạn có thể thỉnh Quan Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi đến đào tạo những người này, hy vọng họ cũng có tâm từ bi để đối đãi với tất cả khách hàng.

Nếu như chúng ta là người chủ gia đình, chúng ta làm thế nào đóng cho tốt vai của mình trong gia đình? Chúng ta biết được có rất nhiều nữ chúng cho rằng từ nhỏ họ đã tiếp nhận giáo dục rất tốt, họ hy vọng tương lai sau này lớn lên có thể đem sở học cống hiến cho xã hội, cho nên vừa sau khi kết hôn, họ ở nhà làm người vợ, làm người mẹ, làm con dâu, trong tâm họ thì có lắm lúc cũng sẽ bất bình lắm, sẽ cho rằng mình sở học một đời, lẽ nào lại đành chôn giữ ở tại nhà của mình sao? Tôi phải đem tuổi thanh xuân cả đời mình như vậy, phải đem sinh mệnh mà cho gia đình đã lo cho mình như vậy phụng hiến cho gia đình thôi sao? Rất nhiều nữ chúng đã có những sự bất bình như vậy.
Ở đây tôi muốn nói một ví dụ thực tế. Tôi có một người bằng hữu, cô ấy vốn là có cách nghĩ như vậy, cô rất không cam tâm bản thân sau khi kết hôn thì ở nhà nuôi dạy con cái, mỗi ngày nấu nướng ba bữa, cô cho rằng cả đời mà như vậy thì không có ý nghĩa gì. Cho đến một ngày nọ, cô đang ở trên xe tắc xi, phía sau ghế ngồi của tài xế tắc xi có để một quyển sách. Quyển sách này là quyển pháp ngữ do Lão Pháp Sư Tịnh Không giảng. Cô tiện tay mở xem, trong đó có một bài đã làm rung động đối với cô. Bài đó nói đến vai trò ở nhà của nhân vật bà chủ trong gia đình giống như từ bi của Quan Thế Âm Bồ Tát không khác, người đó vô tư chăm sóc phụng hiến cho người trong nhà, phát huy lòng yêu thương chăm sóc của người mẹ, nhẫn nhục chịu khó chăm sóc cho chồng, hầu như đã đem cả tuổi thanh xuân, đem cả tinh thần thể lực đều phụng hiến cho mỗi một phần tử trong gia đình, đây không phải là Bồ Tát thì là gì? Lúc đó sau khi cô nghe xong câu nói này, cô đã vô cùng cảm xúc, cô biết rằng suy nghĩ trước đây của mình là sai, vì cô không hiểu được việc cô chăm sóc con cái trong gia đình, nếu như con cái trong nhà tương lai chúng lớn lên, trở thành trụ cột của xã hội đất nước sẽ tạo phúc cho không biết bao nhiêu người. Cho nên sau khi cô bình tĩnh mà suy nghĩ, vốn chỉ là bà chủ nội trợ của một gia đình bình thường, xem thấy một câu nói động viên của Lão Pháp Sư như vậy, từ đó về sau cô đã khích lệ chính mình, học làm người từ bi giống như Quan Thế Âm Bồ Tát, cho nên từ phàm phu một mạch đã chuyển hóa thành Bồ Tát. Với vị bằng hữu này nói, cô từ nay về sau, mỗi ngày đều sẽ vui vẻ lo liệu ba bữa cho gia đình, giúp đỡ cho người chồng làm việc bên ngoài, chiếu cố bài tập của con cái, cô mỗi ngày đều rất là vui vẻ. Có thời gian thì sau khi làm xong việc cần làm, cô ấy sẽ tĩnh lặng lại mà tiếp tục nghe Phật pháp, cho nên cô cũng cảm thấy rằng cuộc sống rất là phong phú. Ở trên con đường học Phật, cô từ một người vốn là có tâm bất bình đã chuyển hóa thành chính mình cũng có thể giống như Bồ Tát. Cô đã vô cùng cảm kích cũng như vô cùng cảm ân, việc có cơ hội được nghe Phật pháp như vậy mới khiến cô có sự thay đổi đến thế.
Chúng tôi cũng đã vừa mới nêu, chúng ta làm sao đối xử tốt với những người  đã gây chướng ngại cho chúng ta, nên làm thế nào để mà đối đãi với họ, giống như là những học sinh mà chúng ta vừa ví dụ, làm sao để dạy? Có thể thỉnh Phật Bồ Tát để làm vị đạo sư. Nếu như gia thân quyến thuộc ngày ngày chướng ngại bạn, thì làm sao để hóa giải?
HÓA GIẢI SỰ CHƯỚNG NGẠI CỦA GIA QUYẾN
Có một người bạn, ông ấy đã làm như thế này. Ông ấy đã đem tên người gây chướng ngại nhất cho ông trong gia tộc viết ra; trên phương diện công việc, nếu như lãnh đạo có ý kiến với ông, ông liền đem tên của lãnh đạo viết ra; trong số những bạn bè đồng nghiệp, có người nào hay bắt bẻ ông, ông cũng đem tên của họ từng tên từng tên mà viết ra. Liệt kê xong thì đem cúng phía sau Phật Bồ Tát, mỗi ngày niệm Phật, mỗi ngày tụng kinh để hồi hướng cho họ. Có người vì ông rất có tâm chân thành, cho nên đã rất nhanh có được sự cảm ứng. Vốn trước kia là người lãnh đạo hay bắt bẻ ông nhất, bởi vì thời gian dài đã tụng kinh hồi hướng cho ông ấy, ông cảm thấy vị lãnh đạo vốn trước kia đối với ông sắc mặt rất khó coi, bây giờ thì đã bắt đầu có chuyển biến tốt, cho nên càng có lòng tin.
Học sinh mà rất khó dạy, thì ông lập ra bài vị lũy kiếp oán thân trái chủ trong thời gian dài cho họ, thường xuyên tụng kinh mà hồi hướng cho họ, cũng đã cảm nhận được những đứa trẻ này trong lặng thầm dần dần có sự chuyển biến. Với việc dạy học của ông mà nói, đã không còn những chướng ngại lớn như vậy nữa.
Nếu như là người thân cận nhất chướng ngại thì bạn làm sao? Chúng ta cũng có lòng tin, ví dụ như con cái, chồng vợ, đây là chướng duyên lớn nhất, làm sao để điều giải, để hóa giải? Tôi nghĩ, mỗi một người, trong những mối quan hệ mật thiết, chúng ta đều có thể hiểu được cá tính của họ, cái mà họ ưa thích là những gì, cái mà họ không thích làm là những gì, cái mà họ chán ghét là cái gì, chúng ta đều phải minh bạch; điều mà họ hy vọng chúng ta làm nhất là những gì, chúng ta cũng đều phải rõ ràng. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể từ đó hóa giải những hiểu lầm không đáng có, hóa giải những mâu thuẫn không đáng có.
Đặc biệt rất nhiều nữ chúng, sau khi họ nghe được Phật pháp, thì thường hay sử dụng những ngày nghỉ đến Phật đường để tiến tu, họ đã quên đi ở nhà còn có người chồng, còn có con cái, còn có mẹ chồng, còn có cha chồng, cho nên có rất nhiều gia đình, bậc trưởng bối đã phát ra lời oán thán như vầy: “Không học Phật tôi còn có con dâu, không học Phật thì vợ của tôi ở nhà sắp xếp ngày ba bữa cơm, không học Phật thì mẹ của tôi sẽ ngày ba bữa nấu cơm cho chúng tôi ăn, nhưng sau khi học Phật thì dường như đã mất đi con dâu, đã mất đi người vợ, đã mất đi người mẹ”. Cho nên người học Phật chúng ta tại điểm này, đặc biệt là người nữ, phải nên thật là rõ ràng vai trò mà chúng ta sẽ phải làm là gì? Phải đem trách nhiệm nên làm của chính mình làm cho chu đáo, chu đáo rồi mà có dư sức, chúng ta lại đi đến đạo tràng giúp đỡ. Tại vì học Phật luôn luôn là trải sự mà luyện tâm, ở ngay trong công việc, ở ngay trong hoàn cảnh, chúng ta phải học tập thể hội từ trong đó, thì đạo nghiệp của chúng ta mới có thể càng thêm tinh tấn, mới được nâng cao. Cho nên tôi nghĩ, mỗi một người học Phật chúng ta đang ở trong quá trình học tập, nên làm gì để giúp đỡ người nhà học Phật, nên phải làm gì để hóa giải những chướng ngại xung quanh mình, việc này rất là quan trọng.
Đặc biệt có rất nhiều người đã từng làm công việc thiện nguyện trong đạo tràng, phát tâm rộng lớn, làm không công đối với công việc của đạo tràng, phụng hiến sức lực của chính mình. Tinh thần của những người thiện nguyện này đều rất vĩ đại, đều khiến người rất kính trọng, nhưng khi chúng ta đang ở trong công việc này, chúng ta nhất định phải nghĩ lại xem, có phải bạn đã chểnh mảng công việc này ở nhà mình rồi không? Nếu như đã lơ là, chúng ta phải nhanh chóng nghĩ cách để giữ gìn sửa chữa lại, xây dựng một gia đình tốt đẹp. Xây dựng Phật hóa gia đình cho tốt đẹp mới có thể tạo cho người khác ấn tượng thật tốt, cho những người chưa học Phật họ nhìn thấy được, thì ra gia đình mà học Phật thì hạnh phúc mỹ mãn như vậy. Điều này vô cùng quan trọng.
Chúng ta cũng biết rõ có người thì có việc, có việc thì có thị phi, tại vì sao lại có thị phi? Đặc biệt là người ở trong đạo tràng, chúng ta làm sao để trên dưới một lòng tổ chức tốt đạo tràng? Tin rằng mỗi một người làm công việc thiện nguyện ở đây, trong lòng họ ngưỡng vọng nhất cũng không ngoài chính là như vậy, cùng nhau vui vẻ làm việc, cùng nhau chung sống hòa thuận, không những là cùng khuyến khích lẫn nhau, mà trong công việc cũng có thể tiến hành rất vui vẻ. Nhưng chúng ta đã nhìn thấy có rất nhiều những đạo tràng, những thiện nguyện của họ từng đợt từng đợt đến, lại từng đợt từng đợt ra đi, tại vì sao lại như vậy? Chúng ta bình tĩnh suy nghĩ một chút, không cần nói ở trong đạo tràng, ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ một góc độ nào, thì mỗi người sinh ra bối cảnh đều khác nhau, quá trình học khác nhau, đủ thứ khác nhau. Hoàn cảnh khác nhau như vậy thì đương nhiên cá tính của họ, đủ thứ những loại tập tính này của họ cũng khác nhau. Khác nhau thì sẽ sinh ra rất nhiều những cách nhìn không giống nhau. Làm việc cũng là như vậy, khó tránh có sự xung đột.
Ở đây hậu học cũng xin nói ra tâm đắc của mình, ví dụ như một người có năng lực rất mạnh, chỉ một mình họ thôi cũng có thể làm tương đương với ba bốn người, như vậy chúng ta hiểu được, những người như thế đi đến đâu cũng đều đảm đương những trách nhiệm khá nặng nề. Mà thường thường những người gánh trách nhiệm nặng như vậy thì rất là bận rộn, họ bận đến mức độ nào? Lớn nhỏ đều không từ, họ đều muốn đích thân mình đến để giám sát, cho nên kiểu người chuyên gánh vác trọng trách này ở trong đạo tràng sẽ thành mục tiêu cho nhiều người công kích. Sao gọi là mục tiêu công kích? Chính là trở thành mục tiêu chỉ trích cho mọi người. Tại vì sao lại như vậy? Vì họ đã đảm đương quá nhiều công việc thì khó tránh khỏi có một số việc không được vẹn toàn, hoặc là trên phương diện lời nói, có thể là vì tương đối cấp bách, người và người với nhau, trưc tiếp nhất chính là lời nói, tôi và bạn nói chuyện, bạn cùng tôi nói chuyện, trong lúc nói với nhau nếu như đối phương rất bận, khẩu khí có thể sẽ không được ngọt ngào cho lắm. Nếu như đối phương đang bận suy nghĩ về một sự việc gì đó, bạn đột nhiên đi hỏi họ, đi tìm họ, họ có thể sẽ ứng phó với bạn hai ba câu thì không nói với bạn nữa. Trong tình hình như vầy thì sẽ rất dễ sinh ra những hiểu lầm không đáng có. Ví dụ như chúng ta có thể nói người ấy “cống cao ngã mạn”, hay là “độc tài” hay là “coi thường người khác”, kỳ thực đây đều là hiểu lầm. Trong “Đệ Tử Quy” có một câu nói rằng: “Người không rảnh, chớ não phiền; người bất an, không quấy nhiễu”. Khi một người đang rất bận mà chúng ta đến hỏi họ xin ý kiến, khẩu khí của họ với bạn có thể sẽ không được tốt, chúng ta phải nên thông cảm cho đối phương. Nếu như bạn rất bận mà có người đến hỏi bạn, tốt nhất xem tình hình mà nói mình đang rất bận, có thể nào tìm gặp lúc khác không, ta sẽ nghiên cứu thảo luận lại. Nếu như khẩu khí có thể nhẹ nhàng một chút, thì có thể hóa giải rất nhiều tranh chấp không đáng có.
Khi ở trong đạo tràng, chúng ta cũng cảm nhận được có rất nhiều người quả là đã rất gắng sức, nhưng nhân duyên thật chẳng tốt. Tại vì sao nhân duyên chẳng tốt? Nếu như mọi người có thể làm thực ngiệm bằng cách đối diện tấm gương, bạn xem thử lúc bình thường nói chuyện với người, bạn tự nhiên mà nói chuyện với tấm gương, bạn xem xem thử vẻ mặt của bạn có phải rất là nghiêm, có phải là đáng ghét không, hay là rất thân thiết? Nếu như rất nghiêm túc thì rất dễ dàng khiến đối phương sinh ra hiểu lầm, cho là bạn thật không thân thiết, cho là bạn rất dữ. Nếu như chúng ta rảnh rỗi, thì lấy máy ghi âm ra thử ghi âm lại xem giọng nói của mình thế nào. Ví dụ như nói chuyện bình thường, chúng ta không cần kiềm chế để nghe thử âm thanh của mình rốt cuộc thế nào. Nếu như từ đây mà bạn có thể nhận biết chính mình, nhận biết về thần sắc trong cử chỉ lời nói của bạn khi nói với người, thì có lẽ bạn sẽ có thể tìm ra được lời đáp. Vì trong khi bạn đang giữa người cùng người nói chuyện với nhau, bạn có thể đã khiến đối phương cho rằng bạn rất ngạo mạn, bạn rất chuyên chế, lời nói của bạn thật không tôn trọng người khác. Nếu như vậy mà nói thì sẽ sinh ra hiểu lầm. Kỳ thực đôi bên đều không có ác ý, nhưng tại vì tập khí của mỗi chúng ta, bản thân không chú trọng dáng vẻ của mình, không chú trọng nhất cử nhất động của chúng ta, cho nên mới sinh ra hiểu lầm như vậy, như vậy thì quả thật là quá oan uổng.
Sau khi hậu học học Phật thì cũng thường có cơ duyên cơ hội làm thiện nguyện. Làm thiện nguyện nhất định phải bẩm báo với gia đình, mình đi làm cái gì, mình khoảng chừng mấy giờ thì về nhà, mình làm việc thiện nguyện nội dung là những gì. Ví dụ như tại trong Phật môn, bạn có thể làm thiện nguyện là hiệu đính, sức khỏe tốt có thể làm công việc dọn dẹp cho đạo tràng, nhân duyên của bạn tốt có thể làm công việc thiện nguyện là tiếp đón trong đạo tràng.
Chúng ta làm bất kỳ công việc gì cũng phải thông qua với những người nhà, chúng ta làm những sự việc này thì có những công đức gì, chúng ta cũng nên nói với họ. Sau cùng không được quên rằng, mình hôm nay có thể đến đạo tràng phụng hiến một phần sức lực, cống hiến một phần tinh lực của mình đều là nhờ sự hộ trì của người nhà, cho nên bạn không thể quên nói với họ rằng, mình ngày nay nếu như ở trong cửa Phật mà gây dựng được một tơ hào nào, một chút nào công đức, họ là người có công lớn nhất; không có giúp đỡ của họ, không có đồng ý của họ, thì mình không thể nào ở đó mà phụng hiến một phần sức lực ít ỏi của mình. Họ nghe xong, họ cũng sẽ rất vui sướng.
Nếu như bạn có thể nói rõ thêm nữa, mình đến đạo tràng làm việc, mình rất chăm chỉ học tập, tất cả người ở trong nhà chúng ta đều sẽ được chư Phật Bồ Tát hộ trì hết ngày đến đêm, như vậy họ nghe xong thì cũng sẽ càng thêm vui mừng, tuyệt đối sẽ không chướng ngại bạn. Bạn đi đến Phật môn, bạn làm thiện nguyện pháp hỷ sung mãn, hoặc là sau khi đến đạo tràng để nghe Phật pháp, bạn sẽ có cảm nhận đặc biệt, bạn pháp hỷ sung mãn, bạn sẽ có sự thể ngộ và tâm đắc rất sâu. Sau khi đã trở về nhà, không quên đem tâm đắc của bạn chia sẻ với người trong nhà, khiến người nhà cũng có thể biết, bạn đi đến đó phụng hiến một phần sức lực rất là vui sướng, bạn đi đến đạo tràng để lắng nghe Phật pháp chính là pháp hỷ sung mãn, khiến họ cũng có thể cảm thấy vì sự bỏ ra của họ mà bạn có thể được như vậy, họ cũng được vui sướng lây, như thế thì họ sẽ không còn chướng ngại bạn.
Vừa rồi hậu học chính là dùng thái độ học tập như vậy để khơi thông với người nhà, đem cái vui mà tôi có được, tôi nhất nhất đều trình báo với người nhà. Đương nhiên không phải tất cả mọi người cũng đều có thể như vậy, bạn nên phải lựa chọn một thời cơ thích hợp, có duyên tương đối thành thục với bạn, quan hệ tương đối là mật thiết, tương đối là có thể nói được, thì bạn có thể bắt đầu đem những điều tốt đẹp mà mình đã đạt được, đã yêu thích, có cảm xúc để có thể áp dụng những thành quả tốt này và cả kinh nghiệm mà có thể khiến họ được cùng chia hưởng. Tôi nghĩ như vậy thì trên lộ trình học Phật của chúng ta sẽ được thuận buồm xuôi gió.
Sau cùng chúng ta hy vọng mỗi một người học Phật ở trên con đường Bồ Đề đều có thể tinh tấn không lơ là, đồng thời cũng có thể nhận được hộ trì giúp đỡ của người nhà. Được người nhà hộ trì thì sức lực của bạn càng lớn, bạn sẽ phụng hiến cho đạo tràng được càng nhiều. Nếu như không được sự giúp đỡ của người nhà, thì chúng ta trên đường học Phật sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Lúc gặp khó khăn thì chúng ta cũng không nên bỏ cuộc, càng không thể nào thối chuyển, chỉ cần chúng ta tin tưởng Phật pháp, tin tưởng Phật Bồ Tát không xả bỏ một ai, chúng ta đều có thể có được thành tựu.
Vừa rồi là hậu học đã đơn giản báo cáo một số tâm đắc. Nếu như không được như lý không như pháp cũng ngưỡng mong các vị đồng tu đừng ngần ngại mà phê bình chỉ giáo. Xin cảm ơn!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

Người giảng: Cư sĩ Dương Thục Phương    
Thời gian: Tháng 7 năm 2004
Giảng tại:  Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Công
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Mộ Tịnh cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hiền
--- HẾT---

/10
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây