Truyện cổ Phật giáo
Ý kiến bạn đọc
Diệu Hạnh Giao Trinh sưu tầm và kể chuyện, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu
PHẦN I: Những chuyện đương thời Đức Phật
33. Hai vợ chồng phát tâm
Lúc đức Phật còn tại thế, chư tăng phải ôm bát đến nhà của tín chúng mà khất thực món ăn thức uống mỗi ngày, vì theo quy tắc của tăng đoàn Ấn Độ lúc bấy giờ, chư tăng không được nhóm lửa nấu ăn.
Có một hôm, đức Phật đưa chúng đệ tử ôm bát vào thành, đến trước cửa nhà vợ chồng người Bà-la-môn nọ, Ngài đứng yên bất động.
Đúng lúc ấy, trong nhà, người vợ đang nấu bếp, bỗng nhiên thấy bốn phía ánh sáng rực ngời, mà ánh sáng này không giống với ánh sáng mặt trời hay mặt trăng, vì chiếu tới thân thì tự nhiên có cảm giác êm ả, khoẻ khoắn.
Ngưòi đàn bà quay đầu lại nhìn mới biết là đức Phật và chư đệ tử đang đứng trước cửa nhà mình. Bà thấy tướng hảo trang nghiêm của đức Phật cùng dáng điệu uy nghi của chư tỳ-kheo, tức thời sinh lòng hoan hỉ tôn kính, muốn đem nồi cơm mới nấu dâng lên các Ngài nhưng chợt nhớ lại người chồng ngu muội không tin Phật, nếu ông này thấy bà cúng dường Như Lai thì chắc chắn sẽ không vui.
Bà cảm thấy buồn rầu, ân hận nghiệp chướng mình đã tạo khiến kiếp này sinh làm thân đàn bà, lúc nào cũng bị người khác khống chế, sai khiến, không được tự do, không tự sinh sống được.
Khi buồn than như thế thì lòng tin và dũng khí của con người thường tăng trưởng lên. Vì thế lòng tin của người đàn bà Bà-la-môn nọ đối với đức Phật càng thêm kiên cố. Bà nghĩ ra một cách, bèn lấy chén đựng cơm ra chắt lấy nước, và đem một thìa nước chắt cơm ấy lên cúng dường Phật. Đức Phật hoan hỉ đón lấy và nói kệ rằng:
Đem trăm voi trắng
Đeo chuỗi anh lạc
Cùng ngọc châu sáng
Để mà bố thí
Công đức không bằng
Cúng dường Như Lai
Một thìa nước chắt.
Lúc ấy người chồng Bà-la-môn từ trong nhà bước ra, thấy nghe mọi sự, lấy làm quái lạ bèn hỏi đức Phật rằng:
– Một thìa nước cơm chắt ấy thì trị giá được bao nhiêu, có cái gì quý báu đâu? Ông nói như thế tức là khi dối người ta, làm sao bảo người ta tin ông được?
Đức Phật hòa nhã đáp:
– Ta từ lâu xa đến nay tu sáu pháp ba-la-mật chưa lúc nào ngừng, nên điều gì ta làm hay nói ra đều là chân thật, không hư dối. Ông nên tin vì ta là Phật, đã chứng thánh quả.
Đức Phật ngừng một lúc rồi nói tiếp:
– Tại đường La Duyệt trong thành Xá Vệ, ông đã từng thấy cây Ni Câu Đà cao hơn mười trượng chưa?
– Tôi biết, đó là một ngọn cây rất lớn, mùa hè là nơi duy nhất người ta có thể tới trốn nắng.
Đức Phật lại hỏi:
– Ông đã biết ngọn cây ấy lớn tới đâu, bây giờ ta hỏi ông, lúc ban đầu hạt mầm gieo xuống to cỡ chừng nào?
– To chừng bằng hạt cải thôi.
Người Bà-la-môn trả lời không cần suy nghĩ.
– Hạt mầm chỉ to chừng bằng hạt cải, mà có thể mọc thành một ngọn cây đa che nửa bầu trời, ông có thể nói đó là một điều kỳ dị hay không? Không có gì kỳ dị trong ấy cả, đó là định luật tự nhiên, là luật tuần hoàn nhân quả. Hôm nay, hai vợ chồng ông đem thìa nước chắt cơm ra bố thí thì kết quả thu hoạch được ở tương lai không phải là không tính lường được hay sao? Huống chi ta là ruộng phước lớn của công đức vô thượng, có đủ pháp bảo thù thắng. Các người cung kính cúng dường Phật, thì phước báu trong tương lai không có hạn lượng.
Đức Phật thuyết lời thành thật ấy khiến hai vợ chồng Bà-la-môn hết sức sùng kính khâm phục, từ đó hai người rất nhiệt thành trong việc thiết trai cúng dường. Khi chấm dứt mạng sống, họ được sinh lên cõi trời, hưởng phúc lạc lâu dài của cõi ấy.
Không nhất thiết phải giàu có mới bố thí được, vì trong Phật giáo, không phải chỉ có đem tiền tài ra cho mới gọi là bố thí. Nếu bạn thấy một người thực hành bố thí mà trong tâm không sinh lòng ganh ghét, sân hận, trái lại sinh tâm tùy hỉ, ngợi khen, thì công đức của bạn cùng với công đức của người bố thí kia ngang nhau. Điều thiện ấy thật quá dễ làm, sao chúng ta lại không chịu làm?
Đức Phật nói với mọi người rằng:
– Hai vợ chồng Bà-la-môn bố thí một thìa nước cơm chắt ấy không những hiện tại sinh cõi trời hưởng phúc, mà vĩnh viễn sẽ không đọa ác đạo nữa. Rồi sau 30 kiếp, họ sẽ giáng sinh xuống nhân thế và sẽ thành Phật giữa loài người.