Vì sao Lý Liên Kiệt học Phật?

Thứ sáu - 18/09/2015 22:48 - Đã xem: 4497

Vì sao Lý Liên Kiệt học Phật?

Lý Liên Kiệt sinh ngày 26/04/1963, là diễn viên, doanh nhân, nhà võ thuật, nhà từ thiện nổi tiếng thế giới.
Từ năm 1997, anh bắt đầu học Phật. Vì sao người thành đạt như anh lại tìm đến với Phật pháp? Bài phỏng vấn của anh với Truyền hình Phượng Hoàng dưới đây sẽ cho chúng ta câu trả lời.
MC: Anh có thể cho khán giả biết vì sao anh lại học Phật không?
LLK: Vì một sự thấu hiểu về cuộc sống. Từ nhỏ đến lớn tôi luôn có cảm giác thân thiện đối với tôn giáo mà không biết lý do vì sao. Năm 1997, tôi 34 tuổi, lúc đó, bỗng nhiên, tôi suy nghĩ rằng, trên phương diện cuộc sống và vật chất, về cơ bản, tôi đã có được sự bảo đảm nhất định, không còn phải lo lắng những chuyện như đi làm kiếm đủ ngày ba bữa cơm nữa. Nhưng, rất nhiều người xung quanh tôi, tài sản vài tỉ, thậm chí vài chục tỉ, đều đang đau khổ và lo lắng, họ lo lắng điều gì vậy?
Tôi thấy bạn bè mình, người thì lo kiếm vài ngàn đồng, người thì lo kiếm vài chục ngàn đồng, rồi vài trăm ngàn, vài triệu, vài tỉ, vài chục tỉ… Người nào cũng đều đang lo lắng giống nhau. Nhìn họ tôi bắt đầu suy nghĩ về cuộc sống. Tôi phát hiện điều đầu tiên con người hy vọng có được khi đến thế gian này là tình cảm. Chính là nói, tất cả mọi người chúng ta đều muốn có hạnh phúc. Thứ hai là cảm giác an toàn, nhiều người có hạnh phúc nhưng không có cảm giác an toàn.
Mới chào đời, chúng ta chỉ cần tình cảm. Khi không có cảm giác an toàn, chúng ta liền khóc um lên. Nghe tiếng khóc, cha mẹ sẽ đến ôm chúng ta vào lòng, chúng ta sẽ cảm thấy hóa ra việc khóc cũng thật hữu dụng, hóa ra cứ gọi “cha ơi, mẹ ơi” là sẽ có người đến bảo vệ chúng ta, hóa ra tình cảm được sinh ra từ những điều đơn giản như vậy. Nhưng, khi chúng ta được khoảng ba, bốn tuổi (trước đây còn là bảy, tám tuổi, giờ thì chỉ ba, bốn tuổi), liền bắt đầu bỏ tình cảm chạy theo danh tiếng.
Chúng ta phải học ở trường mẫu giáo nổi tiếng, phải thi đứng đầu lớp, bất cứ điều gì cũng muốn đứng đầu cả. Ngay từ nhỏ, chúng ta đã bị người lớn rót vào trong đầu thói coi trọng danh tiếng. Và, sự quan trọng của danh tiếng cứ thế theo chúng ta đến lúc trưởng thành. Nào là: trường trung học trọng điểm, trường đại học danh tiếng, công ty lớn, chức vụ cao, hàng hiệu nổi tiếng…
Đến độ tuổi nhất định, bước ra ngoài xã hội, chúng ta thấy có danh vẫn chưa đủ, vì có danh mà không có lợi. Lúc đó, chúng ta sẽ hy vọng có được một chút lợi ích thực tế, như tiền bạc chẳng hạn. Có được lợi rồi, đến khoảng giữa của đời người, khi hơn 30 tuổi, chúng ta phát hiện ra rằng có lợi vẫn chưa đủ, còn phải có quyền nữa, có quyền rồi mới càng dễ có lợi. Càng nhiều danh, càng nhiều lợi, thì càng muốn có quyền lực.
Nhưng, nếu như chúng ta cả đời theo đuổi sự tăng tiến này, dùng sức mạnh bên ngoài để bảo đảm sự an vui, hạnh phúc bên trong, thì có thể rằng, đến tận điểm cuối của cuộc đời, chúng ta vẫn không cảm thấy mình có đủ danh, đủ quyền và đủ lợi. Vì vậy, tôi đã suy nghĩ xem ai là người tìm được đáp án cho vấn đề này?
 
 
HT. Thánh Nghiêm và Lý Liên Kiệt
 
Tôi phát hiện 2500 trước, có một người, một vị hoàng tử, sở hữu đầy đủ tất cả những điều kiện lý tưởng nhất mà mọi người chúng ta hằng hy vọng. Ngài có quyền lực, Ngài là hoàng tử, là quốc vương tương lai, nhất định là có quyền lực, đúng không nào? Tài sản quốc gia đều là của Ngài, như vậy là lợi cũng có. Danh thì không cần phải nói, Ngài là hoàng tử, cái danh này mấy người có được chứ? Ngài có tất cả, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu, điều gì cũng đều được thỏa mãn, trong xã hội ngày nay, đó chắc chắn là điều mà người đời hài lòng nhất. Thế nhưng Ngài vẫn đau khổ. Vì sao? Vì Ngài không thể giải quyết được vấn đề sinh, lão, bệnh, tử. Có rất nhiều thứ Ngài không thể giải quyết được, thế là Ngài đã ra đi, bỏ lại tất cả.
Chúng ta cho rằng danh tiếng, lợi lộc, quyền lực, sắc đẹp có thể đảm bảo cho hạnh phúc, niềm vui và sự an toàn của chúng ta, nhưng Ngài đã bỏ hết những thứ đó. Ngài khổ hạnh 6 năm, tìm thấy được con đường đưa đến an vui đích thực. Trong hơn 2000 năm của lịch sử nhân loại, con đường mà Ngài chỉ bày đã ảnh hưởng đến rất nhiều người. Và những người này, không phải ai cũng như đám đông quần chúng, nói một cách dễ hiểu là không phải ai cũng mê tín, vì trong số họ có cả những nhà văn, nhà tư tưởng, nhà khoa học, nhà vật lý, nhà hóa học… Ở phương Tây, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người thực hành thiền định Phật giáo, có bác sĩ, có kỹ sư, có sinh viên… Không thể nào tất cả bọn họ đều mê tín, nhất định họ đang tìm kiếm một thứ gì đó.
MC: Đúng vậy.
LLK: Bởi thế, tôi nói rằng, nếu bạn có một phương pháp có thể giúp tôi được an vui thực sự, thì tôi sẽ đến tìm hiểu bạn, học hỏi bạn.
MC: Bắt đầu từ năm 1997?
LLK: Năm 1997, với suy nghĩ như vậy, tôi bắt đầu theo đuổi việc học Phật, và càng học tôi càng phát hiện ra rằng, tôi tìm thấy được rất nhiều niềm vui và tôi có thể nhìn cuộc sống dưới nhiều góc độ khác nhau. Sự thực là, đến năm 2004, tôi đã được gặp nhiều bậc thầy, nghe được nhiều lời giáo huấn, cả Tiểu thừa, Đại thừa và Mật thừa… Hiện tôi luôn cảm thấy rất an vui và tôi hy vọng chia sẻ niềm an vui này với người khác. Tôi nhìn thấy nhiều người trên mặt hay lộ vẻ lo lắng, mệt mỏi… Tôi có thể chia sẻ với họ hay không? Thú thực là, tôi đã dự định làm một số việc, tôi không thiếu danh, cũng không thiếu tiền, nhưng muốn làm những việc này, còn cần phải có một chút dũng khí. Và rồi, chính vào năm 2004 đó, tôi gặp phải sóng thần.
MC: Tôi biết.
LLK: Sau đó, tôi đi Tây Tạng, hai lần suýt chết vì thiếu dưỡng khí. Trong một năm ba lần đối diện với cái chết. Tôi cảm thấy không thể chờ đợi được nữa, vì thế gian vô thường, không có chuyện gì là không thể xảy ra.
MC: Đúng vậy.
 
 
LLK: Dù cho bạn biết võ công, dù cho bạn rất khỏe mạnh, nhưng muốn sống thì bạn phải hít thở, nếu không hít thở, sự sống của bạn liền chấm dứt. Không gì có thể đảm bảo bạn nhất định sống 80 tuổi, 70 tuổi, 30 tuổi... Vì vậy, tôi cảm thấy cái chết không còn đáng sợ nữa. Dù sao thì, tôi cũng đã trải nghiệm cái chết rồi, có cái chết tức thời, như bị sóng thần nhận chìm; cũng có cái chết từ từ, như thiếu dưỡng khí trên cao nguyên.
Sau những trải nghiệm này, tôi thấy không có gì phải e ngại nữa. Tôi nghĩ cách làm những điều có thể để báo đáp xã hội và chia sẻ trải nghiệm của mình. Tôi không muốn dạy bạn bất cứ điều gì, tôi cũng không có quyền dạy dỗ ai, nhưng tôi nguyện chia sẻ cùng mọi người. Trẻ nhỏ nghe cũng được, người lớn nghe cũng được, nghe rồi bạn cảm thấy hữu dụng thì lấy dùng miễn phí; nếu bạn cảm thấy vô dụng thì vứt bỏ đi cũng được, không vấn đề gì, tôi chỉ hy vọng mọi người được an vui…
Tịnh Nguyên
Lược dịch từ: http://www.zhibeifw.com/fjgc/mryfj_list.php?id=1012

Tác giả bài viết: BBT Website

Nguồn tin: www.tinhtonghochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây