Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh
Phàm Lệ
1. “Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký”: Ðề mục bộ kinh này có chín chữ. Bảy chữ trước ở đây xin gác qua, vì trong phần giải thích đề mục kinh, và đề mục phẩm có nói rõ, nên ở đây chỉ nói qua hai chữ “giảng ký”. Giảng là do Pháp Sư Diễn Bồi y trong Bồ Tát Giới Bổn, tức là năm mươi tám giới (58) gồm có 10 giới trọng (10) và bốn mươi tám giới khinh (48) (Ở đây chỉ nói qua 58 giới, là thuộc về phần giới tướng, còn phần trước và sau, không nói, vì không cần).
Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký Ý kiến bạn đọc
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh
D. Lược giải thích đề mục kinh và đề mục phẩm Tâm Ðịa:
Kinh này gọi là “Phật thuyết Phạm Võng kinh”, chủ đích lấy Tâm Ðịa Giới Pháp làm phép tắc thân tâm cho hành giả. Cho nên cả đến các bậc chư thiên, chư tiên, biến hóa nhơn và Bồ Tát, cũng không thể tuyên thuyết. Duy chỉ có mỗi một mình đức Phật, là bậc đại giác thánh giả, mới có thể tự thân phu dương. Vì thế mà trên đề mục để là “Phật thuyết”.
Bồ Tát giới kinh ở đây chẳng những Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật hiện thuyết, mà chư Phật quá khứ cũng đã tuyên thuyết.
Chẳng hạn giới kinh của:
– Ðức Câu Lưu Tôn Phật tuyên thuyết gọi là Cam Lộ Cổ.
– Ðức Câu Na Hàm Mâu Ni Phật tuyên thuyết gọi là Pháp Cảnh.
– Ðức Ca Diếp Phật tuyên thuyết gọi là Phân Biệt Không.
– Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tuyên thuyết gọi là Phạm Võng.
Nói như thế để thấy rõ giới Bồ Tát này, chính bảy Ðức Phật đồng phụng hành và dùng làm Nghi Quỹ (nghi thức phép tắc). Chúng ta là phàm phu không nên có tâm niệm xem thường.
Nếu nói kinh này do đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tuyên thuyết là nói một cách đơn giản nhất. Vì bảy đức Phật đều trở lại truyền trì giới này, cho nên có nơi cho là đức Bổn Sư Thích Ca không phải là vị Phật bổn nguyên của Giới Kinh. Chẳng qua, Ngài vì chúng ta mà tụng giới.
Có nơi nói quyển Thượng của bộ kinh này là do đức Phật Lô Xá Na tuyên thuyết, quyển Hạ là do Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tuyên thuyết. Có nơi nói kinh này do ba thân Phật đồng tuyên thuyết. Ba thân Phật thuyết pháp nghĩa là: Ðầu tiên, y nơi Căn Bổn Trí của Pháp Thân mà khởi Hậu Ðắc Trí. Từ Hậu Ðắc Trí hiện Báo Thân để làm vị chủ thuyết pháp. Kế đó, Báo Thân hiện ra ngàn hóa thân Phật Thích Ca và ngàn trăm ức Phật Thích Ca làm thính chúng.
Sau cùng, đức Phật Lô Xá Na lại bảo ngàn Phật Thích Ca và ngàn trăm ức Phật Thích Ca ở các thế giới làm vị chủ thuyết pháp. Hàng nhân, thiên, phàm thánh v.v… là thính chúng.
Ba thân Phật như thế bất luận ở thời gian nào, địa phương nào, đều có thể tùy thuận căn cơ bất đồng của các loại chúng sanh mà tuyên thuyết Phạm Võng Giới Pháp, năm mươi tám giới – trong trăm nghìn pháp môn. Vì thế, ba thân Phật về mặt ứng cơ, dù rằng có chỗ sai khác, nhưng về mặt bản thể vẫn tương đồng.
Y chiếu theo Tam Thân Phật giảng nói Tâm Ðịa Giới Pháp, chúng ta thấy có ba tầng lớp rõ ràng:
– Ðức Lô Xá Na truyền pháp cho ngàn Phật Thích Ca thừa thọ.
– Ngàn Phật Thích Ca truyền pháp cho trăm ngàn ức Phật Thích Ca thừa thọ.
– Ngàn trăm ức Phật Thích Ca truyền pháp, tất cả chúng sanh đồng thừa thọ.
Cứ như thế mà suy diễn, triển chuyển xuống mãi, thì chúng sanh hiện tại truyền pháp, chúng sanh tương lai thứ lớp thừa thọ, miên viễn không cùng tận… nên gọi là Vô Tận Pháp Giới.
Về sự lưu truyền kinh Phạm Võng trên thế giới hiện thực của chúng ta đang cư trú, không ai còn có thể nghi ngờ. Vì chính thực là do đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thuật lại mới có. Cho nên đề mục của kinh là “Phật thuyết”.
Như thế, chúng tôi quyết định thừa nhận kinh này đích xác chỉ do đức Bổn Sư Thích Ca tuyên thuyết. Nếu như không phải là do đức Thế Tôn thuật lại, thì trên thế gian này, không bao giờ có kinh Phạm Võng lưu truyền. Và ngày hôm nay, chúng ta chẳng những không được nghe Tâm Ðịa giới pháp này là bổn nguyên của chư Phật, lại không có nhơn duyên gì để được nương theo tâm địa giới pháp này mà bẩm thọ Bồ Tát đại giới!
– Hai chữ “Phật thuyết” là chỉ cho người năng thuyết.
– Hai chữ “Phạm Võng” chỉ rõ nghĩa “sở thuyên” (thuyên giải), tức là nêu thí dụ để thuyết minh giới pháp.
Tâm địa giới pháp của chư Phật đồng tuyên dương, ngàn Thánh đồng thực hiện, cũng là huệ mạng của chư Phật, là bổn nguyên của tất cả chúng sanh.
Bổn nguyên tự tánh thanh tịnh nên gọi là Phạm.
Huệ mạng khắp truyền nơi trần sát nên gọi là Võng.
Trên đây là giải thích hai chữ Phạm Võng một cách đơn giản. Nhưng trên thực tế, lúc đương thời, đức Phật lấy mành lưới bảo tràng dùng để trang nghiêm bảo điện của Ðại Phạm Thiên Vương ẩn dụ cho giới kinh Tâm Ðịa Pháp Môn này. Nói một cách đơn giản là dùng mành lưới của Ðại Phạm Thiên Vương để dụ cho nghĩa Sở Thuyên.
Ðức Phật sở dĩ nêu lên thí dụ này vì trong kinh văn thuyết minh: “Lúc đó, nhân khi xem mành lưới bảo tràng của Ðại Phạm ThiênVương, Ðức Phật vì đại chúng mà giảng kinh Phạm Võng, ngài dạy rằng: Vô lượng thế giới dường như là lỗ lưới. Mỗi thế giới đều khác nhau, khác nhau đến số vô lượng, giáo pháp của Phật cũng như vậy”. Chính nơi thí dụ Phạm Võng này hàm nhiếp nhiều ý nghĩa bên trong cho nên từ nơi thí dụ mà lập đề mục kinh.
Y cứ theo kinh Phạm Võng quyển thượng, Phạm Võng thì lúc đức Phật nói kinh Phạm Võng không phải ở cảnh giới nhân gian hiện thực này, mà Ngài ngự ở nội đình trong cung của Ðại Phạm Thiên Vương. Vì đức Phận nhận thấy Tâm Ðịa giới pháp sắp giảng là pháp thậm thâm, bí mật, thanh tịnh, tối thắng, độc tôn, vô thượng, không thể ở trong cõi nhân gian này tuyên nói được nên đặc biệt, Ngài ngự ở nơi nội đình, trong cung của Ðại Phạm Thiên Vương mà tuyên thuyết.
Chính vì vậy Ngài mới lấy từ Phạm Võng làm thí dụ. Mành lưới bửu tràng trong cung của Ðại Phạm Thiên Vương mệnh danh là Nhơn Ðà La Võng. Trung Hoa dịch là Thiên Xích Châu. Mành lưới xích châu của Ðại Phạm Thiên Vương này có từng lớp. Cứ mỗi lớp mà tính, lại có đến nghìn lớp bên trong. Mỗi lớp đều có mười đường hồng quang. Những đường hồng quang ấy ưởng xạ lẫn nhau, màu sắc của các bảo châu chói sáng lẫn nhau, lớp lớp vô tận, không chướng ngại nhau.
Tại sao được như vậy? Lẽ đương nhiên đây là mối quan hệ Nhơn Quả. Vì đức Ðại Phạm Thiên Vương ở trong nhân địa tu tập các công đức, nên phước báo được chiêu cảm, có phạm võng trang nghiêm. Ðức Phật thấy trên mành lưới bảo tràng này màu sắc các tia trùng trùng chói suốt lẫn nhau. Hình tượng của nó giống như pháp môn sự lý kết chặt lẫn nhau. Vì thế, Ngài đặc biệt dùng vô lượng lỗ lưới của mành bảo tràng ấy để thí dụ:
– Cho sự an lập vô lượng thế giới trong mười phương cũng giống như vậy.
– Cho sự thi thiết vô lượng pháp môn trong mười phương cũng giống như vậy.
– Cho chư Bồ Tát trong mười phương y theo giới pháp tu chứng có vô lượng giai cấp khác nhau, cũng giống như vậy
– Cho chư Phật trong mười phương thọ dụng vô lượng cảnh giới, cũng giống như vậy
– Cho tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới có vô lượng tâm hạnh, cũng giống như vậy.
…Dù có nhiều thí dụ như trên, nhưng thực ra đó chỉ là biểu thị cho tự tâm của tất cả chúng sanh. Vì thế giới có vô lượng sai khác đều do nơi tâm hạnh của chúng sanh cấu thành.
Pháp môn của Ðức Phật nói có vô lượng sai khác, thi thiết giai cấp của Thánh Hiền có vô lượng sai khác, không pháp nào chẳng phải là tùy theo sự cấu nhiễm trong tâm của chúng sanh có khinh, có trọng mà phương tiện an lập. Nếu như không có tất cả Tâm, nhọc chi Phật nói tất cả Pháp?
Dù Phật nói pháp môn có nhiều, nhưng đều là vốn ở trong tâm của chúng sanh, và cũng không ra ngoài thí dụ Phạm Võng.
Chúng ta nghe được Phật nói thí dụ này, nếu có thể vâng giữ Kim Cang Quang Minh Bửu Giới thì nước Thiền Ðịnh đứng lặng, gươm trí huệ sắc bén, xé rách các thứ lưới kiến chấp. Giới quang minh liền nơi đó có thể riêng hiển lộ, đấy là diệu dụng của việc trì giới.
Như trên đã giải thích, Phạm Võng có nhiều ý nghĩa. Nhưng lại còn có một thuyết nữa:
– Phạm Võng là tóm tắt về ngôn giáo của đức Như Lai.
Chữ Phạm ý nghĩa là thanh tịnh, để biểu thị ngôn giáo của đức Như Lai từ trong bể Ðại Giác thanh tịnh mà lưu lộ ra, đều là có công năng chỉ đạo cho mọi người hướng thượng, hướng thiện, hướng quang minh, thân tâm được thanh tịnh, là ngôn giáo tối cực thanh tịnh trên thế gian. Nên bất luận loài hữu tình nào được tiếp thọ ngôn giáo ấy, đều có thể xa lìa tất cả cấu uế.
Chữ Võng là ý nghĩa gạn lọc, mò bắt, để biểu thị giáo pháp thanh tịnh của Ðức Như Lai giống như cái lưới bắt cá người thế gian dùng bắt cá. Giáo pháp của Phật có công năng lựa lọc, mò bắt tất cả chúng sanh đang lặn ngụp trong bể khổ sanh tử, đem về cảnh giới Niết Bàn an ổn, không còn bị nổi chìm trong bể khổ sanh tử nữa.
Thí dụ này trong kinh Hoa Nghiêm thuyết minh như sau:
Trương đại giáo võng,
Cắng sanh tử hải
Lộc thiên, nhơn, long,
Chí Niết Bàn ngạn.
Dịch:
Bủa giăng màng lưới pháp Ðại Thừa,
Trùm suốt khắp cả bể sanh tử,
Gạn bắt tất cả người, trời, rồng,
Ðem về để trên bờ Niết Bàn.
Bài kệ này chứng minh rõ ràng giáo pháp của Phật như Phạm Võng rất quý báu vậy.
Cuối cùng, căn cứ vào giới pháp để thuyết minh hai chữ Phạm Võng. Phật pháp xưa nay thường nói “nghiêm trì giới cấm là phạm hạnh”, nên giới pháp chính là Phạm. Vì giới có công năng “phòng phạm chỉ ác” nên cùng một ý nghĩa thanh tịnh với chữ Phạm, nhưng đó là phân biệt mà nói.
Năm giới của chúng Phật tử tại gia đang giữ gìn, không được gọi là Phạm hạnh, tại sao vậy?
Vì quý Phật tử tại gia vẫn chưa tuyệt đối ly khai vấn đề nam nữ (theo việc kết hôn, vợ chồng chính thức thông thường là không ở trong phạm vi cấm chỉ). Còn giới điều của ngũ chúng Phật tử xuất gia riêng giữ gìn thì được công nhận là Phạm hạnh. Vì quý Phật tử xuất gia vâng giữ mười giới Sa Di và giới Cụ Túc của tỳ kheo, tỳ kheo ni; sự quan hệ giữa nam nữ hoàn toàn không cho phép có sự tiêm nhiễm. Tuyệt đối cấm chỉ vấn đề dâm dục, bởi lẽ dâm dục chính là cội gốc của sanh tử. Hành giả nếu có thể nghiêm trì tịnh giới tức là tu Phạm hạnh.
Kinh Tăng Nhất A Hàm thuyết minh: “Nhược hữu giới luật cụ túc nhi vô sở phạm, thử danh thanh tịnh, đắc tu phạm hạnh” (nghĩa là: “Nếu có người giữ giới luật đầy đủ, không vi phạm, thì người ấy được gọi là tu Phạm hạnh rất thanh tịnh”).
Căn cứ vào đấy, chúng ta có thể thấy nghiêm trì giới pháp thanh tịnh gọi là tu Phạm Hạnh.
Trên đây là căn cứ vào việc trì giới của hai chúng Phật tử tại gia và xuất gia để phân biệt. Bây giờ, hãy tiến lên một bước nữa, thuyết minh về sự trì giới của Thanh Văn và Bồ Tát.
Luật nghi giới Thanh Văn của hành giả thọ trì xem trọng hai nghiệp thân và khẩu, tuyệt đối không được vi phạm. Hễ khi nào hai nghiệp thân, khẩu thực hành đúng pháp, đúng luật thì được cho là giữ giới hạnh thanh tịnh. Trường hợp tâm ý khởi những vọng niệm không chính đáng thế nào chăng nữa thì cũng không thuộc vào trong hạn lệ của phạm vi ngăn cấm. Nếu khi nào bản thân thực sự giết người, miệng thực sự nói lời không thật, dối gạt người, đương nhiên là đã phạm giới.
Nhưng nếu nội tâm khởi một niệm giết người, tư tưởng muốn nói một câu dối gạt người, nhưng vì chưa thực sự giết người, chưa dối gạt người, như thế không thể gọi là phạm giới. Vì hành giả Thanh Văn thừa không phòng chỉ ác niệm của tâm ý, cũng không phá trừ các kiến giải, cho nên dù giữ gìn tịnh giới một cách nghiêm cẩn, nhưng xét một cách thâm sâu vào bên trong, vẫn không được gọi là Phạm hạnh.
Còn như Tam Tụ Tịnh Giới của Bồ Tát tuân giữ, chẳng những hai nghiệp thân khẩu tuyệt đối không được vi phạm, mà đến ý nghiệp của tự tâm phát khởi cũng không được trái phạm.
Nói một cách khác, trong lúc khởi tâm động niệm, cũng quyết không được vi phạm cấm giới của Như Lai. Như việc sát sanh, nếu chính thân mình giết hại sanh mạng của chúng sanh, tất nhiên phạm giới căn bổn sát sanh. Nếu nội tâm chỉ khởi một niệm muốn sát hại sanh mạng chúng sanh là đã vi phạm giới sát căn bổn.
Có người cho rằng Giới Bồ Tát chỉ căn cứ vào đại thể, không câu chấp tiểu tiết. Ý nghĩa này thực sự sai lầm vô cùng! Họ hẳn không biết rằng giới Bồ Tát nghiêm cẩn đến mức ngăn cấm ngay trong lúc khởi tâm động niệm những tư tưởng phi pháp. Nếu đem so sánh Luật Nghi Giới của Thanh Văn thừa, lại càng khó giữ gìn cho được thanh tịnh.
Kinh Ðại Bảo Tích, Ưu Ba Ly tôn giả từng nói: “Phật vì Bồ Tát thừa giảng nói thâm tâm giới, vì Thanh Văn thừa giảng nói thứ đệ giới”.
Căn cứ vào đó đủ chứng minh Ðại Thừa Bồ Tát giới rất xem trọng nội tâm thanh tịnh. Vì Bồ Tát giới căn cứ nơi tâm mà luận việc phạm tội. Cho nên hành giả Ðại Thừa cần phải phòng hộ trong lúc khởi tâm động niệm.
Nếu có thể phòng hộ trọn vẹn ba nghiệp, phá trừ các kiến chấp, chứng nhập chân lý, thế mới được gọi là “chân phạm hạnh”. Ðó là phân biệt rõ về nghĩa thế nào là Phạm Hạnh và không phải Phạm Hạnh.
Về ý nghĩa chữ Võng, căn cứ vào Giới để giải rõ, thì có thể phân biệt như sau:
– Căn cứ vào giáo pháp thì Võng là lựa lọc, mò bắt.
– Căn cứ về mặt Giới Luật thì Võng cũng đồng công năng lựa lọc, mò bắt.
Như Nhiếp Thiện Pháp Giới và Nhiêu Ích Hữu Tình Giới của Bồ Tát vẫn có công năng lựa lọc, mò bắt chính mình và tha nhân ra khỏi bể khổ sanh tử.
Nhiêu Ích Hữu Tình Giới lấy sự cứu tế chúng sanh làm cội gốc, vì Bồ Tát sở dĩ trở thành một vị Bồ Tát, danh phù hợp với thật, chính ở chỗ phải làm thế nào lợi tế hữu tình và lựa lọc, mò bắt tất cả chúng sanh trong bể khổ sanh tử đem ra. Một vị Bồ Tát đã phát Bồ Ðề tâm, nếu như không tuân thủ giới điều này thật nghiêm cẩn, buông bỏ việc làm lựa lọc, mò bắt chúng sanh trong bể khổ sanh tử, chẳng những vi phạm tịnh giới của Bồ Tát, mà còn mất hẳn tư cách của Bồ Tát. Sở dĩ gọi là Bồ Tát là do ý nghĩa như vậy. Cho nên Nhiêu Ích Hữu Tình Giới có công năng lựa lọc, mò bắt chúng sanh giống như màng lưới.
Nhiếp Thiện Pháp Giới lấy sự rộng tu vô lượng thiện pháp làm chủ đích, tức là từ trong vệc tu tập vô lượng thiện pháp, hành giả có thể tự lựa lọc, mò bắt chính mình ra khỏi bể sanh tử. Ðó là mục đích duy nhất. Nếu hành giả Bồ Tát không thể rộng tu vô lượng thiện pháp thì muôn đời vẫn nổi chìm trong bể khổ sanh tử, đâu còn khả năng lợi tế tất cả chúng sanh? Cho nên Nhiếp Thiện Pháp Giới có khả năng lựa lọc, mò bắt chính mình ra khỏi biển khổ sanh tử giống như màng lưới.
Riêng về Nhiếp Luật Nghi Giới đặc biệt ngăn cấm chúng sanh không cho tạo ác, khác nào dùng cái lồng để nhốt chim, không cho chúng mặc ý hoạt động. Chúng ta sở dĩ thường hành động trái phạm giới luật là do không dùng mành lưới Luật Nghi Giới để nhốt tâm chúng ta cho chắc chắn, để nhờ đó, chúng ta có thể hành động trong một phạm vi thích đáng, không vi phạm Giới Luật.
Lại còn một thuyết nữa, cho rằng “giới tướng Bồ Tát giới quá nhiều như trần sa, vi tế khác biệt, xen lộn, xuất nhập, khuất khúc, thật khó nhận thức được, nên dụ như mành lưới”. Mành lưới giới pháp này sẽ thúc đẩy hành giả đi trên con đường giải thoát, chứ không phải thúc phược (6) mình và người.
Bốn chữ “Phật thuyết Phạm Võng” là thuộc về Biệt Ðề của kinh này. Nhưng phần Biệt Ðề chỉ có hai chữ Phạm Võng, còn hai chữ “Phật thuyết” là Thông Ðề, vì rất nhiều kinh, trong phần tựa đều mang hai chữ “Phật thuyết” ở phía trước như Phật thuyết A Di Ðà Kinh, Phật thuyết Bát Ðại Nhơn Giác kinh…
Phần cần giảng tiếp theo là chữ Kinh, thường được đặt ở phần rốt sau của tựa đề. Kinh là chữ thuộc về Thông Ðề, vì nó mang tính chất phổ biến với tất cả kinh điển Ðại Thừa lẫn Tiểu Thừa, Hiển Giáo và Mật giáo. Tất cả đại tạng giáo của đức Thế Tôn tuyên thuyết đều gọi là Kinh. Chữ Kinh ở Ấn Ðộ gọi là Tu-đa-la, Tu-đố-lộ, hay Tố-đát-lãm, Trung Hoa dịch là Khế Kinh.
Khế kinh theo nghĩa thông thường giải thích:
Thượng khế chư Phật chi diệu lý,
Hạ khế chúng sanh chi cơ nghi.
Nghĩa là: trên khế hợp với giáo lý của chư Phật, dưới thì khế hợp với cơ nghi của chúng sanh, nên gọi là Khế Kinh. Nhưng thông thường gọi vắn tắt là Kinh, ấy là bỏ bớt chữ Khế.
Thật ra, chữ Kinh mang ý nghĩa chữ Tuyến (sợi chỉ), có tác dụng xỏ xâu lại những vật rời rạc nhau. Chẳng hạn, những đóa hoa trên bàn đang rời nhau, không thể đeo vào cổ tay hay vòng lên đầu được, nếu dùng sợi chỉ xâu tất cả đóa hoa ấy lại, sẽ thành một vòng hoa, dùng làm đồ trang sức.
Ngôn giáo của Phật cũng như thế. Vốn là từ trong bể Ðại Giác lưu lộ ra. Giảng xong là hết chuyện, nhưng nhờ sự biên tập và ghi chép lại của các đệ tử Phật, tập trung tất cả lời dạy của đức Phật đã tuyên thuyết, tổ chức lại cho có hệ thống, điều lý, quy củ hẳn hòi, thành ra một đại tạng kinh.
Các tạng kinh này được sắp xếp theo từng bộ, loại, khiến cho mọi người nói chung, giới Phật tử nói riêng, đều có thể thọ trì đọc tụng một cách tiện lợi, đặc biệt đối với ngôn giáo của Phật đã giảng, nhờ việc này mà không đến nỗi “người hành pháp không còn”, nên gọi là Kinh.
Căn cứ vào kinh Phạm Võng thì Tâm Ðịa giới pháp bao gồm mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh, vốn khác biệt vì tính chất khinh và trọng. Nếu đem mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh của đức Phật đã nói, quán xuyến và nhiếp trì lại thành một bộ Bồ Tát Giới Kinh duy nhất, cũng như những hạt ngọc trong mành lưới của Ðại Phạm Vương, vốn là những hạt ngọc rời rạc. Sở dĩ chúng trở thành mành lưới báu là do dùng chỉ xâu lại mới thành.
Trên đây, chữ Kinh đã được giải thích là Tuyến. Ngoài ra, có những danh từ để định nghĩa chữ Kinh như Dũng Tuyến, Thằng Mặc v.v… ở đây giảm bớt không đề cập nhiều, vì xét thấy không quan hệ lắm.
Về phần Ðề Mục của phẩm, cần phải hiểu tại sao là gọi là Bồ Tát Tâm Ðịa Phẩm?
Theo kinh tạng từ trước đến nay, phẩm này là phẩm thứ 10, trong số 61 bộ Quảng Luật Bồ Tát. Ðức La Thập khi dịch phẩm này đã chia ra thành hai quyển thượng và hạ:
– Quyển thượng giảng về giai cấp tu chứng, lý trí quán hạnh của Bồ Tát, nghĩa là gồm 30 tâm và Thập Ðịa.
– Quyển hạ giảng về Tâm Ðịa Giới pháp của Bồ Tát. Chính là mười giới trọng và 48 giới khinh.
Trước tiên, xin giải thích sơ lược danh từ Bồ Tát. Bồ Tát là chữ gọi tắt của tiếng Ấn Ðộ, nói đủ là Bồ Ðề Tát Ðỏa, Trung văn gọi là Giác Hữu Tình hoặc Ðại Ðạo Tâm Chúng Sanh, cũng gọi là Khai Sĩ, hoặc Ðại Dũng Tâm.
Kinh Ðại Phẩm Bát Nhã thuyết minh: “Người này có Ðại Ðạo Tâm không thể nào làm hư hoại, cũng như kim cương (rất cứng chắc). Ðầu tiên từ khi mới phát tâm đến cuối cùng thành bậc Ðẳng Giác, đều gọi là Bồ Tát”.
Vì thế, quá trình của một vị Bồ Tát thật lâu dài. Trong quá trình dài xa ấy, trình độ tu chứng của một vị Bồ Tát được phân ra làm hai cấp cao, hạ khác nhau. Trong kinh cũng như vậy, Bồ Tát được phân chia thành nhiều giai cấp, địa vị sai khác như 30 tâm và Thập Thánh v.v…
Vì vậy, phàm người đã phát tâm Bồ Ðề, tu hạnh Bồ Tát lợi mình, lợi người, lấy việc cầu thành Phật đạo làm mục đích, đều gọi là Bồ Tát. Ðối với tất cả hành giả trong Phật pháp, Bồ Tát là bậc quý nhất, hành giả bên Nhị Thừa không thể bì kịp, nên trong kinh có câu: “Sơ phát dĩ vi nhơn thiên sư; thắng xuất Thanh Văn, Duyên Giác”. Nghĩa là: Người mới phát tâm Bồ Ðề, đã là bậc thầy của nhân, thiên, vượt lên trên bậc Nhị Thừa Thanh Văn, Duyên Giác, chính là ý nghĩa này vậy.
Tiếp theo xin giải thích hai chữ Tâm Ðịa:
– Tâm Ðịa chính là chỉ thẳng vào vùng đất bổn nguyên của tâm tất cả chúng sanh.
– Cảnh giới chứng đắc của chư Phật là chứng ngay Tâm Ðịa này.
– Chỗ mê muội của chúng sanh cũng chính là sự mê muội ngay trong Tâm Ðịa này.
Cho nên đức Như Lai đã qua lại trong tam giới hơn tám nghìn lần, không lần nào lại không vì mục đích duy nhất: Phát minh bổn nguyên Tâm Ðịa cho tất cả chúng sanh. Vì vậy, Phật khuyên bảo tất cả chúng sanh nên y theo Tâm Ðịa này bẩm thọ bảo giới Phật Tánh, làm chỗ tu nhơn căn bản, hướng về Phật Quả tối cao mà thẳng tiến, cho nên mệnh danh là Tâm Ðịa.
Bổn nguyên Tâm Ðịa này là tâm của chúng sanh, nhưng không thể dùng tai nghe, mắt thấy được; cũng không thể dùng tâm thức mà suy tư được. Nếu nói lớn thì nó rất lớn, không có gì ra ngoài nó được. Nhược bằng cho là nhỏ thì nó rất nhỏ không thể chứa vật gì bên trong, rỗng rang, sáng suốt, vắng lặng, thường hằng, tuyệt danh, tuyệt tướng, vô cùng linh minh.
Tất cả pháp giới, tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình đồng nương nơi Tâm này. Tâm tánh thanh tịnh này của chúng sanh, xưa nay vẫn thanh tịnh, nhưng vì bị phiền não làm nhiễm ô, nên biến thành cảnh tượng tạp nhiễm. Những tạp nhiễm này chẳng qua là khách trần.
Hiện tại chúng ta chỉ cần nương nơi Tâm Ðịa giới pháp này, từ lúc sơ phát tâm chho đến bực Ðẳng Giác đại sĩ, mà tu tập theo từng giai cấp, địa vị. Cứ lên mỗi giai cấp, địa vị, những ô nhiễm khách trần sẽ dần dần được tước bỏ khiến cho Tâm Ðịa giới được thành tựu kiên cố. Một ngày kia, chứng nhập quả vị Diệu Giác, giới thể được viên tịch, tất cả ác pháp được vĩnh viễn tịch trừ, muôn pháp lành được hoàn thành mỹ mãn, ấy chính gọi là Lô Xá Na Phật (7).
Như trong quyển thượng của kinh này thuyết minh: “Ngã dĩ bá kiếp tu hành thị Tâm Ðịa, hiệu ngô vi Xá Na” (Ta trải qua trăm ngàn a tăng kỳ kiếp tu tập tâm địa này, ta được hiệu là Lô Xá Na).
Ðức Lô Xá Na sở dĩ được gọi như vậy, không phải ngẫu nhiên mà được, mà là do tu tập tâm địa này và được chứng đắc. Chư Bồ Tát trong nhân vị tâm địa này, muôn đức đều tu, chính là dùng bổn nguyên tâm địa giới làm diệu dụng duy nhất. Quả vị thù thắng nhờ đó phát sinh. Cũng như quả đại địa có công năng trưởng dưỡng tất cả vạn vật nên gọi là Tâm Ðịa.
Nếu phân chia mà nói, có người dùng 30 tâm để giải thích chữ Tâm; dùng Thập Ðịa để giải thích chữ Ðịa. Họ không biết rằng ba mươi tâm đều là chỗ đi quả của chư Bồ Tát. Không có 30 tâm thì không thể nào xuất sanh diệu quả thù thắng. Cho nên mỗi tâm đều có thể gọi là Ðịa.
Ðến như thể tánh của Thập Ðịa, mỗi mỗi địa đều thống nhiếp vạn pháp, không địa nào chẳng phải là diệu tâm của Bồ Tát. Cho nên mỗi địa đều có thể gọi là Tâm.
Tóm lại:
Nếu muốn tu tập các pháp lành, tăng trưởng Bồ Ðề tâm, chỉ có thể nương theo Kim Cương Quang Minh Bảo Giới sẵn có đủ trong Tâm Ðịa này, tu tập mới chứng đắc diệu quả thù thắng.
Cuối cùng, xin lược giải về ý nghĩa chữ Phẩm:
Chữ Phẩm nghĩa là thể loại, nghĩa là đem từng loại, từng thứ để tập hợp lại một chỗ mà giải thích rõ ràng, nên gọi là Phẩm.