Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Kinh Ưu Bà Tắc Giới Tướng

Kinh Ưu Bà Tắc Giới Tướng

Chương 2: Phật Thuyết Kinh Năm Giới Tướng Của Ưu Bà Tắc - Phần Một - Giới Sát Sanh

PHẬT THUYẾT KINH

NĂM GIỚI TƯỚNG CỦA ƯU BÀ TẮC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
 

PHẦN MỘT

GIỚI SÁT SANH

 

Tôi nghe như vậy, một thời Phật tại nước Ca Duy La Vệ.

Bấy giờ Vua Tịnh Phạn đến nơi Phật ngự, đầu mặt lễ dưới chân Phật xong, ông chắp tay cung kính bạch Phật rằng: Nay con có lời thỉnh cầu, để được tự cứu vớt, cúi xin Thế Tôn thương xót chỉ dạy cho.

Phật dạy: Được, Như Lai sẽ thuận theo lời yêu cầu của Phụ Vương.

Vua bạch Phật rằng: Thế Tôn, Ngài đã vì Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Sa Di, Sa Di Ni chế ra những điều khinh trọng của giới luật, cúi mong Như Lai, cũng vì hàng Ưu Bà Tắc chúng con, phân biệt về năm giới, tội nào có thể sám hối, tội nào không thể sám hối, để cho chúng con biết giới tướng rõ ràng không còn nghi hoặc.

Phật dạy: Lành thay! Lành thay! Cù Đàm ta đã có ý niệm này, từ lâu đã có ý định phân biệt nói về năm giới của hàng Ưu Bà Tắc. Nếu có người thiện nam nào thọ trì không phạm, do nhân duyên ấy sẽ được thành Phật Đạo.

Còn như người phạm mà không sám hối thì thường ở trong ba đường ác.

Bấy giờ Đức Phật nói cho Vua Tịnh Phạn nghe các nhân duyên, Vua nghe pháp xong, bèn đến trước Đức Phật đảnh lễ dưới chân, sau đó đi nhiễu quanh Phật.

Phật đem nhân duyên này, bảo các Tỳ Kheo: Ta nay sẽ vì các Ưu Bà Tắc nói về sự khinh trọng của việc phạm giới có thể sám hối, không thể sám hối.

Các Tỳ Kheo đều bạch: Xin vâng, chúng con xin muốn nghe.

Phật dạy: Này các Tỳ Kheo! Nói về phạm giới sát thì có ba hình thức để đoạt mạng người, một là tự làm, hai là dạy người, ba là sai khiến tự làm. Tự làm là tự thân đoạt mạng người khác.

Dạy người tức là dạy bảo người khác, nói rằng: hãy bắt người ấy trói buộc để đoạt mạng sống họ.

Sai khiến là bảo người khác rằng: Ngươi biết người mỗ giáp ấy không?

Nếu biết thì ngươi bắt người ấy trói buộc để đoạt mạng sống của họ, bấy giờ Ưu Bà Tắc phạm tội không thể sám hối.

Lại có ba loại đoạt mạng người, một là dùng nội sắc, hai là dùng phi nội sắc, ba là dùng nội phi nội sắc.

Nội sắc tức là Ưu Bà Tắc dùng tay mình đánh người khác, hoặc là dùng chân và các chi phần khác của thân, rồi nghĩ rằng khiến cho họ chết.

Nếu họ nhân thế mà bị chết đi, như thế gọi là phạm tội không thể sám hối. Nếu không chết liền, sau này nhân thế mà chết thì cũng bị phạm tội không thể sám hối. Nếu không chết liền, sau không nhân thế mà chết, thì phạm tội có thể sám hối.

Dùng phi nội sắt là lấy cây, ngói, đá, dao, giáo, cung tên, khúc bạch lạp, khúc gậy chì từ xa ném vào họ, nghĩ rằng: Khiến cho họ nhân thế mà chết đi. Người ấy nhân thế mà chết, thì phạm tội không thể sám hối. Nếu không chết liền, sau đó nhân thế mà chết cũng phạm tội không thể sám hối. Nếu không chết liền, sau đó cũng không chết, thì tội ấy có thể sám hối.

Dùng nội phi nội sắc, tức là nếu có người nào tay cầm gậy, ngói, đá, dao, giáo, cung tên, khúc bạch lạp, khúc gậy chì, khúc cây đánh người khác mà nghĩ thế này: Khiến cho người đó nhân thế mà chết. Nếu người ấy nhân thế mà chết thì phạm tội không thể sám hối.

Nếu không chết liền, sau đó mới chết, phạm tội không thể sám hối. Nếu không chết liền, sau cũng không chết, thì tội ấy có thể sám hối.

Lại có người không dùng nội sắc, cũng không dùng phi nội sắc, cũng không dùng nội phi nội sắc để giết người mà lại trộn các thuốc độc, hoặc để trên mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, hoặc trên vết thương, hoặc để trên các thức ăn, hoặc trong mền nệm, trong xe kiệu.

Nghĩ rằng: Khiến cho họ nhân thế mà chết. Người ấy nhân đó mà chết thì phạm tội không thể sám hối.

Nếu không chết liền, sau nhân thế mới chết, cũng phạm tội không thể sám hối. Nếu không chết liền, hoặc sau đó cũng không chết, thì tội ấy có thể sám hối.

Lại có người đào hầm không có khói lửa để giết người khác, dùng hạt giết, dùng bẫy gày, đào hầm giết, tốc lên để giết, dùng chú Tỳ Đà La giết, đọa thai giết, xô rớt trong nước lửa, xô rớt trong hầm để giết.

Hoặc âm mưu sai đi khiến cho bị chết ở dọc đường, cho đến thai mới tượng hình có hai căn, thân căn, mạng căn mà khởi phương tiện giết, trong hầm không có khói lửa giết.

Nếu Ưu Bà Tắc biết người ấy đi qua con đường nầy, bèn đào hầm không có khói lửa, rồi lấy cát đất phủ lên.

Hoặc miệng nói: Vì người ấy đi qua con đường nầy, nên ta làm hầm. Nếu người đó nhân thế mà chết, phạm tội không thể sám hối. Nếu không chết liền, sau nhân đó mà chết, phạm tội không thể sám hối. Nếu không chết liền, sau cũng không nhân thế mà chết, thì tội ấy có thể sám hối.

Nếu vì giết người mà đào hầm không có khói lửa, loài người chết không thể sám hối, loài phi nhơn chết thì phạm tội bậc trung có thể sám hối, loài súc sanh chết phạm tội bậc hạ có thể sám hối.

Nếu làm hầm để giết phi nhơn, phi nhơn chết thì phạm tội bậc trung có thể sám hối, người chết thì phạm tội bậc hạ có thể sám hối, súc sanh chết phạm tội bậc hạ có thể sám hối.

Nếu làm hầm để giết súc sanh, súc sanh chết thì tội ấy thuộc bậc hạ có thể sám hối, nếu người rớt xuống mà chết, hoặc phi nhơn rớt xuống mà chết, đều phạm tội bậc hạ có thể sám hối.

Nếu hàng Ưu Bà Tắc làm hầm với mục đích bất định, mà hầm ấy bất kỳ loài nào đến hễ rơi xuống đều bị chết hết. Trong trường hợp ấy, người chết thì phạm tội không thể sám hối. Phi nhơn chết, tội ấy thuộc tội bậc trung có thể sám hối.

Súc sanh chết thuộc tội bậc hạ có thể sám hối. Tất cả đều không chết, phạm ba tội phương tiện có thể sám hối. Thế gọi là làm hầm không có khói lửa để giết vậy.

Dùng chú Tỳ Đà La, nếu hàng Ưu Bà Tắc để ra hai mươi chín ngày triệu tập các loài ma niệm chú vào tử thi, dùng chú thuật khiến cho thây người chết đứng dậy, rồi lấy nước tắm rửa mặc quần áo vào cho tử thi, dùng chú điều khiển cho tay cầm dao.

Hoặc tâm nghĩ miệng nói: Ta vì kẻ mỗ giáp dùng chú Tỳ Đà La này để giết hại, liền đọc chú thuật, nếu người bị hại chết liền thì phạm tội không thể sám hối.

Nếu người đó trước đã vào trong các tam muội, hoặc Thiên Thần hộ trì, hoặc được đại chú sư cứu vớt giải mở khiến không thành pháp hại, thì phạm tội bậc trung có thể sám hối. Thế gọi là dùng chú Tỳ Đà La để giết vậy.

Dùng nửa phần Tỳ Đà La để giết, nếu có Ưu Bà Tắc để ra hai mươi chín ngày làm xe sắt, khi làm xong lại làm người bằng sắt, đọc chú khiến người sắt đứng dậy, sau đó dùng nước rượu tắm rửa mặc áo vào người sắt, điều khiển khiến người sắt tay cầm dao.

Hoặc tâm nghĩ miệng nói: Ta vì kẻ mỗ giáp đọc chú này để giết hắn, nếu người đó chết thì bị phạm tội không thể sám hối, nếu người đó trước đã vào các tam muội, Chư Thiên Thần hộ trì, hoặc chú sư cứu vớt được giải thoát không bị chết, thì phạm tội bậc trung có thể sám hối.

Thế gọi là dùng nửa phần Tỳ Đà La để giết vậy.

Đoạn mạng tức là để ra hai mươi chín ngày, dùng phân bò trét đất, đem rượu thức ăn để vào trong nồi, sau đó đốt lửa xong liền dùng nước rưới vào.

Nếu tâm nghĩ miệng, đọc chú thuật rằng: Như lửa tắt trong nước, nếu lửa tắt thì mạng sống của kẻ thù theo đó mà chết.

Lại trong hai mươi chín ngày đêm dùng phân bò trét dưới đất, đem rượu thịt để trong nồi, rồi vẽ hình tượng người mà mình muốn giết, làm tượng xong, lại bôi đi, tâm nghĩ miệng nói, đọc chú rằng: Nếu như hình vẽ này mất, thì mạng sống của kẻ thù của ta cũng mất, nếu lúc hình vẽ mất, mạng sống kia cũng mất.

Lại nữa để ra hai mươi chín ngày dùng phân bò trét đất, rượu thức ăn để bên trong nồi, lấy kim đâm vào chéo áo, vừa đâm vừa nhổ ra, tâm nghĩ miệng nói, đọc chú rằng: Nếu như nhổ cây kim này ra, mạng sống của họ theo đó chết, thế gọi là đoạn mạng sống.

Nếu dùng các loại chú này để trù yếm, khiến cho họ chết, phạm tội không thể sám hối, nếu không chết thì tội ấy có thể sám hối.

Lại nữa, làm đọa thai, là cho người nữ đã có thai uống thuốc rồi ói ra và rưới nước trên tất cả các nơi có thuốc độc.

Hoặc rãi thuốc độc khắp nơi khiến cho người nữ đạp lên, hoặc dùng kim chích vào mạch máu, cho đến nhỏ thuốc vào mắt, khi làm như vậy với ý nghĩ muốn khiến người nữ kia chết.

Nếu họ chết thật thì phạm tội không thể sám hối.

Nếu không chết liền, sau đó mới chết, thì cũng phạm tội không thể sám hối.

Nếu không chết liền, sau đó cũng không vì vậy mà chết, thì tội ấy có thể sám hối.

Nếu vì muốn giết người mẹ nên làm đọa thai, giả như mẹ chết thì phạm tội không thể sám hối.

Nếu thai nhi chết thì tội ấy có thể sám hối.

Nếu cả hai đều chết thì tội ấy không thể sám.

Nếu cả hai đều không chết thì phạm tội bậc trung có thể sám hối.

Nếu vì giết thai nhi cho nên làm phương pháp đọa thai, thai nhi chết phạm tội không thể sám hối.

Nếu thai không chết thì phạm tội bậc trung có thể sám hối.

Nếu mẹ chết phạm tội bậc trung có thể sám hối.

Nếu cả hai đều chết thì tội ấy không thể sám hối. Đó gọi là cách giết làm đọa thai.

Đè bụng chết khiến cho người phụ nữ có mang thai làm nặng, hoặc vác vật nặng, bảo họ phải kéo xe, hoặc khiến họ lên dốc cao hiểm trở, rồi nghĩ rằng: Ta sẽ khiến cho người nữ này chết. Nếu người nữ chết thì phạm tội không thể sám hối.

Nếu không nhân thế mà chết thì tội bậc trung, có thể sám hối, hoặc để cho người mang thai… như trên đã nói, đó gọi là đè bụng giết.

Sai khiến người khác chết ở giữa đường: Biết đoạn đường ấy có ác thú đói khát, mà âm mưu sai họ đi vào trong con đường ấy rồi nghĩ rằng: Ta sẽ khiến cho kẻ ấy bị chết vào trong con đường ác đó, nếu họ chết thì phạm tội không thể sám hối.

Còn những trường hợp khác việc phạm tội giống như trước đã nói, đó gọi là giết chết trong con đường ác.

Cho đến trong thai mẹ vừa được hai căn: Thân căn và mạng căn, trong khoảng thời gian ngắn ấy, đem tâm giết hại, khởi phương tiện để khiến cho chết, phạm tội không thể sám hối. Ngoài ra, phạm những tội khác giống như trước đã nói.

Khen ngợi giết có ba loại:

Người ác giới.

Người thiện giới.

Người già bệnh.

Người ác giới tức là giết trâu dê, nuôi heo gà, thả chim ưng, bắt cá, thợ săn, lưới thỏ, bắt con chương con nai, làm đồ tể, trộm cướp, trù rủa, giữ ngục.

Nếu đến người như thế nói rằng: Các người là kẻ ác giới, sao tạo tội đã lâu mà không chịu chết sớm?

Người ấy nhân thế mà chết, thì phạm tội không thể sám hối.

Nếu không nhân thế mà chết, thì phạm tội bậc trung có thể sám hối.

Nếu người ác nói như thế người kia không nghe theo lời người này, không nhân thế mà chết thì phạm tội bậc trung có thể sám hối, hoặc khen ngợi người này khiến cho họ chết, có tâm hối hận nghĩ: Tại sao khiến người bị chết như thế?

Trở lại nói lời rằng: Các ngươi là ác nhơn hoặc do vì nhơn duyên thiện tri thức, thân cận người lành, được nghe pháp lành, hay chánh tư duy, xa lìa tội ác, ngươi chớ tự sát. Nếu người ấy tiếp nhận lời mà không chết, thì tội ấy thuộc bậc trung có thể sám hối, khéo răn dạy bốn chúng của Như Lai là vậy.

Nếu đến chỗ các người lành nói thế này: Ngươi trì thiện giới, có phước đức. Nếu chết đi thì liền được phước Trời, sao không tự đoạt mạng. Người ấy nhân vì thế mà tự sát, phạm tội không thể sám hối. Nếu họ không tự sát, phạm tội bậc trung có thể sám hối.

Nếu người thiện giới nghĩ rằng: Ta cớ sao phải nghe theo lời người khác mà tự sát?

Nếu không chết, thì tội ấy có thể sám hối.

Nếu dạy người khác chết, rồi sinh lòng hối hận, nghĩ rằng ta không đúng, tại sao phải dạy người lành chết, bèn đến nói trở lại rằng: Ngươi là người lành, tùy theo thọ mạng mà sống, phước đức thêm nhiều, cho nên thọ phước càng nhiều, chớ nên tự đoạt mạng sống. Nếu họ không nhân vậy mà chết, thì phạm tội bậc trung có thể sám hối.

Người già bệnh bốn đại tăng giảm, chịu các khổ não, đến nói với người đó rằng: Ngươi vì sao kham chịu nỗi khổ này lâu đến thế, sao không tự kết liểu mạng sống đi?

Người đó nhân thế mà chết, thì tội ấy không thể sám hối.

Nếu không nhân thế mà chết, thì phạm tội bậc trung có thể sám hối.

Nếu người ấy tự nghĩ rằng: Ta vì nhơn duyên gì mà dạy người tự đoạt mạng sống?

Hoặc bảo người bệnh xong, sau đó sanh lòng hối hận, ta nói thế là không đúng, tại sao phải bảo người bệnh này tự sát?

Rồi người ấy đi đến nói trở lại rằng: Nầy người bệnh nếu ngươi được thuốc hay, hoặc có ai mà khéo chăm sóc bệnh tình của ngươi, nhờ cho uống thuốc, ăn uống đúng cách, thì bệnh ấy có thể được chữa khỏi, vậy chớ tự kết liễu mạng sống.

Nếu người bệnh đó không nhân thế mà chết, thì phạm tội bậc trung có thể sám hối. Ngoài ra còn bảy loại sát hại như: xô vào hầm, lửa… đã nói rõ việc phạm, không phạm, giống như trên.

Nếu người tưởng là người mà giết, thì tội ấy không thể sám hối, người tưởng là phi nhơn giết chết, người mà trong đó có ý niệm nghi ngờ giết, đều phạm tội không thể sám hối, phi nhơn tưởng là người mà giết, phi nhơn sanh nghi giết, phạm tội bậc trung có thể sám hối.

Lại nữa, một người bị chặt tay chân bị bỏ ở bên hào thành, lại có các người nữ đi vào trong thành, nghe tiếng gào khóc như thế bèn đi đến để xem, cùng nhau bảo rằng: Như ai có thể cho người này uống thuốc độc, khiến cho chết ngay không phải chịu khổ lâu.

Trong đó có kẻ ngu gặp người nữ liền đưa thuốc cho họ uống, khi uống vào liền bị chết.

Các người nữ nói rằng: Ngươi phạm giới không thể sám hối, liền bạch Phật.

Phật dạy: Người nào đưa thuốc cho uống để họ chết thì phạm giới không thể sám hối.

Nếu có hàng cư sĩ dùng phương tiện muốn giết người mẹ mà giết nhằm chẳng phải là người mẹ, tội ấy có thể sám hối.

Nếu hàng cư sĩ muốn giết người chẳng phải mẹ mình mà tự lại giết lầm người mẹ, thì phạm tội bậc trung có thể sám hối, chẳng phải tội nghịch. Nếu người cư sĩ phương tiện muốn giết người mà lại giết phi nhơn, tội ấy có thể sám hối.

Nếu hàng cư sĩ dùng phương tiện muốn giết phi nhơn mà giết nhằm loài người, thì phạm tội nhẹ có thể sám hối.

Có người mang thai súc sanh, muốn trục thai này, phạm tội có thể sám hối. Hoặc súc sanh mang thai người, mà muốn trục thai này, thai chết đi thì phạm tội không thể sám hối.

Nếu có người cư sĩ vì lập kế giết người, cư sĩ chết trước, ít lâu sau người đó mắc mưu kế này mà chết, thì phạm tội bậc trung có thể sám hối.

Nếu hàng cư sĩ muốn giết chết cha mẹ rồi sanh lòng nghi, không biết có đúng là cha mẹ mình hay không?

Nếu biết rõ đúng là cha mẹ mà giết, thì phạm tội nghịch không thể sám hối.

Nếu hàng cư sĩ khởi tâm giết người rồi sanh lòng nghi, không biết có phải đúng là người ta định giết không, nếu biết chắc là người mà ta định giết, bèn ra tay giết, thì phạm tội không thể sám hối.

Nếu người bắt được kẻ giặc muốn đem đi giết, giặc được tẩu thoát, rồi người này nhờ thế lực của quan, hoặc thế lực của hàng xóm sai đi tìm giặc đó.

Nếu có cư sĩ ngược đường đi tới, người đuổi theo kẻ giặc hỏi cư sĩ rằng: Ông thấy kẻ giặc không? 

Cư sĩ đó vì trước kia có ác tâm sân hận đối với kẻ giặc đó, nên nói rằng: Tôi thấy ở chỗ ấy…, do nhân duyên như thế khiến cho kẻ giặc bị mất mạng, thì phạm tội không thể sám hối.

Nếu người sắp đem nhiều giặc muốn giết hại, giặc ấy được trốn thoát, hoặc nhờ thế lực của quan, hoặc thế lực của làng xóm đuổi theo, cư sĩ đó ngược đường đi đến, người đuổi theo hỏi cư sĩ rằng: Ông thấy giặc không?

Trong số giặc ấy có một người vốn đã kết oán thù với cư sĩ, cư sĩ liền nói rằng: Tôi thấy ở chỗ đó, nếu bắt nhằm tên giặc khác, chẳng phải là kẻ mà người cư sĩ oán thù, thì tội có thể sám hối, ngoài ra như trên đã nói.

Nếu cư sĩ cố ý muốn giết mẹ mà giết lầm kẻ khác, thì phạm nghịch tội không thể sám hối. Nếu đùa cười đánh người khác, họ vô tình chết đi thì tội ấy có thể sám hối. Nếu như bị bệnh cuồng loạn, không tự nhớ nghĩ việc giết hại thì không tội.

Nếu hàng Ưu Bà Tắc dùng nước có trùng, cho đến giết trùng trong thảo mộc thì đều phạm tội.

Nếu trong các vật dụng có trùng, mà tưởng là không trùng, khi sử dụng thì cũng phạm. Nếu không có trùng mà tưởng có trùng rồi sử dụng cũng phạm.

Có hàng cư sĩ dựng nhà mới, leo lên mái lỡ làm rớt đòn vong rơi cây trên đầu thợ mộc, thợ mộc liền chết. cư sĩ sanh lòng nghi ngờ có bị phạm tội hay không, bèn hỏi Phật, Phật dạy không có tâm cố sát thì không tội.

Lại có cư sĩ lúc thượng lương nhà, vì sức yếu không thể cầm cự được, xảy tay làm đòn dong rớt trên đầu thợ mộc, thợ mộc liền chết, cư sĩ liền sanh lòng nghi ngờ, Phật dạy là không tội. Nhưng từ nay trở về sau, nên dụng tâm chú ý, chớ để chết người.

Lại có một cư sĩ lúc leo lên mái nhà, gặp phải bò cạp, anh sợ hãi nhảy xuống làm rơi cây trên đầu thợ mộc, thợ mộc liền chết, cư sĩ sanh lòng nghi ngờ.

Phật dạy không tội nhưng từ nay về sau phải đem tâm cẩn thận mà làm, chớ để chết người.

Lại có một cư sĩ, Trời tối đi vào đường nguy hiểm gặp giặc, tên giặc muốn bắt họ, cư sĩ cố gắng tẩu thoát, vì không thấy đường nên trượt chân rớt từ sườn núi xuống nhà thợ dệt, thợ dệt liền chết, cư sĩ sanh nghi ngờ, Phật dạy không tội.

Lại có một cư sĩ cạy đá trên đỉnh núi, đá rơi xuống làm chết người. Phật dạy là không tội, nhưng nếu muốn lăn đá trước phải la lên, nói là sắp đá lăn xuống để khiến cho người biết.

Lại có một người bệnh ghẻ nhọt nhưng chưa mùi, cư sĩ giúp nặn phá khiến họ bị chết, liền sanh lòng nghi ngờ.

Phật dạy, ghẻ nhọt chưa mùi nếu nặn mà người bị chết thì tội bậc trung có thể sám hối, nếu như phá nhọt đã mùi rồi mà chết thì không tội.

Lại có một đứa trẻ hay cười, cư sĩ bắt thọc lét khiến cho nó cười to lên, nhưng đứa trẻ liền chết đi, cư sĩ sanh lòng nghi ngờ.

Phật dạy vì giỡn chơi cho nên không phạm tội sát, nhưng từ nay trở đi không nên thọc lét khiến cho người khác cười.

Lại có một người ngồi lấy áo phủ kín thân, cư sĩ bảo hãy ngồi dậy, người ấy nói: Chớ gọi tôi, tôi đứng lên thì sẽ chết ngay.

Nhưng cư sĩ bắt buộc phải đứng dậy, người ấy đứng dậy thì liền chết đi. cư sĩ sanh lòng nghi ngờ bạch Phật, Phật dạy tội ấy có thể sám hối.

***

/6
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây