Cái chết của ngài Tịnh Hải Cư sỉ phải chăng là tấm gương để hàng Phật tử chúng ta noi gương tu tập? Ngài thọ mạng 82 tuổi, hiểu biết đạo Phật rất muộn trên dưới khoảng hơn 20 năm và rốt ráo tu hành khoảng một thập niên Nhưng nhờ công đức viết sách dẫn chứng vấn đề vãng sanh và thu hút nhiều người bao gồm Tăng và Tục phấn tấn tu hành pháp môn Tịnh độ. Ngài là một trong số ít người hoằng hoá pháp môn Niệm Phật. Ngài quan niệm muốn vãng sanh phải chuyêm tâm niệm Phật thành một khối và gần cuối đời ngài đã đóng cửa thất tịnh tu. Niệm Phật thành một khối có nghĩa là không cần nhất tâm mà chỉ niệm nhiều. Càng nhiều càng tốt và khởi tâm tưởng Phật buông xả muôn duyên. Đó là bí quyết của ngài giúp đưa đến kết quả vãng sanh Cực Lạc quốc.
Phần đông người Việt Nam không quan tâm đến việc vãng sanh. Đối với họ, sống một cuộc đời lao nhọc khi buông xuôi họ muốn an lành sanh về một cảnh giới nào đó để gặp lại người thân đã quá vãng. Nhưng thực tế theo giáo lý của Đức Phật thì sau khi chết tuỳ theo nghiệp đã tạo tác sẽ dẫn ta luân hồi qua sáu cõi sanh tử . Quan niệm gặp lại người thân ở cảnh giới u minh chỉ là vọng tưởng, ảo giác trừ phi sanh vào ngạ quỷ (ma). Đức Phật ra đời là giúp chúng ta tu tập giáo lý để giải thoát sanh tử hoặc ít nhất tránh xa đọa trong ba đường ác là Ngạ quỷ, Địa ngục, và Súc sanh. Tiếc thay vì không am tường Phật giáo người ta đã chấp nhận sự tái sanh trong lục đạo chịu nhiều đau khổ oan uổng. Phần lớn chúng ta đọa vào cảnh giới ngạ quỷ (ma) thì nhiều. Hơn một thập niên trước đây phong trào niệm Phật được phổ biến và sau đó là phong trào hộ niệm tức giúp người vãng sanh cũng được đề ra giúp cho vô số người được vãng sanh tức là được tiếp dẫn sanh về nơi cảnh giới Phật. Điều mà trước đó người ta không bao giờ ngờ, cứ nghĩ rằng việc ra đi sanh về cõi Phật là chuyện của chư Tăng, những người xuất gia chân chánh và cao cả. Tuy nhiên ngày nay nhờ phong trào niệm Phật mà số cư sĩ vãng sanh nhiều vô số kể. Nhiều bậc cao minh cho biết số cư sĩ niệm Phật vãng sanh rất nhiều là nhờ vào đức tin Có Cõi Phật A Di Đà và sự tiếp dẫn vãng sanh. Thật sự sở dĩ người tại gia vãng sanh là do nương nơi nguyện lực của Đức Phật A Di Đà. Chứ sức phàm phu không dễ gì sanh về cõi Phật. Chuyện vãng sanh lưu Xá Lợi không còn là chuyện hy hữu trong giới tín đồ Phật giáo nữa . Nó đã trở thành một sự thật hiển nhiên nếu anh tin vào pháp môn tịnh độ chuyên tâm niệm Phật rốt ráo và nguyện sanh về đó tức thì sẽ vãng sanh. Đã có hàng ngàn người ở VN được vãng sanh với ấn chứng phi thường, nhiều người trong số này đã để lại phần di cốt ấn chứng là những viên Xá Lợi màu sắc kỳ diệu. Hàng trăm tín đồ Tăng và Tục ở hải ngoại cũng được vãng sanh do niềm tin vào cõi Tịnh Độ. Chúng ta muốn chấm dứt vòng luân hồi sanh tử trong lục đạo hãy nên phát tâm niệm Phật. Lao xao một đời rồi trầm luân trong khổ cảnh, ta có thể chịu được sao? Khi đến với cuộc đời này ta chẳng mang gì theo, khi ra đi khỏi cuộc đời này ta cũng chẳng mang theo cái gì trừ một nghiệp thức tội lỗi. Đạo lý này ai ai cũng biết nhưng không làm sao tu tập nổi bởi sức hút của hồng trần quá mạnh được trợ duyên bởi tham vọng và lòng ham muốn sự nghiệp thế gian gọi chung là nghiệp chướng u mê. Than ôi! Chỉ có cái khổ đau trần thế vô cùng nghiệt ngã mới đánh thức ta nổi còn kỳ dư sống trong nhung lụa xa hoa một đời chỉ là trầm mê thôi. Danh, sắc, lợi, thực, thuỳ quả là cái bẫy của Ma vương trói buộc con người trong sanh tử. Chỉ có tiếng niệm Phật A Di Đà là đánh bạt được chúng thôi. Mê trong cái ảo mộng của cuộc đời để chuốc lấy bao nhiêu điều bi thiết của sanh ly tử biệt. Có người chết tức tưởi trong cô lạnh nơi rừng hoang núi thẳm, có kẻ thất lạc người thân đến khi nhận được nhau đầu đã bạc hai thứ tóc. Lòng ta đã từng quặn lại đau đớn khi chứng kiến biết bao nhiêu tình cảnh đau thương trong cuộc sống. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Đaọ Phật có mặt ở thế gian này là vì sự khổ đau mê mờ của chúng sanh chớ không phải vì một nguyên nhân nào khác.
Xin nghiêng mình bái phục cư sĩ Tịnh Hải, và thành khẩn khuyến tấn mọi người hãy từ bỏ mọi vọng tưởng chấp trước và nhất là hãy từ bỏ ÁI DỤC, nguyên nhân chính của sanh tử luân hồi.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn