Pháp Hội Của Lòng Dân

Thứ năm - 14/11/2013 03:34 - Đã xem: 4249

Pháp Hội Của Lòng Dân

Từng được dự không ít Pháp Hội, nhưng chưa lần nào trong tôi dấy lên niềm xúc động tột cùng về niềm tự hào dân tộc và vững tin vào sự trường tồn của Đạo Phật ở Việt Nam như ở Pháp Hội lần này.
PHÁP HỘI CỦA LÒNG DÂN
 
          Từng được dự không ít Pháp Hội, nhưng chưa lần nào trong tôi dấy lên niềm xúc động tột cùng về niềm tự hào dân tộc và vững tin vào sự trường tồn của Đạo Phật ở Việt Nam như ở Pháp Hội lần này.
 
          Với nội dung: “Đại lễ cầu Quốc thái dân an, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn, tri ân và báo ân cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, Pháp Hội Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm lần này tại Chùa Khai Nguyên, đã tạo sự hào hứng để đoàn chúng tôi có sự chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi dự từ nhiều ngày trước. Hòa vào dòng người từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tôi cùng một số bạn từ trung tâm Thủ đô có mặt rất sớm tại Chùa Khai Nguyên ngay từ ngày đầu khai mạc (8/11/2013 tức 6/10 năm Quý Tỵ) và dự trọn cả 3 ngày diễn ra Đại lễ.
 
          Mặc dù số lượng Phật tử, thiện hữu đến dự tới 2 – 3 ngàn người, nhưng Ban Tổ chức của Nhà Chùa làm việc rất tích cực, chu đáo nên nhanh chóng được ổn định và trang nghiêm. Do Đại lễ lần này có nội dung tri ân, báo ân Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân “ngũ thất trai tuần” của cố Đại tướng nên có không ít Tăng, Ni trụ trì các Chùa ở miền Trung và miền Bắc đến tham gia hành lễ và nhiều đại biểu ban, ngành Trung ương, các cấp chính quyền địa phương, sở tại và 300 sinh viên từ các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Học viện trong địa bàn Thành phố Hà Nội cũng về tham dự; Đặc biệt, con gái trưởng của cố Đại tướng – Võ Thị Hòa Bình cũng đến dự Đại lễ.

 
                                                                               Đại Đức Trụ Trì và Ban Trai Chủ Hành Lễ Theo Nghi Thức cùa Pháp Hội Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
 


Con gái trưởng của cố Đại tướng – Võ Thị Hòa Bình cũng đến dự Đại lễ



Phật Tử Diệu Âm Tịnh Hòa thay mặt hơn 3000 Phật tử lên phát biểu về ý nghĩa của Pháp Hội này



Hơn 3000 Phật Tử Tham gia Pháp Hội 




Tham Gia Còn có hơn 300 bạn sinh viên tình nguyện đến từ các trường đại học, cao đẳng




 
 
          Tại Đại lễ, các bài phát biểu đầy tâm huyết của các đại biểu đều toát lên tấm lòng tôn kính và biết ơn đối với công lao to lớn của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hai cuộc chiến tranh chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đồng tình, biểu dương việc tổ chức Đại lễ lần này của Nhà Chùa. Đặc biệt, trong lời phát biểu của Đại đức Thích Đạo Thịnh - trụ trì hai Chùa Khai Nguyên và Chùa Tản Viên tại Lễ khai mạc và ngày cuối của Đại lễ, làm rung động trái tim của hàng ngàn Phật tử, thiện hữu và các đại biểu tham dự. Bài phát biểu của Đại đức Chủ lễ có lúc phải dừng lại vì sự xúc động và đồng tình của hàng ngàn người có mặt tại Đại Lễ.
   
          Chúng tôi không dấu được sự ngạc nhiên trước sự uyên thâm về lịch sử và chính trị của một vị Đại đức Phật giáo còn rất trẻ. Đại đức đã dành thời lượng đáng kể nói về sự đồng hành và đóng góp của Đạo Phật Việt Nam trên chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc và sự cống hiến to lớn của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Những người tham dự Đại lễ không khỏi xúc động khi được ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, những đóng góp không nhỏ của Đạo Phật, thấy rõ hơn công lao to lớn của vị Đại tướng -người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng nhân dân, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam – cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
          Cho đến lúc tôi ngồi viết bài này, đã sau vài ngày diễn ra Đại lễ, nhưng vẫn cảm giác như trái tim mình vẫn còn rung lên những âm thanh của tiếng niệm Phật, trì chú, tụng kinh của Đại đức Chủ lễ và hàng ngàn  phật tử, tưởng chừng như thấu đến muôn phương trời và lắng đọng đến sâu thẳm ký ức tâm hồn của tất cả những ai có nhân duyên đến được với Pháp hội. Đặc biệt, có thể thấy rất rõ sự trang nghiêm, thanh tịnh của Đại lễ không chỉ trong giờ hành lễ, mà còn giữ được sự thanh tịnh kể cả ở các giờ giải lao và nghỉ ăn bữa chay buổi trưa.
   
          Điều đáng chú ý nữa là, cùng với chương trình của Pháp hội, Nhà Chùa còn tổ chức công tác từ thiện, tặng cho 54 cháu học sinh “vượt khó” của xã Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nội. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, được quần chúng hoan nghênh, ủng hộ. Tiếp xúc với một cụ bà gần 80 tuổi, người xã Sơn Đông trong giờ giải lao tôi được biết, trước đây Chùa Khai Nguyên chỉ có ít gian chừng vài chục m2, các tôn tượng và nhà thờ bị xuống cấp trầm trọng, nên không có Phật tử thập phương đến thăm viếng lễ Chùa. Từ khi Đại đức Thích Đạo Thịnh về trụ trì Chùa có sự thay đổi nhanh chóng, vượt lên sức tưởng tưởng của nhân dân trong xã. Với tâm từ bi và nghị lực phi thường, Đại Đức đã cùng với các đệ tử trực tiếp lao động, hội tụ đông đảo các Phật tử, thiện hữu từ khắp mọi miền đất nước chung lòng xây dựng để được ngôi chùa khang trang, linh thiêng như ngày hôm nay. Mặc dù kinh phí thời gian vừa qua rất hạn hẹp, nhưng Đại đức vẫn luôn chú trọng công tác nhân đạo từ thiện. Do có các biện pháp phát động phong trào từ thiện trong các ngày lễ hội và được sự ủng hộ nhiệt tình của Phật tử, thiện hữu, nên hầu như các ngày lễ lớn và Tết nguyên đán, năm nào Đại đức cũng có quỹ tặng quà cho người nghèo, người tàn tật; giúp một số địa phương vùng sâu vùng xa xây cầu, làm đường. Riêng ngày Rằm Trung thu gần đây, Đại đức đã tặng hơn 400 suất quà cho các cụ già và trẻ em tàn tật ở hai Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật và Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An, huyện Ba Vì. Mới đây Đại đức đã trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình bà Nguyễn Thị Thu, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội với trị giá trên 100 triệu đồng. Được biết trong thời gian tới, từ ngày 22 – 26/ 11/2013 Đại đức và ban từ thiện của Chùa sẽ tổ chức chuyến đi phát trên 700 suất quà từ thiện, mỗi suất 400 nghìn đồng cho các cháu học sinh nghèo tại Huyện Nậm Bồ, một Huyện vừa mới tách ra từ Huyện Mường Nhé, Tỉnh Điện Biên.
 
 Không những quan tâm chăm sóc, sẻ chia với những hoàn cảnh nghèo đặc biệt khó khăn, Đại đức còn luôn chú trọng công tác giáo dục thanh thiếu niên và khuyến khích các cháu nhà nghèo vươn lên học giỏi để sau này trở thành những công dân có ích cho đất nước. Tiếp xúc với một số sinh viên đến dự Đại lễ, tôi được biết trong năm vừa qua, Đại đức đã thành lập Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử có tên gọi “Hương từ bi”  gần 1.000 thành viên từ các trường đại học, phổ thông trên địa bàn thành phố đăng ký sinh hoạt thường xuyên mỗi tháng 1 lần. Được sự đồng ý của các cấp Giáo Hội và Chính quyền, Đại đức đã tổ chức thành công khóa tu học mùa hè cho trên 600 bạn trẻ trong vòng 7 ngày, từ 10 -17/6/2013. Thành công nối tiếp thành công, ngay sau khóa tu học mùa hè cho các cháu học sinh là thành công Hội Trại “Thắp sáng niềm tin” cho trên 800 bạn trẻ đang sinh hoạt trong các Câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử ở Hà Nội, đem lại hiệu quả đáng khích lệ, góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh cho các em, giúp cho các em biết hiểu, thương, chia sẻ đức tính từ bi – trí tuệ của mình đối với bản thân, gia đình và xã hội.

          Ngày thứ hai của Đại lễ, một sự kiện đáng chú ý khi Đại đức thông tin về cơn bão số 14 được mệnh danh “Kẻ Hủy Diệt”, chỉ còn rất ít thời gian nữa sẽ đổ bộ vào khu vực Miền Trung. Đại đức đã kêu gọi các đại biểu, Phật tử và thiện hữu hãy vì sự bình yên của đồng bào Miền Trung, tất cả hãy nhất tâm chí thành, chí thiết niệm Phật nguyện cầu để “cơn bão ít nhất khi vào đất liền sẽ giảm cường độ được 30%, hoặc sẽ suy yếu không gây tổn hại cho đồng bào Miền Trung!”. Đại đức vừa dứt lời thì cả Đại lễ đồng thanh câu Phật hiệu “A Mi Đà Phật!”, rồi không khí Đại lễ bỗng chìm trong im lặng ít phút! Lúc đó, chính tôi cũng cảm nhận được trái tim mình đang dấy lên trong lòng sự đồng tình với lời kêu gọi của Đại đức và thầm hứa sẽ dồn toàn tâm chí chân thành cầu nguyện cho đồng bào Miền Trung vượt qua cơn khổ nạn này để nhanh chóng khắc phục được hậu quả của cơn bão trước. Hôm sau, Đại đức thông báo cơn bão đã yếu đi và chuyển hướng không vào Miền Trung nữa. Cả Pháp hội vang lên tràng pháo tay vui mừng khôn xiết. Chúng tôi nghĩ, phải chăng ở đây có sự gia hộ của Chư Phật và sự nhất tâm cầu nguyện của đại chúng? Tôi nhớ lại một câu chuyện cổ của Phật giáo: Ngày xưa ở bên Trung Hoa có một vị thiền sư ẩn cư tu hành một mình trong non thiêng núi thẳm, Ngài một mình hàng ngày thuyết pháp cho những hòn đá ở bên cạnh mình nghe, trên mười năm như vậy, một hôm Ngài bổng hỏi “Lời tôi nói các ngươi có hiểu không?” bỗng tất cả những hòn đá ở xung quanh Ngài đều cúi đầu... Lại một câu chuyện nữa tôi vừa được nghe, tiến sĩ Giang Bản Thắng, người Nhật Bản. ở Nhật có một cái hồ từ lâu nước bị hôi tanh, Tiến Sĩ và hơn 100 người ra đó làm thí nghiệm, đứng quanh hồ và nói “Hồ ơi hồ rất đẹp, chúng tôi rất yêu bạn”. Cả đoàn thí nghiệm nói như vậy mỗi ngày khoảng 3 tiếng đồng hồ, sau ba ngày thì nước hồ tự nhiên trong mát trở lại. Tiến sĩ lại dùng phương pháp khoa học để thử nghiệm, Ngài lấy hai chai nước được múc từ một chỗ, một chai nước viết chữ “Ái = yêu thương”, một chai viết chữ “Ố = ghét”. Sau 3h – 5h kết quả cho thấy sự kết tinh của hai chai nước hoàn toàn khác nhau. Chai nước viết chữ Ái dán bên ngoài thì sự kết tinh tuyệt đẹp; còn chai nước viết chữ Ố thì sự kết tinh thật xấu xí… Nhớ lại những câu chuyện mà tôi đã đọc, khiến tôi càng tin vào sự màu nhiệm của Phật pháp hơn.

          Một ấn tượng rất đậm nét trong ngày cuối cùng tại Pháp hội, sau bữa cơm chay buổi trưa, tôi vui được gặp gỡ các bạn hữu là nhà văn, nhà báo, nhà điện ảnh và một số doanh nhân  tại Nhà thờ Tổ của Chùa. Tại đây, chúng tôi được tiếp xúc với con gái trưởng của cố Đại tướng – chị Võ Thị Hòa Bình. Không khí trở nên gần gũi thân thiện khi chúng tôi quây quần cùng nhau ôn lại những trang lịch sử đáng tự hào của dân tộc gắn liền với những câu chuyện về cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi được xem một số bức ảnh của nhà báo Thu Hòa, ghi được hình ảnh trong 3 lần chị được vinh dự làm việc với cố Đại tướng. Chúng tôi lặng im nghe nhà văn Chu Thị Lưu Quang đọc bài thơ “Người thong dong đi về”. Bài thơ chị viết  trong niềm cảm xúc trào dâng ngay tại Đại lễ, có đoạn viết:

                                  “Người thong dong đi về chốn này
                                    Nơi dòng người từ muôn phương chảy đến
                                    Nơi phù sa bao trái tim dâng xanh ngời hồn Việt
                                    Nơi âm vang:
                                Hồ Chí Minh! Võ Nguyên Giáp! Việt Nam!
 
         Có thể nói, Ba ngày Đại lễ tại Chùa Khai Nguyên đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng hàng ngàn người dân từ khắp mọi miền đất nước đến dự. Chúng tôi tin tưởng với tâm đức của các Tăng, Ni, Phật tử, lòng tôn kính của nhân dân và sức mạnh nhiệm màu tâm linh được cộng lực từ hàng ngàn con tim trong Pháp Hội, cũng như hàng triệu con tim của người Việt Nam, nhất định hương linh của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ sớm được siêu đăng tịnh cảnh, hòa chung vào hồn thiêng sông núi của đất nước, trở thành ngọn đuốc sáng để soi đường chỉ lối cho dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta ngày càng đoàn kết, phát triển và thịnh vượng./.
 
                                                             Thu Quỳnh             

Tác giả bài viết: Thu Quỳnh

Nguồn tin: www.tinhtonghochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây