NHỊ TỔ
THIỆN ĐẠO ĐẠI SƯ
Trích ở những bộ:
“Phật Tổ Thống Kỷ”
“Lạc Ban Văn Loại”
Thiện Đạo Đại Sư người thời nhà Đường. Trong năm Trinh Quán, ngài thấy văn “Tịnh Độ Cửu Phẩm Đạo Tràng” của Đạo Xước Thiền Sư, mừng lắm nói: “Đây mới thật là con đường mau thành Phật. Tu các hạnh môn khác quanh quất khó thành. Duy pháp môn nầy chóng thoát sanh tử”.
Từ đó ngài dốc lòng tinh tấn đêm ngày lễ tụng. Ít lâu ngài đến Trường An khuyến khích tứ chúng niệm Phật.
Mỗi khi ngài vào thất quỳ niệm Phật, nếu chưa thiệt đuối sức thời chưa chịu nghĩ. Lúc ra thời vì chúng mà diễn nói pháp môn Tịnh độ.
Cần khổ tự tu và siêng dạy người, trải ba mươi năm tròn, ngài không ngủ nghĩ.
Ngài lại được giới hạnh tinh nghiêm, không hề sai phạm, dầu là lỗi nhỏ.
Khi được dưng cúng thực phẩm, món ngon tốt thời ngài bảo đem dọn cho chúng dùng, còn phần ngài chỉ dùng thứ xấu dở mà thôi.
Bao nhiêu tài vật của đàn tín thí cho, ngài dùng tả được hơn mười vạn bổn kinh Di Đà, họa cảnh tịnh độ được ba trăm bức. Ngoài ra thời dùng vào việc sửa sang chùa tháp, thấp đèn nối sáng, không để dư một mảy.
Kẻ Tăng người tục đến quy đầu với ngài rất đông, lấy số vạn mà tính. Mọi người cảm đức giáo hóa của ngài, nên ai ai cũng đều tinh tấn tu trì cả: Người thời tụng kinh Di Đà từ mười vạn biến đến năm chục vạn biến. Kẻ thời mỗi ngài đêm niệm Phật từ một vạn đến mười vạn câu. Những người hiện tiền chứng tam muội, lúc lâm chung được vãng sanh có thoại ứng, đông không thể kể xiết.
Có người hỏi: “Niệm Phật chắc được vãng sanh ư?”.
Ngài đáp: “Ông gắng niệm Phật thì sẽ được toại nguyện”.
Đáp xong, ngài tự niệm: “A Di Đà Phật”, liền có một tia sáng từ trong miệng ngài theo tiếng niệm mà xẹt ra. Ngài niệm mười câu đến trăm câu, cứ mỗi câu là xẹt ra một tia sáng dài nối tiếp nhau làm sáng rực cả chùa.
Sự thần dị nầy truyền đến triều đình vua Cao Tông phụng một tấm biển để hiệu chùa là “Quang Minh Tự”.
Ngài có bài kệ khuyên đời như vầy:
Lần lần tóc bạc da mồi
Thắm thoát bước đi lụm cụm
Dẫu rằng: vàng ngọc đầy nhà
Đâu khỏi: già suy bịnh khổ
Mặc ông sung sướng đủ điều
Cái chết nó rồi cũng đến
Duy có đường tắt tu hành
Chỉ niệm: “A Di Đà Phật”.
Có người gạn: “Sao Hòa Thượng không dạy người quán tưởng Phật, mà chỉ bảo người trì danh hiệu Phật thôi”.
Ngài đáp: “Chúng sanh nghiệp chướng nặng nề, tâm thời thô phù mà cảnh Thánh rất tế diệu. Tình thức rộn ràng khó thành tựu quán trí được. Vì lẽ đó nên đức Phật xót thương khuyên người chuyên xưng danh hiệu”.
Chính vì xưng danh hiệu là hạnh dễ làm nên nơi tâm mau được tương tục. Nếu có thể niệm niệm tương tục mãi đến trọn đời, thời mười người niệm, mười người vãng sanh, trăm người niệm trăm người vãng sanh.
Tại sao mà được như vậy?
Vì không có tạp duyên nên được chánh niệm. Vì tương ưng với bổn nguyện của Phật A Di Đà. Vì không trái kinh giáo. Vì thuận theo lời Phật dạy.
Nếu bỏ hạnh chuyên niệm Phật, mà tu nhiều hạnh nghiệp xen tạp khác, thời trăm nghìn người tu khó có được ba bốn người giải thoát.
Tại sao vậy?
Vì tạp duyên loạn động nên mất chánh niệm. Vì không tương ưng với bổn nguyện của Phật. Vì trái với kinh giáo. Vì không thuận theo lời Phật dạy. Vì nhiếp niệm không được tương tục. Vì tâm không thường nhớ ơn Phật. Vì dầu thực hành Phật sự mà thường tương ưng với danh lợi. Vì thích đeo theo việc tạp làm chướng ngại chánh hạnh vãng sanh của tự mình và của người.
Ngày gần đây, thấy những hàng Tăng tục các nơi giải hạnh không đồng nhau: người thường chuyên tu, kẻ thích tạp hạnh.
Nếu chuyên tâm niệm Phật thời quyết định mười người vãng sanh cả mười. Còn tạp hạnh mà không chí tâm, thời ngàn người tu khó được một giải thoát.
Trông mong mọi người nên suy xét cho chín chắn, đi đứng nằm ngồi, đều nên kềm tâm nhiếp niệm khắn chặt nơi Phật, ngày đêm chớ để hở, thệ quyết đến hơi thở cuối cùng. Nếu niệm trước mạng chung, niệm sau liền sanh Cực Lạc. Từ đây vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp thọ hưởng pháp lạc vô vi nhẫn đến thành Phật, như thế há lại không đáng sướng thích lắm ư!
Ngài từng dạy phương pháp trợ chánh niệm cho người lúc lâm chung:
- Phàm người lúc lâm chung muốn sanh về Tịnh độ, cần nhứt chẳng đặng sợ chết. Nên tự suy nghĩ như vầy: báo thân này là gốc khổ. Nó là đãy da đựng đầy đồ dơ nhớp. Nó là gốc của tất cả sự khổ lụy. Nếu ta rời được đống thịt hôi thúi nầy mà siêu sanh tịnh độ, thọ thân vàng kim cương, hưởng vô lượng sự vui thanh tịnhoát hẳn sanh tử luân hồi. Như cỡi áo rách mà đổi lấy trân phục, còn gì thích ý cho bằng.
Suy nghĩ như thế rồi liền phóng hạ thân tâm, đừng có quan niệm tham luyến. Vừa mang phải bịnh, bèn quán vô thường nhất tâm niệm Phật chờ chết.
Lại cần phải dặn người nhà và người đến thăm, hễ khi đến gần mình thời vì mình mà niệm Phật. Nhất quyết không được nói chuyện đời nọ kia, cùng việc nhà việc cửa. Cũng chẳng cần cầu chúc an ủi, vì đều là sự hư hoa vô ích cả.
Nếu bịnh ngặt xắp chết, quyến thuộc chẳng được khóc than, không được mắt mũi sụt sùi, làm loạn động tâm thần, hư mất chánh niệm của người bịnh. Chỉ nên nhắc nhở nhớ Phật, niệm Phật, tưởng Phật, cùng rập nhau to tiếng niệm Phật, để giúp chánh niệm cho người bịnh. Như vậy luôn cho đến lúc người bịnh dứt hơi thở. Nhưng cũng chẳng nên vội động đến thây, phải luân phiên niệm tụng càng lâu càng tốt.
Lúc bịnh cho đến lúc chết, nếu được có người hiểu rành pháp môn Tịnh độ thường đến nhắc nhở chỉ bảo thời may mắn lắm.
Dùng phương pháp trợ niệm ấy thời quyết được vãng sanh không còn nghi ngờ gì nữa.
Việc chết là sự rất lớn, cần phải tự mình gia công, gắng sức mới đặng. Một niệm sai lầm ắt phải chịu khổ nhiều đời nhiều kiếp, ai thay thế cho mình được! Nên tự xét lấy! Nên tự nghĩ lấy!
Một hôm, ngài vội bảo mọi người rằng: “Thân này đáng nhàm, ta xắp sửa về Cực Lạc”.
Rồi ngài tự leo lên ngọn cây dương liễu trước chùa, chấp tay hướng về Tây phương mà nguyện rằng: “Xin Phật tiếp dẫn tôi, Bồ Tát giúp tôi chẳng mất chánh niệm được sanh về Cực Lạc”.
Nguyện xong ngài tự gieo mình xuống. Thân nhẹ nhàng rơi, và tự nhiên ngồi kiết già ngay thẳng trên mặt đất.
Đại chúng vội chạy đến, thời ngài đã tịch rồi.
Một truyện vãng sanh do sức trợ niệm, chứng thật lời Tổ.
DƯƠNG LIÊN HÀNG
Trích ở bộ: “Cận Đại Vãng Sanh Truyện”
Ông Dương Liên Hàng người Triết Giang. Nhà nghèo, thuở trẻ làm nghề buôn bán.
Năm Dân Quốc thứ II, ông thường tới lui nghiên cứu Phật lý với Giác Hàng cư sĩ, dầu văn học của ông cạn ít, nhưng chỗ giải ngộ thì hơn người.
Tháng chín năm Quí Hợi, các đạo hữu trong hội Niệm Phật tại làng đồng nhau làm lễ tuyên thệ “Phát Bồ Đề Tâm”. Ông Liên Hàng liền xin dự hội và đồng tuyên thệ.
Năm Giáp Tý, cuối mùa xuân, nhơn bịnh, ông bèn lén phá giới bất sát, từ đó xa lần các đạo hữu.
Đêm tháng 7, bịnh ông thêm nặng. Các đạo hữu đến thăm và có lời răn nhắc ông. Riêng phần ông cũng tự biết không thể mạnh được, nên ông hết sức ăn năn. Ngày mùng 8 tháng 7, ông gượng bịnh đến trước Phật chí thành phát lộ, gieo mình sám hối, thệ chẳng lại dám phạm giới nữa. Từ giờ đó trở đi bỏ hết các việc, dứt trừ ái dục, chí tâm niệm Phật chờ chết.
Các đạo hữu biết ông công phu niệm Phật kém, nên đến ngày 11, thỉnh người đến nhà trợ niệm cho ông. Ngày rằm, các đạo hữu tự luân phiên đến trợ niệm, cũng từ ngày rằm này, tinh thần của ông lần lần thanh sảng, thân thể khỏe khoắn.
Đến ngày 17, ông bảo mọi người rằng trong giấc mộng ông thấy quang minh như năm sáu ngọn đèn điện. Chiều tối, thấy ông vẫn tươi tỉnh như thường, các đạo hữu cho rằng ông chưa sao. Nên sau một thời to tiếng niệm Phật, các đạo hữu sắp sửa về nhà nghĩ. Nào ngờ lúc ấy trợ niệm đã đắc lực. Ông nghe yên lặng, bèn kêu nói: “Tôi còn chưa được đến Tây Phương, cần phải nhờ chư đạo hữu trợ niệm suốt đêm nay”.
Mọi người nghe ông nói có ý lạ, nên cùng nhau to tiếng niệm Phật. Được nữa giờ, ông bỗng cười và nói rằng: “Tôi đã đến Cực lạc. Ôi! Hoa sen đẹp quá! Ôi! Ao báu rộng lớn quá! Quang minh sáng đẹp quá!”. Rồi ông lại căn dặn mọi người gắng trợ niệm cho ông. Từ giờ này trở đi, ông nằm yên không cựa động, hai mắt chăm nhìn tượng Phật cúng trên bàn trước giường nằm. Đến sáng sớm ngày 18, hai mắt ông mới nhắm lần, hơi thở cũng mãn.
Các đạo hữu chỉ có 4 người, mà trọn đêm trợ niệm không dứt tiếng, niệm đến sau khi ông hết thở một giờ rưỡi, mới gọi người khác niệm thay và không cho thân quyến than khóc.
Đến mười giờ trưa, mọi người cùng khám thây ông, tất cả chỗ đều lạnh. Chỉ trên đỉnh đầu còn ấm nóng.
Ông Dương Liên Hàng được vãng sanh, toàn nhờ sức trợ niệm của các đạo hữu. Năm đó ông được 30 tuổi.
LỜI PHỤ: - Ông Liên Hàng, công phu niệm Phật kém mà lại phá giới “bất sát”, nhờ các đạo hữu tận lực trợ niệm nên được chánh niệm hiện tiền mà vãng sanh. Ông vãng sanh có 2 điều chứng nghiệm: 1- Mãi đến đứt thở mà chánh niệm vẫn vững. 2- Cả thân đều lạnh, chỉ đỉnh đầu còn nóng. Phàm người sau khi chết mà đỉnh đầu nóng sau cùng, đó là triệu chứng được siêu phàm nhập Thánh. Người vãng sanh Cực Lạc liền dự hàng Thánh, trụ bực “bất thối chuyển”, thoát hẳn vòng sanh tử luân hồi, nên đỉnh đầu nóng sau cùng.
Tại sao sự trợ niệm có đại lực như thế?
Vì mọi người, ngoài xác thân tứ đại, ai cũng có một thức thần, tức là tánh hiểu biết. Tánh hiểu biết ấy là công dụng của tự tâm thể (đệ bát thức) Tâm thể này gồm đủ cả năng lực của mọi công dụng, và nó tùy theo duyên nhiễm tịnh, thiện ác mà hiện ra thân và cảnh của tất cả Thánh phàm. Lúc sắp chết, là lúc công dụng hiện ra thân hiện tại đây sắp mãn, và cũng là lúc một năng lực khác sẽ theo trợ duyên để trở nên công dụng kết thành một thân tương lai.
Nhờ sức trợ niệm mạnh, nên mặc dầu người sắp chết, sanh bình thánh nghiệp chưa thành, mà năng lực siêu phàm sẵn có, nơi tự tâm liền theo duyên chánh niệm mà thành công dụng kết nên thân cảnh thanh tịnh: chánh báo và y báo ở Cực Lạc.
Kết quả tốt đẹp này do 2 điều:
A- Trợ duyên. B- Chánh nhơn. Trợ duyên { | 1- Dứt bặt tất cả sự bận lòng như việc gia đình sự nghiệp, quyến thuộc khóc than v.v… 2- Người trợ niệm phải chí thành tận tâm đúng pháp. |
Chánh nhơn { | 1- Người sắp chết phải quên tất cả việc đời. 2- Phải nhứt tâm tha thiết nhớ Phật, niệm Phật, như trẻ thơ rớt hố sâu, mong mẹ đến cứu. |
Phần trợ duyên thứ 1 để giúp nên chánh nhơn thứ 1, vì có dứt tất cả sự bận lòng thời nơi người sắp chết mới có thể quên tất cả sự đời được.
Phần trợ duyên thứ 2 để giúp nên chánh nhơn thứ 2, vì người trợ niệm có tận thành đúng pháp, thời nơi người sắp chết mới có thể phát khởi chánh niệm được.
Người sắp chết, nếu được đầy đủ trợ duyên và chánh nhơn đây thời quyết định vãng sanh, không luận là người tu lâu hay kẻ mới quy tín, cũng không luận người lành hay kẻ dữ.
Ở tập sau của bộ này, ta sẽ được thấy nhiều chứng nghiệm nơi lược sử của tứ chúng vãng sanh.