Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký

Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh



Phàm Lệ

1. “Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký”: Ðề mục bộ kinh này có chín chữ. Bảy chữ trước ở đây xin gác qua, vì trong phần giải thích đề mục kinh, và đề mục phẩm có nói rõ, nên ở đây chỉ nói qua hai chữ “giảng ký”. Giảng là do Pháp Sư Diễn Bồi y trong Bồ Tát Giới Bổn, tức là năm mươi tám giới (58) gồm có 10 giới trọng (10) và bốn mươi tám giới khinh (48) (Ở đây chỉ nói qua 58 giới, là thuộc về phần giới tướng, còn phần trước và sau, không nói, vì không cần).

Chương 11: 04. Tụng phần trước, khởi phát phần sau


Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh
 

A.4.1.4. TỤNG TIỀN KHỞI HẬU (tụng phần trước, khởi phát phần sau) 
A.4.1.4.1. XÁ NA THỈ THỌ (Ðức Phật Xá Na bắt đầu thuyết trao giới pháp)  

Kinh văn 

Nay ta là Lô Xá Na 
Ðang ngự trị trên đài Liên Hoa 
Trên nghìn cánh sen đơm vòng 
Lại hiện ra nghìn đức Thích Ca
Mỗi cánh sen trăm ức cõi, 
Ðều ngồi dưới cội Bồ Ðề 
Ðồng thời thành Chánh Giác đạo, 
Nghìn trăm ức Phật cũng vậy. 
Lô Xá Na là bổn thân, 
Nghìn trăm ức Phật Thích Ca
Ðều đem theo vi trần chúng. 
Cùng nhau đến tại chỗ Ta. 
Ðể nghe Ta tụng Phật giới, 
Ta liền giảng môn cam lộ… 

Lời giảng: 

Ở phần trên là lối văn trường hàng, từ đây trở về sau là lối văn trùng tụng. Trong mười lăm câu kệ trên, câu đầu tiên nói rõ Phật Lô Xá Na bắt đầu truyền trao Quang Minh Kim Cương Bửu Giới.

Trong kinh thường nói Phật có ba thân: Pháp thân, Báo thân và Ứng thân. Theo như tông Thiên Thai thì:

– Ðức Tỳ Lô Xá Na là biểu tượng cho Pháp thân Phật.

– Ðức Lô Xá Na là biểu tượng cho Báo thân Phật.

– Ðức Thích Ca Mâu Ni là biểu tượng cho Ứng thân Phật.

Nhưng theo kinh Hoa Nghiêm giảng thì:

– Ðức Tỳ Lô Xá Na chính là đức Lô Xá Na, và ngược lại. Hai thân ấy chỉ là một mà thôi, không nên phân biệt. Kinh Hoa Nghiêm do đức Lô Xá Na Phật tuyên thuyết bởi vì đức Lô Xá Na chính là đức Tỳ Lô Xá Na.

Cho nên bộ Hoa Nghiêm bổn dịch ở triều Tấn, gồm sáu mươi quyển, để là Ðức Phật Lô Xá Na; trong khi cũng bộ Hoa Nghiêm nhưng bổn dịch ở triều Ðường gồm tám mươi quyển thì để là đức Tỳ Lô Xá Na.

Lô Xá Na là tiếng Ấn Ðộ, Trung Quốc dịch là Tịnh Mãn.

– Chữ Tịnh ý muốn nói sự tu hành khi đạt đến quả vị Phật thì bao nhiêu tội ác và các thứ hư vọng đều diệt trừ hết sạch, không còn một sợi tơ hay mảy lông, cho nên gọi là Tịnh.

– Chữ Mãn có nghĩa là khi sự tu hành đã đạt đến quả vị Phật thì bao nhiêu thiện pháp, vô lượng vô biên công đức đều đã tu tập, đã viên mãn tất cả, không còn thiếu sót cả đến sợi tơ, mảy lông, nên gọi là Mãn.

Nói một cách đơn giản hơn, tất cả mọi nhiễm pháp đều đoạn dứt không còn thừa, tất cả tịnh pháp đều viên mãn trang nghiêm, không thiếu. Ðấy gọi là Lô Xá Na Phật.

Có nơi gọi là Quang Minh Biến Chiếu; danh từ này vốn dịch từ đức hiệu Tỳ Lô Xá Na. Bởi vì tông Hoa Nghiêm xem Lô Xá Na và Tỳ Lô Xá Na là một. Vì vậy, cũng dịch đức hiệu Lô Xá Na là Quang Minh Biến Chiếu.

Thông thường trong kinh giải thích danh từ Quang Minh Biến Chiếu như sau: “Nội trí dĩ quang, chiếu chơn pháp giới. Ngoại dĩ thân quang chiếu ứng đại cơ” (Bên trong dùng Trí quang chiếu chơn pháp giới; bên ngoài dùng thân quang chiếu ứng đại cơ – đại cơ là chỉ cho Ðại Bồ Tát).

Chư cổ đức cũng nói: “Ðức hiệu Tịnh Mãn là ý chỉ sự tự thọ dụng thân mà đặt tên; đức hiệu Quang Minh Biến Chiếu là ý chỉ sự tha thọ dụng thân mà đặt”.

Dù có sự sai khác nhưng tự thọ dụng thân hay tha thọ dụng thân đều chỉ cho báo thân của Phật.

– Tự thọ dụng báo thân là chỉ cho quả vị cứu cánh, chư Phật đã chứng đắc Trí đức và Ðoạn đức.

– Tha thọ dụng báo thân tức chỉ sát trần tướng hảo (tướng tốt của báo thân rất nhiều, không thể tính kể, dường như vi trần của sát độ nên gọi là “sát trần tướng hảo”).

Hàng Ðịa Thượng Bồ Tát tùy theo tâm lượng của các Ngài mà trông thấy vì mỗi mỗi tướng tốt đều không có chừng ngằn, hạn lượng.

Câu “ngã kim Lô Xá Na” (nay ta là Lô Xá Na), tức chánh báo của Phật.

Câu “phương tọa Liên Hoa đài tạng” (đang ngồi trên đài Liên Hoa) chỉ cho bổn độ của Ðức Phật Lô Xá Na, cũng tức là y báo của Phật.

Chữ “ngã” trong câu “ngã kim Lô Xá Na” là chữ đức Lô Xá Na tự xưng mình, có nghĩa là Ta hoặc Tôi.

Nhưng Ðức Phật Lô Xá Na cũng là bậc đã chứng quả vị, tuyệt đối phá trừ tất cả cái Ngã, hoàn toàn không còn chấp ngã. Vì nếu còn chấp ngã thì chưa thể thành Phật. Vì vậy, chữ Ngã dùng ở đây không phải là cái Thật Ngã của hạng phàm phu vọng chấp, cũng không phải là Thần Ngã của ngoại đạo vọng chấp là có thật, mà chỉ thuận theo Thế Ðế giả danh mà gọi là Ngã, cũng gọi là Vô Sanh Ngã, “ngã” trong Vô Ngã. Không nên xem chữ Ngã ở đây là Thật Ngã của phàm phu hay Thần Ngã của ngoại đạo.

Chữ “kim” nghĩa là hiện tại, dùng chỉ thời gian Ðức Phật đang thuyết giới, không thuộc về quá khứ hay vị lai, mà chính là ở ngay lúc hiện tại đương thời. Trong lúc đức Lô Xá Na thuyết giới, Ngài ngự ở đâu?

Chính ngay trên đài Liên Hoa. Theo nhãn quang của chúng sanh quan sát thì thấy Chánh Báo là Chánh Báo, Y Báo là Y Báo. Hai thực thể này cách biệt không thể dung thông thành một, nhưng với Phật nhãn thì chân Chánh Báo là Y Báo, Y Báo là Chánh Báo, cả hai dung thông lẫn nhau. Căn thân cùng quốc độ xưa nay không phải là hai, và vốn không thể phân chia, sai biệt.

Chữ “phương” trong câu “phương tọa Liên Hoa đài” có hai nghĩa:

1. Chỉ cho thời gian sắp ngự nhưng chưa ngự, vì đức Lô Xá Na sắp vì chúng sanh truyền trao Quang Minh Kim Cương Bửu Giới, tất nhiên trước tiên, Ngài chuẩn bị đến ngồi trên Liên Hoa đài.

2. Nói rõ thời gian đã ngồi, nghĩa là Ðức Phật sắp truyền trao Quang Minh Kim Cương Bửu Giới nên đã an tọa trên Liên Hoa Ðài.

Liên Hoa là hình tượng của Hoa Tạng thế giới giống như hoa sen.

Chữ Ðài nghĩa là cao hiển, như thông thường gọi là cái đài cao. Ðây biểu thị tâm địa diệu giới của Ðức Phật Lô Xá Na sắp tuyên thuyết. Trên thế gian này, không có một pháp nào có thể sánh kịp, không pháp nào có thể trên Tâm Ðịa diệu giới; không một pháp nào vượt qua Tâm Ðịa diệu giới. Trong giới Thanh Văn có hai câu tụng:

Nhứt thiết chúng luật trung, 
Giới kinh vi tối thượng. 

Dịch:

Trong tất cả luật giới
Giới kinh là trên hết.

Hơn nữa, chữ Ðài là ở chính giữa, có thể hàm nhiếp mười phương, biểu thị đức Lô Xá Na là chủ trong ngàn Ðức Phật và Tâm Ðịa diệu giới là căn bản của các giới. Ðức Phật Lô Xá Na ngồi trên đài Liên Hoa, thân của Ngài cùng với đài Liên Hoa tương xứng vừa vặn, không lớn, không nhỏ, tức biểu thị nghĩa mầu viên dung của y báo và chánh báo trùng trùng, thân và độ (cõi nước) không có hai.

Cũng có thể nói: tâm tánh của chúng sanh ở cõi này chính là một hoa sen đẹp, không những ở nơi bùn không dính bùn mà còn mang ý nghĩa nhân quả đồng thời. Chính vì tâm tánh của chúng sanh ở thế giới này là một đóa sen đẹp, nên thế giới Hoa Tạng giống như đóa hoa sen. Thế giới nương nơi tâm tánh của chúng sanh mà hiển hiện, và cũng y theo tâm tánh của chúng mà an trụ, cho nên nói: “Phương tọa Liên Hoa đài”.

Hoa sen có những điểm đặc sắc:

– Ở nơi bùn mà không nhiễm bùn, vẫn luôn giữ được bản chất tinh khiết, thường hằng vĩnh viễn. Ðây là biểu thị tâm địa bất biến của giới thể. Lúc ở địa vị phàm phu, xem ra dường như bị ô nhiễm, nhưng thực tế không có tướng cấu nhiễm. Lúc ở địa vị Thánh Nhân, trông thấy dường như thanh tịnh, nhưng thực tế không có tướng thanh tịnh.

Cổ đức có câu: “Xử sanh tử lưu, ly châu độc diệu ư thương hải. Cư Niết Bàn ngạn, quải luân cô lãng ư bích thiên” (Trong dòng sanh tử, ly châu riêng chiếu nơi biển cả. Ở bờ Niết Bàn, trăng sáng soi riêng trên trời xanh).

Hai câu “ly châu độc diệu ư thương hải; quải luân cô lãng ư bích thiên” tượng trưng Tâm Ðịa diệu giới như như bất biến, ở thánh bất tăng, ở phàm bất giảm. Ở thánh không có tướng thanh tịnh, ở phàm không có tướng ô nhiễm. Giống như hoa sen “cư trần bất nhễm trần”, cũng như hạt ngọc dưới cổ con Ly long luôn soi sáng trong biển cả, cũng như vầng minh nguyệt lơ lửng luôn soi sáng nơi trời xanh.

– Hoa sen khi lên khỏi mặt nước thì hết sức trong sạch thơm tho. Trong kinh Phật thuyết A Di Ðà nói: “Vi diệu hương khiết” là chỉ cho nghĩa này.

Dùng hai đặc tính hoa sen kể trên để biểu thị cho Tâm Ðịa giới thể trước cũng như sau luôn tinh khiết, trong sạch, thơm tho, bát ngát, không bị bất cứ sự huân nhiễm nào của ác pháp mà bị biến đổi.

Hoa sen lại còn đặc tính nở búp, biểu thị ý nghĩa đức Lô Xá Na Phật khai thật Nhất Thừa Tâm Ðịa giới pháp, diễn nói bằng cách dùng Quyền thừa phân ra mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh. Ðến rốt sau, Ngài lại đem Quyền (mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh) hội quy về Thực (bổn nguyên tự tánh thanh tịnh tâm địa giới thể duy nhất).  Hai câu:

Châu tráp thiên hoa thượng, 
Phục hiện thiên Thích Ca Dịch: 
Trên ngàn cánh sen đơm vòng 
Lại hiện ra ngàn Thích Ca. 

Hai chữ “châu tráp” là vây quanh thành vòng tròn. Chữ “hoa” trong hai chữ “thiên hoa” thông thường gọi là “biện hoa” (biện: cánh), vì hoa sen có nhiều cánh, nói cánh hoa nhưng chủ ý là chỉ cho toàn bộ đóa hoa (đây chỉ là cách nói hoán dụ).

Hoa sen ở nhân gian lớn nhất chỉ mấy mươi cánh là cùng, nhưng hoa sen ở thiên giới so sánh với hoa sen ở nhân gian thì lớn hơn nhiều, có đến hơn trăm cánh. Hoa sen của chư Phật, Bồ Tát ngồi lại lớn hơn hoa sen ở thiên giới. Mỗi đóa hoa có ngàn cánh, như vậy, trong ngàn cánh hoa đơm vòng này lại hiện ra ngàn Phật Thích Ca.

Hai chữ “phục hiện” ở câu “phục hiện thiên Thích Ca” có sự liên hệ tương tục:

– “Châu tráp thiên hoa thượng” và “phương tọa liên hoa đài” hai câu này chỉ về y báo.

– “Phục hiện thiên Thích Ca” và câu “ngã kim Lô Xá Na”, hai câu ấy thuộc về chánh báo.

Trước tiên, trông thấy ngàn cánh hoa (y báo), sau trông thấy ngàn Phật Thích Ca ở trên ngàn cánh hoa hiện ra, cho nên dùng chữ “phục hiện”. Như thế nếu phân tích thì thấy trên một cánh hoa sen có một Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, trên ngàn cánh hoa sen tức nhiên có ngàn đức Thích Ca Mâu Ni.

Như phần trước đã giải, Thích Ca tiêu biểu cho ứng thân Phật, tùy theo cơ cảm của chúng sanh mà thị hiện. Trong kinh đôi lúc chia làm 2 loại: ứng thân và hóa thân.

– Ứng thân chính là ngàn Ðức Phật.

– Hóa thân là chỉ cho trăm ngàn ức Phật Thích Ca.

Sở dĩ như thế là vì không có một thân nào của Phật thị hiện mà không phải vì một sự kiện duy nhất: hóa độ các loại chúng sanh bất đồng.

Ngàn Phật Thích Ca ngồi trên ngàn cánh sen, chúng ta đã cảm thấy rất nhiều Phật. Thế nhưng tiếp theo trên mỗi cánh sen lại có trăm ức quốc độ, và trong mỗi quốc độ lại có một đức Thích Ca đi du hành giáo hóa (Trong bản Việt văn, dùng hai câu sau đây để phiên nghĩa: “Mỗi cánh sen trăm ức cõi, mỗi cõi một Phật Thích Ca”).

Trong mỗi quốc độ, mỗi quốc độ có một Phật Thích Ca, trăm ức quốc độ trăm ức Ðức Phật Thích Ca. Ngàn cánh sen có trăm ngàn ức quốc độ, như vậy sẽ có đến trăm ngàn ức Ðức Phật Thích Ca.

– Về mặt không gian, chúng ta thấy số quốc độ có đến trăm ngàn ức như vậy, lẽ đương nhiên giữa các quốc độ đều có vô lượng sự khác biệt nhau. Trong trăm ngàn ức quốc độ sai khác vô lượng vô biên ấy, có trăm ngàn ức Phật Thích Ca, tính như vậy thì biết là rất nhiều.

– Về phương diện thời gian, Phật Thích Ca tuy nhiều như vậy, nhưng đó chỉ là những ứng thân và hóa thân của Ngài, cho nên sự thành Phật của trăm ngàn ức Ðức Phật Thích Ca không có sự sai biệt khác nhau về thời gian. Và chính vì sự không có sự sai khác bất đồng về vấn đề thời gian, cho nên ngàn Ðức Phật Thích Ca đều ngồi dưới cội Bồ Ðề, cùng trong một lúc hoàn thành Phật đạo.

Cho đến trăm ngàn Phật Thích Ca cũng đều đồng ở trong một thời gian chứng đắc Vô Thượng Bồ Ðề. Ðoạn chú thích này để giải thích hai câu kinh tụng trong bản Việt văn: “Ðều ngồi dưới gốc cội Bồ Ðề, đồng thời Chánh Giác đạo”. Ý nói ứng thân và hóa thân Phật ở trong trăm ngàn ức quốc độ thị hiện thành Phật và thuyết pháp độ sanh, tuyệt đối không có vấn đề phân biệt trước sau.  Tại sao vậy?

Vì mục đích duy nhất của ứng thân và hóa thân Phật là vì độ những chúng sanh hữu duyên nên thị hiện hai hình tướng ấy. Nhưng cơ duyên của các chúng sanh trong quốc độ nào đã thuần thục cần hóa độ thì ở trong quốc độ ấy thị hiện thành Phật để hóa độ.

Nếu như khi chúng sanh trong trăm nghìn ức quốc độ, nhân duyên hóa độ đã thuần thục, lúc bấy giờ đức Thích Ca Mâu Ni Phật xem việc hóa độ chúng sanh là trách nhiệm của Ngài, nên đương nhiên trong trăm nghìn ức quốc độ khác nhau đó, đồng trong một lúc, Ngài thị hiện thành Phật đạo để hóa độ.

Ðức Phật bao giờ cũng tùy cơ duyên của chúng sanh mà phó cảm, không bao giờ để mất thời cơ. Như thủy triều trong biển cả, lúc lên, lúc xuống đều có thời gian nhất định không sai chạy, đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật trong nghìn trăm quốc độ thị hiện thành Phật cũng lại như thế.

Ngoài ra, sự kiện từ nơi Phật Lô Xá Na thị hiện ngàn Phật Thích Ca hay ngàn trăm ức Phật Thích Ca chính là từ Thể mà khởi ra Dụng.

Nếu như hỏi ngàn trăm ức Phật Thích Ca từ đâu mà có?

Lẽ đương nhiên là từ bổn thân của Phật Lô Xá Na thị hiện mà có. Như vậy, trăm ngàn ức Phật Thích Ca vốn phát xuất từ chính Ðức Phật Lô Xá Na. Ðó chính là quy trình thu nhiếp Dụng trở về Bổn. Ðoạn này dùng để giải thích hai câu kệ trong bổn Việt dịch:  Nghìn trăm ức Phật như vậy,  Lô Xá Na là bổn thân.

Đem sự biến Dụng (nghìn trăm ức Phật Thích Ca) thu nhiếp lại để quy nạp về Căn Bổn (Phật Lô Xá Na), vì ngàn trăm ức Phật Thích Ca thuộc về thân “sở hóa hiện” (đối lập với năng hóa hiện) của ngàn Phật Thích Ca. Suy luận ngược lại thì ngàn Phật Thích Ca đương nhiên chính là bổn thân của ngàn trăm ức Phật Thích Ca. Tương tự, ngàn Phật Thích Ca là thân sở hóa hiện của Phật Lô Xá Na. Như vậy, đương nhiên Phật Lô Xá Na là bổn thân của ngàn Phật Thích Ca.

Cho nên Dụng dù có đến nghìn, trăm, ức như vậy, nhưng Thể thực ra chỉ là một mà thôi. Nên bộ Phát Ẩn giải thích hai câu kệ này như sau: “Phật Lô Xá Na là Bổn, ngàn Phật Thích Ca là Tích. Ngàn Phật Thích Ca là Bổn, trăm ức Phật Thích Ca là Tích. Bổn Phật hay Tích Phật không phân trước sau, đồng thành Phật một lúc. Ðây chính là tượng trưng cho Thể và Dụng vốn không hai vậy”.

Về mặt danh từ, dù phân chia ra Bổn và Tích, nhưng đừng sinh ý tưởng là có hai. Vì ngàn trăm ức Phật Thích Ca tức là một thân của Ðức Phật Lô Xá Na mà thôi.

Nói thí dụ cho dễ hiểu: Ảnh tượng của vầng minh nguyệt hiện khắp trăm ngàn ức sông hồ, nhưng ngước nhìn lên không trung chỉ thấy một vầng minh nguyệt duy nhất. Lại như nghìn trăm ức người đồng dùng miệng truyền âm thanh; âm thanh từ mỗi người tuy có sai khác, nhưng tiếng vang ở hang trống không thể phân biệt. Ứng thân và hóa thân Phật vô cùng vô tận, nhưng về Pháp Thân chỉ có một và bất di bất dịch như vậy.

Phật Thích Ca phân thân ở nghìn trăm ức quốc độ, đương nhiên phải có chúng sanh được hóa độ nhiều như vi trần trong những quốc độ ấy. Lúc bấy giờ, Phật Thích Ca đem vi trần chúng sanh được giáo hóa ấy, từ các quốc độ đến thế giới Liên Hoa Ðài Tạng. Một Phật Thích Ca dẫn dắt vi trần chúng sanh, ngàn trăm ức Phật Thích Ca đem theo ngàn trăm ức vi trần chúng sanh. Cho nên nói: “Các tiếp vi trần chúng” (đều đem theo vi trần chúng). Danh từ “vi trần” có nghĩa là hạt bụi nhỏ, dùng để chỉ con số nhiều đến mức không thể ước lượng được, cũng ví như những hạt bụi nhỏ, không thể nào đếm được.

Kinh Phạm Võng quyển Thượng thuyết minh: “Bấy giờ Ðức Phật Thích Ca liền kình tiếp đại chúng trong thế giới này đến cung Bách Vạn Ức Tử Kim Cang Quang Minh ở thế giới Liên Hoa Ðài Tạng, để ra mắt Ðức Phật Lô Xá Na, Ngài đang ngự trên bửu tòa trăm ngàn ức cánh sen sáng suốt rực rỡ”.

Văn tụng ở phần này dùng chữ “tiếp”, nhưng trong phần văn trường hàng thì lại dùng chữ “kình tiếp”.

– Trong kinh Duy Ma Cật nói: “Thủ kình đại thiên”.

– Kinh Pháp Hoa nói: “Thần thông tiếp chúng”.

Kinh Duy Ma Cật ở phẩm Kiến A Súc Phật, phẩm 12, giải thích: “Sở dĩ dùng từ ‘thủ kình đại thiên’ nhân vì đại chúng trong pháp hội lúc Phật nói kinh Duy Ma Cật đều sanh tâm khát ngưỡng, muốn được thấy thếu giới Diệu Hỷ và đức Vô Ðộng Như Lai, cùng với chúng Bồ Tát, Thanh Văn, của thế giới ấy. Vì vậy, Ðức Phật bảo Bồ Tát Duy Ma Cật tiếp lấy thế giới Diệu Hỷ cùng với chúng Bồ Tát, Thanh Văn… đem đến cõi Ta Bà cho đại chúng được xem thấy”.

Ðức Duy Ma Cật Bồ Tát phụng mệnh Ðức Phật, hiện thần thông, dùng tay hữu tiếp lấy thế giới Diệu Hỷ và đức Bất Ðộng Như Lai cùng với chúng Bồ Tát, Thanh Văn… đem đến thế giới Ta Bà cho đại chúng được trông thấy. Bồ Tát tiếp lấy thế giới Diệu Hỷ về mặt y báo lẫn chánh báo một cách dễ dàng như những người thợ gốm để đất vào khuôn. Khi Bồ Tát đặt thế giới ấy trên tay đem về thế giới Ta Bà này giống như Ngài để một tràng hoa trên tay và đưa cho đại chúng xem.

Mặc dù các từ ngữ không giống nhau, nhưng ý nghĩa giữa các kinh vẫn tương đồng.

Ðức Phật Thích Ca tiếp vi trần chúng sanh đến nơi nào?

Hiển nhiên là đến Hoa Tạng thế giới của Phật Lô Xá Na cư trú vậy. Ðoạn này giải thích câu “cùng nhau đến tại chỗ Ta” trong bổn Việt dịch.

Hai chữ “câu lai” (cùng đến) ý nói rằng chẳng những vi trần chúng sanh được tiếp nhận đưa đi, mà chính nghìn trăm ức Phật Thích Ca cũng đồng đi đến nơi đức Lô Xá Na Phật. Khi đến nơi, việc đầu tiên là ngàn, trăm, ức Phật Thích Ca (người đưa đại chúng: năng tiếp) và vi trần chúng sanh (những kẻ được đưa đến: sở tiếp), đồng kính lễ đức Lô Xá Na Phật. Sau khi kính lễ xong, tất cả đều nghe Ðức Phật Lô Xá Na đích thân tụng Tâm Ðịa đại giới của chư Phật. Ðây cũng chính là giới pháp Ngài hằng trì tụng. Giới pháp này gọi là Quang Minh Kim Cương Bửu Giới.

Một điểm cần lưu ý là tại sao ở đây dùng từ “tụng giới” mà không dùng từ “giảng giới” trong câu “để nghe ta tụng giới?”

Nguyên vì Tâm Ðịa pháp giới vốn do chư Phật đồng chứng đắc, cùng nhau truyền thừa, bất luận chư Phật thời quá khứ, hiện tại hay vị lai, chỗ sở chứng và truyền thừa đều là Tâm Ðịa pháp giới này. Ngoài Tâm Ðịa pháp giới này ra không còn một giới pháp nào khác.

Chư Phật thời quá khứ đã tụng giới pháp như thế, hiện tại Ðức Phật Lô Xá Na cũng đem giới pháp này vì đại chúng tụng lại. Ðiều này chính là biểu thị ý nghĩa đây không phải là lần đầu tiên Ðức Phật Lô Xá Na tụng “Tâm Ðịa diệu giới” này.

Nếu hỏi giới pháp này từ đâu mà có?

Có thể trả lời một cách khẳng định rằng: Do chư Phật trong đời quá khứ khởi tụng mà có.

Nếu hỏi tấn thêm rằng: Chư Phật thời quá khứ vì sao đồng tụng giới pháp này?

Có thể không ngần ngại trả lời rằng: giới pháp này là giới pháp Phật tánh sẵn có của tất cả chúng sanh và chư Phật. Tức là chư Phật nhờ giới này mà thành Phật; chẳng qua chư Phật đem Tâm Ðịa giới pháp sẵn đủ của mình khai hiển ra, cho nên được thọ dụng giới pháp này. Còn chúng sanh tuy vốn sẵn đủ giới pháp, nhưng vì phiền não bao vây, che đậy, chưa có thể khai hiển được giới pháp, cho nên không thọ dụng được giới pháp này mà thôi.

Ví như hai người đều có vàng ngọc do tổ tiên chôn giấu dưới đất. Một người biết khai quật lên nên được giàu có hưởng thụ đầy đủ mọi khoái lạc. Một người không biết khai quật lên nên phải đi làm thuê mướn khổ sở, hoặc đến nỗi phải đi ăn xin, chẳng hạn. Ðó chính là vì không biết tự mình có của báu nên phải chịu khổ sở như vậy.

Nếu khi biết được, hoặc có người khác chỉ bảo cho, lấy của báu lên được để tiêu dùng, thì được sung sướng như người kia không khác.

Chư Phật Như Lai chứng được Tâm Ðịa diệu giới này, biết rõ nó không phải là vật sở hữu riêng của bất cứ ai, mà là một pháp sẵn có, sẵn đủ của tất cả chúng sanh, nên chư Phật sau khi thành Phật liền vì chúng sanh tụng ra giới pháp này.

Chư Phật quá khứ đã tụng trì như vậy, hôm nay Ðức Phật Lô Xá Na cũng theo gương chư Phật quá khứ vì vi trần chúng sanh do ngàn trăm ức Ðức Phật Thích Ca tiếp dắt đến, cũng như trăm ngàn ức Ðức Phật Thích Ca mà tụng lại một biến. Vì lý do ấy nên ở đây gọi là “tụng” mà không nói là “giảng”.

Câu: “Cam lộ môn tức khai” (ta liền giảng pháp môn cam lộ) chủ ý nêu thí dụ và tán thán công đức này. Tương truyền ở Trung Hoa ngày xưa có một thứ tiên đơn diệu dược trường sanh bất lão. Ðã nói là “bất lão” đương nhiên sẽ bất tử. Ở Ấn Ðộ vào thời xưa cũng tương truyền có vị thuốc Cam Lộ giống như loại tiên đơn mà Trung Quốc gọi là “thuốc bất tử”.

Có thuyết cho rằng Cam Lộ là một thứ tinh khí của thần linh, ngưng đặc lại giống như chất mỡ và ngon ngọt như kẹo mạch nha, lại thêm tươi đẹp thanh khiết. Có nơi nói rằng: Trên cõi Trời có một thứ thiên đơn gọi là Cam Lộ, nếu ai ăn được vị Cam Lộ này thì thân tâm được thanh tịnh và sẽ không già, không chết.

Do nơi truyền thuyết trong nước Ấn Ðộ xưa kia có vị Cam Lộ, nên khi Ðức Phật thuyết pháp thường dùng từ Cam Lộ để ví cho Thật Tướng của các pháp, hoặc ví cho cảnh Niết Bàn rốt ráo, hoặc ví cho giáo pháp của Ðức Phật đã thuyết giảng. Trong kinh này dùng Cam Lộ để ví cho Tâm Ðịa Diệu Giới.

Nếu người nào bẩm thọ Tâm Ðịa diệu giới này sẽ được thoát ly sự nhiệt não sanh tử trong tam giới, chứng đắc cảnh Niết Bàn thanh tịnh tự tại. Cũng như bệnh nhân có phước duyên được uống Cam Lộ diệu dược thì tất cả bệnh tật tiêu trừ. Vì thế nên gọi là: “Cam lộ môn khai” (cửa cam lộ liền mở).

Dù rằng Phật tánh diệu giới là pháp sẵn đủ của tất ca chúng sanh, nhưng do từ vô thỉ đến nay bị những thứ hoặc nghiệp che đậy, chẳng khác nào những cánh cửa đã đóng chặt, không cách gì mở ra được. Cho nên dẫu rằng có sẵn nhưng chúng sanh vẫn không thể thọ dụng được thứ “cam lộ” này. Chư Phật dùng Phật nhãn xem xét, thấy chúng sanh sẵn có Cam Lộ mà không thọ dụng được, nên rất xót thương và đau buồn. Cho nên lúc bấy giờ Ðức Phật Lô Xá Na vì tất cả chúng sanh mà tụng Tâm Ðịa diệu giới, mà trước đó chư Phật đã tụng.

Như thế, có nghĩa là Ngài cũng như chư Phật đồng vì chúng sanh mà mở toang cánh cửa Cam Lộ đã bị đóng bít từ lâu. Vì tất cả chúng sanh nào được nghe và được thọ trì giới pháp này chẳng khác nào người được uống vị Cam Lộ, thâm tâm mát mẻ, tự tại, thoát ly khỏi sự nhiệt não trong sanh tử luân hồi, chứng đắc cảnh Niết Bàn bất sanh bất diệt.

Vị Cam Lộ được xem là diệu dược bất tử, nên dùng làm thức ăn thì no lòng, dùng làm thức uống thì giải khát, dùng làm thuốc uống thì có thể trị liệu bá bệnh. Chính do có ba thứ đặc dụng kể trên, nên chư cổ đức đem Cam Lộ tượng trung cho Tam Tụ Tịnh Giới của Ðại Thừa Bồ Tát.

Nếu dùng Cam Lộ làm thức ăn thì chẳng những đỡ đói mà lại vĩnh viễn no đủ. Ðây ví cho Nhiếp Thiện Pháp Giới, nghĩa là nếu hành giả Bồ Tát nào có thể thọ trì Nhiếp Thiện Pháp Giới một cách chân thực, thực hành tất cả các thiện pháp tích cực thì các công đức pháp lành sẽ được sung mãn nơi sanh mạng, như ăn Cam Lộ mà được no đủ.

Nếu dùng Cam Lộ làm trà để uống, chẳng những có thể giải khát lúc khí trời nóng bức mà lại vĩnh viễn không cảm thấy khô miệng. Ðây là ví cho Nhiêu Ích Hữu Tình Giới, nghĩa là: Nếu hành giả Bồ Tát thấy những chúng sanh cõi thế gian bị các thứ khổ não bức ngặt, với tinh thần Nhiêu Ích Hữu Tình, các Ngài liền hóa độ chúng sanh không giây phút chậm trễ, cũng không quên lãng khiến cho chúng sanh trừ hết nhiệt não, được trạng thái thanh lương, dường như uống vị Cam Lộ mà được mát mẻ.

Nếu dùng Cam Lộ như một thứ linh đơn diệu dược có công dụng trị liệu bách bệnh, chỉ cần dùng một lần, tức khắc mọi bệnh tật tiêu trừ, thân thể trở lại khang kiện, đây ví cho Nhiếp Luật Nghi Giới. Nghĩa là nếu hành giả Bồ Tát nào có thể nghiêm trì Nhiếp Luật Nghi Giới một cách chân thành thì tự nhiên được đoạn dứt tất cả ác pháp và không còn tạo tội.

Chúng ta sở dĩ tạo ra các tội ác, đấy là những chứng bệnh, do nơi không y theo Nhiếp Luật Nghi Giới mà phụng hành, để đoạn trừ tất cả tội ác. Nếu nghiêm trì Nhiếp Luật Nghi Giới, đoạn trừ tất cả tội ác, thì ví như bệnh nhân được uống vị Cam Lộ, tất cả tật bệnh đều được thuyên giảm lành mạnh. Vì thế, chính nơi một thí dụ Cam Lộ này, hàm nhiếp Tam Tụ Tịnh Giới của Bồ Tát.

Ðại môn Tam Tụ Tịnh Giới làm thế nào để có thể mở toang ra được?

Ðiều đó không có gì đặc biệt, diệu xảo cả. Chỉ cần được nghe Ðức Phật Lô Xá Na tụng giới pháp mà chư Phật đã thường trì tụng thì cánh cửa to lớn ấy tự nhiên mở rộng ra. Do đây, chúng ta biết được rằng: Nếu không có Ðức Phật Lô Xá Na đọc tụng giới pháp này, tất nhiên cánh cửa cam lộ kia chắc chắn trường kỳ đóng bít. Tất cả chúng sanh trên thế gian nếu chỉ nương vào sức lực của mình thì không bao giờ có thể mở toang cửa ấy ra được. Chúng ta biết rõ giới pháp này không phải ở ngoài mà là sẵn có nơi nội tâm. Khi nghe Phật tụng giới, nếu y theo đó mà phụng hành thì Tâm Ðịa diệu giới sẵn có sẽ được khai phát. Ấy tức là mở toang cánh cửa cam lộ vậy.

A.4.1.4.2. THÍCH CA CHUYỂN THỌ (Phật Thích Ca truyền trao giới pháp)

Kinh văn 

Bấy giờ ngàn trăm ức Phật, 
Trở về đạo tràng của mình.
Ðều ngồi dưới cội Bồ Ðề, 
Tụng mười giới trọng, 
Bốn mươi tám giới khinh
Của Bổn Sư Xá Na. 
Giới như vầng nhật nguyệt sáng 
Cũng như chuỗi báu, ngọc châu, 
Chúng Bồ Tát như vi trần, 
Do giới này mà thành Phật, 
Ðây là đức Xá Na tụng, 
Ta đây cũng tụng như vậy, 
Các ông tân học Bồ Tát, 
Phải cung kính thọ trì giới, 
Khi thọ trì giới này rồi, 
Nên truyền lại cho chúng sanh…

Lời giảng

Hai chữ “thị thời” (bấy giờ) là chỉ thời gian Phật Lô Xá Na vì ngàn Phật Thích Ca và ngàn trăm ức Phật Thích Ca truyền trao Tâm Ðịa giới pháp. Ngàn Phật Thích Ca và ngàn trăm ức Phật Thích Ca đương thời sau khi ở Liên Hoa Ðài Tạng thế giới, nghe Ðức Phật Lô Xá Na tụng giới xong, đều trở về đạo tràng nơi mình đắc đạo trước kia. Tất cả đều ngồi dưới cội Bồ Ðề, tụng lại giới pháp của Bổn Sư Lô Xá Na Phật. Ta (chỉ cho Ðức Phật Thích Ca) đã trì tụng mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh.

Ngàn Phật Thích Ca và ngàn trăm ức Phật Thích Ca đều nhận Ðức Phật Lô Xá Na làm Bổn Sư, cho nên cần phải tụng lại giới pháp của Bổn Sư đã tụng. Ðây là biểu thị giới pháp có thầy truyền trao và trong thân tâm không bao giờ vong bổn. Ðoạn trên đây dùng giải thích các câu kệ trong giới bổn Hán văn:

Thị thời thiên bách ức,  
Hoàn chi bổn đạo tràng, 
Các tọa Bồ Ðề thọ, 
Tụng ngã Bổn Sư giới. 

Phần tiếp theo, giải thích câu kệ: “Giới như minh nhật nguyệt” (giới như vầng nhật nguyệt sáng). Câu này có hai phần:

* “Giới như vầng minh nhật”. Trong kinh thường nói:

Trọng tội như sương, lộ 
Huệ nhật năng tiêu trừ 

Dịch:

Tội trọng như sương, giá,
Mặt trời trí huệ hay tiêu trừ.

Ở phương Bắc Trung Hoa (pháp sư Diễn Bồi ở Trung Hoa), hàng năm từ khoảng tháng Chín, tháng Mười, bắt đầu có sương xuống nhiều. Dù chỉ là một màng mỏng manh, nhưng che phủ cả trên nóc nhà, cây cối, núi rừng. Tất cả hiện ra một màu trắng xóa. Sớm mai thức dậy có thể trông thấy rõ ràng. Nhưng lúc vầng thái dương vừa xuất hiện, bao nhiêu sương tuyết trắng xóa kia đều bị ánh mặt trời chiếu rọi, tức khắc tan biến, không tồn tại được lâu dài. Ngoài sương tuyết ra, còn có một thứ nước mù sa, cũng như thế, cứ mỗi sớm mai, thứ mù sa này đọng khắp trên các đầu ngọn cỏ xanh trong những cánh đồng mênh mông bát ngát, lóng lánh như ngọc. Nhưng khi mặt trời xuất hiện, bao nhiêu giọt mù sa kia đều bị tia sáng mặt trời làm tan biến tức khắc.

Bao nhiêu tội ác của chúng sanh đã tạo ra từ vô thỉ cũng giống như sương tuyết, mù sa, không có thực thể. Nên một khi mặt trời trí tuệ xuất hiện thì tất cả tội ác ấy tức khắc tiêu trừ. Ở đây dùng “minh nhật” để dụ cho Tâm Ðịa diệu giới, nghĩa là khi ánh sáng của vầng thái dương xuất hiện, tất cả hắc ám đều bị tiêu diệt như quang minh của giới pháp có công năng diệt trừ tất cả sương mù tội ác.

* Giới như vầng minh nguyệt:

Minh nguyệt là trăng sáng. Vầng trăng tượng trưng cho sự thanh lương, u tịch. Trong đêm tối, vầng trăng tỏa ra những tia sáng vừa trong sạch, vừa mát mẻ, tạo cho con người cảm giác sảng khoái dễ chịu. Dù ban ngày nóng bức đến độ nào, đêm về, khi vầng minh nguyệt xuất hiện, tất cả sự nóng bức đều tan biến, khiến mọi người cảm thấy mát mẻ, an vui, tự tại.

Ví giới pháp như vầng trăng sáng, là biểu thị ý nghĩa nếu hành giả thật sự nghiêm trì tịnh giới sẽ luôn cảm thấy thân tâm thường được mát mẻ, an vui, tự tại. Trái lại, nếu tạo tội lỗi, hoặc vi phạm giới pháp, dù không ai hay biết, nhưng nội tâm tự biết rõ tội lỗi của mình. Nếu không nghĩ đến thì thôi, một khi bỗng nhiên nghĩ đến, tức khắc mặt sẽ nóng bừng, nội tâm nhiệt não, như tiết mùa Hạ nóng bức không chịu nổi.

Nên kinh luật từng nói:

Phạm giới tựu đắc nhiệt não, 
Trì giới tựu đắc thanh lương. 

Dịch:

Phạm giới sẽ bị nhiệt não,
Trì giới sẽ được mát mẻ, an lạc.

Vì thế nên ví giới pháp như vầng minh nguyệt.

Phần tiếp theo sau đây, xin giải thích câu: “Diệc như anh lạc châu” (cũng như chuỗi anh lạc).

– Anh là tên chung của loài hoa, thứ hoa tốt nhất, hoặc cái tinh túy, tốt đẹp nhất.

– Lạc là vui.

– Châu là hột ngọc sinh ra do nước bọt của con trai dưới biển kết tụ lại rất đẹp và quý.

Anh lạc là một loại chuỗi người Ấn Ðộ dùng làm vật trang sức. Người thì dùng ngọc thật để xâu thành chuỗi, người thì dùng hoa tươi đẹp đẽ để xâu thành tràng hoa trang sức nơi cổ. Ở đây, nói chuỗi ngọc Anh Lạc chỉ cho những hạt trân châu, kim ngân có giá trị được kết lại thành chuỗi, một thứ trang sức quý giá của những người giàu.

Dùng hình tượng chuỗi Anh Lạc quý báu để ví cho chúng sanh, nếu có thể nghiêm trì tịnh giới thì được đắc vô lượng thiện pháp, mà không bị bần cùng, cô độc. Sự bần cùng, cô độc của chúng sanh ở thế gian, đối với Phật pháp mà nói, thì không phải là không có tài sản, tiền bạc, giàu có mà gọi là “bần cùng”. Ở đây chính là chỗ không có công đức, pháp tài, do không nghiêm trì tịnh giới hoàn hảo, khiến cho các thiện pháp quý báu bị tản thất.

Nếu có thể nghiêm trì tịnh giới thì tất cả của báu thiện pháp tự nhiên mỗi ngày dần dần tích tụ lại thành một đại phú gia. Vì vậy, giới pháp được ví như chuỗi ngọc Anh Lạc.

Anh Lạc là loại chuỗi trang nghiêm. Mọi người vì muốn trang sức thân mình nên dùng chuỗi ngọc Anh Lạc mang vào cổ, vì nó là vật vô cùng quý giá và đẹp đẽ. Ấy là dụ cho hành giả nếu có thể nghiêm trì tịnh giới thì có thể không còn những tướng mạo xấu xa. Nếu sanh làm người mà lại bị tướng mạo xấu xí, theo như Phật pháp, thì đó là hậu quả của những việc không nghiêm trì tịnh giới. Nếu có thể nghiêm trì tịnh giới thì chắc chắn được tướng hảo viên mãn.

Hai câu kệ:

Giới như minh nhật nguyệt, 
Diệc như Anh Lạc châu. 

Còn có lối giải thích khác:

– “Giới như minh nhật nguyệt”: mặt trời, mặt trăng tượng trưng cho sự quang minh, biểu thị cho trí huệ quang minh, trang nghiêm.

– “Diệc như anh lạc châu”: anh lạc tượng trưng cho sự giàu sang, biểu thị cho phước đức trang nghiêm.

Căn cứ vào đây, chúng ta có thể biết nếu hành giả có thể nghiêm trì tịnh giới thì chắc chắn được phước huệ nhị nghiêm. Trong kinh thường nói, hành giả tu học Phật pháp, không phải chỉ cần tu phước đức mà đối với trí huệ cũng cần phải chuyên tâm tu học.

Việc tu phước đức, trí huệ này không phải là tìm cầu ở bên ngoài. Chỉ có nghiêm trì tịnh giới mới có thể được phước huệ nhị nghiêm. Tu hành đến mức phước huệ viên mãn, thì đương nhiên được thành Phật quả. Nói như thế mới có thể thấy rõ được rõ ràng tính chất trọng yếu của sự trì giới.

Cổ thi Trung Hoa có câu “nhật nguyệt lệ thiên”. Mặt trời, mặt trăng soi sáng trên không trung, lúc trời quang mây tạnh, tạo nên một khung cảnh vô cùng diễm lệ, trang điểm cho bầu trời trở nên rực rỡ, khiến cho mọi người đối cảnh đều sanh tâm ưa thích, chiêm ngưỡng.

Ðây ví như hành giả tu học Phật pháp, nếu có thể nghiêm trì tịnh giới sẽ được các giới đức trang nghiêm nơi thân. Thế nhân trông thấy đều tín ngưỡng, tôn sùng. Trong xã hội, chúng ta có thể chứng kiến một sự kiện thật rõ ràng: Một tăng nhân phá hủy giới pháp, người ấy không bao giờ được sự kính ngưỡng của giới Phật tử. Vì sự kính ngưỡng là nơi giới đức đầy đủ, chứ không do nơi cá nhân của vị Tăng ấy.

Thế nên chúng Tăng trì giới thanh tịnh, thì dù đi đến đâu cũng đều được sự tôn kính sùng bái của mọi người. Vì thế, hành giả tu học Phật pháp bất luận tại gia hay xuất gia đều phải nghiêm trì tịnh giới.

Vấn đề nghiêm trì tịnh giới chẳng những triệt để đối với hàng Tăng chúng, Phật tử tại gia hay xuất gia, mà đối với vô lượng vô biên chúng Bồ Tát nhiều như vi trần. Trong tương lai, sở dĩ các Ngài được thành tựu Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác không phải do nguyên nhân nào khác mà chính là do nơi thọ trì mười giới trọng, 48 giới khinh.

Cho nên, trong văn tụng có câu: “Do thị thành Chánh Giác” (do đây mà thành Chánh Giác).

Nói như thế để thấy rõ, muốn được thành Phật, phải thọ trì giới này. Vì thọ trì giới là Nhân, thành Chánh Ðẳng Chánh Giác là Quả. Nhân quả rõ ràng như thế đều là do nơi lực dụng của giới pháp. Như thế chúng ta đối với giới pháp này có thể nào lại bỏ qua, không thọ trì!

Ðoạn này dùng giải thích hai câu:

Vi trần Bồ Tát chúng, 
Do thị thành Chánh Giác. 

Như trên đã nói: Mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh vốn do “Bổn Sư Lô Xá Na Phật của ta trì tụng, nên Thích Ca Mâu Ni Phật Ta đây cũng đúng pháp, đúng luật như lời Phật dạy, mà trì tụng như thế” (lời Phật Thích Ca tự nói). Như thế để mọi người thấy rằng: nói tụng giới, không phải bản thân mình không cần tụng, chỉ chuyên môn dùng miệng bảo người khác tụng.

Nho thư có câu “thượng hành hạ hiệu” (người trên thực hành, kẻ dưới mới làm theo). Nên biết đức Lô Xá Na Phật đích thân tụng giới, chính là thể hiện tinh thần “thượng hành”, Bổn Sư Thích Ca cũng tụng như thế chính là ý nghĩa “hạ hiệu” vậy.

Chúng ta không bao giờ tự mình không thực hành mà có thể bảo người khác thực hành được. Chỉ khi nào đem chính bản thân mình thực hành phép tắc thì mới có thể khiến kẻ khác tùy thuận theo để thực hành. Ngược lại, nếu như tự mình không trì tụng, chỉ khiến bảo người trì tụng, thì dù cho có hiệu quả thì cũng chỉ có tính cách nhất thời, không thể nào vĩnh cửu được. Phật Lô Xá Na hiểu rất rõ điểm này.

Bổn Sư Thích Ca cũng nhận thức rất minh bạch nguyên lý ấy. Vì thế nên Bổn Sư Lô Xá Na cũng như ngàn Phật Thích Ca, trăm ngàn ức Phật Thích Ca mỗi mỗi đều trì tụng giới pháp. Ðây là giải thích hai câu:

Thị Lô Xá Na tụng, 
Ngã diệc như thị tụng. 

Dịch:

Ðây là đức Lô Xá Na tụng,
Ta cũng tụng y như vậy.

Phật Lô Xá Na và Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, các ngài hãy còn tụng giới, không dám cẩu thả một mảy tơ, sợi lông như vậy. Hàng tân học Bồ Tát các ông mới được nghe giới pháp, lẽ tất nhiên lại càng cần phải thân tâm cung kính, đảnh đới thọ trì Tâm Ðịa diệu giới này không nên xao lãng, xem thường bất cứ phút giây nào.

– Ðảnh đới thuộc về thân nghiệp, nghĩa là đối với pháp thể hiện thái độ tôn trọng cực điểm.

– Thọ trì thuộc về ý nghiệp, nghĩa là đối với giới pháp phải có tâm quý trọng tuyệt đỉnh.

Vì nếu đối với giới pháp không tôn trọng, quý kính tuyệt đối thì không bao giờ đầu đội và thọ trì. Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni rất e ngại cho những người mới phát tâm, mà lại có sự xem thường đối với giới pháp. Cho nên Ngài đặc biệt thận trọng và cực lực răn dạy. Chẳng những hành giả bản thân phải theo đúng pháp thọ trì như thế, và khi thọ trì rồi lại còn phải truyền trao lại cho những chúng sanh đã phát đại tâm, để giới pháp này mãi được triển chuyển lưu truyền không bị đoạn tuyệt.

– Tự mình thọ trì giới là tự lợi; đem giới pháp truyền trao lại cho chúng sanh là lợi tha. Như vậy mới có thể gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nếu chỉ nghĩ tự mình thọ trì mà không truyền trao cho những chúng sanh phát đại thừa tâm thì thành ra phong cách của Thanh Văn, không thể gọi là Bồ Tát.  Phần trên đây giải thích bốn câu kệ:

Nhữ tân học Bồ Tát 
Ðảnh đới thọ trì giới. 
Thọ trì thị giới dĩ, 
Chuyển thọ chư chúng sanh. 

Dịch:

Các ông mới học Bồ Tát,
Phải cung kính thọ trì giới.
Khi thọ giới này rồi,
Nên truyền lại cho chúng sanh

Lưu ý: “Ðảnh đới” ở đây dịch là cung kính.

Theo sự phân tích ở trên, chúng ta có thể xác định rõ ràng: Ðối với giới pháp này cần phải lưu truyền cho hậu thế mãi mãi, cũng như những ngọn đèn, ngọn này nối tiếp qua ngọn kia. Ánh sáng tiếp nhau mãi mãi không đoạn tuyệt. Ðó chính là do sự triển chuyển truyền giao. Như đầu tiên căn bổn từ đức Lô Xá Na, truyền trao cho Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật lại đem giới pháp căn bổn này truyền trao cho chúng Bồ Tát vi trần. Chúng Bồ Tát vi trần được giới pháp này làm căn bổn và tiếp tục truyền trao cho phàm phu chúng sanh, truyền trao xuống mãi như thế, cùng tột đến đời vị lai vô biên, vô tận.

 
 
/12
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây