Trồng cây nào hái quả đấy - Nhân quả Báo ứng

Thứ bảy - 04/01/2014 09:20 - Đã xem: 8750

Trồng cây nào hái quả đấy - Nhân quả Báo ứng

Không nên coi thường nói đùa

Vào thời Đông Chu liệt quốc, Tống Mẫn Công có người tướng tên là Nam Cung Trường Vạn. Một hôm đi đánh nước Lỗ, Nam Cung sa cơ thất thế bị giặc bắt. Cũng chính lúc ấy, nước Tống bị thiên tai, Lỗ Trang Công không nghĩ đến thù xưa, còn sai người sang cứu giúp. Tông Mẫn công thấy thế cho sứ giả đến tạ ơn và xin tha cho Nam Cung Trường Vạn. Nam Cung được thả về nước, Tống Mẫn Công ra nói đùa: “Trước kia ta rất coi trọng ngươi, bây giờ đã là tù nhân thì ta không còn trọng nữa đâu”. Thấy Nam Cung ngây ra, mặt đỏ tía tai, hết sức hổ thẹn, Đại phu Cừu Mục nói với Tống Mẫn Công: “Vương công chớ nên coi thường sự đùa dỡn mà sinh ra lòng khinh nhờn hay dẫn đến sự phản nghịch. Tống Mẫn Công trả lời: “Ta với Nam Cung Trường Vạn rất thân thiết, khanh chớ có sợ”. Một hôm Tống Mẫn Công đánh cờ thắng Nam Cung Trường Vạn nên đắc ý nói đùa dỡn: “Người là tên tù chẳng làm được việc gì, làm sao đánh thắng được ta”. Nam Cung Trường Vạn tức giận đứng lên nói: “Kẻ tù này tuy đánh cờ không thắng được vua, nhưng có thể giết vua”. Nói xong, lấy bàn cờ đập vỡ đầu Tống Mẫn Công chết ngay tại chỗ, rồi làm loạn.

Sự nói đùa dẫn đến nghiệp báo như thế. 

Nói ác khẩu bị đọa làm khỉ  

Đây là câu chuyện Đức Phật dạy về việc Ác Khẩu và quả báo của nó:

Ngày xưa trong thành Xá Vệ có một người nhà rất giàu, tên gọi là Sư Chất, đã hơn 40 tuổi rồi mà chưa có con. Hai vợ chồng rất lo lắng, đến nhà Bà La Môn xin bốc một quẻ bói xem sau này có sinh được đứa con trai hay con gái nào không? Nhưng họ vô cùng thất vọng nghe thầy bói trả lời rằng suốt đời họ sẽ không có con. Sư  Chất nghe thế không chịu tin, lại đi tìm một ông thầy tướng số khác, cao tay ấn hơn, nhiều kinh nghiệm hơn xin bốc quẻ. Lạ thay, vị thầy tướng này vốn được mọi người tôn kính và khen ngợi là bói linh như thần, lại cũng làm cho Sư Chất thất vọng.

Sư Chất đi về mà lòng phiền muộn, bỗng sực nhớ đến bậc đại thánh Thích Ca Mâu Ni, tự  nghĩ: Đức Phật là giáo chủ của trời và người, là bậc Nhất thiết trí, không có gì là Ngài không biết, không có gì là Ngài không hiểu, tại sao ta lại không đến gặp Ngài xin chỉ giáo?

Nghĩ đến đây ông bèn nhắm hướng Kỳ Viên tinh xá mà đi. Cung kính đảnh lễ Đức Phật xong, ông chắp tay bạch: “Bạch Đức Thế Tôn đại bi, xin Ngài thương xót chúng sinh ngu si mà chỉ giáo: con có chút ưu tư, năm nay đã hơn 40 mà chưa có đứa con trai nối dõi, đó là do nhân duyên gì, cúi xin Đức Phật khai thị”.

Đức Phật trả lời: “Không lâu nữa ông sẽ có một đứa con trai, vừa có phúc lại vừa có đức, chỉ có điều là khi nó vừa lớn nó sẽ xin xuất gia”.

Nghe tin này Sư  Chất rất đỗi vui mừng, thành tâm đảnh lễ chân Phật, rồi thỉnh cầu: “Cầu xin Thế Tôn và chư tăng cho phép chúng con được cúng dường vào trưa mai, để chúng con được kết thêm thiện duyên và trồng chủng tử vào ruộng phước của Như Lai”.

Đức Phật nhận lời rồi, Sư Chất hoan hỉ quay về chuẩn bị đàn trai. Hôm sau ông dẫn đầu gia nhân, chân thành cúng dường những món ăn thức uống ngon lành đẹp mắt nhất.

Đức Phật nhận cúng dường xong, thuyết một thời pháp rồi dẫn đầu tăng chúng quay về tinh xá. Đi được nửa đường, Đức Phật và tăng chúng ngồi dưới một gốc cây bên bờ sông nghỉ ngơi. Bỗng từ trên cây, một con khỉ nhảy xuống xin mượn bình bát của Đức Phật. Nó ôm bình bát chạy đi thật xa rồi quay về, trong bình bát chứa đầy mật ngọt. Nó dùng hai tay kính cẩn dâng bình bát lên Đức Phật, Ngài nhận lấy và chia cho chư tăng dùng, để con khỉ được nhiều phúc đức. Con khỉ thấy thế mừng rỡ nhảy nhót.

Không lâu sau nó đến ngày tận số, đầu thai làm người, sinh vào nhà của Sư  Chất. Lúc nó sinh ra, trong nhà phàm có vật dụng gì có thể chứa đựng thức ăn, thì vật dụng ấy bỗng đầy ắp mật và đường. Vợ chồng Sư Chất thấy điều quái dị, bèn do nhân duyên này đặt tên con là Mật Thắng.

Thời gian vùn vụt trôi mau như tên bắn, hơn mười năm trôi qua như trong nháy mắt, Mật Thắng nay đã lớn khôn. Chú bé chán ngán chuyện thế tục, xin phép cha mẹ cho mình được xuất gia, cha mẹ hết sức vui mừng mà trả lời: “Lúc con chưa ra đời, Đức Phật đã biết sẽ có ngày hôm nay. Bây giờ con muốn xuất gia, cha mẹ rất hoan hỉ. Không bao giờ cha mẹ ngăn chặn con một cách vô lý”.

Được cha mẹ hoan hỉ cho phép rồi, Mật Thắng đến Kỳ Viên tinh xá xin xuất gia với Đức Phật. Nhờ có tiền duyên, Mật Thắng chứng quả rất mau.

Một hôm, thầy đang trên đường đi độ hóa với các bạn đồng tu, cảm thấy vừa nóng vừa khát lạ thường, ai nấy đều ao ước có một cái gì uống. Tỳ kheo Mật Thắng bèn cầm bát tung lên trời rồi sau đó dùng hai tay tiếp lấy bát trở về. Bấy giờ trong bát đựng đầy mật ngọt, Mật Thắng bèn chia cho chúng tăng giải khát.Về tới tinh xá, một vị tỳ kheo đi tìm Đức Phật xin thỉnh giáo: “Trong quá khứ tỳ kheo Mật Thắng đã tu được phúc đức gì mà bây giờ bất cứ  lúc nào, ở đâu cũng có thể có đường và mật?”.Đức Phật trả lời: “Các ông có nhớ có một lần lâu lắm rồi, có một con khỉ đem mật ngọt đến cúng dường Như Lai và chúng tăng không? Nhờ bố thí với thiện tâm, chết rồi nó được sinh ra làm người và nhờ nó chân thành cúng mật ngọt cho Phật nên kiếp này nó có thể được mật bất cứ  lúc nào và ở đâu”. Đức Phật nói xong, vị tỳ kheo nọ hỏi tiếp: “Bạch Thế Tôn! Thế thì tiền kiếp Mật Thắng do nhân duyên gì mà bị đọa xuống làm khỉ?”. Lúc ấy xung quanh Đức Phật có rất nhiều đệ tử vân tập, Ngài nhìn họ một lúc rồi đáp: “Thầy ấy bị đọa xuống làm khỉ là do một nhân duyên xẩy ra cách đây 500 kiếp trước, thời Ca Diếp Như Lai còn tại thế. Lúc đó có một vị tỳ kheo trẻ tuổi, tình cờ thấy một vị tỳ kheo khác đang băng qua một con suối nhỏ, vị trẻ tuổi bèn cười chế nhạo, bảo là dáng điệu của vị tỳ kheo kia giống hệt như con khỉ. Vị tỳ kheo trẻ tuổi đã phạm tội ác khẩu nên bị đọa xuống làm khỉ, nhưng sau đó thầy ấy biết lỗi lầm của mình, đến xin sám hối với vị tỳ kheo mà mình đã chế nhạo. Nhờ thắng duyên ấy mà kiếp này mới được gặp Phật và được Phật độ, chứng quả A La Hán một cách mau chóng.

Nghe đức Phật giảng xong, các vị Tỳ kheo đều nhận ra rằng một câu nói ác cũng có thể chiêu cảm nghiệp khổ, vì thế không còn ai dám ác khẩu, ngay cả đến một câu nói đùa cũng không dám nói.

Nói lời bịa đặt gây nghiệp ác 

Ngày xưa có một ông trưởng giả rất giàu có, tiền muôn bạc triệu, tài sản dùng suốt đời không hết, lại có người vợ vừa xinh đẹp vừa hiền đức, nên đã hạnh phúc lại càng hạnh phúc hơn. Nhưng niềm vui của ông ngắn ngủi, Ông lập gia đình một thời gian lâu mới sinh được một đứa con trai, ngày đứa bé ra đời ông vui mừng khôn kể xiết. Nhưng bất hạnh thay, đứa con ông chỉ mới khóc oe oe chào đời đã vương bệnh nặng. Theo lời thầy thuốc chẩn bệnh thì đó là những mụn nhọt độc hại mọc trên da đứa bé khiến nó khóc cả ngày, thế nhưng danh y nào mời đến cũng đều lắc đầu chịu thua. Tội nghiệp đứa bé, rất nhiều thầy thuốc đã bó tay rồi, mà nó vẫn cứ đêm ngày khóc la vì đau đớn, cuộc sống thật là khổ sở.

Tiếng khóc gào rên rỉ của nó làm náo động tới bà con làng xóm, nên người ta đặt tên cho nó là thằng “Khóc Gào”. Gần nhà cậu có một ông hàng xóm già, nghe tiếng rên la đau đớn của Khóc Gào, trong lòng thấy bất nhẫn, bèn tìm đến nhà cậu thăm hỏi và nói với cậu rằng: “Tôi nghe rất nhiều người về khen ngợi tán thán rằng tại Tinh xá Kỳ Viên có một vị Đại Y Vương, bệnh trên thân hoặc bệnh trong tâm của chúng ta Ngài đều có thể chữa trị được hết. Ngài có phương tiện thần thông nhiệm mầu, bệnh của cậu có trầm trọng đến đâu cũng sẽ tức khắc lành, cậu nên mau mau tìm đến Ngài cầu xin chữa bệnh. Khóc Gào nghe nói thế, vui mừng vô kể, vội mang tấm thân bệnh hoạn tìm đến Tịnh xá Kỳ Viên xin được gặp đức Phật.

Khi Khóc Gào nhìn thấy 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trên thân uy nghi sáng chói của Phật, cậu hân hoan tán thán ngay. Những đau đớn khổ não của cậu giảm thiểu đi rất nhiều, lập tức gieo cả năm vóc xuống đất lễ bái đức Phật.

Đức Phật từ bi chưa từng bỏ rơi bất cứ chúng sinh bệnh khổ nào, nên khi thấy Khóc Gào tới, Ngài rất hoan hỉ, bèn tuyên thuyết cho cậu những pháp môn thù thắng có năng lực diệt trừ tất cả mọi khổ não. Khóc Gào nghe Đức Phật thuyết pháp xong bèn sám hối tội lỗi. Lúc ấy nhọt độc đã hành hạ cậu trên mười năm qua lập tức tan biến, bệnh khổ của cậu hoàn toàn được tiêu trừ, nên tâm cậu sinh khởi niềm cung kính hoan hỉ chân thành, cậu bèn cầu xin đức Phật cho phép cậu được xuất gia làm tỳ kheo. Cậu tu hành tinh tiến, chẳng bao lâu đắc quả A la hán.

Các vị tỳ-kheo khác thấy tình cảnh của Khóc Gào như thế, thấy đó là điều rất hy hữu, bèn thỉnh Thế Tôn nói về nhân duyên khiến cho cậu phải chịu quả báo lúc trước. Đức Phật giảng cho các đệ tử nghe rằng: “Vô lượng kiếp về trước, ở thành Ba La Nại có hai vị phú ông nọ. Bình thường hai người đã không ưa nhau và đố kỵ nhau, nên một trong hai người đem rất nhiều vàng bạc châu báu lên dâng tặng nhà vua. Khi nhà vua nhận những vật cống hiến của ông này rồi thì rất quý trọng ông. Vì thế khi ông này gièm siểm ông kia trước mặt nhà vua rằng “người ấy vô cùng hiểm ác, thường dùng mưu độc ám hại tôi, xin Đại vương hãy nghiêm trị người ác để bảo vệ dân lành”, thì nhà vua vốn đã nhận vật cống hiến nên không còn sáng suốt nhận định, nhất nhất tin lời ông này và ra lệnh bắt giam, không đếm xỉa tới những lời biện hộ của người kia, còn đem ra tra tấn tàn khốc. Người này phải chịu tất cả những hình phạt đau đớn nhất, thương tích đầy thân như vẩy cá, phải nhờ gia đình xuất tiền chuộc tội mới được thả về nhà. Về tới nhà ông suy nghĩ không ngừng, thấy rằng con người vì có thân cho nên mới có khổ, mới bị lắm tai nhiều họa. Mình và người kia không hề có oán thù chi mà họ lại có thể hại mình đến mức thân tàn ma dại như thế này. Không lâu sau, ông bỏ gia đình vào núi tu hành và thành Bích Chi Phật. 

Vị Bích Chi Phật phát tâm đại từ bi, sợ rằng người kia kiếp sau sẽ chịu quả báo đau khổ nên tới nhà người ấy thị hiện đủ loại thần thông, khiến người kia thấy những biến hóa bất khả tư nghì như thế, sinh tâm kính ngưỡng, lập tức thỉnh Bích Chi Phật lên tòa ngồi và chuẩn bị đủ loại thực phẩm đặc biệt để cúng dường và sám hối tội cũ của mình đối với Ngài.

Đức Phật nói đến đây, ngừng một lúc rồi nói tiếp: “Các ông phải biết, người sàm tấu với vua chính là tỳ kheo Khóc Gào đã chịu khổ trong kiếp này. Sau, nhờ ân huệ của Bích Chi Phật, sám hối tội lỗi cũ, và nhờ công đức thành kính quy y Tam Bảo nên ngày nay được Như Lai cứu độ, mau đắc quả thánh. Đừng nghĩ rằng những lời sàm tấu nói ra mà không ai biết. Nghiệp tội không trốn được, dẫu trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng đã phạm tội như thế rồi mà biết sám hối thì có thể được cứu độ.

Rắn độc 

Trong Chư kinh yếu tập[5] có ghi một chuyện như sau: Luận Đại Trang nghiêm[6] ghi: “Ta từng nghe, có lần Đức Phật và A Nan đi qua một cách đồng hoang ở nước Xá Vệ. Thấy bên bờ ruộng có một khối vàng, Đức Phật bảo A Nan: “Đó là rắn độc”. A Nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Đúng là rắn độc!”. Bấy giờ có một người đang cày ruộng, nghe Đức Phật và A Nan nói có rắn độc, liền nghĩ: “Ta đến xem thế nào mà sa môn nói là rắn độc”. Ông ta liền đến xem thì thấy một khối vàng ròng, liền nghĩ: “Sa môn nói rắn độc, nhưng đây chính là vàng ròng”. Vì lòng tham, ông liền gom lấy tất cả số vàng kia mang về nhà. Người này trước kia rất nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng từ khi nhặt được vàng thì trở nên giàu có, ăn mặc dư giả.

Vua và các quan rất kinh ngạc về sự giàu có của ông, bèn đến tra xét và bắt giam vào ngục. Cho dù ông ta giao nộp tất cả số vàng lấy được lúc trước, nhưng vẫn không khỏi tội. Khi sắp bị xử chém, ông ta thốt lên: “Rắn độc, A Nan! Rắn độc, Thế Tôn!”. Người đứng bên cạnh nghe nói như thế, liền tâu lên vua. Vua liền cho gọi ông ta đến hỏi: “Tại sao ngươi nói: Rắn độc, A Nan! Rắn độc, Thế Tôn”. Ông ta tâu: “Ngày trước, thần đang cày ruộng thì nghe Đức Phật và A Nan gọi vàng là rắn độc, nay thần mới hiểu”. Vua nghe nói thế liền thả cho ông ta về.

Phải trả nghiệp do tham lam

Trong một lần Đức Phật đang thuyết pháp, có một ông già bần cùng mà thọ đến hai trăm tuổi, lông mày dài đẹp, hai lỗ tai rộng lớn, răng trắng và đều đặn, hai tay dài quá gối, dung mạo tựa như người có phước tướng nhưng chịu phải cảnh nghèo khổ, quần áo không đủ để che thân, rách nát lõa lồ, lại thường bị cảnh đói khát, kéo lê từng bước, vừa đi vừa thở một cách mỏi mệt. Đã trải qua mười năm, ông nghe có Phật tại thế, trong lòng rất vui mừng, ngày đêm luôn luôn phát nguyện được gặp Phật. 

Ông chống gậy lần hồi tìm đến, cầu mong được yết kiến Ngài. Chẳng may vừa đến ngõ Tịnh Xá, ông lại gặp phải các vị Phạm Thiên, Đế Thích chặn lại không cho vào. Uất ức, ông già mới kêu than. Ở trong, Phật đã biết việc gì đang xảy ra giữa ông già và Phạm Thiên Đế Thích ở ngoài ngõ tịnh xá, Phật mới quay sang bảo A Nan hãy ra cho ông ấy vào.

Bấy giờ ông già lòm còm đi vào, vừa trông thấy Phật, ông rưng rưng hai hàng nước mắt, vừa mừng vừa khóc, cúi đầu sụp lạy đức Phật, rồi quỳ thẳng, chấp tay sụt sùi kính bạch: “Con sinh ra đời bất hạnh, chịu cảnh bần cùng khốn khổ, đói khát lạnh lẽo. Cầu chết không được, sống thì không biết nhờ cậy ai. Con nghe Thế Tôn là một bậc nhân từ yêu thương che chở khắp tất cả. Muôn vật đều được nhờ ân đức của Thế Tôn. Tâm con vui sướng, đêm ngày phát nguyện, mong được một phen chiêm ngưỡng tôn nhan từ mười năm qua, nay mới được kết quả như nguyện.

Phật dạy: “Phàm làm người ở cõi đời, sinh tử đều do nhân duyên. Do nhiều nhân duyên tạo ra gốc rễ tội lỗi. Ta sẽ nói cho ông rõ nguồn gốc của tội lỗi mà ngày nay ông đã gánh chịu: Đời trước ông sinh vào nhà Minh Huệ Vương là một ông Vua cai trị một đại cường quốc. Khi đó ông là Thái tử Kiêu Quí. Trên được Phụ Vương và Mẫu Hậu quí trọng, dưới được thần dân kính phụng. Vì thế nên ông hết sức kiêu căng, tự cao, tự đại, tâm ý buông lung, khinh ngạo mọi người, xem thường tất cả. Giàu có cự phú, tài sản muôn ức, đều là chiếm đoạt của dân. Trăm họ nghèo cùng bởi vì thuế khóa thu hết. 

Ông chỉ biết gom góp, chứ không biết bố thí. Bấy giờ có một vị Sa môn tên là Tịnh Chí từ xứ xa đi đến. Vì thiếu một cái pháp y, nên tìm đến ông, mong ông bố thí một cái mà thôi, chứ không mong cầu gì nhiều. Nhưng ông tuyệt nhiên không cho, lại còn đối xử một cách quá tệ ác, đã không cho pháp y, lại cũng không cho ăn. Ông bắt vị Sa môn vô tội ngồi mãi trước nhà, muốn đi ông vẫn không cho. Qua bảy ngày đêm không thí cho một hớp nước. Thân thể đã ngất xỉu, hơi thở thoi thóp, tánh mạng sắp nguy kịch. Coi đó như một trò vui, cho tập trung nhiều người đến xem, ông lấy làm vui thích lắm! Lúc ấy có vị cận thần khuyên can ông rằng: “Thái tử chớ nên làm như vậy. Đây là một Sa môn hiền từ, khiêm tốn, bên trong mang cả tinh thần đạo đức. Sự lạnh lẽo bên ngoài, đối với con người ấy không có gì đáng gọi là lạnh lẽo, và sự đói khát cũng không đáng là đói khát. Sở dĩ đến đây xin là muốn gây phước đức cho kẻ khác thế thôi. Thái tử đã không bố thí cho thì thôi, đừng nên gây cùng bức cho người ta. Tốt hơn là Thái tử trả tự do cho vị Sa môn này đi. Đừng nên gây thêm điều gì tội lỗi!”. Thái tử đáp rằng: “Đây là người gì mà giả xưng là đạo đức. Ta cho chịu khốn khổ thử chơi, chứ ai để cho chết làm gì? Khanh đừng lo. Thôi khanh thả cho ông đi.” Nói xong liền cho thả vị Sa môn đi ra khỏi thành.
Vị Sa môn đi cách thành khoảng mười dặm, lại gặp phải bọn giặc cướp bị đói lâu ngày muốn bắt vị Sa môn giết ăn thịt. Tình cờ có Thái tử đi đến, thấy sự kiện như thế, tự nhủ rằng: “Ta đã không cho cơm áo vị Sa môn ấy thì thôi, chớ đâu lại nỡ để cho bọn giặc đói giết hại! Ta phải cứu người.” Bọn giặc đói thấy Thái tử can thiệp, nên cả bọn đều sụp lạy xin tha tội và thả vị Sa môn đi.

Vị Sa môn lúc đó nay là Bồ Tát Di Lặc đây, Thái tử Kiêu Quí lúc đó, nay là ông đây. Sở dĩ nay ông chịu phải tội bần cùng khốn khổ là do đời trước tham lam bỏn xẻn. Lý do nay ông được trường thọ là bởi cứu mạng sống vị Sa môn. Tội phước báo ứng như bóng theo hình! Ông già bạch Phật: “Việc quá khứ đã rõ ràng như vậy. Con xin nguyện được giũ sạch từ đây mà nguyện đem mạng sống thừa này được làm Sa môn, về sau đời đời được hầu bên Phật.”

Oan oan tương báo 

Thuở xưa vào thời chánh pháp của Đức Phật Thích Ca, có một vị trưởng giả giàu có. Vị này có hai người vợ, người vợ lớn không con, người vợ nhỏ sinh được một đứa con trai khôi ngô tuấn tú, cả  gia đình nhờ thế mà vui vẻ.

Khi ấy người vợ lớn sinh lòng sân hận, đố kỵ, luôn tìm cách để hại đứa bé con người vợ nhỏ, nhưng bên ngoài bà tỏ ra hết lòng thương yêu, chiều chuộng, không một chút ganh tỵ nào.

Một hôm người vợ nhỏ đi vắng, người vợ lớn lén lấy cái kim ghim vào đỉnh đầu đứa bé. Đứa bé từ ấy phát bệnh la khóc suốt ngày, bỏ ăn, bỏ uống, thân hình tiều tụy, qua bảy hôm thì chết. Trong nhà ai cũng sầu khổ. Người vợ lớn cũng tỏ ra đau đớn, tiếc thương. Còn người vợ nhỏ thì vật mình xuống đất, khóc than thảm thiết suốt cả ngày đêm. Nhưng cả nhà chẳng ai biết được vì sao đứa bé ấy chết. Về sau bà vợ nhỏ biết được do lòng ganh tị của người vợ lớn  và chính bà ấy giết. Bà vợ nhỏ lập tâm báo thù. Bà đến chùa hỏi các thầy tỳ kheo: “Bạch đại đức, muốn toại nguyện lòng mong cầu, phải làm công đức gì?” Các thầy tỳ kheo đáp: “Muồn toại nguyện lòng mong cầu thì phải thọ trì bát quan trai giới, điều cầu xin sẽ được như ý.

Nghe xong, bà xin thọ bát quan trai giới. Sau đó bảy ngày bà chết đầu thai làm con gái bà vợ lớn, thân tướng đẹp đẽ. Bà vợ lớn thương yêu, quí trọng hơn vàng, nhưng oan nghiệt thay, đứa bé ấy chỉ sống được một năm rồi chết khiến cho người mẹ khổ sở đau đớn khôn cùng, khóc lóc thảm thương, bỏ ăn quên ngủ. Oan oan tương báo như thế đến bảy lần, bà vợ lớn đoán biết đây là sự báo oán của  người vợ nhỏ.

Cho đến lần cuối cùng, bà vợ lớn sinh được một bé gái lại càng đẹp đẽ, thân thể đoan trang hơn mấy lần trước, nhưng lần này đứa bé sống được 14 tuổi, sắp có gia đình. Một hôm đang đêm nàng bước ra khỏi cửa, liền ngã lăn ra chết. Bà mẹ khóc lóc kêu gào la hét suốt ngày, lòng thương con cùng cực, khiến bà phát cuồng, không còn biết gì nữa. Bà để xác con giữa nhà, chẳng chịu liệm càng nhìn xác con càng thấy đẹp lạ thường.

Một buổi sáng nọ, các thầy tỳ kheo thiền định, dùng từ tâm quán khắp tâm chúng sinh, thấy người đàn bà ấy bị một chuỗi oan nghiệt nối dài và nay chính là lúc nhờ sự đau khổ cùng tột có thể làm tâm bà bừng sáng. Sau khi dùng từ tâm quán sát, thầy tỳ kheo liền khoác y ôm bát, đến nhà bà vợ lớn khất thực. Đến nơi trước nhà vắng vẻ, bên trong nghe tiếng khóc than quằn quại, thầy rung tích trượng, hồi lâu có kẻ đầy tớ mang cơm ra cúng: “Bạch Ngài, bà chủ con bận việc không thể ra, xin Ngài từ bi nạp thọ”. Thầy sa môn im lặng, không mở bát ra mà nói: “Ta muốn gặp thí chủ”. 

Người đầy tớ trở vào thưa cùng bà vợ lớn rằng thầy sa môn nuốn gặp bà. Bà chủ nói: “Ta có chuyện buồn khổ, chỉ muốn chết thôi, ta không muốn gặp ai cả, mày hãy mang cơm ra cúng dường thầy sa môn ấy và xin Ngài hãy đi đi. Nhưng khi người giúp việc mang cơm ra, Ngài cũng không nhận và nói như trước. Bà vợ lớn tự nghĩ: “Ta đang lúc khổ sở mà vị sa môn này chẳng hiểu được tâm ta, sai ngưởi đem cúng dường mà chẳng nhận, quyết muốn gặp ta, không biết Ngài muốn gì?”  Khi bà bước ra, thầy sa môn vừa trông thấy liền hỏi: “Này thí chủ, vì sao bà có vẻ sầu khổ, đầu tốc rối bù, mặt mày hốc hác tiều tụy đến thế?”. “Bạch Ngài, từ ngày tôi có gia đình đến nay, sinh bảy đứa con gái đứa nào cũng đẹp đẽ dễ thương, nhưng khi đến một hoặc hai ba tuổi thì chết, duy chỉ có đứa con này đến 14 tuổi, đêm hôm vừa bước ra khỏi nhà liền té xuống đất chết ngay. Tôi quá khổ sở, chỉ có muốn chết nữa mà thôi”. Nói xong bà khóc nức nở. Thầy sa môn bảo: “ Hãy rửa mặt, chải đầu rồi ta sẽ nói cho bà nghe”. Nhưng bà ta vẫn khóc, thầy sa môn nói: “Này bà, người vợ nhỏ của ông chủ nhà này vì sao chết?”. Bà vợ lớn nghe nói trong lòng bối rối sợ hãi, tự nghĩ sao vị sa môn này lại biết được việc nhà ta?

Thầy sa môn nói: “Người vợ nhỏ của nhà này sinh được một đứa con trai, vì sao đưa con ấy lại chết đi?”. Bà vợ lớn nghe nói trong lòng càng sợ hãi, run rẩy chẳng nói nên lời. “Này bà, do bà giết đứa bé ấy, nên người mẹ của nó đau khổ rồi chết theo, vì oan oan tương báo, người mẹ của đứa bé quyết báo thù, nên bảy lần sinh làm con của bà rồi lại chết, để bà phải đau khổ mà chết theo như bà đã gây ra cho người vợ nhỏ. Giờ đây đứa con bà vừa mới chết, bà hãy xa ra thì sẽ biết đứa con ấy thể nào?”. Nghe vị sa môn nói, bà quay lại thì toàn thân đứa con ấy tan rã, hôi thối vô cùng. Trong lòng cảm thấy hổ thẹn khủng kiếp, bà cúi đầu đảnh lễ vị sa môn cầu xin cứu độ.

“Ngày mai bà hãy đến chùa ta sẽ làm lễ qui y cho”. . Ngay khi ấy, xác đứa con gái liền biến thành rắn độc, biết được bà vợ lớn sẽ đi thọ giới, nên rắn nằm ngang chặn giữa đường. Thầy sa môn nói với rắn : “Oan nghiệt đã trải qua mấy đời. Người vợ lớn chỉ giết có một người con của nhà ngươi, tại sao nhà ngươi lại làm khổ người ta đến bảy lần. Tội nhà ngươi rất lớn, hôm nay lại muốn cản đường không cho người ta đi quy y tam bảo nữa, tội này đời đời sẽ đọa vào địa ngục, hiện tại nhà ngươi chỉ là thân rắn đâu được thân người”.

Rắn nghe nói, liền nhớ lại kiếp trước, đau đớn trong lòng, vặn mình uốn khúc, đập đầu xuống đất, hướng về vị sa môn mà sám hối. Vị sa môn nói : Hai người đời trước đã tạo oan nghiệt gây khó cho nhau. Vậy kể từ nay tội lỗi mỗi người sẽ được chấm dứt, đời đời không được có ý niệm giết hại nhau nữa. Cả hai đều ăn năn, rắn độc nhờ sức chú nguyện của vị sa môn liền được thác sinh làm thân người.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây